Đánh giá review masstel l133 pro năm 2024

Laptop Masstel L133 là dòng laptop mỏng nhẹ của công ty Masscom, vừa mới gia nhập vào thị trường laptop tại Việt Nam. Rất may mắn mình được tặng 1 máy laptop có thể nói là full option, chi tiết như thế nào mời các bạn đọc tiếp.

Trước khi đi vào phần giới thiệu mình cũng đính chính rằng, đây là laptop mình sử dụng cho mục đích công việc là chính nên mình chỉ nêu ra điểm ưu, khuyết của sản phẩm mà mình đã được trải nghiệm qua chứ không đi sâu vào đánh giá chi tiết cấu hình như thế nào, con chip, ổ cứng hoạt động hiệu quả ra sao. Quá trình sử dụng của mình cũng chỉ là lướt web, check mail, skype và test chức năng mà laptop Masstel L133 này có thể làm được.

Cấu hình và kiểu dáng của laptop L133

Đây là thông số sản phẩm được đăng tải trên trang chủ của Masstel, và cấu hình mình được nhận là loại màu bạc, có Windows 10 Home bản quyền, kèm theo ổ cứng SSD 128GB với giá bán hiện tại trên thị trường cho cấu hình này là 6.990.000đ. tham khảo tại Bachkhoashop, còn FPT Shop đang bán phiên bản không kèm SSD và Windows 10 Home với giá 4.990.000đ, và phiên bản có Windows 10 bản quyền là 5.490.000đ kèm theo quà tặng hấp dẫn Click xem ngay.

Mẫu laptop Masstel L133 có 2 màu, Gold và Silver, về cá nhân mình cảm nhận màu Gold cầm trên tay cho vẻ sang trọng hơn hẳn màu Silver.

Hộp đựng sản phẩm này cũng rất nhỏ gọn với mặt trên là hình ảnh của L133.

Mặt sau là cấu hình của máy, bao gồm CPU, RAM, hệ điều hành hỗ trợ, dung lượng pin….

Sau khi mở hộp bên trong bao gồm: 1 laptop, 1 sạc, 1 thẻ bảo hành, 1 sách hướng dẫn sử dụng, 1 ổ cứng SSD chưa lắp vào máy, 1 tờ hướng dẫn thiết lập ổ cứng SSD và 1 túi chống sốc.

Máy có thiết kế mỏng nhẹ với trọng lượng 1,2 kg và độ dày là 13,5mm, dày hơn smartphone một chút và mỏng hơn hầu hết máy tính hiện nay. Với chất liệu nhôm nguyên khối, máy cứng cáp và mang lại cảm giác chắc tay, gọn nhẹ, có thể dễ dàng di chuyển. Bên cạnh đó, chất liệu này còn giúp nâng cao việc tản nhiệt của thiết bị này tốt hơn. Phần nắp của Masstel L133 trơn nhẵn, giúp máy ít bám vân tay, luôn sạch sẽ khi mang theo.

Màn hình 13,3 inch hiển thị đẹp với chuẩn Full HD và tấm IPS cao cấp giúp người dùng có góc nhìn tốt. Góc nhìn rộng cũng là ưu điểm của thiết bị này. Màu sắc của máy phải nói là rất đẹp và sáng.

Bàn phím Chiclet có độ nảy tốt, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng khi đánh máy, tuy nhiên điểm trừ duy nhất là bàn phím không có đèn nền. Touchpad là loại đa điểm, có thể sử dụng tối đa 4 ngón tay để thao tác, nút bấm chuột trái phải khi nhấn có tiếng kêu tạch tạch hơi khó chịu khi làm việc vào ban đêm nên mình luôn phải sử dung chuột ngoài thay vì dùng touchpad.

Cạnh phải của máy bao gồm: cổng sạc, jack tai nghe 3.5, 1 cổng USB 3.0, 1 khe thẻ nhớ MicroSD.

