Điều kiện cần để được xét học bổng khuyến khích học tập

Để triển khai thực hiện việc cấp học bổng khuyến khích học tập từ nguồn ngân sách của Nhà nước cho học sinh, sinh viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thống nhất, cập nhật kịp thời theo các văn bản, quy định mới của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở Quy định tạm thời về quản lý và sử dụng học bổng tại ĐHQGHN (ban hành theo Quyết định số 597/CT-HSSV ngày 28/01/2008 của Giám đốc ĐHQGHN), ĐHQGHN hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh một số nội dung trong việc quản lý và cấp học bổng khuyến khích học tập từ nguồn ngân sách của Nhà nước cho học sinh, sinh viên như sau:

1.Học bổng khuyến khích học tập từ nguồn ngân sách của Nhà nước là loại học bổng hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh sinh viên (HSSV) được thực hiện trên cơ sở Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Quyết định số 44/2007/BGD&ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với HSSV các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQGHN ban hành theo Quyết định số 3079/QĐ-ĐHQGHN ngày 26/10/2010 của Giám đốc ĐHQGHN.

2. Quỹ học bổng: Quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 15% tổng thu học phí từ sinh viên đại học hệ chính quy. Đối với ngành sư phạm, quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 15% từ nguồn học phí do nhà nước cấp bù.

3. Định mức cấp học bổng:

3.1. Đối với học sinh trung học phổ thông chuyên: Cơ sở đào tạo lập dự toán ngân sách hàng năm trình ĐHQGHN quyết định (áp dụng đối với Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên thuộc Trường ĐHKHTN và Trường THPT chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ). Định mức cấp học bổng cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc và giỏi, có hạnh kiểm tốt không thấp hơn mức trần học phí theo quy định mà học sinh phải đóng tại trường.

3.2. Đối với sinh viên đại học hệ chính quy (hệ chuẩn): Thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định mức học bổng khuyến khích học tập áp dụng đối với sinh viên sao cho mức học bổng thấp nhất (học bổng loại khá) tối thiểu bằng mức trần học phí theo khung quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP đối với nhóm ngành nghề đào tạo mà sinh viên phải đóng tại trường. Mức thu học phí của năm học nào tương ứng với mức sàn để cấp học bổng khuyến khích học tập của năm học đó.

- Các mức học bổng loại giỏi và loại xuất sắc dành cho sinh viên của từng nhóm ngành do thủ trưởng các đơn vị đào tạo quyết định căn cứ theo chỉ tiêu và khả năng kinh phí từ quỹ học bổng của đơn vị trên cơ sở cao hơn mức học bổng loại khá.

3.3. Học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao, nhiệm vụ chiến lược: Trên cơ sở nguồn kinh phí hàng năm được cấp cho việc tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng, chất lượng cao, nhiệm vụ chiến lược, thủ trưởng đơn vị đào tạo tự cân đối, quyết định mức kinh phí cụ thể đối với từng loại theo nguyên tắc bằng từ 1,3 đến 1,5 mức học bổng khuyến khích học tập tương ứng dành cho sinh viên hệ chuẩn.

4. Các nội dung khác như: tiêu chuẩn, đối tượng, quy trình, nguyên tắc xét cấp học bổng tương ứng với các hệ đào tạo... vẫn áp dụng theo Quy định tạm thời về quản lý và sử dụng học bổng tại ĐHQGHN (ban hành theo Quyết định số 597/CT-HSSV ngày 28/01/2008 của Giám đốc ĐHQGHN).

Hướng dẫn điều chỉnh này có hiệu lực thi hành từ năm học 2011-2012.

Tải về bản PDF

(Ban hành theo Quyết định số 597 /CT-HSSV, ngày 28 tháng 1 năm 2008 của Giám đốc ĐHQGHN)

I. KHÁI NIỆM HỌC BỔNG 

Học bổng là khoản kinh phí từ các nguồn khác nhau mà học sinh trung học phổ thông chuyên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được nhận thông qua ĐHQGHN hoặc cơ sở đào tạo trực thuộc của ĐHQGHN nhằm trang trải một phần chi phí sinh hoạt hoặc hỗ trợ hoạt động đào tạo trong thời gian học tập, nghiên cứu.

II. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC CẤP HỌC BỔNG

Khuyến khích các đối tượng thuộc diện được xét cấp học bổng phấn đấu học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện đạt kết quả tốt.

Đầu tư ưu tiên, tạo điều kiện cho sinh viên học tập đạt kết quả xuất sắc theo yêu cầu của chương trình/dự án.

Khuyến khích, thu hút người giỏi tham gia các chương trình đào tạo khác, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín của chương trình.

III. YÊU CẦU CHUNG CỦA VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT HỌC BỔNG

Đảm bảo khách quan, công khai, công bằng, đúng đối tượng;

Đảm bảo thực hiện đúng quy trình trong việc xét và cấp học bổng;

Đảm bảo cấp đủ và sử dụng học bổng theo đúng yêu cầu, mục đích của nơi cấp học bổng;

Đảm bảo tính liên thông trong quản lý học bổng ở toàn ĐHQGHN, thực hiện chế độ thông báo, phối hợp giữa ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo trong việc cấp học bổng từ các nguồn kinh phí khác nhau.

IV. CÁC LOẠI HỌC BỔNG

A. Học bổng từ nguồn ngân sách của Nhà nước

1. Học bổng khuyến khích học tập

Là loại học bổng hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh sinh viên (HSSV) được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 44/2007/BGD&ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với HSSV các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Hướng dẫn tại công văn số 4146/KHTC ngày 5/11/2007 của ĐHQGHN.

1.1. Định mức và tiêu chuẩn xét cấp học bổng

1.1.1. Đối với học sinh trung học phổ thông chuyên

1.1.1.1. Mức học bổng loại xuất sắc: 140.000 đồng/người/tháng

Dành cho học sinh đạt học lực loại giỏi, hạnh kiểm tốt trong học kỳ xét học bổng và đạt một trong những tiêu chuẩn sau:

- Điểm môn chuyên đạt từ 9,0 trở lên

- Đoạt được một trong các giải từ khuyến khích trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực, quốc tế trong học kỳ đó.

1.1.1.2. Mức học bổng loại giỏi: 120.000 đồng/người/tháng

Dành cho học sinh đạt học lực loại giỏi, hạnh kiểm tốt trong học kỳ xét học bổng và điểm môn chuyên đạt từ 8,5 trở lên.

1.1.2. Đối với sinh viên đại học hệ chính quy

1.1.2.1. Mức học bổng loại xuất sắc: 260.000 đồng/người/tháng

            Dành cho sinh viên đạt các tiêu chuẩn sau:

a. Về kết quả học tập:

- Đối với các khoá đào tạo theo niên chế: Tại học kỳ xét học bổng, kết quả học tập đạt loại xuất sắc (điểm trung bình chung học tập đạt từ 9,0 trở lên), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,0 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).

- Đối với các khoá đào tạo theo tín chỉ: Tại học kỳ xét học bổng, đảm bảo hoàn thành ít nhất 15 tín chỉ và đạt kết quả học tập loại xuất sắc (điểm trung bình chung tích luỹ đạt từ 3,60 trở lên), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,5 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).

b. Về kết quả rèn luyện: Được xếp loại xuất sắc.

1.1.2.2. Mức học bổng loại giỏi: 220.000 đồng/người/tháng

Dành cho sinh viên đạt các tiêu chuẩn sau:

a. Về kết quả học tập:

- Đối với các khoá đào tạo theo niên chế: Tại học kỳ xét học bổng, kết quả học tập đạt loại giỏi (điểm trung bình chung học tập đạt từ 8,0 đến cận 9), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,0 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).

- Đối với các khoá đào tạo theo tín chỉ: Tại học kỳ xét học bổng, đảm bảo hoàn thành ít nhất 15 tín chỉ và đạt kết quả học tập từ loại giỏi trở lên (điểm trung bình chung tích luỹ đạt từ 3,20 đến 3,59), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,5 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).

b. Về kết quả rèn luyện: Được xếp từ loại giỏi trở lên.

