Ai là cha đẻ của nền sử học phương Tây

Toàn cảnh Talkshow

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN và Công ty Cổ phân sách Omega Plus Việt Nam, sang ngày 24/04/2019, tại Phòng Media, Bảo tàng Nhân học, trường ĐH Khoa học XH&NV, Hà Nội đã diễn ra buổi Talkshow “Lịch sử & Tư liệu: Từ cha đẻ nền sử học phương Tây – Herodotus đến thương nhân Đàng Ngoài – Samuel Baron”. Việc tổ chức lựa chọn, dịch thuật, biên tập, xuất bản và công bố hai cuốn sách này là một trong những nỗ lực rất lớn của Omega Plus và của Khoa Lịch sử trong việc giới thiệu và quảng bá những tác phẩm kinh điển của Sử học thế giới đến với bạn đọc Việt Nam phục vụ hữu hiệu cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu lịch sử.  

Buổi nói chuyện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia về Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới, Lý luận Sử học, Khảo Cổ học… và các Thầy Cô giáo, các bạn sinh viên, Học viên Cao học và Nghiên cứu sinh đến từ Khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV; Khoa Lịch sử, ĐHSPHN; Khoa Ngữ văn, ĐHSPHN; Khoa Lịch sử, ĐHSPHN II cùng nhiều bạn đọc đam mê Sử… Đặc biệt, hai dịch giả, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, dịch giả cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài và Ông Lê Đình Chi, dịch giả cuốn Lịch sử [Historiai] cũng có mặt và tham gia rất tích cực vào buổi toạ đàm này.

Trong buổi talkshow, các dịch giả, nhà nghiên cứu Sử, các giảng viên giảng dạy Lịch sử cùng giới thiệu và trao đổi về tác phẩm kinh điển Lịch sử [Historiai] của Herodotus, về Lịch sử, Tư tưởng, Văn hóa phương Tây cổ đại và giá trị trong bối cảnh hiện đại. Đồng thời, các đại biểu cũng bàn luận, soi chiếu với tác phẩm “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” viết về lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII của thương nhân Hà Lan Samuel Baron. Buổi tọa đàm mong muốn đem tới cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và bạn đọc những khía cạnh về phương pháp và tư liệu đã làm nên giá trị lâu dài của hai tác phẩm kinh điển này.

Các diễn giả đồng thời cũng cả những câu chuyện thú vị về dịch thuật, xuất bản cuốn sách. Ông Lê Đình Chi chia sẻ về quá trình dịch thuật và những câu chuyện cá nhân của Sử gia Herodotus. “Thời cổ đại, việc sao chép, lưu truyền sách vở rất khó khăn. Phải cuốn nào kinh điển lắm, có sức truyền bá tốt lắm mới sống sót được trong thời gian dài đến tận thời đại ngày nay. Lịch sử [Historiai] là cuốn sách như thế. Trước Herodotus, không hẳn chưa có ai ghi chép Sử giai đoạn này. Tuy nhiên, chỉ có cái tên Herodotus mới trở thành “cha đẻ của Sử học Tây phương”. Ảnh hưởng của Herodotus đến văn hóa phương Tây hiện đại tôi ví như ảnh hưởng của truyện Kiều đến người Việt Nam thời nay vậy.”

PGS.TS. Hoàng Hồng chia sẻ về cuốn “Lịch sử” của Herodotus

PGS.TS. Hoàng Hồng, Trưởng bộ môn Phương pháp luận Sử học, trường ĐH KHXH&NV chia sẻ đã rất ấn tượng sau khi đã đọc cuốn sách Lịch sử và có phần “”Choáng” vì mức độ đồ sộ của cuốn sách và vì rất nhiều tình tiết, sự kiện, cái tên được nhắc tới kịch tính và thu hút đến bất ngờ. Sách sử nào cũng mang tính chủ quan của người viết, và lối viết của Herodotus chính là ghi chép lại tất cả câu chuyện được nghe kể, được thấy, thậm chí chỉ là “nghe đâu đây”. Có tình tiết tác giả còn chú thích rằng ông không tin lắm, nhưng cứ ghi lại để đời sau đọc, có khi lại chứng minh rằng đúng. Tôi thích lối viết này của Herodotus, nó cho thấy cách nhìn, cách nghĩ của tác giả và nhân dân cùng thời. Nó rất có giá trị trong việc nghiên cứu sử liệu cổ trong thời hiện đại.”

PGS.TS. Văn Ngọc Thành, Trưởng bộ môn Lịch sử Thế giới, trường ĐHSPHN bình luận rất thú vị rằng: “Tôi cứ hình dung đã có một cuộc tranh cãi sử liệu nảy lửa ở thời đại đó của những người chép sử. Nhiều sử gia khác phê phán Herodotus không chính xác, không khách quan. Tuy nhiên tôi nghĩ mỗi người sẽ có quan điểm riêng về nguyên tắc khách quan khi chép sử. Ghi chép để lưu giữ quá khứ, để giải thích những biến cố đã xảy ra và để dự liệu những biến cố trong tương lai. Nhờ cuốn Lịch sử, bạn đọc bây giờ hình dung rõ ràng được Cuộc chiến tranh Hy Lạp và Ba Tư. Herodotus đã đứng trung lập nhìn nhận và kể lại từ góc nhìn của cả 2 phe tham chiến.”