Cạnh trái là 1 cổng Micro HDMI và 1 cổng USB 3.0 và 1 đèn báo sạc.

Các cạnh của máy và viền xung quanh touchpad được vát kim cương cho cảm giác dễ chịu không bị sắc khi sờ vào.

Nội thất bên trong của laptop L133 cũng rất đơn giản. chiếm phần lớn diện tích là thỏi pin Li-PO, mainboard chính nằm bên phải, dải loa được đặt dọc ở cạnh trên sát với màn hình. CPU Apollo Lake N3350 tiết kiệm điện và không cần dùng quạt tản nhiệt nên tiết kiệm được rất nhiều diện tích, làm cho máy mỏng đi đáng kể.

Trải nghiệm laptop Masstel L133

Vì đây là phiên bản có Windows bản quyền nên hướng dẫn có yêu cầu nên mở máy, thiết lập thông tin lần đầu sử dụng, kết nối internet để Windows tự kích hoạt bản quyền online. Bản quyền này là loại digital license [bản quyền số] nên bạn chỉ cần đăng nhập vào tài khoản Microsoft là bản quyền sẽ tự động được liên kết. Lần sau có cài đặt lại Windows chỉ cần đăng nhập tài khoản Microsoft đã liên kết trước đó là bản quyền Windows sẽ tự động kích hoạt lại.

Sau khi kích hoạt bản quyền xong bạn có thể tắt máy và lắp đặt ổ SSD vào để sử dụng.

Đây là hình ảnh ổ SSD kèm theo máy, thương hiệu ổ cứng có thể hơi lạ có thế là OEM cho Masstel chứ không phải các thương hiệu như Western, Sandisk, Adata….ổ SSD tương thích với Laptop L133 là chuẩn M2 PCIe 2242 M2 SATA3 2242 [rộng 22mm, dài 42mm], nếu bạn mua loại khác thay thế nên để ý tới thông số này nhé.

Để gắn SSD vào máy cũng tương đối đơn giản, trước tiên tắt máy lật phần dưới máy lên nhìn vào phần đế bên trái sẽ có 1 ô chữ nhật nhỏ, dùng vít mở nắp đó ra, sau đó gắn SSD chặt vào slot, chỉ có 1 chiều khớp với slot nên bạn không lo lắng lắp sai chiều của ổ cứng SSD sau đó vặn ốc cố định SSD, đóng nắp lại như cũ là xong.

Tiếp theo bật máy, lấy tờ hướng dẫn kèm theo máy để kích hoạt ổ cứng SSD mới được thêm vào.

Ổ cứng kèm theo máy là loại eMMC 32GB cho tốc độ nhanh hơn HDD tiêu chuẩn nhưng vẫn chậm hơn so với ổ cứng loại SSD. Với dung lượng 32GB bạn vẫn có đủ chỗ trống cài Windows 10 và 1 số phần mềm cơ bản. Kèm theo máy là RAM DDR3 3GB, không hiểu vì sao nhà sản xuất lại chọn 3GB mà không phải là 4GB. Nếu thêm được 1GB nữa thì máy sẽ dư dả hơn để sài thêm 1, 2 tab trình duyệt nữa. Mình đã test thử tốc độ 2 loại ổ cứng khi gắn vào máy bằng phần mềm CrytalDiskMark và kết quả như bên dưới.

Thông số đọc/ghi của eMMC

Thông số đọc/ghi của SSD

Ổ SSD PCIe cho tốc độ đọc ghi cao hơn hẳn eMMC nên việc chuyển hệ điều hành qua ổ SSD là việc nên làm để cải thiện tốc độ lướt web, mở file, sao chép dữ liệu. Mình đã có bài viết hướng dẫn chuyển hệ điều hành từ eMMC sang SSD một cách nhanh chóng, bạn có thể áp dụng theo.