1.1.2.3. Mức học bổng loại khá: 180.000 đồng/người/tháng

Dành cho sinh viên đạt các tiêu chuẩn sau:

a. Về kết quả học tập

- Đối với các khoá đào tạo theo niên chế: Tại học kỳ xét học bổng, kết quả học tập đạt loại khá (điểm trung bình chung học tập đạt từ 7,0 đến cận 8), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,0 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).

- Đối với các khoá đào tạo theo tín chỉ: Tại học kỳ xét học bổng, đảm bảo hoàn thành ít nhất 15 tín chỉ và đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (điểm trung bình chung tích luỹ đạt từ 2,50 đến 3,19), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,5 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).

b. Về kết quả rèn luyện: Được xếp từ loại khá trở lên.

* Trong trường hợp sinh viên có kết quả rèn luyện thấp hơn so với tiêu chuẩn thì việc xếp loại xét học bổng sẽ hạ một bậc so với kết quả học tập (ví dụ: sinh viên đạt kết quả học tập loại xuất sắc nhưng xếp loại rèn luyện loại giỏi thì chỉ được xét học bổng loại giỏi). Tuy vậy, điểm rèn luyện tối thiểu mà sinh viên cần đạt được khi đưa vào diện xét cấp học bổng là loại khá.

1.2. Quy trình và nguyên tắc xét cấp

1.2.1. Đối với học sinh trung học phổ thông chuyên

- Cơ sở đào tạo lập dự toán ngân sách hàng năm chi đủ cho 30% học sinh được nhận học bổng khuyến khích học tập.

- Kết thúc mỗi học kỳ, thủ trưởng các đơn vị đào tạo căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, xét và quyết định cấp học bổng từ loại xuất sắc trở xuống đến hết chỉ tiêu theo nguồn kinh phí cho phép, lưu ý tới sự cân đối về số lượng giữa các khối lớp 10, 11, 12.

- Xét cấp từng kỳ, mỗi kỳ 4,5 tháng.

1.2.2. Đối với sinh viên đại học hệ chính quy

- Quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 15% tổng thu học phí từ sinh viên đại học hệ chính quy. Đối với ngành sư phạm, quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 15% từ nguồn học phí do nhà nước cấp bù.

- Từ quỹ học bổng đã được xác lập, sau khi dành chi đủ trợ cấp xã hội cho sinh viên toàn đơn vị, số còn lại sẽ dùng để xét cấp những sinh viên có đủ tiêu chuẩn.

- Kết thúc mỗi học kỳ, thủ trưởng các đơn vị đào tạo căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên, xét và quyết định cấp học bổng theo từng khoá, từng ngành, từ loại xuất sắc trở xuống cho tới hết chỉ tiêu theo nguồn kinh phí cho phép.

- Những sinh viên đang được hưởng trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi theo Quy định hiện hành của nhà nước, nếu đạt đủ tiêu chuẩn về học tập và rèn luyện thì cũng được xét cấp học bổng khuyến khích học tập như những sinh viên khác.

- Xét cấp từng kỳ, mỗi kỳ 5 tháng.

2. Học bổng khuyến khích dành cho sinh viên hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao

2.1. Đối tượng được xét cấp và mức học bổng

Đối tượng là sinh viên đang học hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao đạt kết quả tốt trong học tập và rèn luyện.

Mức cấp gồm ba loại:

- Mức học bổng loại xuất sắc

- Mức học bổng loại giỏi

- Mức học bổng loại khá

Tiêu chuẩn về kết quả học tập và rèn luyện đối với mỗi mức được quy định như đối với Học bổng khuyến khích học tập.

2.2. Nguyên tắc xét cấp học bổng

- Trên cơ sở nguồn kinh phí hàng năm được cấp cho việc tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng, thủ trưởng đơn vị đào tạo tự cân đối, quyết định mức kinh phí cụ thể đối với từng loại theo nguyên tắc bằng từ 1,3 đến 1,5 mức học bổng khuyến khích học tập tương ứng dành cho sinh viên hệ đại trà.