Ông Vũ Trọng Đại tặng PGS.TS Vũ Văn Quân cuốn sách của Herodotus

Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Omega Plus đã khép lại phần bình luận cuốn sách của Herodotus. “Tôi tin rằng những tác phẩm như thế này bổ sung tư liệu quan trọng cho việc giảng dạy sử ở Việt Nam, và cũng bổ sung kiến thức của xã hội về nền tảng văn minh phương Tây. Một cuốn sách như Lịch sử [Historiai] rõ ràng đã mang tầm vóc lớn lao, vượt lên trên thời đại mà Herodotus sống. Chúng tôi, phía đơn vị xuất bản đã cố gắng truyền tải chân thực nhất các cuốn sách gốc đến với bạn đọc Việt, và hi vọng rằng bạn đọc có thể đón nhận, cũng như bình luận, góp ý kể cả phê bình nhiều hơn. Bởi chỉ có như thế, chúng tôi hiểu được rằng những tác phẩm như thế này đã đến được đông đảo công chúng.”

PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn dịch giả cuốn sách “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài”

PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV, dịch giả cuốn sách “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” kể về chuyện dịch thuật cuốn sách và nói nhiều về tác giả Samuel Baron. “Baron xuất thân rất đặc biệt, có mẹ là người Việt và cha là người Hà Lan. Baron viết cuốn sách này thực chất để phê bình sử liệu một cuốn sách khác – cuốn sách viết về Đàng Ngoài của một tác giả chưa từng đặt chân đến Đàng Ngoài. Và bên cạnh sự phê bình đó, Baron đã lột tả chân thực lịch sử vua Lê, chúa Trịnh thời bấy giờ, cùng những phong tục, tập quán Đại Việt thế kỷ XVII.”

TS Đỗ Thị Thùy Lan chia sẻ về cuốn sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài

TS Đỗ Thị Thùy Lan tiếp tục chia sẻ thêm về cuốn sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài và ý nghĩa trong nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. “Tôi đã nghiên cứu và làm luận án về lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII trong thời gian dài, một trong những tài liệu khiến tôi thích thú nhất chính là cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài. Ông Baron không phải “nghe nói” để viết về Đàng Ngoài. Mà chính ông mang dòng máu người Đàng Ngoài và là chứng nhân đương thời. Nên giá trị sử liệu của cuốn sách là rất lớn. Baron viết rất tỉ mỉ về lịch sử, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng… Việt Nam thời bấy giờ. Tuy nhiên, trong cuốn sách tác giả cũng đã sử dụng cách viết cường điệu, nói quá để nhiều tình tiết trở nên kỳ thú. Bởi vậy, chúng ta cũng cần vừa đọc, vừa đối chiếu để có thêm nhiều góc nhìn và sự phê bình sử liệu.”

Trong buổi nói chuyện, nhiều giảng viên trẻ, các bạn sinh viên, học viên Cao học cũng tham gia đặt câu hỏi, trao đổi sôi nổi về hai tác phẩm, công việc dịch thuật, cũng như phương pháp nghiên cứu, giảng dạy, học tập môn Lịch sử

PGS.TS Vũ Văn Quân tại Talkshow

Kết thúc buổi talkshow, PGS.TS. Vũ Văn Quân, Trưởng khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV đã tổng kết buổi nói chuyện, đồng thời giới thiệu về sự hợp tác giữa Khoa Sử và Công ty CP Sách Omega Việt Nam. Thầy mong muốn rằng những buổi nói chuyện, giới thiệu sách về Sử học như thế này cho sinh viên, giảng viên sẽ diễn ra thường xuyên, định kỳ; không chỉ dành riêng cho khoa Sử ĐHKHXH&NV, mà còn mở rộng cho tất cả sinh viên, bạn đọc yêu thích Lịch sử ở Việt Nam. Omega Plus cũng kỳ vọng rằng, sự hợp tác dài hạn này sẽ khích lệ niềm yêu thích Lịch sử, đồng thời giới thiệu được nhiều nguồn tư liệu quý về Sử học tới các bạn trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên, giảng viên nói riêng. Omega Plus gửi lời cảm ơn tới các diễn giả, các khách mời, các bạn sinh viên, các thầy cô giảng viên và các bạn đọc đã đến tham dự sự kiện ngày hôm nay.

Các Diễn giả, Quý Thầy Cô, anh chị em tham dự chụp ảnh lưu niệm.

Khoa Lịch sử, Omega+

Video liên quan

Chủ Đề