Còn tuổi nào cho em của nhạc sĩ nào

Ca từ của nhạc Trịnh rắc rối hơn bất cứ văn bản nào đã có. Viết "chân phương" như các nhà thơ cổ điển mà đã có ai dám bảo là hiểu hết ý tưởng. Ngay 2 câu "Đêm thu gió lọt song đào, Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời" của Truyện Kiều, các nhà bình luận cũng đã tốn bao nhiêu giấy mực để tranh luận.

Ca từ ấy rắc rối ở chỗ có lẽ hình tượng cụ thể hay trừu tượng mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cảm nhận được rất phong phú, tinh tế, khó diễn tả bằng ngôn từ bình thường. Do vậy chỉ với cách nói, cách viết đôi lúc có vẻ "ngược đời" mới giúp cho nhạc sĩ truyền đạt và thể hiện ý tưởng của mình, cho dù các ý tưởng ấy cũng khá mơ hồ. Cách thể hiện ngôn từ đó không phù hợp với logic ngôn ngữ hằng ngày nhưng chắc không phải là mớ bòng bong rối rắm hoặc thứ ngôn ngữ giả tạo cố tình tạo ra, bằng chứng nhiều người nghe nhạc Trịnh dù không hiểu vẫn thấy thích, vẫn thuộc và hát đúng ca từ [nói thêm rằng, nhạc Trịnh được thích, được hát từ rất lâu chứ không phải nổi lên như phong trào sau khi ông mất].

Chính xác hơn, ông tạo ra ngôn ngữ của ca từ bằng "cảm tính" chứ không phải "lý tính", vì vậy nếu dùng "lý tính" để phân tích thì có thể khó lý giải nhưng nghe thì vẫn "cảm" được đó thôi. Cũng đoán rằng, chưa chắc Trịnh đã mô tả rõ ràng được những gì ông đã cảm, đã viết ra. Đối với một bức tranh thuộc trường phái trừu tượng hay lập thể, những con người hay cảnh vật thường có vẻ kỳ dị; những hình khối méo mó khác thường nhưng nhờ thế mở chở nổi những tư tưởng tác giả muốn thể hiện. Ví dụ khẳc, chẳng hạn chuyện uống rượu, mình có thể cảm được cái hương, cái vị, cái ngon của chai Chivas 21 năm tuổi nhưng khó diễn tả cho người khác chỉ quen uống vodka, cũng cảm được như mình!

Ca từ của ông có nhiều lúc như "nói ngược" hoặc nói sai. Người ta hay trích câu nói ngược của ông "Một trăm năm đô hộ giặc tây" [?] Tây đô hộ ta chứ! để phê bình. Thế nhưng, câu cửa miệng "Tôi đi khám bác sĩ" dù ngược ngạo nhưng vẫn được mọi người dùng thường xuyên đó chứ! "Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao", "Cụm rừng nào lá xác xơ cây",... của ông cũng là kiểu như vậy.

—–

Bài "Còn tuổi nào cho em" mình biết thì từ rất sớm, chỉ nghe một vài lần gì đó do KL hát trước 75. Sau này cố công đi tìm nhưng không gặp; các tape mang về nước, các đĩa KL được sao chép cũng không thấy bài này. Phần lớn là gặp Trịnh Vĩnh Trinh, Thu Hà,... hát khiến mình có cảm giác như ăn món ngon nhưng nấu chưa tới. Cho đến khoảng 7, 8 năm trở lại đây, nhờ internet mình mới tìm được các file mp3 do KL hát, lúc đó mới thấy thật sự hài lòng. Đây cũng là bài mình thường "ngâm ngợi" từ thuở đôi mươi cho đến lúc tóc đã 2 màu, không hiểu sao khi nghe mình cảm thấy có chút gì đó man mác, phấn chấn, chút gì đó cảm hoài,... Nay thử nêu vài cảm nhận riêng mình xem sao [cũng nói thêm là trên mạng dường như chưa thấy ai viết cảm nhận cho bài này]

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời Tay măng trôi trên vùng tóc dài Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may

Trạng thái này từ một bạn trẻ đang mơ mộng hay một người bước vào tuổi xế bóng đều có thể gặp. Một thoáng ngơ ngác khi gió heo may về, mỗi người có những cảm xúc với cung bậc khác nhau. Con người là một tạo vật của thiên nhiên ắt phải có các phản ứng khi thiên nhiên thay đổi: lá vàng úa, mây bay, gió heo may,... Có những giây phút nào đó, con người nhạy cảm, đã ngồi mơ mòng dõi mắt trông theo,...

