Các học thuyết kinh tế của Adam Smith

Full PDF PackageDownload Full PDF Package

This Paper

A short summary of this paper

37 Full PDFs related to this paper

Download

PDF Pack

TƯ TƯỞNG KINH TẾ CỦA

ADAM SMITH

[1723 – 1790]

     Lời Tác Giả: Để giúp độc giả hiểu hơn về các nền kinh tế trên thế giới, tôi xin lần lược trình bày ngắn gọn các tư             tưởng chính yếu của các nhà kinh tế lớn trong lịch sử kinh tế thế giới. Trong số các kinh tế gia vĩ đại từng có những         đóng góp quan trọng vào sự tiến trình kinh tế học, Adam Smith, Karl Marx, John M. Keynes, và Milton Friedman có         thể được coi là những nhà kinh tế quan trọng nhất trong mọi thời đại vì tư tưởng của họ đã ảnh hưởng một cách             sâu rộng trên các hệ thống kinh tế khác nhau trên thế giới qua các thời đại.

Tư tưởng đầy quyền lực của các nhà trí thức phổ biến rộng rãi qua sách vở và hệ thống truyền thông có ảnh hưởng to lớn, không chỉ đối với các cộng đồng trí thức mà còn đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Những tư tưởng này có ảnh hưởng sâu rộng đến vận mệnh của xã hội và cả một nền văn minh. John M. Keynes, một nhà kinh tế lớn trong tiền bán thế kỷ 20, đã viết:

      "Những tư tưởng của các kinh tế gia và các nhà triết học chính trị, cả khi họ đúng và lúc họ sai, đều có đầy quyền           năng hơn ta thường hiểu. Thật vậy, ít có điều gì khác thống trị thế giới như thế. Những người sống thực tế, kẻ tự             tin rằng mình có thể được miễn trừ khỏi bất cứ một ảnh hưởng trí thức nào, thường là nô lệ của một kinh tế gia đã           quá cố nào đó."-

        John M. Keynes 

Thật vậy, tư tưởng kinh tế của Adam Smith được phổ biến trong hậu bán thế kỷ 18 đã trở thành nền tảng của hệ thống kinh tế thị trường tự do, đưa đến sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia phát triển hiện nay. Ngược lại, tư tưởng của Karl Marx phát sinh vào thế kỷ 19 đã tạo ra nền tảng của chủ nghĩa cộng sản, thống trị gần 1/3 dân số thế giới trong thế kỷ 20. Hậu quả là hàng triệu người đã bị chết đói và nhiều thế hệ ở nhiều quốc gia đã phải sống khốn khổ vô cùng. Ở đây tôi xin bắt đầu với tư tưởng kinh tế của Adam Smith.

Adam Smith [16 tháng 6 năm 1723 - 17 tháng 7 năm 1790] là một nhà triết học xã hội xuất sắc và là nhà tiên phong của nền kinh tế thị trường tự do. Mặc dù viết rất nhiều [190 tác phẩm], Adam Smith nổi tiếng với hai tác phẩm khuôn mẫu [classic], đó là Lý thuyết về Tình cảm Đạo đức [1759][i] và Điều tra về Bản chất và Nguyên nhân của sự Giàu có của các Quốc gia [1776][ii]. Về sau, tựa của cuốn sách nầy thường được viết tắt là Sự Giàu có của các Quốc gia[iii] [The Wealth of Nations], được coi là kiệt tác của ông và là công trình đầu tiên của kinh tế học tân thời.

                                                                                                                                                                                      Adam Smith, được coi là cha đẻ của hệ thống kinh tế thị trường tự do. Quan điểm của ông về bản chất của con người và xã hội rất thiết thực. Ông tin rằng tư lợi hợp lý [the rational self-interest] của cá nhân là động cơ thúc đẩy xã hội giải quyết các vấn đề do tình trạng khan hiếm tạo ra. Ông cũng cho rằng khi tư lợi cá nhân được tôn trọng, cả xã hội sẽ đạt được những lợi ích tối hảo. Ông viết,

     "Không phải vì lòng nhân từ của người bán thịt, người sản xuất la-ve [bia], hoặc người làm bánh mà ta mong có              cho bữa ăn của ta; nhưng chỉ vì cái tư lợi của chính họ."[iv]