Mình đã test thử khi chạy Windows 10 trên 2 ổ này thì phần thắng nghiêng về ổ SSD. Công việc hằng ngày của mình là mở 1 cửa sổ Skype để chat, 1 cửa sổ Internet Explorer để chạy Java, 1 cửa sổ Edge để lướt web, xem tin tức, 1 app Nhaccuatui để nghe nhạc. 1 cửa sổ Outlook để nhận mail, 1 app Google drive thường trực để đồng bộ dữ liệu.

Lướt Web:

Đối với tác vụ lướt web mình hoàn toàn sử dụng trình mặc định là Microsoft Edge vì thấy dù mở nhiều tab nhưng vẫn không chiếm dụng quá nhiều RAM và không gây lag máy như khi chạy trên chrome, cốc cốc. Chỉ khi bật 1, 2 tab youtube thì lúc này máy mới chạy hết 100% CPU, RAM và bắt đầu có hiện tượng lag chuột.

Dù là máy chạy Celeron nhưng với tác vụ mở video 2K trên Youtube vẫn cho cảm giác mượt mà. Và dù mở 5, 6 tab video máy vẫn có thể gánh được, tuy nhiên đó chỉ là test thử thôi chứ thực tế mở 5,6 tab không giải quyết được gì trừ trường hợp crazy fan đang kéo view cho ca sĩ thần tượng.

Xem phim:

Với màn hình độ phân giải Full HD thì việc xem offline 1 bộ phim full HD máy vẫn có thể gánh được. Test thử bộ phim Wonder.Woman.2017.1080p.BluRay.TrueHD.Atmos.7.1.x264-CHD rất là ngọt. Tuy nhiên với màn Full HD mà kích thước chỉ 13.3” thì có vẻ hơi tù túng. Nếu bạn không có TV to cỡ 55” trở lên thì việc xem trên laptop L133 vẫn mang lại 1 trải nghiệm thú vị, không có bất kỳ khó khăn nào. Còn các thể loại 4K à, thôi quên đi nhé.

Xử lý ảnh và các tác vụ khác liên quan đồ họa:

Nếu cài full bộ Photoshop có vẻ hơi nặng nề nhưng chạy bản portable Photoshop CS6 mình hoàn toàn có thể xử lý các bức ảnh mượt mà, như đi pen, xóa nền, nắn chỉnh form dáng. Nhưng chỉ tối đa 2,3 tab ảnh, chứ mở quá nhiều ảnh thì dung lượng RAM cho Photoshop không đủ dẫn đến quá trình xử lý chậm đi hẳn.

Hiển thị:

Với tấm màn IPS full HD thì việc hiển thị hình ảnh có thể nói là tuyệt vời. Màu sắc rất đẹp, độ sáng, độ tương phản cao. Xử lý ảnh hay xem phim đều cho ra 1 màu sắc rất trung thực, mình là 1 người không khắt khe về màu sắc, hình ảnh cho lắm nên việc đánh giá màn hình chỉ dừng lại ở cảm nhận.

Với độ phân giải Full HD và sỡ hữu kích thước chỉ 13.3” nên việc các icon, chữ số trên màn hình hiển thị rất là nhỏ, mặc định Windows hiển thị hình ảnh ở mức scale 150% nên 1 số ứng dụng được viết ở form cố định như unikey thì chữ số sẽ bị nhòe rất khó chịu. Bạn có thể thay đổi mức scale này bằng cách Click chuột phải vào Desktop và chọn Display Setting > thay đổi thông số trong mục Change the size of text, apps, and other items.

Âm thanh:

Laptop Masstel L133 được cung cấp tới 4 loa và bố trí cạnh trên cùng thân máy, ngay phần bản lề cho âm thanh chất lượng tốt, to rõ khi xem phim hay nghe nhạc, với lỗ tai trâu như mình thì không dám đánh giá chất âm của loa hay hay dỡ, nhưng cảm nhận loa to nhưng vẫn không được ấm lắm, chắc chắn rồi vì với mức giá hơn 5 triệu không thể có 1 bộ loa xịn như các dòng máy khác nhưng vẫn tốt hơn so với các máy trong cùng phân khúc.

