Cách viết bài đăng tạp chí khoa học

Biên tập bài báo nghiên cứu khoa học xã hội

Trên thực tế, các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam thường có Thể lệ đăng bài, cũng như đã có nhiều tài liệu hướng dẫn viết bài báo nghiên cứu khoa học được dễ dàng tìm thấy trên mạng internet. Đồng thời, đa số người viết bài nghiên cứu là thạc sỹ, nghiên cứu sinh hoặc tiến sỹ, nên đã có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, hiểu biết về thể thức, yêu cầu viết một bài nghiên cứu nói chung. Vì thế, bài viết này giới hạn trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm dành cho những người mới làm quen với việc viết bài báo gửi đăng trên tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội trong nước, nhìn từ góc độ biên tập.

Bố cục chặt chẽ, khoa học

1. Các bài viết nên [cần] có phần Tóm tắt, thông thường nên giới hạn dưới 200 [hoặc 250] chữ, cho biết vắn tắt mục đích, phương pháp, giới hạn vấn đề nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và khuyến nghị [hoặc giải pháp]. Nên viết về những vấn đề quan trọng nhất của bài, có sử dụng từ khóa quan trọng trong nội dung bài viết, không nên viết quá chung chung, và hạn chế viết tắt hay chú thích trong phần này. Có thể có thêm phần tóm tắt tiếng Anh, tùy vào yêu cầu của mỗi tạp chí.

2. Mỗi bài viết nên có từ 3-5 Từ khóa [keywords]; đây là điều cần thiết để người đọc dễ theo dõi, nhận biết nội dung chính của bài viết, cũng như thuận lợi cho việc tìm kiếm, tra cứu nội dung liên quan đến từ khóa trong cơ sở dữ liệu những bài viết đã được xuất bản. Đối với các tạp chí có phiên bản điện tử thì Từ khóa cũng giúp ích rất nhiều cho việc tìm kiếm nhanh trên website cũng như qua các công cụ tìm kiếm như google, bing, coccoc

3. Đối với các nghiên cứu thực chứng, sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích định lượng, mô hình tuyến tính, phân tích hồi quy trong khoa học xã hội nói chung, bố cục thường gồm các phần chính, dựa trên tiến trình nghiên cứu là: giới thiệu [câu hỏi nghiên cứu, lý thuyết], thiết kế nghiên cứu; trình bày dữ liệu, phương pháp nghiên cứu; thực hiện nghiên cứu [kiểm tra, thu thập, phân tích dữ liệu], kết quả nghiên cứu; và thảo luận[1]. Trong đó, phần giới thiệu nên đặt ra những câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu, cũng như giới hạn vấn đề cần nghiên cứu; tiếp đó là phần hệ thống các lý thuyết liên quan và phương pháp nghiên cứu, phân tích, trình bày, giải thích các số liệu nghiên cứu được sử dụng trong bài viết.

Sau phần trình bày kết quả nghiên cứu, phần thảo luận làm rõ những vấn đề quan trọng nhất được rút ra từ kết quả đó. Cần đánh giá kết quả nghiên cứu có liên quan như thế nào đến câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu có đóng góp gì tích cực cho vấn đề nghiên cứu, có gợi mở gì cho những nghiên cứu trong tương lai? Có những khuyến nghị, hàm ý chính sách gì?

Hiện nay ở trong nước có một số tạp chí đã đi theo hướng khuyến khích xuất bản các bài báo nghiên cứu khoa học như vậy, phù hợp với nhiều tạp chí khoa học quốc tế, ví dụ như thiết kế nghiên cứu thực nghiệm xã hội, thực nghiệm đích thực [true experimental design] hoặc giả thực nghiệm [quasi-experiment], nghiên cứu thực địa, nghiên cứu tình huống v.v.

4. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng những bài viết theo khuôn mẫu như trên là chưa nhiều trong các nghiên cứu khoa học về nhà nước, chính sách, pháp luật ở nước ta[2].