Thật vậy, không phải vì mối quan tâm vị tha của họ đối với sự an lạc của kẻ khác mà những người làm bánh và người bán thịt cung cấp bánh mì và thịt cho ta. Họ làm như thế vì muốn có số tiền mà ta trả khi mua sản phẩm của họ. Trên thực tế, các nhà sản xuất tranh nhau sản xuất hàng hóa và dịch vụ tốt hơn với chi phí tối thiểu để bán cho người tiêu thụ hầu đạt được lợi nhuận tối đa. Người tiêu thụ và nhà sản xuất, cả hai đều đạt được cái mà họ mong muốn khi dùng tiền để mua hàng hóa. Người tiêu thụ cần hàng hóa và dịch vụ để tiêu thụ, trong khi đó nhà sản xuất muốn bán hàng hóa và dịch vụ để kiếm lời.

Trong nền kinh tế thị trường tự do, các nhà sản xuất kiếm được lợi nhuận cao vì họ cung cấp cho giới tiêu thụ các sản phẩm mà người tiêu thụ cần đến và ưa thích. Nếu một công ty không cung cấp hàng hóa và dịch vụ có giá trị, không ai muốn mua, công ty này sẽ phải chịu lỗ và cuối cùng phải đóng cửa.

Cũng tương tự như thế, trên thị trường lao động, người công nhân làm việc chỉ vì tư lợi của mình. Tuy nhiên, họ mang lại lợi ích cho xã hội bởi vì khi làm việc để lấy tiền trên một thị trường cạnh tranh, người công nhân phải tạo ra những gì người khác cần đến hoặc mong muốn. Adam Smith viết:

     "Anh ta [người công nhân] chỉ muốn đạt được cái tư lợi của riêng mình, và trong trường hợp nầy cũng như trong            nhiều trường hợp khác, một bàn tay vô hình dẫn dắt và thúc đẩy anh ta đến một kết quả ngoài ý định của mình."[v]

Trên thực tế, có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự phục vụ tha nhân và việc thu nhận lợi tức. Lợi tức mang lại cho người công nhân động lực để làm việc chăm chỉ và phát triển các năng khiếu để cung cấp cho người khác những hàng hóa hoặc dịch vụ có giá trị mà họ quý chuộng.

Adam Smith tin rằng nền kinh tế sẽ phát triển nhanh chóng trong một môi trường tự do cạnh tranh và hoạt động theo luật tự nhiên của vũ trụ. Tư tưởng này là nền tảng của hệ thống kinh tế thị trường tự do. Ông nhấn mạnh rằng tư lợi cá nhân không phải là vô đạo đức. Ông giải thích:

     "Con người hầu như thường xuyên có dịp cần sự giúp đỡ của người anh em của mình, và thật là vô vọng nếu anh            ta mong đợi điều đó chỉ do lòng nhân từ của người anh em mà thôi." [vi]

Adam Smith khẳng định rằng một nền kinh tế có thể hoạt động một cách tốt đẹp trong một thị trường tự do, nơi mà mọi người làm việc vì lợi ích của riêng mình. Nghĩa là nền kinh tế sẽ hoạt động mỹ mãn nếu chính phủ để mọi người tự ý mua và bán tự do. Đó là vì nếu mọi người được phép giao dịch tự do, các nhà giao dịch vì tư lợi trên thị trường sẽ cạnh tranh với nhau đưa thị trường đến mức xuất lượng cao với sự trợ giúp của một bàn tay vô hình; đó là giá cả thị trường.

