Chính sách kế hoạch hóa gia đình

Chính sách sinh con thứ 3 có gì thay đổi khi bước sang năm 2021?

DSKG- Năm 2020, quy định về sinh con thứ 3 đối với công nhân viên chức đã có thay đổi. Vậy cụ thể ra sao?

Trong quyết đinh 588 có nội dung như sau: "Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên cần thực hiện ngay: Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên". Vậy cụ thể chính sách này ra sao?

Sinh con thứ 3 có vi phạm chính sách?

Theo Luật sư Nguyễn Minh Thành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Thành Asia thì Quyết định 588/QĐ-TTg là văn bản quy định và hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước. Những nội dung của chính sách dân số này sẽ khiến những chính sách trước đây về việc kìm hãm, xử lý sinh con thứ ba từng bước được gỡ bỏ ở những khu vực mà tỷ lệ sinh con chưa đạt hai con trên một cặp vợ chồng. Nếu như trước đây thì chính sách dân số thể hiện quy định rất cứng là sinh con thứ ba là vi phạmchính sách dân số, sẽ bị kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên thì với chính sách này, ở những địa phương mà tỷ lệ sinh thấp, việc sinh con thứ ba sẽ vẫn được coi là phù hợp với chính sách dân số để đảm bảo tỷ lệ sinh trong khu vực đạt đủ hai con.

Mức sinh các tỉnh, thành đang được chia theo 3 vùng như sau

Vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đắk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nam và Hải Dương.

Vùng mức sinh thay thế gồm 9 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

Như vậy, chính sách dân số hiện nay sẽ không chung chung là mỗi gia đình có một hoặc hai con mà sẽ hướng đến cụ thể từng vùng, miền, từng khu vực, địa phương để xác định địa phương nào có mức độ sinh dưới hai con thì sẽ khuyến khích để các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

 

Chính sách kế hoạch hóa gia đình

Việc sinh con thứ 3 cần được thực hiện đùng thei các qui định nhà nước cho phép.                                                                  A. MInh học

Địa phương  nào có mức sinh cao, trung bình trên hai con thì sẽ vận động giảm tỉ lệ sinh để đảm bảo đồng đều trong cơ cấu dân số. Tỷ lệ sinh sẽ quyết định đến quy mô dân số, nguồn lực về lao động, làm cơ sở để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.

Đảng viên sinh con thứ 3 có bị xử lý kỷ luật?

Chính sách dân số trước đây là khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 – 2 con để nuôi và dạy cho tốt. Các Đảng viên cần là những người đi tiên phong, gương mẫu thực hiện chủ trương này. Do vậy, việc Đảng viên sinh con thứ 3 là vi phạm kỷ luật của Đảng, tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều bị xử lý kỷ luật. Theo Quy định 05-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành vào giữa năm 2018, có 7 trường hợp sinh con thứ 3 không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình bao gồm:

Cặp vợ chồng sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên);

Cặp vợ chồng sinh con thứ 3, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc dân tộc có nguy cơ suy giảm dân số. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

Cặp vợ chồng sinh con lần thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ).                                                                                                                                                                                              Khánh My. Theo CPCS

Tại Việt Nam, các chính sách kế hoạch hóa gia đình đã được đưa ra từ rất lâu. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa được đúng đắn, triệt để trên quy mô lớn. Mỗi cá nhân cần ý thức được tầm quan trọng của dân số với sự phát triển xã hội và nghiêm túc thực hiện các chính sách để góp phần giúp đất nước đi lên.

Chính sách kế hoạch hóa gia đình

Tầm quan trọng của dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Trên thế giới vẫn còn tới hơn 200 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai nhưng chưa tiếp cận được phương tiện và dịch vụ tránh thai có chất lượng. Điều này dẫn tới hoặc là sinh con ngoài ý muốn, hoặc là phá thai và các hậu quả khác về sức khỏe sinh sản; ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của gia đình, của mỗi người, đặc biệt là đối với phụ nữ và vị thành niên.

Do sớm nhận thức được tầm quan trọng của dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ năm 1961, Hội đồng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 216/CP về việc "sinh đẻ có hướng dẫn" và giao Bộ Y tế trách nhiệm "cung cấp với giá rẻ, một cách dễ dàng và thuận lợi nhất cho những người cần dùng phương tiện có liên quan đến việc sinh đẻ có hướng dẫn". Như vậy, thực chất, ngay từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Nhà nước ta đã trao quyền kế hoạch hóa gia đình cho công dân và hơn nữa còn mong muốn tạo điều kiện "dễ dàng và thuận lợi nhất" để người dân thực hiện được quyền này.

Gần 60 năm qua, giải pháp cơ bản, xuyên suốt, nhất quán để thực hiện quyền kế hoạch hoá gia đình ở Việt Nam là tuyên truyền, vận động đi trước; gắn liền với đưa phương tiện, dịch vụ tránh thai đến tận người dân; có chính sách khuyến khích từng cặp vợ chồng, từng gia đình, từng địa phương, từng cơ quan tích cực tham gia công tác kế hoạch hoá gia đình.

Đa dạng hoá việc cung cấp phương tiện và phương pháp tránh thai

Để người dân "dễ dàng và thuận lợi nhất" tiếp cận, Việt Nam đã đa dạng hoá phương tiện và phương pháp tránh thai; đa dạng hoá mạng lưới cung cấp và đa dạng hoá chế độ cung cấp (miễn phí, bán rẻ, bán theo giá thị trường phương tiện, dịch vụ).