Mặc dù có thể khác nhau về bố cục, cấu trúc văn bản, cách tiếp cận vấn đề, những bài viết nghiên cứu lý thuyết[3], nghiên cứu diễn giải, bài sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, thường bao gồm các nội dung chính là:

  • Cơ sở lý luận chung, nghiên cứu, tổng hợp các lý thuyết chuyên ngành, kinh nghiệm quốc tế [nếu có];
  • Tiếp đó là phân tích, bình luận, thực trạng vấn đề nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay [nếu có phân tích số liệu thì đa phần là dữ liệu thứ cấp, dùng minh họa là chính];
  • Sau cùng là kết quả nghiên cứu, giải pháp cho vấn đề, rút ra bài học kinh nghiệm, hay khuyến nghị cải cách, hoặc góp ý sửa đổi, bổ sung [ví dụ đối với các văn bản quy phạm pháp luật]

5. Cũng có một số ngoại lệ, ví dụ như những bài viết góp ý cho các dự án luật, có thể nêu từng vấn đề trong các điều luật và góp ý trực tiếp phương án sửa đổi, bổ sung, tuy vậy, vẫn cần có những lập luận khoa học, dẫn chứng thuyết phục. Số lượng những bài viết như vậy được xuất bản thường thấp.

6. Thực trạng nghiên cứu hiện nay thì rất khó để yêu cầu các bài nghiên cứu diễn giải, nghiên cứu định tính đều phải đúng chuẩn. Một tạp chí thường cũng gặp khó khăn đầu vào khi đặt vấn đề áp dụng nhiều tiêu chí để yêu cầu nâng cao chất lượng bài viết. Nếu để xuất bản cho đủ số lượng, đúng thời gian định kỳ thì nhiều khi Tòa soạn phải cân nhắc vấn đề chất lượng và ngược lại. Thực tế là có những tác giả được đăng nhiều bài hơn, không phải vì thân quen với tòa soạn, mà vì đã quen và hiểu các yêu cầu thể thức văn bản, cách thức diễn giải, lập luận, trình bày ý tưởng nên bài viết ít sạn, thường được biên tập và duyệt nhanh hơn.

7. Bên cạnh đó, nhiều tác giả sử dụng văn phong không phù hợp, từ ngữ thể hiện suy diễn chủ quan, cảm tính, không tham khảo, trích nguồn tài liệu, bố cục không chặt chẽ nên bài viết rất khó được chấp nhận sử dụng.

Cân bằng giữa lý luận và thực tiễn[4], nâng cao tính phản biện

1. Nội dung bài viết chú trọng nhiều đến nghiên cứu lý thuyết, hay thực tiễn còn tùy thuộc vào lĩnh vực, chủ đề của bài nghiên cứu. Nếu là những nghiên cứu dựa trên bằng chứng, phân tích định lượng, thảo luận kết quả và đưa ra các khuyến nghị như đã nói ở phần trên, thì thường đáp ứng được các yêu cầu chung của một bài nghiên cứu khoa học, vừa có tính lý luận lại vừa có tính ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, các tác giả cũng cần gửi kèm các báo cáo dẫn chứng thu thập số liệu sơ cấp và phương pháp phân tích để có thể thuyết phục tòa soạn, cũng như thuận lợi cho việc phản biện khoa học.

2. Đối với đa số các bài nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu định tính, cùng với thời gian thì những nội dung lý thuyết liên quan đã được nghiên cứu và xuất bản ngày càng nhiều lên trong cơ sở dữ liệu của một tạp chí, dễ dẫn tới trùng lặp về nội dung nghiên cứu trong một chuyên ngành hẹp của khoa học xã hội. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, có xu hướng cần những bài viết có tính phản biện cao, bên cạnh những điểm mới, cần gắn lý luận với thực tiễn. Do đó, các tác giả nên cân bằng giữa tiếp cận nghiên cứu lý thuyết với nghiên cứu thực tiễn, lựa chọn được các phương pháp nghiên cứu phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao tính ứng dụng của công trình nghiên cứu trong thực tế, phản biện chính sách dựa trên bằng chứng, góp phần giải quyết được các vấn đề kinh tế xã hội, phù hợp với đặc thù nước ta.

3. Mặc dù vậy, chính tòa soạn và Ban biên tập cũng có thể gặp tình huống trong một số xuất bản có nhiều bài với chất lượng bài viết không đồng đều. Không phải bài nào cũng đã đảm bảo được các tiêu chuẩn một bài nghiên cứu khoa học, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích và yêu cầu chất lượng nội dung như trên lý thuyết. Nâng cao chất lượng nghiên cứu phải đến từ hai phía, mà các tác giả bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng nhất đối với chất lượng sản phẩm nghiên cứu.

