Cảm nhận của em về nhân vật Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp

Hướng dẫn

Uy- lít -xơ trở về là đoạn trích tiêu biểu của sử thi Ô-đi-xê kể về cảnh trở về và đoàn tụ của nhân vật Uy-lít-xơ với vợ là Pê-nê-lốp. Anh chị hãy vận dụng những hiểu biết của mình về đoạn trích và trình bày cảm nhận về đoạn trích Uy-lít-xơ trở về.

  • Giới thiệu về văn minh Hy Lạp với thành tựu trên lĩnh vực văn học: “Không có văn minh Hy Lạp thì không thể có châu Âu hiện đại” (C. Mác). Quả thực, văn minh Hy Lạp là “chiếc nôi” cho văn minh châu Âu bởi chính nền văn minh ấy đã đặt nền móng cho sự xuất hiện của những âm nhạc, nghệ thuật, thi ca,… Một trong những phương diện đặc sắc của văn minh Hy Lạp đã lưu lại cho đời sau chính là nền văn học. Trong đó, người ta không thể không kể đến hai tác phẩm sử thi nổi tiếng: “I-li-át” và “Ô-đi-xê”. Những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của hai bộ sử thi đồ sộ này đã trở thành những mẫu mực cho văn học hiện đại.
  • Dẫn dắt vào vấn đề: Trong chương trình Ngữ Văn 10, chúng ta cũng được tìm hiểu một đoạn trích trong sử thi Ô-đi-xê, đó chính là đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về”. Đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về” rất tiêu biểu cho nghệ thuật sử thi Hy Lạp.
  • Khái quát về sử thi Ô-đi-xê và đoạn trích ““Uy-lít-xơ trở về”:

+ Sử thi Ô-đi-xê:

  • Người Hy Lạp đang bắt đầu vươn mình ra biển cả rộng lớn để mở rộng địa bàn hoạt động của mình. Trong công cuộc khám phá và chinh phục đại dương bao la ấy, con người không chỉ cần có lòng dũng cảm và sức mạnh thể chất mà còn cần có trí tuệ, sự khôn ngoan.
  • Xã hội Hy Lạp đang đứng trước ngưỡng của của chế độ chiếm hữu nô lệ, cùng với đó là sự chấm dứt của chế độ công xã thị tộc. Lối sống theo cộng đồng được thay thế bởi tổ chức gia đình, cùng với đó là sự xuất hiện của hôn nhân một vợ một chồng. Bối cảnh mới của thời đại đòi hỏi con người cần hình thành những phẩm chất đáng quý: sự gắn bó với quê hương, tình yêu thuỷ chung.

+ Đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về”

  • Vị trí: khúc ca thứ 23 của sử thi “Ô-đi-xê”.
  • Nội dung chính: cuộc đoàn tụ của Uy-lít-xơ – người anh hùng của Hy Lạp trong cuộc chiến thành Tơ-roa với người vợ thân yêu của mình – nàng Pê-nê-lốp sau hai mươi năm chàng phiêu bạt khắp nơi kể từ chiến thắng thành Tơ-roa.
  • Cảm nghĩ về nhân vật Pê-nê-lốp:

+ Khi Pê-nê-lốp được tin báo của nhũ mẫu Ơ-ri-cờ-lê rằng Uy-lít xơ trở về:

  • Thoạt nghe nhũ mẫu báo tin, Pê-nê-lốp vô cùng mừng rỡ bởi nàng đã chờ đợi Uy-lít-xơ đằng đẵng biết bao nhiêu năm trời Pê-nê-lốp là người vợ thuỷ chung, yêu thương chồng.
  • Nghi ngờ bởi Uy-lít-xơ đã biệt tích hơn hai mươi năm trời, giờ sao chàng lại đột ngột trở về Pê-nê-lốp cho rằng đó chỉ một vị thần giả dạng Uy-lít-xơ, còn Uy-lít-xơ thực sự đã chết rồi.
  • Tâm trạng: “rất đỗi phân vân”, “không biết nên đứng xa xa hỏi chuyện… hay nên lại gần, ôm lấy đầu, cầm lấy tay người (Uy-lít-xơ”) mà hôn?”. Pê- nê- lốp “lặng thinh, đăm đăm âu yếm nhìn chồng”, lại “không nhận ra chồng dưới bộ quần áo rách mướp”.
  • Một mặt nàng phải cố kìm nén những tình cảm với chồng khi được gặp lại Uy-lít-xơ sau bao năm xa cách, mặt khác lại phải cẩn thận suy xét, tính toán.
  • Nghệ thuật: miêu tả Pê-nê-lốp bằng một tính từ mà sau đó còn được lặp lại nhiều lần nữa trong đoạn trích, đó là từ “thận trọng”. Việc gắn nhân vật với những tính từ để miêu tả đặc điểm nổi bật của nhân vật cũng là một một biện pháp nghệ thuật quen thuộc của sử thi Hy Lạp: chẳng hạn như A-sin “chạy nhanh như gió”, Hê-Ra “mắt bò cái”, Uy-lít-xơ “khôn ngoan, trí xảo”,…).

+ Khi nghe lời trách xứ của con:

  • “Xúc động, phân vân cao độ”
  • Thận trong giải thích cho con hiểu về sự “kinh ngạc quá chừng” của mình và không dám tin rằng “cha con đã trở về”.
  • Vẫn không thay đổi cách cư xử của mình, nàng “không sao nói được một lời, không thể hỏi han, cũng không thể nhìn thẳng mặt người”.
  • Nảy ra ý tưởng để xác định xem người trước mặt nàng có đúng là Uy-lít-xơ không. Pê-nê-lốp đã bày tỏ một tế nhị, khéo léo ý định thử thách chồng qua lời nói với con trai: “Nếu quả thật đây chính là Uy-lít-xơ thế nào cha con và mẹ cũng nhận được ra nhau… vì cha và mẹ có những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau”.
  • Câu nói đó vừa thể hiện sự lịch sự, tế nhị của Pê-nê-lốp khi không nói thẳng với người khách còn xa lạ, đồng thời càng cho thấy sự khôn ngoan, thận trọng của Pê-nê-lốp khi nàng đã khéo léo đưa vào lời nói đó một thử thách cho chồng.

+ Thử thách: “Dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau”: là bí mật về lai lịch chiếc giường cưới của hai vợ chồng.

  • Cách thử thách chồng của Pê-nê-lốp càng khẳng định sự khôn ngoan, thận trọng của nàng, bởi việc dùng một bí mật riêng tư giữa hai người sẽ kiểm chứng được đó có đích thực là không, mặt khác cũng sẽ kiểm chứng được tình yêu thuỷ chung của Uy-lít-xơ. Cách thử thách này cũng rất phù hợp với Uy-lít-xơ, bởi chàng là người khôn ngoan với trí tuệ phi thường.

+ Đoàn tụ:

  • Khi Pê-nê-lốp nhận ra được Uy-lít-xơ, nàng đã “bủn rủn chân tay”, “chạy lại nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chàng, hôn lên trán chàng”. Niềm vui sướng vỡ oà khi được gặp lại người chồng yêu thương.
  • So sánh có đuôi dài cuối tác phẩm: “Dịu hiền thay mặt đất, khi nó hiện lên trước mắt những người đi biển bị Pô-dê-i-đông đánh tan thuyền trong sóng cả gió to, họ bơi, nhưng rất ít người thoát khỏi biển khơi trắng xoá mà vào được đến bờ; mình đầy bọt nước, những người sống sót mừng rỡ bước lên đất liền mong đợi” diễn tả niềm hạnh phúc, sung sướng tột cùng của Pê-nê-lốp khi được đoàn tụ với chồng.
  • Có thể nói, Pê-nê-lốp là hình tượng tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Hy Lạp với những phẩm chất: tình yêu thủy chung với chồng, đồng thời cũng thận trọng, khôn ngoan.
  • Cảm nghĩ về nhân vật Uy-lít-xơ:

+ Uy-lít-xơ đã vượt qua bao khó khăn thử thách để tìm đường trở về quê hương, và lập mưu kế tiêu diệt được 108 kẻ cầu hôn đang đe doạ phá hoại hạnh phúc gia đình, chiếm đoạt tài sản của gia đình.