- Kết thúc mỗi học kỳ, thủ trưởng các đơn vị đào tạo căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên, xét và quyết định cấp học bổng theo từng khoá, từng ngành, từ loại xuất sắc trở xuống cho tới hết chỉ tiêu theo nguồn kinh phí cho phép.

- Các đơn vị đào tạo trực tiếp cấp học bổng cho sinh viên theo đúng đối tượng, cấp theo từng học kỳ, mỗi kỳ 5 tháng.

3. Học bổng chính sách

 Là loại học bổng dành cho các đối tượng tuyển sinh và đang học tại các cơ sở giáo dục quốc dân được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

3.1. Đối tượng được cấp học bổng và mức học bổng

Là sinh viên hệ cử tuyển (học ở những lớp riêng được cơ quan có thẩm quyền duyệt danh sách) dành cho vùng cao và vùng sâu (danh mục các xã, phường, thị trấn thuộc vùng cao, vùng sâu do Uỷ ban dân tộc và miền núi công nhận và ban hành theo Quyết định số 42/UB-QĐ ngày 23/05/1997) và do Nhà nước cấp kinh phí đào tạo.

Mức học bổng: 360.000 đồng/người/tháng.

3.2. Nguyên tắc xét cấp học bổng

- Quỹ học bổng chính sách được bố trí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước của đơn vị đào tạo theo số lượng sinh viên thuộc đối tượng được cấp. 

- Các đơn vị đào tạo trực tiếp cấp học bổng cho sinh viên theo đúng đối tượng, cấp theo từng học kỳ, mỗi kỳ 5 tháng.

B. Học bổng từ các chương trình, dự án đào tạo thí điểm hoặc đặc biệt của nhà nước.

Đây là các học bổng từ các chương trình, dự án thí điểm hoặc đặc biệt của Nhà nước như chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế…dành cho các đối tượng tham gia.

Việc quản lý, phân bổ học bổng được thực hiện theo các quy định riêng về tiêu chuẩn, chỉ tiêu và các quy định có liên quan đối với từng chương trình, dự án.         

C. Học bổng từ các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Là học bổng do các trường đại học nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, cựu sinh viên, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cấp. Có những học bổng được cấp thường niên, có học bổng được cấp đột xuất theo yêu cầu và điều kiện của phía cấp học bổng.

Học bổng loại này có thể cấp thông qua ĐHQGHN, thông qua các đơn vị đào tạo trực thuộc hoặc thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể.

1. Mức học bổng: phụ thuộc vào từng tổ chức hoặc nguồn cấp trong từng năm, được tính bằng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ. Trong trường hợp giá trị học bổng được tính bằng ngoại tệ, sinh viên được nhận học bổng bằng tiền Việt Nam sau khi qui đổi theo tỉ giá hối đoái của ngân hàng tại thời điểm trao học bổng.

Số lượng HSSV được nhận hàng năm do tổ chức hoặc nguồn cấp quy định.

2. Đối tượng được xét cấp học bổng

2.1. Đối với học sinh trung học phổ thông chuyên

Tại học kỳ xét cấp học bổng, học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt và có kết quả học tập đạt từ loại giỏi trở lên, hoặc thuộc diện hoàn cảnh khó khăn nhưng cố gắng vươn lên, kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên.

2.2. Đối với sinh viên hệ chính quy

2.2.1. Về kết quả học tập

- Đối với các khoá đào tạo theo niên chế: Tại học kỳ xét học bổng, kết quả học tập đạt từ loại giỏi trở lên (điểm trung bình chung học tập đạt từ 8,0 trở lên), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,0 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).

- Đối với các khoá đào tạo theo tín chỉ: Tại học kỳ xét học bổng, đảm bảo hoàn thành ít nhất 15 tín chỉ và đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (điểm trung bình chung tích luỹ đạt từ 2,50 trở lên), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,5 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).

- Đối với sinh viên thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn nhưng cố gắng vươn lên: Tại học kỳ xét có kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên (xét điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất) và không có môn thi lại.

2.2.2. Về kết quả rèn luyện: Được xếp từ loại giỏi trở lên.

2.3. Đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh

- Đảm bảo tiến độ chung của khoá học.