Cẩn thận trong trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo

1. Nguồn tài liệu trích dẫn là rất quan trọng đối với bài viết nghiên cứu khoa học. Nguồn dữ liệu được trích dẫn có độ tin cậy cao sẽ góp phần nâng cao tính thuyết phục và chất lượng của bài viết. Bài viết nên trích dẫn từ các văn kiện chính thức, các công trình nghiên cứu đã công bố trên các tạp chí, nhà xuất bản có uy tín cao, nguồn cơ sở dữ liệu học thuật lớn, các trung tâm nghiên cứu, trường học và tác giả uy tín trong nước và quốc tế[5]. Người viết có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ, như chương trình EndNote để tạo cơ sở dữ liệu về nguồn tài liệu trích dẫn. Thể lệ đăng bài thường có hướng dẫn chi tiết cách trình bày tài liệu tham khảo theo yêu cầu của mỗi Tòa soạn [có thể khác nhau trong cách trình bày Tài liệu tham khảo, tuy nhiên, các tác giả nên làm quen với các kiểu trình bày phổ biến trên các tạp chí quốc tế].

2. Trên thực tế, rất nhiều bài viết chậm được duyệt đăng do biên tập viên [BTV] cần phải trao đổi, yêu cầu tác giả bổ sung vì thiếu nguồn trích dẫn, hoặc sử dụng từ ngữ cảm tính, suy diễn chủ quan, không dựa trên những dẫn chứng nghiên cứu khoa học hay lý thuyết chung.

Tránh đạo văn

1. Bài viết có những trích dẫn tài liệu tham khảo từ các nguồn dữ liệu học thuật có độ tin cậy cao, chú thích rõ ràng sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp, cẩn thận trong nghiên cứu khoa học của tác giả. Đồng thời, nó cũng hạn chế rủi ro từ việc đạo văn.

2. BTV thường đọc rất nhiều bài viết chuyên ngành, tiếp xúc với cơ sở dữ liệu rất lớn, và sử dụng các công cụ tìm kiếm trên internet, nên có thể dễ dàng phát hiện việc sao chép nguyên cả đoạn văn, câu văn mà không có trích dẫn, chú thích, hoặc trích dẫn cẩu thả, sao chép, trùng lắp thông tin, ý tưởng từ các công trình nghiên cứu khác đã được công bố. Một bài viết được phát hiện đạo văn sẽ không được xuất bản.

Chú ý thể thức trình bày văn bản

1. Các tạp chí chuyên ngành đều có thể lệ đăng bài, với những yêu cầu chung về cách thức trình bày một bài nghiên cứu. Bài viết đã được tác giả trình bày theo đúng yêu cầu về định dạng, mẫu thể thức văn bản thì dễ gây thiện cảm ban đầu với tòa soạn. Việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho BTV tập trung biên tập phần liên quan đến nội dung, ý tưởng và cách thức thể hiện ý tưởng của tác giả bài viết.

2. Những bài viết quá dài hoặc quá ngắn, không đảm bảo yêu cầu về độ dài theo quy định của tòa soạn, sẽ làm chậm quá trình biên tập, kéo dài thời gian chờ xét duyệt sử dụng.

Viết chính xác, rõ ràng, xúc tích

1. Mặc dù BTV tôn trọng phong cách viết giọng văn riêng của mỗi tác giả, nhưng nhìn chung, bài nghiên cứu khoa học cần đảm bảo văn phong khoa học, độ chính xác của thông tin; các từ ngữ nên được sử dụng rõ ràng, mạch lạc; câu văn cần ngắn gọn, xúc tích. Thay vì dùng các từ đa nghĩa, các cấu trúc câu phức tạp, nên lựa chọn sử dụng các từ đơn ngắn gọn, cấu trúc câu chủ động, đơn giản[6].

2. Tiêu đề bài viết [tít bài], tóm tắt, từ khóa là rất quan trọng và gây ấn tượng đầu tiên.

BTV thường đọc phần này trước để hiểu qua về nội dung bài viết, và sau khi biên tập nội dung xong thì sẽ quay trở lại để xem tiêu đề, tóm tắt và các từ khóa đã thực sự phù hợp, hay và đạt chưa.