+ Thử thách cuối cùng với Uy-lít-xơ lại là thử thách trước người vợ thân yêu của mình:

  • Trước thái độ lạnh nhạt của vợ, Uy-lít-xơ vẫn tỏ ra bình tĩnh, bởi chàng tin tưởng tuyệt đối vào người vợ của mình.
  • Khi nhận ra ý muốn thử thách của Pê-nê-lốp, Uy-lit-xơ mỉm cười: đó là một dấu hiệu kín đáo để chấp nhận thử thách của vợ, đồng thời cũng như một lời nhắn nhủ tới vợ: chàng luôn tin tưởng vợ, tin vào tài năng cũng như trí tuệ của vợ. Uy-lit-xơ mỉm cười cũng vì chàng tin vào trí tuệ của bản thân, tin rằng mình nhất định sẽ vượt qua được thử thách.
  • Trí tuệ của Uy-lít-xơ là phẩm chất cần có trong thời kỳ mới khi người Hy Lạp mở rộng địa bàn hoạt động ra biển cả. Nếu ở thời kỳ trước, sức mạnh thể chất của những người anh hùng như Asin, Héc – quin,… giúp họ giành chiến thắng trong chiến trận thì trong thời đại mới, để tồn tại và chinh phục thiên nhiên, con người còn cần đến cả trí tuệ, sự thông minh, tỉnh táo,… để vượt qua những thử thách khốc liệt.
  • Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích:

+ Nội dung: ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu thuỷ chung cùng sức mạnh của trí tuệ Hy Lạp trong bối cảnh thời đại mới – thời kỳ chiếm hữu nô lệ với sự hình thành của gia đình và hôn nhân một vợ một chồng.

+ Nghệ thuật:

  • Cách miêu tả nhân vật qua hành động, lời nói, cử chỉ song có chiều sâu, mang tính điển hình cho phẩm chất thời đại
  • Ngôn ngữ trong sáng, giọng kể chuyện chậm rãi, tha thiết
  • Lối so sánh đuôi dài đặc sắc.

“Không có văn minh Hy Lạp thì không thể có châu Âu hiện đại” (C. Mác). Quả thực, văn minh Hy Lạp là “chiếc nôi” cho văn minh châu Âu bởi chính nền văn minh ấy đã đặt nền móng cho sự xuất hiện của những âm nhạc, nghệ thuật, thi ca,… Một trong những phương diện đặc sắc của văn minh Hy Lạp đã lưu lại cho đời sau chính là nền văn học. Trong đó, người ta không thể không kể đến hai tác phẩm sử thi nổi tiếng: “I-li-át” và “Ô-đi-xê”. Những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của hai bộ sử thi đồ sộ này đã trở thành những mẫu mực cho văn học hiện đại. Trong chương trình Ngữ Văn 10, chúng ta cũng được tìm hiểu một đoạn trích trong sử thi Ô-đi-xê, đó chính là đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về”. Đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về” rất tiêu biểu cho nghệ thuật sử thi Hy Lạp.

Sử thi “Ô-đi-xê” ra đời trong bối cảnh người Hy Lạp đang bắt đầu vươn mình ra biển cả rộng lớn để mở rộng địa bàn hoạt động của mình. Trong công cuộc khám phá và chinh phục đại dương bao la ấy, con người gặp không ít những khó khăn, thử thách. Để vượt qua được những thử thách ấy, con người không chỉ cần có lòng dũng cảm và sức mạnh thể chất mà còn cần có trí tuệ, sự khôn ngoan. Hình tượng Uy-lít-xơ trong sử thi Ô-đi-xê chính là biểu tượng cho sức mạnh trí tuệ của người Hy Lạp.