- Có điểm trung bình chung các môn học (đối với học viên cao học) hoặc điểm trung bình chung các chuyên đề (đối với NCS) đạt từ 8.0 trở lên tính tới thời điểm xét cấp học bổng.

- Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học (từ cấp trường/khoa trực thuộc trở lên), có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn chung, ĐHQGHN (đối với những học bổng do ĐHQGHN quản lý) hoặc đơn vị (đối với những học bổng do đơn vị quản lý) chi tiết hoá tiêu chuẩn khi xét đối với từng học bổng cụ thể, phụ thuộc vào giá trị và chỉ tiêu của từng học bổng.

Ngoài ra, tuỳ thuộc yêu cầu của một số tổ chức/cá nhân cấp học bổng, có thể bổ sung thêm một số tiêu chuẩn có tính đặc thù riêng (về đối tượng, chuyên ngành ưu tiên...) bên cạnh các tiêu chuẩn chung khi xét chọn.

3. Nguyên tắc xét cấp học bổng

- Lựa chọn đúng đối tượng theo yêu cầu và điều kiện của phía cấp học bổng.  

- Trên cơ sở chỉ tiêu cho phép của từng học bổng, sắp xếp các đối tượng có đủ tiêu chuẩn theo trật tự ưu tiên từ cao xuống thấp và xét cho tới khi hết chỉ tiêu.

- Đảm bảo tính công bằng trong việc xét. Tại thời điểm xét học bổng, người có kết quả học tập và rèn luyện cao hơn thì được nhận học bổng có giá trị cao hơn.

- Lưu ý tỉ lệ sinh viên giữa các đơn vị, các chuyên ngành khi phân bổ và xét học bổng.

- Mỗi sinh viên chỉ nhận 01 lần học bổng này trong một năm theo các nguồn cấp chính thức. Ngoài ra, sinh viên có thể tự do tham gia đăng ký nhận các học bổng không do ĐHQGHN hoặc đơn vị đào tạo quản lý.

 4. Quy trình xét và cấp học bổng

Bước 1: Căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của HSSV học kỳ liền kề trước, các đơn vị đào tạo xếp loại HSSV thuộc diệnđược nhận học bổng, xây dựng danh sách nguồn của đơn vị theo thứ tự ưu tiên và báo cáo lên ĐHQGHN (qua Ban CT-HSSV).

Thời hạn nộp: Học kỳ I: Trước ngày 30 tháng 9 hàng năm

Học kỳ II: Trước ngày 28 tháng 2 hàng năm

Bước 2: ĐHQGHN thông báo tới các đơn vị đào tạo kế hoạch cấp các học bổng do ĐHQGHN quản lý. Các đơn vị đào tạo, các tổ chức Đoàn, Hội báo cáo ĐHQGHN kế hoạch cấp các học bổng do đơn vị hoặc tổ chức Đoàn, Hội quản lý.Thời hạn thực hiện: hoàn thành trước ngày 15/10 hàng năm.

Thông tin thông báo gồm: tên học bổng (hoặc tên tổ chức/cá nhân cấp), mức tiền cấp tổng thể và mức cấp cho một người, chỉ tiêu, thời gian dự kiến tổ chức lễ phát. Đối với những học bổng đột xuất, ĐHQGHN và các đơn vị thông báo bổ sung sau khi nhận được thông tin từ phía nguồn cấp.

Bước 3: Trên cơ sở danh sách nguồn tiếp nhận học bổng và kế hoạch cấp học bổng, các đơn vị đào tạo xây dựng kế hoạch phân bổ học bổng của đơn vị mình và thông báo công khai toàn đơn vị.

Bước 4: ĐHQGHN (hoặc các đơn vị đào tạo) ra quyết định và thông báo chính thức danh sách sinh viên được nhận học bổng trước thời gianphát từng học bổng theo kế hoạch. ĐHQGHN kết hợp với phía cấp học bổng tổ chức lễ phát đối với những học bổng do ĐHQGHN quản lý. Đơn vị đào tạo tổ chức lễ phát đối với những học bổng do đơn vị quản lý.