3. Mỗi đoạn văn chỉ nên gồm một ý chính. Tiếp đó, các ý hỗ trợ có vai trò làm rõ, củng cố luận cứ cho ý chính. Có thể sử dụng các ví dụ minh họa.

4. Những bài viết không đảm bảo các tiêu chí trên thường ảnh hưởng đến việc trình bày ý tưởng của tác giả, chiếm rất nhiều thời gian biên tập.

5. Tùy thuộc vào phong cách của mỗi Tạp chí, có thể yêu cầu kiểu viết trực tiếp đi thẳng vào nội dung vấn đề chính. Vì thế, các tác giả nên hạn chế viết quá dài phần Giới thiệu, Dẫn nhập, Bối cảnh Nên để dành chữ cho những nội dung tâm đắc nhất.

Có những Tạp chí không quá quan trọng một bài viết chuẩn bố cục nghiên cứu khoa học, mà ưu tiên cho bài viết có nội dung chất lượng, có ý tưởng hay, lập luận thuyết phục nên có thể lược bỏ những phần dẫn nhập, lý thuyết chung Tất nhiên không phải trường hợp tùy tiện duyệt đăng bài kém chất lượng. Viết nhiều cho một tờ báo hay tạp chí rồi thì sẽ quen khẩu vị mỗi tòa soạn.

6. Không nên tốn chữ viết ra ngoài vấn đề chính quá xa, điều quan trọng là nói được những đóng góp nghiên cứu khoa học mới của bài viết một cách rõ ràng, đơn giản, liền mạch, dễ hiểu.

Hạn chế các lỗi thường gặp

1. Các lỗi chính tả, lỗi ngắt câu, câu không hoàn chỉnh, quá nhiều ý khác nhau trong một câu văn, một đoạn văn; các phần không liền mạch, logic; kết luận nêu các vấn đề không liên quan đến các nội dung nghiên cứu trước đó, hoặc liên hệ quá rộng, quá trừu tượng là những lỗi thường gặp.

2. Vì thế, trước khi gửi bài đến tòa soạn, người viết nên tự đọc và nhờ người khác đọc kiểm tra trước để hạn chế các lỗi này. Một bài viết có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp sẽ làm cho quá trình biên tập kéo dài, hoặc bài viết bị để chậm lại nhằm ưu tiên cho những tác giả khác viết cẩn thận hơn.

Chủ động, tích cực, thiện chí

1. Dù chủ động gửi bài, hoặc được tòa soạn đặt bài thì cũng không đảm bảo chắc chắn bài viết đã hoàn thiện, không cần biên tập thêm. Vì thế, nếu BTV liên lạc trao đổi về bài viết thì các tác giả nên chủ động, tích cực hợp tác.

2. Không phải biên tập nghĩa là cứ phải sửa thật nhiều câu chữ của tác giả. Chỗ nào thực sự không cần thiết sửa thì nên giữ giọng văn của tác giả. Không phải biên tập đã sửa rồi thì tác giả không đồng ý cũng phải chấp nhận. Nếu tác giả không đồng ý với quan điểm biên tập thì nên/cần có những giải thích rõ ràng, thiện chí nhằm có được sự thống nhất chung. Tác giả chịu trách nhiệm về nội dung bài viết, là người sáng tạo tác phẩm, tuy nhiên, tòa soạn cũng cần đảm bảo rằng bài viết đáp ứng đúng các tiêu chí chất lượng chuyên môn và phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động.

3. Bài không được đăng thì không nói đến ở đây. Có một số trường hợp bài đã được xuất bản nhưng sau đó chính tác giả bài viết đó lại phàn nàn về lỗi biên tập, thậm chí là không còn nhận ra bài viết của mình nữa Khách quan thì có thể đúng phần nào, nhưng [đa phần] là chưa đúng. Nếu làm chặt chẽ và cẩn thận thì Tòa soạn sẽ chỉ xuất bản những bài viết mà trước đó các tác giả đã xác nhận đồng ý với những nội dung đã được biên tập [ngay cả những bài biên tập rất ít hoặc chỉ cần sửa chính tả]. Và ở chiều ngược lại, nhiều bài viết thực sự đã được người biên tập nâng tầm; hoặc đã rất nhẹ tay. Vì thế, nên giải quyết vấn đề, nếu có, một cách thiện chí.