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời Xin cho tay em còn muốt dài Xin cho cô đơn vào tuổi này Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài

Như một cô/cậu học trò, một nàng/chàng sinh viên, một người nghệ sĩ trẻ lang thang một mình qua phố phường. Là tuổi mới lớn, chiều cao phát triển nhanh hơn chiều ngang nên một thoáng nhìn sẽ thấy đôi vai gầy, đôi tay lỏng khỏng [muốt dài]. Vai gầy thể hiện nỗi buồn mong manh. Cho dẫu tương lai chưa định hình, cho niềm cô đơn đang tạm thời ngự trị trong tâm khảm nhưng đó là cái trạng thái tự nhiên của giai đoạn sắp bước vào tuổi trưởng thành.

Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau Trời xanh trong mắt em sâu Mây xuống vây quanh giọt sầu Em xin tuổi nào Còn tuổi trời hư vô Bàn tay che dấu lệ nhòa

Đây là một cảm giác mênh mông! Nghi ngại và tin tưởng; bồng bột và u sầu. Nhiều lúc không biết mình thích chóng trưởng thành như một người lớn thực thụ hay trở về niềm hoan lạc tuổi thơ [!]

“Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?” [thư Blao, 31.12.1964] – Đó là những lời thư rất dịu dàng, nâng niu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho người con gái Huế mang tên Dao Ánh. Mối tình có lẽ sâu nặng và dai dẳng nhất của chàng nhạc sĩ đa tình họ Trịnh.

Dao Ánh

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Còn Tuổi Nào Cho Em khi chỉ mới 25 tuổi. Nhưng những suy tư về tình yêu, con người, đời sống của ông đã đạt đến độ chín nhất định. Những lời ca của Trịnh dành cho người phụ nữ mình yêu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng như một mảnh lụa dịu dàng, yêu thương vô bờ bến. Đó là một trong những điều làm nên một Trịnh Công Sơn tài hoa và duy nhất của âm nhạc Việt.

Click để nghe Khánh Ly hát

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời

Khi giọng hát trầm buồn của Khánh Ly vang lên những câu hát đầu tiên, có thể nhận ra ngay một Dao Ánh tuổi 15 ngơ ngác, hồn nhiên, với mái tóc dài buông xõa, người đã làm nên cảm hứng âm nhạc cho Còn Tuổi Nào Cho Em và rất nhiều các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dao Ánh của tuổi 15 hẳn là cũng ít nhiều sâu sắc và nhạy cảm để có thể đồng hành, bầu bạn, thư từ qua lại suốt nhiều năm liền với chàng nhạc sĩ họ Trịnh hơn cô tận 10 tuổi, lại sớm mang nhiều tâm tư trĩu nặng.

Tay măng trôi trên vùng tóc dài Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…

Như bao cô gái nhỏ chớm tuổi trăng tròn, nàng thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chạm bước vào đời bằng vẻ ngây thơ, hồn nhiên, vô tư lự, và những mộng mơ của thời thiếu nữ. Cái cảm giác bâng khuâng nhìn “lá vàng úa” rơi xuống mỗi chiều bắt đầu gõ cửa tâm hồn nàng. Một áng mây bay ngang trời cũng khiến khiến lòng vô gái nhỏ rộn rã hát ca.

“Tay măng trôi trên vùng tóc dài” – Chỉ với câu hát này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bộc lộ rõ tầm vóc, mỹ cảm về cái đẹp và sự tinh tế vượt trội của mình trong việc lựa chọn ngôn từ.

Không phải là tay ngà ngọc tiểu thư mà là “tay măng”, bàn tay chưa từng va chạm với đời, còn căng mọng, nõn nà, như búp măng vừa trồi lên từ đất mẹ. Không phải là “mái tóc dài” mà là “vùng tóc dài”, bởi lẽ trong mắt chàng trai đang yêu, mái tóc đen dài của người yêu giống như cả vùng trời đen sâu thẳm đầy mê hoặc. Và cũng chỉ bằng một từ “trôi” vô cùng đắt giá, có thể hình dung mái tóc của cô gái hẳn là suôn mượt, mềm mại và óng ả lắm.

