Đánh giá có nên học ngành công tác xã hội không

  • Công tác xã hội là gì?
  • Ngành công tác xã hội học gì?
  • Các trường tuyển sinh ngành công tác xã hội
  • Học công tác xã hội ra làm gì?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ, giúp Quý vị hiểu rõ hơn về cơ hội việc làm của ngành công tác xã hội – ngành xã hội năng động nhận được nhiều quan tâm của các bạn trẻ hiện nay. Quý vị đừng bỏ lỡ để trả lời cho mình câu hỏi học công tác xã hội ra làm gì?

Trước khi đi vào trả lời cho câu hỏi học công tác xã hội ra làm gì? chúng tôi sẽ có những chia sẻ về ngành công tác xã hội, cụ thể:

Công tác xã hội là gì?

Công tác xã hội là ngành thuộc khối ngành xã hội, đây vừa là một ngành lý thuyết, nghiên cứu chuyên sâu lại vừa có tính ứng dụng cao, đóng góp vào cải thiện điều kiện an sinh xã hội, cung cấp hỗ trợ tích cực cho cộng đồng. Các tổ hợp môn xét tuyển ngành công tác xã hội khá nhiều, từ khối A đến D, cụ thể là: A00, A01, C00, C03, C04, C14, D01, D02, D03, D04, D05, D06, D78, D79, D80, D81, D82, D83, D15, D41, D42, D43, D44 và D45.

Ngành công tác xã hội cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về hoạt động xã hội, từ các mối quan hệ giữa người với người, cách điều tiết, can thiệp và giải quyết vấn đề phát sinh, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức, các nhóm đặc thù (nhóm người dễ tổn thương, người khuyết tật…), tư vấn xây dựng chính sách an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, xã hội nước nhà.

Ngành công tác xã hội học gì?

Khi theo học ngành công tác xã hội sinh viên được trang bị các kiến thức sâu rộng về tâm lý học, xã hội học, các lí thuyết và mô hình công tác xã hội; các phương pháp công tác xã hội chuyên nghiệp; phương pháp phân tích, xây dựng kế hoạch, hỗ trợ thực hiện và lượng giá tiến trình giải quyết vấn đề.

Sinh viên ngành công tác xã hội còn có thể xây dựng các mô hình tiếp cận khác nhau giúp đỡ đối tượng có vấn đề trong cuộc sống; nghiên cứu và xây dựng chính sách. Đặc biệt, sinh viên biết sử dụng các mô hình truyền thông và các mô hình quản trị trong hoạt động công tác xã hội, tư vấn xây dựng các chính sách xã hội đáp ứng các nhu cầu phát triển của đất nước.

Tùy từng cơ sở đào tạo, các môn học cụ thể có thể khác nhau. Một số môn học tiêu biểu của ngành công tác xã hội là: an sinh xã hội, chính sách xã hội, tâm lý học xã hội, tâm lý học phát triển, hành vi con người và môi trường xã hội, tổ chức và phát triển cộng đồng, tội phạm học, tâm thần học, xây dựng quản lý dự án công tác xã hội, công tác xã hội y tế – bệnh viện, công tác xã hội người cao tuổi, công tác xã hội trẻ em và gia đình,…

Các trường tuyển sinh ngành công tác xã hội

Với ngành công tác xã hội hiện nay Quý vị có thể lựa chọn cho mình rất nhiều các trường đào tạo ngành này ở cả 3 vùng miền của Việt Nam. Dưới đây sẽ là một số các trường có tuyển sinh, đào tạo ngành này:

– Khu vực miền Bắc:

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở Hà Nội)

Đại học Công đoàn

Học viện Phụ nữ Việt Nam

Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên

Đại học Hòa Bình

Đại học Y tế Công cộng

Đại học Tân Trào

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Đại học Thủ đô Hà Nội

Đại học Lâm nghiệp ( Cơ sở 1 )

– Khu vực miền Trung:

Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

Đại học Khoa học – Đại học Huế

Đại học Quy Nhơn

Đại học Văn hóa, Thể thao Và Du lịch Thanh hóa

– Khu vực miền Nam:

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM

Đại học Tôn Đức Thắng

Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở phía Nam)

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long

Đại học Thủ Dầu Một

Đại học Sư Phạm TP.HCM

Học viện Cán bộ TP.HCM

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (cơ sở phía Nam)

Đại học Trà Vinh

Đại học Cửu Long

Đại học Mở TP.HCM

Học công tác xã hội ra làm gì?

Mục tiêu của Công tác xã hội là giúp các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng yếu thế, thiệt thòi, không đảm bảo được một hay một số chức năng xã hội có thể nhận thức, giải quyết “vấn đề” của mình và vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển. Về mặt bản chất, Công tác xã hội cố gắng giúp các thân chủ của mình mạnh lên để có thể tự giúp mình.

Công tác xã hội làm việc với nhiều đối tượng thân chủ khác nhau và phạm vi tác động của nó khá rộng lớn, liên quan đến mọi tầng lớp dân cư, mọi tổ chức, ngành nghề trong xã hội. Một số lĩnh vực hiện nay Công tác xã hội đặc biệt quan tâm là:

– Công tác xã hội gia đình và bảo vệ trẻ em.

– Phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo.

– Phòng ngừa tội phạm và giải quyết các tệ nạn xã hội.

– Công tác xã hội trong học đường, bệnh viện.

– Công tác xã hội với người khuyết tật.

– Công tác xã hội với người già neo đơn.

– Công tác xã hội với người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, người có HIV/AIDS.

Người tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc ở các lĩnh vực sau:

– Cung cấp các dịch vụ xã hội, tham vấn tâm lý.

– Giảng dạy và nghiên cứu Công tác xã hội.

– Tham gia thực hiện, điều phối các dự án xã hội và phát triển.

– Đánh giá tác động các dự án xã hội và phát triển.

– Nghiên cứu và phân tích chính sách xã hội.

– Làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, văn hoá – xã hội, hôn nhân và gia đình, tôn giáo tín ngưỡng, môi trường, dân số, truyền thông. 

Những nơi người tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc là:

– Các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm giáo dục xã hội ở các tỉnh.

– Các tổ chức bảo trợ xã hội từ trung ương đến địa phương.

– Các tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể quần chúng.

– Các cơ quan thuộc ngành Y tế, ngành Lao động Thương binh và Xã hội.

– Các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến Công tác xã hội.

– Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

Trên đây là những nội dung chúng tôi chia sẻ liên quan đến học công tác xã hội ra làm gì?. Mong rằng với những thông tin trên, Quý vị đã hiểu thêm về ngành công tác xã hội và có những định hướng, lựa chọn cho mình.