4. Trên thực tế, có trường hợp bài viết đã qua cả một quy trình biên tập, đọc soát trước khi in và được xuất bản, nhưng vẫn có thể còn có lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật trong thao tác biên tập máy làm cho câu chữ tối nghĩa; hoặc những lỗi chuyên môn sâu [nguyên nhân từ phía tác giả hoặc phía tòa soạn] Nếu cần thiết thì tòa soạn có thể đăng tin đính chính ở các số sau, cá biệt có trường hợp phải in lại cả một quyển tạp chí chỉ vì phát hiện một bài viết có lỗi. Điều đó cho thấy, biên tập không hề là một công việc dễ dàng.

Gửi bài sớm, đủ thông tin liên lạc

1. Một bài nghiên cứu khoa học được xuất bản trên tạp chí chuyên ngành có uy tín cần qua nhiều bước trong quy trình biên tập, phản biện kín trước khi duyệt đăng. Vì thế, các tác giả nên chủ động viết và gửi bài sớm đến tòa soạn để có thể được xuất bản sớm. Rất nhiều bài viết từ khi gửi đến tòa soạn, phải chờ đợi đến hơn 6 tháng để được đăng tải chính thức.

2. Những cộng tác viên mới gửi bài viết lần đầu cần gửi kèm thông tin liên lạc để thuận tiện cho việc biên tập, liên hệ giữa tòa soạn, BTV với tác giả. Tòa soạn tạp chí thường có danh sách chi tiết về các cộng tác viên viết bài.

3. Để giúp các cộng tác viên viết bài dễ hình dung một quy trình biên tập chặt chẽ, dưới đây là một ví dụ minh họa các bước mà một bài viết cần trải qua, từ lúc gửi bài đến khi được duyệt đăng. Nếu như quá trình viết bài, từ ý tưởng nghiên cứu, lập đề cương chi tiết, đến lúc hoàn thành đã cần rất nhiều thời gian, công sức, thì việc được xuất bản trên một tạp chí có uy tín, nhìn chung là không đơn giản.

Ví dụ tham khảo về một Quy trình biên tập[7]

1. Thông thường, các bài viết gửi về Tòa soạn sẽ được Phòng Thư ký tòa soạn sàng lọc lần đầu, chỉ những bài viết có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng chuyên môn và thể thức văn bản mới được đưa vào ngân hàng bài. Sau đó, định kỳ hàng tuần, dựa trên định hướng chủ đề đã được phê duyệt chung, các bài viết phù hợp sẽ được chuyển đến Phòng Biên tập, theo thứ tự ưu tiên về thời gian, bài gửi sớm thì chuyển biên tập sớm.

2. Các BTV nhận biên tập những bài viết phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, hoặc theo phân công. Trong quá trình biên tập lần đầu, nếu thấy bài viết có nhiều lỗi trình bày, bố cục, trích dẫn nguồn tài liệu, hay các vấn đề liên quan đến nội dung chuyên môn chưa rõ ràng thì BTV sẽ trao đổi với tác giả để sửa chữa, bổ sung kịp thời. Bài viết do tác giả gửi lại sẽ được BTV tiếp tục biên tập. Chính vì vậy, bài viết càng ít lỗi, càng rõ ràng mạch lạc thì càng được biên tập nhanh.

BTV có thể trực tiếp nhận xét, đánh giá, kiến nghị về nội dung chuyên môn của bài viết, và chuyển bài đã biên tập đến lãnh đạo phòng. Mặc dù quy trình biên tập trên lý thuyết còn nhiều giai đoạn, nhưng những nhận xét đầu tiên của BTV thường rất quan trọng. Nếu một bài viết đã được đánh giá không đạt chất lượng và kiến nghị không sử dụng thì nhiều khả năng sẽ phải loại bỏ, hoặc trả tác giả sửa chữa, viết lại, và chờ đợi một quy trình biên tập mới.

3. Trưởng [phó] phòng Biên tập sẽ tiếp tục biên tập bài; nhận xét, đánh giá, kiến nghị về chất lượng chuyên môn của bài viết; có thể kiến nghị lãnh đạo tạp chí không sử dụng bài viết, hoặc đề nghị BTV trao đổi thêm để tác giả hoàn thiện và gửi lại bài viết. Những bài viết được đánh giá chưa đạt chuẩn hoặc không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí thì cần phải có lý do, dẫn chứng rõ ràng để bảo đảm sự khách quan, không thiên vị.