Không chỉ có thế, “Ô-đi-xê” ra đời khi xã hội Hy Lạp đang đứng trước ngưỡng của của chế độ chiếm hữu nô lệ, cùng với đó là sự chấm dứt của chế độ công xã thị tộc. Lối sống theo cộng đồng được thay thế bởi tổ chức gia đình, cùng với đó là sự xuất hiện của hôn nhân một vợ một chồng. Bối cảnh mới của thời đại đòi hỏi con người cần hình thành những phẩm chất đáng quý: sự gắn bó với quê hương, tình yêu thuỷ chung. Và quan niệm về tình yêu thuỷ chung đó cũng được thể hiện rất rõ trong “Uy-lít-xơ trở về”.

“Uy-lít-xơ trở về” là đoạn trích thuộc khúc ca thứ 23 của sử thi “Ô-đi-xê”. Nội dung chính của đoạn trích là cuộc đoàn tụ của Uy-lít-xơ – người anh hùng của Hy Lạp trong cuộc chiến thành Tơ-roa với người vợ thân yêu của mình – nàng Pê-nê-lốp sau hai mươi năm chàng phiêu bạt khắp nơi kể từ chiến thắng thành Tơ-roa. Lúc này, sau quãng thời gian đợi chờ đằng đẵng, mòn mỏi, Pê-nê-lốp đã hết hy vọng về sự trở về của chồng và tin rằng Uy-lit-xơ đã chết. Không chỉ có vậy, nàng còn phải đối phó với 108 kẻ cầu hôn mà thực chất chỉ muốn chiếm lấy số tài sản của gia đình. Sau khi Uy-lít-xơ trở về quê hương, chàng đã giả dạng thành một người ăn mày đến tham dự cuộc thi bắn để chọn chồng của Pê-nê-lốp (thực chất đây cũng là một cách Pê-nê-lốp đối phó với bọn người cầu hôn). Chàng đã lập mưu để chiến thắng tất cả 108 kẻ cầu hôn Pê-nê-lốp, nhờ đó đoàn tụ với gia đình sau bao năm xa cách.

Đoạn trích mở đầu bằng sự việc: Pê-nê-lốp được tin báo của nhũ mẫu Ơ-ri-cờ-lê rằng Uy-lít xơ trở về nhưng nàng không nhận ra Uy-lít-xơ lúc này trong bộ dạng của một người hành khất. Thoạt nghe nhũ mẫu báo tin, Pê-nê-lốp vô cùng mừng rỡ bởi nàng đã chờ đợi Uy-lít-xơ đằng đẵng biết bao nhiêu năm trời. Điều đó cho thấy Pê-nê-lốp là người vợ thuỷ chung, yêu thương chồng. Nhưng nàng không nén nổi nghi ngờ bởi Uy-lít-xơ đã biệt tích hơn hai mươi năm trời, giờ sao chàng lại đột ngột trở về. Vì vậy, Pê-nê-lốp cho rằng đó chỉ một vị thần giả dạng Uy-lít-xơ, còn Uy-lít-xơ thực sự đã chết rồi. Chính vì vậy mà lúc này, nàng “rất đỗi phân vân”, “không biết nên đứng xa xa hỏi chuyện… hay nên lại gần, ôm lấy đầu, cầm lấy tay người (Uy-lít-xơ”) mà hôn?”. Pê- nê- lốp “lặng thinh, đăm đăm âu yếm nhìn chồng”, lại “không nhận ra chồng dưới bộ quần áo rách mướp”. Một mặt nàng phải cố kìm nén những tình cảm với chồng khi được gặp lại Uy-lít-xơ sau bao năm xa cách, mặt khác lại phải cẩn thận suy xét, tính toán. Ngay câu đầu đoạn trích, tác giả đã miêu tả Pê-nê-lốp bằng một tính từ mà sau đó còn được lặp lại nhiều lần nữa trong đoạn trích, đó là từ “thận trọng”. Việc gắn nhân vật với những tính từ để miêu tả đặc điểm nổi bật của nhân vật cũng là một một biện pháp nghệ thuật quen thuộc của sử thi Hy Lạp: chẳng hạn như A-sin “chạy nhanh như gió”, Hê-Ra “mắt bò cái”, Uy-lít-xơ “khôn ngoan, trí xảo”,…). Quả thực, đức tính “thận trọng” của Pê-nê-lốp đã được thể hiện thống nhất từ suy nghĩ, lời nói, hành động cho đến những cử của nàng. Sự thận trọng của Pê-nê-lốp phản ánh một thời đại phức tạp, khi con người Hy Lạp luôn phải đối mặt với những khó khăn, những hiểm nguy rình rập.