Với chính sách đúng đắn, triển khai tích cực và sáng tạo, Chương trình kế hoạch hóa gia đình đã thu được những thành tựu nổi bật. Nếu những năm 1965-1969, chỉ có khoảng 15% số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai thì bước sang thế kỷ 21, tỷ lệ này đã tăng gấp 5 lần, đạt khoảng 75% và duy trì từ đó đến nay. Nhờ vậy, mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Những năm 1965-1969, tính đến hết độ tuổi sinh đẻ, trung bình mỗi phụ nữ có gần 7 con thì hiện nay mô hình "gia đình 2 con" đang trở nên phổ biến.

Chính sách kế hoạch hóa gia đình

Kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam

Mục tiêu mà Chương trình kế hoạch hóa gia đình theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được một cách vững chắc. Như vậy, kế hoạch hóa gia đình đã giúp phụ nữ, giúp các cặp vợ chồng có số con như mong muốn và việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng con nhiều, chất lượng thấp sang số con ít, chất lượng cao hơn; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn. Sinh đẻ ít nên dân số tăng chậm lại, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất của nước ta trong nửa thế kỷ qua. Ghi nhận thành công này, ngay từ năm 1999, Liên Hợp Quốc đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam.

Giải quyết toàn diện các vấn đề dân số

Bên cạnh mức sinh thấp, dân số Việt Nam đang xuất hiện những xu hướng mới, vừa mang lại cơ hội, vừa gây ra những thách thức cho sự phát triển bền vững ở nước ta, như: Cơ cấu dân số vàng; mất cân bằng giới tính khi sinh; già hoá dân số; mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao; di dân diễn ra mạnh mẽ và phân bố dân số còn nhiều bất cập. Rõ ràng, tình trạng dân số của nước ta ngày nay đã hoàn toàn khác tình trạng dân số cách đây hơn nửa thế kỷ.

Do đó, đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, chứ không chỉ đơn thuần là kế hoạch hóa gia đình. Chính vì vậy, Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã định hướng cho chính sách dân số Việt Nam trong thời gian tới là "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững".

Việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số là phù hợp với mức sinh đã thấp và yêu cầu giải quyết những vấn đề dân số mới nảy sinh. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, trong tình hình mới, kế hoạch hóa gia đình chỉ không còn là "trọng tâm" của chính sách dân số chứ không phải là "từ bỏ" kế hoạch hoá gia đình. Công tác này thậm chí cần được duy trì mạnh mẽ nhưng với mục tiêu mới và phương thức thực hiện mới. Nếu trước đây, chính sách dân số luôn nhấn mạnh mục tiêu "giảm sinh" thì mục tiêu của chính sách dân số mới là "duy trì mức sinh" như hiện nay, tức là mỗi bà mẹ có 2 con.

Điều này có nghĩa là không để cho mức sinh giảm sâu hơn nữa hoặc tăng trở lại. Đương nhiên, để đạt mục tiêu này phải sử dụng các phương tiện, các biện pháp và dịch vụ tránh thai, tức là không thể "từ bỏ" kế hoạch hoá gia đình. Mặt khác, khi các cặp vợ chồng chỉ có nhu cầu sinh 1 hoặc 2 con, nếu không được tư vấn chu đáo và cung cấp phương tiện, dịch vụ tránh thai đầy đủ thì bùng nổ phá thai là điều không tránh khỏi.

Chính sách kế hoạch hóa gia đình

Vì vậy, đáp ứng những nhu cầu này cho hàng chục triệu người trong độ tuổi sinh đẻ là nhiệm vụ to lớn, mang tính thường xuyên và gắn liền với quá trình phát triển bền vững của nước ta.

Kế hoạch hoá gia đình ở Việt Nam đã đi được một chặng đường dài và đã đạt được những thành tựu to lớn. Hiện nay, kế hoạch hoá gia đình đã trở thành lối sống của người Việt Nam, gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mỗi nhóm dân cư, thành tựu này còn khác nhau. Quán triệt những đặc điểm mới về dân số, kinh tế và xã hội; chính sách, pháp luật và kỹ thuật để đổi mới Chương trình kế hoạch hóa gia đình nói chung và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình là yêu cầu nổi bật hiện nay.

Cần chú trọng hơn đến chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình

Với độ bao phủ rộng rãi toàn quốc của các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình như hiện nay, Chương trình kế hoạch hoá gia đình cần chú trọng hơn đến chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Đây là là một yêu cầu đứng trước nhiều thách thức.

Một là, việc thực hiện các biện pháp tránh thai chủ yếu vẫn là phụ nữ. Năm 2016, trung bình cứ khoảng 5 phụ nữ thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại mới có 1 nam giới thực hiện. Đây là một biểu hiện bất bình đẳng giới nghiêm trọng trong lĩnh vực kế hoạch hoá gia đình, cần giảm dần và đi đến loại bỏ.

Hai là, chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình chưa cao. Theo một nghiên cứu mới đây (2015) của Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, chỉ có 2,9% số Trạm Y tế xã đáp ứng được đầy đủ 40 chỉ số về chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; chưa đến 50 % số Trạm Y tế xã đáp ứng được 36 chỉ số.

Ba là, các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả nhưng tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng còn cao; năm 2016, tỷ lệ này là 14,3%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Bốn là, tỷ lệ sử dụng không liên tục biện pháp tránh thai khá cao, khoảng 32,3%. Điều này dễ dẫn đến "vỡ kế hoạch".

Năm là, tỷ lệ phụ nữ phá thai còn lớn. Đây là bằng chứng rõ ràng về chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình thấp, thậm chí có thể nói sự thất bại của kế hoạch hoá gia đình. Khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời, trong đó có nhiều vị thành niên và thanh niên trẻ.