Chỉ những bài đáp ứng tốt các tiêu chí về chất lượng, đã thực hiện xong các bước biên tập tại Phòng Biên tập mới được chuyển đến Phó Tổng Biên tập phụ trách công tác biên tập.

Đa số các bài viết đã được Phòng biên tập đánh giá đạt thì có nhiều cơ hội để được xuất bản. Tuy nhiên, vẫn có những bài viết tiếp tục bị loại ở các quy trình quan trọng tiếp sau, với rất nhiều lý do khác nhau.

4. Phó Tổng Biên tập phụ trách chuyên môn có thể trực tiếp biên tập các bài được Phòng Biên tập chuyển đến, hoặc yêu cầu BTV biên tập lại, hay trao đổi thêm với tác giả nhằm nâng cao chất lượng bài viết.

Trên cơ sở những nhận xét, đánh giá về bài viết của Phòng Biên tập, và qua công tác biên tập bài viết [nếu cần, đã thảo luận với BTV và trao đổi với tác giả về việc sửa chữa, bổ sung], Phó Tổng Biên tập sẽ nhận xét, kiến nghị về chất lượng chuyên môn và việc sử dụng bài viết đến Tổng Biên tập.

5. Tổng Biên tập đọc trước khi duyệt bài; có thể tiếp tục biên tập bài viết; hay yêu cầu BTV biên tập lại, trao đổi thêm với tác giả nhằm nâng cao chất lượng; hoặc đề nghị Phòng Thư ký tòa soạn thông báo trả lại bài viết không đáp ứng đủ các tiêu chí.

Ngoài ra, bài viết có thể được chuyển đến Hội đồng biên tập của Tạp chí xem xét, cũng như gửi chuyên gia phản biện kín khi cần thiết.

Bài viết được duyệt xuất bản phải đáp ứng các yêu cầu chuyên môn chung, trải qua đầy đủ các bước biên tập, có xác nhận của người chịu trách nhiệm từng khâu trong quy trình biên tập.

6. Tổng Biên tập là người quyết định duyệt đăng những bài viết đã được biên tập theo đúng quy trình biên tập, và trên cơ sở xếp bài theo từng số của Phòng Thư ký tòa soạn. Việc xếp đăng bài phải căn cứ các định hướng nội dung chủ đề đã được phê duyệt hàng năm, hàng quý, và thứ tự ưu tiên về thời gian gửi bài của các tác giả, nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, minh bạch.

Nguyễn Anh Phương

Bài viết cho Hội thảo tại Khoa Nhà nước và pháp luật Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Bộ Nội vụ [16/11/2016]

Phiên bản này đã được chỉnh sửa, khác với Kỷ yếu Hội thảo.

[1] Robert S. Day,How to Write and Publish a Scientific Paper, 5th ed., Oryx Press, Phoenix, 1998.

[2] Các ví dụ và dữ liệu trong bài này do tác giả tự thống kê

[3] Thực tế, trong nhiều công trình nghiên cứu chuyên ngành về nhà nước, chính sách và pháp luật thì rất khó phân định rõ giữa nghiên cứu lý thuyết hay nghiên cứu thực tiễn; và sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau.

[4] Kinh nghiệm này có thể chưa đúng với một số Tạp chí chuyên ngành có định hướng nghiên cứu lý thuyết. Trong cùng một lĩnh vực của khoa học xã hội cũng có nhiều phương pháp tiếp cận nghiên cứu khác nhau về cùng một vấn đề.

[5] Nhiều tác giả khi định nghĩa khái niệm, thường trích nguồn từ trang web Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hoặc các trang từ điển mở, được đánh giá có độ tin cậy không cao trong nghiên cứu khoa học.

[6] William Strunk, Jr. & E. B. White,The Elements of Style, 3rd ed., Macmillan, New York, 1987.

[7] Đây là quy trình đã được người viết khái quát hóa, diễn giải [], và chỉ nhằm mục đích nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo này. Quy trình trong bài viết này không phải tối ưu, chỉ có ý nghĩa tham khảo [].

Bài liên quan:

  • Một số vấn đề của nghiên cứu chính sách và ứng dụng lập pháp ở Việt Nam
  • Nâng cao năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp
  • Tiếp cận thể chế, đạo đức và văn hóa trong phòng chống tham nhũng: Nghiên cứu

Video liên quan

Chủ Đề