Trước sự tác động của nhũ mẫu Ơ-ri-cờ-lê, Pê-nê-lốp vẫn không tin và cẩn thận suy xét. Sự thận trọng của nàng khiến cho Tê-lê-mác – con trai của nàng phải nôn nóng lên tiếng trách mẹ bằng những lời thật gay gắt: “ác độc, tàn nhẫn, sắt đá”. Trước những lời trách của con, Pê-nê-lốp “xúc động, phân vân cao độ”, song nàng vẫn thận trong giải thích cho con hiểu về sự “kinh ngạc quá chừng” của mình và không dám tin rằng “cha con đã trở về”. Nhưng nàng vẫn không thay đổi cách cư xử của mình, nàng “không sao nói được một lời, không thể hỏi han, cũng không thể nhìn thẳng mặt người”. Chính lúc này, Pê-nê-lốp đã nảy ra ý tưởng để xác định xem người trước mặt nàng có đúng là Uy-lít-xơ không. Pê-nê-lốp đã bày tỏ một tế nhị, khéo léo ý định thử thách chồng qua lời nói với con trai: “Nếu quả thật đây chính là Uy-lít-xơ thế nào cha con và mẹ cũng nhận được ra nhau… vì cha và mẹ có những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau”. Câu nói đó vừa thể hiện sự lịch sự, tế nhị của Pê-nê-lốp khi không nói thẳng với người khách còn xa lạ, đồng thời càng cho thấy sự khôn ngoan, thận trọng của Pê-nê-lốp khi nàng đã khéo léo đưa vào lời nói đó một thử thách cho chồng.

“Dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau” mà Pê-nê-lốp đề cập đến chính là bí mật về lai lịch chiếc giường cưới của hai vợ chồng. Cách thử thách chồng của Pê-nê-lốp càng khẳng định sự khôn ngoan, thận trọng của nàng, bởi việc dùng một bí mật riêng tư giữa hai người sẽ kiểm chứng được đó có đích thực là không, mặt khác cũng sẽ kiểm chứng được tình yêu thuỷ chung của Uy-lít-xơ. Cách thử thách này cũng rất phù hợp với Uy-lít-xơ, bởi chàng là người khôn ngoan với trí tuệ phi thường. Chính thử thách đó đã giúp Pê-nê-lốp nhận ra được Uy-lít-xơ và đoàn tụ với chồng sau bao năm đợi chờ, xa cách. Sau lời miêu tả của Uy-lit-xơ về chiếc giường, Pê-nê-lốp đã “bủn rủn chân tay”, “chạy lại nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chàng, hôn lên trán chàng”. Những giọt nước mắt hạnh phúc của Pê-nê-lốp cho thấy niềm vui sướng vỡ oà khi được gặp lại người chồng yêu thương. So sánh có đuôi dài cuối tác phẩm: “Dịu hiền thay mặt đất, khi nó hiện lên trước mắt những người đi biển bị Pô-dê-i-đông đánh tan thuyền trong sóng cả gió to, họ bơi, nhưng rất ít người thoát khỏi biển khơi trắng xoá mà vào được đến bờ; mình đầy bọt nước, những người sống sót mừng rỡ bước lên đất liền mong đợi” là một biện pháp nghệ thuật đặc sắc được tác giả sử dụng để diễn tả niềm hạnh phúc, sung sướng tột cùng của Pê-nê-lốp khi được đoàn tụ với chồng. Có thể nói, Pê-nê-lốp là hình tượng tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Hy Lạp với những phẩm chất: tình yêu thủy chung với chồng, đồng thời cũng thận trọng, khôn ngoan. Chính nhờ tình yêu thuỷ chung cùng sự thận trọng, khôn ngoan mà Pê-nê-lốp mới có thể kiên nhẫn chờ đợi chồng hai mươi năm trời, đối phó với 108 kẻ cầu hôn và thử thách chồng để có được niềm hạnh phúc đoàn tụ.