Giống như một chàng hoạ sĩ tài ba, chỉ bằng vài ba nét bút tinh tế đã hoàn thành một bức tranh tuyệt đẹp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ cần một câu hát giản dị đã họa xong bức chân dung nàng thơ tuyệt đẹp. Nhưng cũng trong bức tranh đó, ta nhìn ra, nàng thơ của nhạc sĩ còn thơ dại lắm, “tay măng” non nớt vẫn còn “trôi” vô định trên “vùng tóc dài” đó thôi.

Ngoại trừ tuổi thơ vô lo, vô nghĩ, hồn nhiên, thuần khiết, đời sống tâm hồn của một con người nói chung thường bắt đầu trỗi dậy từ tuổi dậy thì. Độ tuổi bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc buồn, vui một cách sâu sắc hơn, nồng nhiệt hơn, tĩnh lặng hơn, nhạy cảm với đời sống xung quanh; nghĩ ngợi nhiều, mơ mộng nhiều và cũng nhiều đổi thay thất thường. Vì vậy nhạc sĩ đã viết “Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này”, khi mà chỉ một “tiếng gió heo may” nhẹ lùa qua cũng khiến nàng thiếu nữ giật mình “ngơ ngác” đi tìm.

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời Xin cho tay em còn muốt dài Xin cho cô đơn vào tuổi này Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài

Giống như những thước phim buồn, chậm rãi, thời gian và không gian trong ca khúc cũng chầm chậm trôi. Sự chuyển dịch của thời gian rồi sẽ hằn dấu lên tâm hồn thiếu nữ, càng lớn lên nỗi buồn càng sâu sắc hơn, khó xoá nhoà hơn.

Cô gái sẽ không còn vô tư, hồn nhiên như trước. Hình ảnh “tay măng” tròn đầy đã được nhạc sĩ khéo léo thay bằng “áo gầy vai”. Những gánh nặng hữu hình và cả vô hình của đời sống rồi sẽ sa xuống vai áo gầy thiếu nữ. Những “dấu chân chim qua trời” rồi sẽ lặng lẽ ghi dấu lên đuôi mắt nàng. Và nếu điều đó đến, anh sẽ cầu nguyện, sẽ “xin cho tay em còn muốt dài”. Tại sao lại xin cho bàn tay mà không xin cho nhan sắc hay cho tuổi tác nàng trẻ lại? Bởi hơn ai hết, chàng nhạc sĩ hiểu rằng, thời gian là thứ vô tình nhất, đời người rồi sẽ trôi qua, không gì có thể níu giữ được, không gì làm đổi thay được. Nên chàng chỉ xin cho bàn “tay măng” kia vẫn mãi “muốt dài”, mong em vẫn mạnh mẽ, kiêu hãnh vươn lên, vẫn yêu đời sống này. Bởi như trong ca khúc Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, cũng được viết tặng cho nàng thơ Dao Ánh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rất rõ ràng rằng: “Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người” và “Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son”

Đến đây thì ta biết được rằng, điều quý giá nhất của người phụ nữ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn trân trọng không nằm ở nhan sắc hay tuổi trẻ mà ở nghị lực sống, nghị lực vươn lên mạnh mẽ như búp măng kia kiên nhẫn ủ mình dưới lớp áo mỏng, để rồi mạnh mẽ vươn lên, kiêu hãnh vút tận trời cao.

Vậy còn câu hát “xin cho cô đơn vào tuổi này” có nghĩa là gì? Có lẽ, giống như trong câu hát: “Ru em ngồi yên nhé, tôi tìm cuộc tình cho”. Trái ngược với ý nghĩ về một tình yêu cao thượng của nhiều khán thính giả, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cắt nghĩa vô cùng đơn giản rằng: “Thực ra tôi muốn bảo là cô gái hãy ngồi im đó, tôi đi tìm cuộc tình cho, vì em đẹp quá, em đi tìm rồi tôi mất em làm sao. Tôi dự định đi một hồi rồi quay lại nói: Anh tìm mãi không ra, thôi em yêu anh cho rồi. Nhưng tôi chưa kịp nói câu ấy”. Trong sự dịu dàng, yêu thương vô bờ bến của mình dành cho người yêu, chàng nhạc sĩ vẫn không quên thổ lộ lòng mình, xin em hãy còn “cô đơn” vào tuổi ấy nhé để tôi còn có cơ hội đến bên em.