Sau mỗi học kỳ, các đơn vị báo cáo ĐHQGHN toàn bộ số liệu có liên quan tới việc cấp các học bổng do đơn vị quản lý. ĐHQGHN cập nhật các số liệu liên quan đến việc phát các loại học bổng lên mạng Internet và Intranet của ĐHQGHN.

 D. Học bổng từ chương trình liên kết đào tạo (trong nước hoặc quốc tế)

Học bổng liên kết đào tạo là học bổng được lấy từ nguồn thu của chương trình liên kết đào tạo hoặc nguồn tài trợ của phía đối tác.

1. Mức học bổng: Phụ thuộc vào từng chương trình, tổ chức hoặc nguồn cấp.

2. Đối tượng được xét cấp: Sinh viên, học viên hoặc nghiên cứu sinh đang tham dự chương trình có kết quả học tập tốt, có tư cách đạo đức và quá trình rèn luyện tốt, tích cực tham gia các hoạt động tập thể.

3. Tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn cụ thể được xây dựng phụ thuộc vào từng chương trình, được thông báo vào đầu năm học hoặc khi chương trình được bắt đầu thực hiện.

4. Quy trình xét cấp học bổng

Bước 1: Đơn vị (hoặc chương trình đào tạo) lập kế hoạch dành một phần kinh phí hoạt động hoặc khai thác từ phía đối tác liên kết làm quỹ học bổng khuyến khích học tập.

Bước 2: Thông báo công khai số lượng, tiêu chuẩn, mức cấp, điều kiện cấp học bổng đến toàn thể các đối tượng đang tham dự chương trình và tổ chức bình xét tại lớp. Đối với đối tượng chuẩn bị tham gia chương trình thì đơn vị (chương trình đào tạo) cần thông báo rộng rãi các thông tin có liên quan thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc Website của đơn vị.

Bước 3: Lập Hội đồng xét cấp học bổng. Trên cơ sở kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên theo các tiêu chí đã đề ra, Hội đồng họp xét duyệt danh sách sinh viên được cấp học bổng và thông báo công khai kết quả. 

Bước 4: Chủ tịch hội đồng ra quyết định và tổ chức trao học bổng.

E. Học bổng Chính phủ hoặc theo các Hiệp định ký kết giữa ĐHQGHN hoặc các đơn vị đào tạo cấp cho các đối tượng đi học tại nước ngoài

1. Đối tượng: Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tập tại các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN.

2. Tiêu chuẩn: Phụ thuộc vào từng chương trình và sẽ được công bố cụ thể đối với từng loại

3. Quy trình xét và cấp học bổng

Bước 1: ĐHQGHN thông báo đến các đơn vị đào tạo những nội dung liên quan đối với các loại học bổng Chính phủ hoặc học bổng do ĐHQGHN quản lý (chỉ tiêu, đối tượng, tiêu chuẩn xét chọn . . .).

Bước 2: Các đơn vị đào tạo thông báo công khai các thông tin liên quan đến việc xét chọn học bổng tới toàn thể sinh viên khi có các loại học bổng Chính phủ, học bổng do ĐHQGHN quản lý và học bổng do các đơn vị đào tạo quản lý.

Bước 3: Căn cứ trên yêu cầu của từng loại học bổng các đơn vị đào tạo tổ chức xét cấp học bổng cho các đối tượng đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo nguyên tắc từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

Bước 4: Các đơn vị đào tạo gửi danh sách các đối tượng đủ điều kiện nhận học bổng về ĐHQGHN đối với những học bổng Chính phủ và học bổng do ĐHQGHN quản lý để ĐHQGHN xem xét và ra quyết định cử đi học. Các đơn vị đào tạo ra quyết định đối với học bổng do các đơn vị đào tạo quản lý.

Bước 5: Các đơn vị đào tạo thông báo tới các cá nhân đủ điều kiện nhận học bổng và tiến hành các thủ tục cần thiết cho các đối tượng đi học theo đúng những qui định hiện hành về việc cử người đi học ở nước ngoài.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ HỌC BỔNG

1. Trách nhiệm của ĐHQGHN

Ban Kế hoạch - Tài chính: căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước thẩm định và hướng dẫn lập dự toán kinh phí dành cho cấp học bổng trong ngân sách Nhà nước của các đơn vị.