Giá cả thị trường được coi là “bàn tay vô hình” vì đây là một lực lượng thị trường vô hình giúp sức cung và cầu hàng hóa và dịch vụ trong một thị trường tự do đạt đến trạng thái quân bình tự động[vii]. Thật vậy, các nhà sản xuất luôn ấn định một giá tối thiểu cho món hàng. Cái giá nầy phải đủ để trang trải phí tổn sản xuất của món hàng đó và một số lời phải chăng. Người sản xuất sẽ sẳn sàng bán món hàng khi người tiêu thụ trả một giá bằng hoặc cao hơn giá tối thiểu mà nhà sản xuất ấn định. Ngược lại, người tiêu thụ tự ấn định một giá tối đa cho món hàng mà họ sẵn sàng mua. Do đó, nếu cái giá của người tiêu thụ bằng cái giá của nhà sản xuất ấn định, thì cuộc mua bán món hàng sẽ được thực hiện, và cả hai bên mua và bán đều được thỏa mãn. Do đó, giá cả được coi là một “bàn tay vô hình” giúp cho thị trường tự do hoạt động một cách mỹ mãn và tự động đạt đến trạng thái quân bình tối hảo. Thí dụ, nếu giá bán của một món hàng quá cao [cao hơn giá quân bình] thì số cung [số bán] của món hàng đó sẽ cao hơn số cầu [số mua] vì người tiêu thụ sẽ mua ít hơn, tạo nên tình trạng thặng dư [ứ đọng] hàng hóa. Trong trường hợp nầy nhà sản xuất [người bán] phải hạ giá để bán hết hàng ứ đọng. Khi giá hạ, số lượng cầu [mua] sẽ tăng lên cho đến khi số lượng cầu bằng số lượng cung và trị trường của món hàng trở lại thế quân bình. Ngược lại, nếu giá bán của món hàng quá thấp [thấp hơn giá quân bình], tạo nên tình trạng thiếu hụt hàng hóa do người tiêu thụ mua nhiều hơn vì giá hàng quá rẻ. Trong trường hợp nầy, số cầu sẽ cao hơn số cung và, do đó, nhà sản xuất [người bán] sẽ tăng giá. Khi giá tăng số cầu sẽ giảm xuống cho đến khi số cầu bằng số cung và nhờ đó thị trường sẽ trở lại thế quân bình. Rõ ràng giá cả thị trường đóng vai trò “bàn tay vô hình” để mang đến tình trạng quân bình trên thị trường mà không cần chánh phủ hoặc cơ quan nào khác can thiệp vào.

Ngày nay, lý thuyết "bàn tay vô hình" được trình bày như một hiện tượng tự nhiên. Nó hướng dẫn nền kinh tế thị trường tự do đạt được sự hữu hiệu qua lực lượng cung và cầu. Chính tư lợi cá nhân, được bảo đảm bởi quyền tư hữu[viii], là động lực khiến cho cá nhân trong xã hội tranh nhau để canh tân và sáng tạo hàng hóa và dịch vụ mới để phục vụ con người và xã hội. Ngược lại, trong một nước mà quyền tư hữu và tư lợi cá nhân bị cấm, con người không có động lực hoặc niềm khích lệ để làm việc, canh tân và sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ mới để phục vụ con người và xã hội. Do đó, trong các nền kinh tế chỉ huy, chính quyền kiểm soát hoàn toàn các hoạt động kinh tế và người dân không có quyền tư hữu cũng như tư lợi cá nhân, cả nước phải lâm vào tình trạng nghèo nàn. Chính vì thế mà Liên Bang Sô Viết đã phải sụp đổ, nước Nga và các quốc gia Đông Âu đã bỏ hệ thống kinh tế chỉ huy và chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Tưởng cũng nên lưu ý rằng mặc dù tin vào "bàn tay vô hình" giúp nền kinh tế thị trường tự do tăng trưởng và phát triển một cách hữu hiệu mà không cần có sự can thiệp của chính phủ, Adam Smith thừa nhận rằng chính phủ cũng có một vai trò quan trọng. Đặc biệt, ta cần chính phủ giám sát việc thực thi các hợp đồng giữa các cá nhân [hoặc các nhóm cá nhân] và cung cấp các tiện nghi công cộng như đương sá và cầu cống. Quan điểm kinh tế của Adam Smith là nền tảng của kinh tế học cổ điển [classical economics] về kinh tế thị trường tự do. Dựa vào lý thuyết nầy mà nền kinh tế thị trường tự do hiện hành được thành hình.

Nguyễn Văn Sáng

[i] The Theory of Moral Sentiments [1759]

[ii] An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations [Vol. 1, 1776]

[iii] The Wealth of Nations

[iv] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations [Vol. 1, 1776]

[v] ibid

[vi] ibid

[vii] Thị trường đạt được thế quân bình khi số cung bằng số cầu, nghĩa là không có sự thiếu hụt hay thặng dư hàng hóa trên thị trường.

[viii] Điều 17 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền [The Universal Declaration of Human Rights, UDHR] có quyền đối với tài sản như sau:

[1] Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản một mình cũng như liên kết với những người khác.

[2] Không ai bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.

Video liên quan

Chủ Đề