Bên cạnh Pê-nê-lốp, một hình tượng nổi bật trong đoạn trích là Uy-lít-xơ với trí tuệ khôn ngoan, sắc sảo. Bằng trí tuệ phi thường, Uy-lít-xơ đã vượt qua bao khó khăn thử thách để tìm đường trở về quê hương, và cũng chính trí tuệ đã giúp chàng có mưu kế tiêu diệt được 108 kẻ cầu hôn đang đe doạ phá hoại hạnh phúc gia đình, chiếm đoạt tài sản của gia đình. Giờ đây, thử thách cuối cùng với Uy-lít-xơ lại là thử thách trước người vợ thân yêu của mình. Giành được thắng lợi trước thử thách cuối cùng này, Uy-lít-xơ sẽ giành được hạnh phúc trọn vẹn cuối cùng. Trước thái độ lạnh nhạt của vợ, Uy-lít-xơ vẫn tỏ ra bình tĩnh, bởi chàng tin tưởng tuyệt đối vào người vợ của mình. Khi nhận ra ý muốn thử thách của Pê-nê-lốp, Uy-lit-xơ mỉm cười, đó như một dấu hiệu kín đáo để chấp nhận thử thách của vợ, đồng thời cũng như một lời nhắn nhủ tới vợ: chàng luôn tin tưởng vợ, tin vào tài năng cũng như trí tuệ của vợ. Uy-lit-xơ mỉm cười cũng vì chàng tin vào trí tuệ của bản thân, tin rằng mình nhất định sẽ vượt qua được thử thách. Và quả thật, chàng đã chiến thắng. Trí tuệ của Uy-lít-xơ là phẩm chất cần có trong thời kỳ mới khi người Hy Lạp mở rộng địa bàn hoạt động ra biển cả. Nếu ở thời kỳtrước, sức mạnh thể chất của những người anh hùng như Asin, Héc – quin,… giúp họ giành chiến thắng trong chiến trận thì trong thời đại mới, để tồn tại và chinh phục thiên nhiên, con người còn cần đến cả trí tuệ, sự thông minh, tỉnh táo,… để vượt qua những thử thách khốc liệt. Cuộc đối đầu giữa Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp là cuộc đối đầu giữa hai trí tuệ, hai tâm hồn cao đẹp.

Nói tóm lại, đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về” đã ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu thuỷ chung cùng sức mạnh của trí tuệ Hy Lạp trong bối cảnh thời đại mới – thời kỳ chiếm hữu nô lệ với sự hình thành của gia đình và hôn nhân một vợ một chồng. Hình tượng nhân vật Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ chính là kết tinh cho phẩm chất cao quý của con người Hy Lạp thời đại đó. Đoạn trích còn hấp dẫn người đọc bởi những biện pháp nghệ thuật đặc sắc: cách miêu tả nhân vật qua hành động, lời nói, cử chỉ song có chiều sâu, mang tính điển hình cho phẩm chất thời đại, cùng với đó là ngôn ngữ trong sáng, giọng kể chuyện chậm rãi, tha thiết và lối so sánh đuôi dài đặc sắc. “Uy-lít-xơ trở về” nói riêng và “Ô-đi-xê” nói chung xứng đáng là những mẫu mực cho văn chương nhiều thế hệ.

Theo wikisecret.com