Ban Quan hệ Quốc tế: làm đầu mối khai thác, phát triển, tiếp nhận các nguồn học bổng từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Ban Chính trị và Công tác HSSV: làm đầu mối khai thác, phát triển các nguồn học bổng từ các tổ chức và cá nhân trong nước; phối hợp với Ban Đào tạo, Ban Quan hệ Quốc tế, Khoa Sau Đại học xét duyệt và quản lý thống nhất các học bổng từ các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước do ĐHQGHN quản lý; căn cứ vào các nguồn học bổng thường niên ngoài ngân sách Nhà nước và dự kiến nguồn học bổng không thường niên hoặc đột xuất, trên cơ sở danh sách nguồn HSSV thuộc diện được xét cấp học bổng do các đơn vị báo cáo, lập kế hoạch phân bổ học bổng cho các đơn vị đào tạo; tổ chức xét duyệt, ra quyết định về việc cấp học bổng, thông báo cho các đơn vị đào tạo, cá nhân có liên quan và tổ chức lễ trao học bổng.

Văn phòng ĐHQGHN: làm đầu mối tiếp nhận và quản lý tiền học bổng đối với các loại học bổng do ĐHQGHN quản lý thông qua tài khoản của Văn phòng ĐHQGHN.

2. Trách nhiệm của các đơn vị đào tạo

 Đơn vị đào tạo có trách nhiệm quản lý và cấp phát các loại học bổng trong ngân sách Nhà nước theo đúng quy định hiện hành của nhà nước và quy định chung của ĐHQGHN về việc sử dụng học bổng trong ngân sách Nhà nước. Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh được giao, hàng năm đơn vị đào tạo lập dự toán chi học bổng, trình ĐHQGHN xem xét, phê duyệt làm căn cứ cấp phát, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước làm căn cứ chi trả và kiểm soát chi tiêu tài chính theo ý kiến chỉ đạo của ĐHQGHN.

Đối với những đơn vị có chương trình liên kết đào tạo (trong nước hoặc quốc tế): Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo và mức thu học phí, xây dựng kế hoạch cân đối thu chi một cách hợp lý, dành tối thiểu 5% nguồn thu học phí làm học bổng nhằm thu hút và khuyến khích sinh viên, đảm bảo tối thiểu khoảng 10% số lượng đối tượng tham gia chương trình được cấp học bổng.

Tích cực tìm kiếm, khai thác và phát triển các nguồn học bổng khuyến khích các HSSV có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc hoặc có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực vươn lên, từ các doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức từ thiện, cựu sinh viên và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Căn cứ chỉ tiêu học bổng được ĐHQGHN phân bổ và số lượng các học bổng do đơn vị trực tiếp quản lý, chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng, xét cấp học bổng trên cơ sở các điều kiện, tiêu chuẩn chung hoặc theo yêu cầu của phía cấp học bổng.      

Có trách nhiệm cung cấp thông tin về quá trình học tập, rèn luyện của đối tượng được nhận học bổng theo yêu cầu của phía cấp học bổng.

Ra quyết định về việc cấp học bổng, thông báo và tổ chức trao học bổng do đơn vị quản lý.

Quản lý hồ sơ cấp học bổng hàng năm và báo cáo ĐHQGHN.

 3. Trách nhiệm của HSSV

Sử dụng học bổng được cấp theo đúng mục đích, yêu cầu của ĐHQGHN, đơn vị đào tạo và phía cấp học bổng, chủ yếu sử dụng phục vụ quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của bản thân.

Tích cực phấn đấu học tập và rèn luyện tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn mà học bổng yêu cầu.

Những đối tượng không thực hiện tốt trách nhiệm trên sẽ bị thu hồi lại học bổng đã được cấp hoặc không được đưa vào diện xét cấp học bổng trong các lần tiếp theo.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, hàng năm ĐHQGHN xem xét, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với những quy định mới của nhà nước hoặc tình hình thực tế ở ĐHQGHN.