Touchpad:

Đây là phần mình rất thích, chuột cảm ứng rất nhạy, có hỗ trợ đa điểm, cho cảm giác bấm như trên các dòng laptop macbook. Chỉ có điểm trừ duy nhất là nút bấm trái phải còn có tiếng kêu tạch tạch rất khó chịu. Các cử chỉ đa điểm có thể sử dụng là:

Chạm 1 ngón: tương đương click trái Chạm 2 ngón: tương đương click phải Chạm 3 ngón tay để mở nút Start Chạm 4 ngón tay để mở menu Action center Vuốt 2 ngón để lên xuống để cuộn màn hình web, word… như khi vuốt trên điện thoại Vuốt 3 ngón từ dưới lên để mở hiện các ứng dụng đang mở Vuốt 3 ngón từ trên xuống dưới để ẩn hết các cửa sổ đang mở xuống taskbar Vuốt 3 ngón sang trái phải để chuyển sang các cửa sổ ứng dụng đang mở khác Vuốt 4 ngón tay sang trái phải để chuyển đổi qua lại các Desktop ảo.

Cổng kết nối:

Vì là máy mòng nhẹ nên đã cắt giảm toàn bộ các kết nối chiếm diện tích như LAN, VGA, và kể cả HDMI cũng giảm xuống chỉ còn micro HDMI. Wifi được tích hợp trong máy tương thích tốt với chuẩn WIFI 802.11 a/b/g/n/ac 2.4GHz và 5GHz. Nếu bạn muốn sử dụng cổng LAN để tăng tính ổn định có thể đặt mua thêm hub gigabit LAN + 3 cổng USB 3.0 và cáp chuyển Micro HDMI to HDMI để xuất hình ảnh sang TV.

Thời lượng Pin:

Với cấu hình của Laptop L133 thì việc pin của máy cho thời lượng sử dụng rất tốt. Từ lúc sạc đầy đến khi máy còn 10% pin rơi vào khoảng hơn 4 tiếng với thiết lập độ sáng 40%, mở skype, IE, Edge, cắm chuột ngoài, cắm USB LAN vào mạng LAN, không vào wifi. Sử dụng word, mở web tin tức, không xem video.

Vì chỉ dùng làm việc nên mình không đánh giá thời lượng pin khi xem phim là bao nhiêu lâu thì hết pin.

Kết luận:

Ưu điểm:

  • Giá thành rẻ
  • Máy đẹp, mỏng, nhẹ, sang trọng
  • Màn hình IPS, Full HD đẹp, hiển thị tốt
  • Touchpad to đa điểm, nhạy
  • Bàn phím bố trí hợp lý, thao tác gõ phím thuận tiện.
  • Máy chạy mát, không gây nóng máy
  • Thời lượng pin cao
  • Bảo hành dài lên đến 18 tháng, chính sách đổi mới 30 ngày nếu có lỗi nhà sản xuất.

Khuyết điểm:

  • Cấu hình mức trung bình
  • Bàn phím không có đèn nền, không chuyển đổi được phím Fn
  • Touchpad bấm còn kêu to

Có thể nói notebook Masstel L133 là dòng sản phẩm rất ấn tượng trên thị trường hiện nay, dù mới ra đời nhưng L133 đã vượt ngoài sự mong đợi của người tiêu dùng khi chỉ phải bỏ mức chi phí của một máy dòng phổ thông nhưng tính năng và chất lượng thì của dòng máy cao cấp. Thực sự khi ra mắt mẫu sản phẩm mới này, Masstel đã luôn đặt mình vào tâm lý người tiêu dùng và nỗ lực mang đến chất lượng sản phẩm cũng như bắt kịp xu hướng nhưng đảm bảo mức giá ưu đãi cho người tiêu dùng Việt.

Chủ Đề