Đến đây, độc giả sẽ thắc mắc, tại sao chàng nhạc sĩ không chọn thổ lộ khi nàng thiếu nữ chớm tuổi trăng tròn mà lại đợi đến khi “tay măng” không còn tròn đầy, khi dấu chân chim đã ghi dấu trên đôi mắt nàng. Hãy nghe lại lời hát: “Xin cho cô đơn vào tuổi này, tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài”. Có thể thấy chi tiết “tóc mây cài” cho ta biết rằng cô gái chưa già dặn lắm, nàng chỉ trưởng thành lên tương đồng với độ tuổi của chàng nhạc sĩ, trưởng thành cả về thể xác và tâm hồn để có thể bầu bạn, tri kỷ với chàng.

Ít người biết rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc này tặng cho Dao Ánh khi đang trong giai đoạn tìm hiểu, bầu bạn chứ chưa hề thổ lộ tình yêu. Có lẽ, sự lấn cấn về khoảng cách tuổi tác, sự chênh vênh về khoảng cách tâm hồn của chàng nhạc sĩ 25 tuổi nhưng đã sớm già dặn, và cô gái 15 tuổi ngây thơ, nhiều mơ mộng đã khiến chàng không thể thổ lộ lời yêu, và chàng đã mượn ca khúc để kín đáo thể hiện tâm tư của mình với nàng.

Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau Trời xanh trong mắt em sâu Mây xuống vây quanh giọt sầu

“Em xin tuổi nào, còn tuổi nào cho nhau?” là lời hỏi của chàng dành cho cô gái, vì suy cho cùng thì nàng là người có quyền quyết định cuối cùng, nàng chọn “tuổi măng” hay là “tuổi dấu chân chim”? Dù quyết định có như thế nào đi chăng nữa, “trời xanh” của chàng cũng đã nằm trọn trong “mắt em sâu” rồi. Chàng nguyện sẽ là đám mây sà xuống “vây quanh giọt sầu”, nguyện sẽ lau khô những giọt nước mắt của nàng.

Đến đây, xin đọc lại những dòng thư chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh: “Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?”

“Có bằng lòng thế không?” – Chàng nhạc sĩ đã nói rất rõ ràng cả trong thư và cả trong lời hát. Nhưng chắc là cô gái ngây thơ chưa hiểu được ý tứ thâm sâu của chàng, hoặc giả nàng có lờ mờ hiểu ra thì ở độ tuổi của nàng, một cô gái khuê các rào cao rèm kín, cũng khó có thể mở lời yêu hay nhận lời yêu sớm. Cũng giống như chàng thi sĩ Nguyên Sa năm xưa, lỡ phải lòng cô bé 13 tuổi cũng vất vả bội phần khi nói lời yêu mà nàng thơ vẫn mãi lửng lơ chối từ: “Đến trăm lần nhất định mình chưa yêu”. Là “chưa yêu” chứ không phải “không yêu”, thế mới khổ các chàng.

Khi đặt bút viết ca khúc Còn Tuổi Nào Cho Em gửi tặng người thương, chàng nhạc sĩ đa sầu đa cảm Trịnh Công Sơn khi đó đang “lánh nạn” tại vùng B’lao hoang vu, lạnh giá đã không tránh khỏi tâm trạng sầu bi, vô vọng:

Em xin tuổi nào Còn tuổi trời hư vô Bàn tay che dấu lệ nhòa Ôi buồn!

Linh cảm về một mối tình tuyệt vọng, “hư vô”, tâm trạng chàng nhạc sĩ bất chợt trở buồn: “Bàn tay che dấu lệ nhoà”, và rồi dù cố gắng cũng không thể che đậy, chàng thốt lên: “Ôi buồn!”

Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù Xin chân em qua từng phiến ngà Xin mây se thêm mầu áo lụa Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…

Trong dòng cảm xúc tuyệt vọng, mông lung, nỗi nhớ mong người yêu quay quắt, dài đằng đẵng, chàng nhạc sĩ tưởng như đã sầu bi cả “nghìn thu”. Ở xứ B’lao quanh năm sương giá, mây mù phủ xuống, mù mịt cả đường đi lối về, chàng nhạc sĩ trong cơn mộng mị, đã ước sương mù tụ lại kết thành mây, để chàng được thấy bước “chân em qua từng phiến ngà”. Và chàng khẩn thiết cầu “xin mây se thêm mầu áo lụa”, mầu áo của người con gái chàng yêu để thoả nỗi nhớ mong. Nhưng mơ rồi lại tỉnh, mộng ước tan đi, chàng lại quay lại với thực tại chua xót, tuyệt vọng “tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…”

Tình cảm dằng dai, thư từ qua lại giữa chàng và nàng kéo dài tới tận 2 năm sau đó, chàng mới chính thức ngỏ lời với nàng. Dưới đây là nguyên văn bức thư tỏ tình của chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nàng thơ Dao Ánh:

Tháng 8 năm 1966

Dao Ánh,

Có một điều không nên nói ra mà phải nói và phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu.

“Anh yêu Ánh”

Chỉ có đơn giản thế thôi mà phải dè dặt, phải cân nhắc, phải chạy thoát ra ngoài cái tỉnh.

Điều đó đáng lẽ không nên nói mà có phải bổn phận nhìn thấy phải cảm thông, nhưng cũng nói bởi vì nó là chóp đỉnh của tình cảm. Nói ra thì tình yêu đã biến thành tĩnh vật, đã đông đặc lại như một khối thủy tinh.

Cũng là lần đầu tiên anh phải tự thú điều đó ra trước. Như thế phải tự thú điều đó ra trước. Như thế đã phải tự coi là thất bại trong cuộc tình chung này. Nhưng mà đã sao. Đáng lý thì chúng mình cũng phải thú nhận điều đó một lần.

Nhưng thôi có ích gì.

Đây cũng là khởi điểm. Từ đó anh sẽ còn yêu Ánh dài lâu hơn hay sẽ mất Ánh chưa biết chừng.

Anh đã chọn vào lúc mà cảm thấy Ánh đủ khôn ngoan để nói. Những điều buồn bã của năm qua anh đã quên và khởi mới lại cái nhìn cái nghĩ của anh từ đây.

Đó, như thế là Ánh đã được đặt trước một cái gì đó rõ ràng hơn cũ. Hãy nhìn và lựa chọn. Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ và nồng nàn mà anh vẫn hằng mong.

Thân yêu

Trịnh Công Sơn

Đúng như lời bài hát, chàng đã đợi nàng trưởng thành, “đã chọn vào lúc cảm thấy Ánh đủ khôn ngoan để nói” lời yêu chính thức và nín thở chờ cái gật đầu từ người tình mộng.

Yêu thương nhiều lắm, tha thiết lắm nhưng cuộc đời vốn không như thế. Nàng dù đã trưởng thành hơn, nhưng sự chênh lệch về tuổi tác giữa chàng và nàng vẫn còn đó. Yêu nhau rồi, chàng càng nhận ra rõ ràng sự chênh vênh về tâm hồn mới là thứ không thể kéo gần lại, không thể bù trừ. Và chàng quyết định “làm kẻ bội bạc” để mở ra cho cả hai người “sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình”.

Đúng 5 tháng kể từ lúc chính thức ngỏ lời yêu, chàng viết thư chia tay nàng trong tuyệt vọng:

Huế, ngày 25 tháng 3 năm 1967

Ánh yêu dấu,

Anh sang Trang vì nghe anh Cường bảo Ánh có gửi thư về đó. Nghe Trang kể lại những điều Ánh viết trong thư anh vừa thất vọng vừa buồn.

Bây giờ đã quá khuya. Chương trình chủ đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc đời dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.

“Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lỗi ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả.

Tất cả đã rõ như một khoảng trắng.

Cũng đành vậy thôi.

Anh đang nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh.

Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.

Chủ Đề