Doanh thu công ty Xây dựng Hòa Bình

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình [mã HBC].

Sáng ngày 25/4/2022, CTCP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình [HBC] đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ, Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ: “Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng trong năm 2022. Tiến đến mục tiêu 10 năm nữa là năm 2032, Hòa Bình sẽ đạt doanh thu 437.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt tỷ trọng 5% doanh thu, tương ứng gần 22.000 tỷ đồng”.

Theo Chủ tịch Lê Viết Hải, Hòa Bình đã có tốc độ phát triển nhanh và ổn định, doanh thu tăng đều đặn mỗi 5 năm gấp 5 lần, trong suốt 3 thập niên từ 1988 đến 2018. Mục tiêu chiến lược trong thập niên tới là khôi phục tốc độ tăng trưởng đó. Đồng thời ông cũng gửi thông điệp: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trên chặng đường phía trước chắc chắn vẫn còn nhiều chông gai nhưng đó sẽ luôn là động lực giúp Hòa Bình vững vàng vượt qua những giới hạn của chính mình để tiếp tục làm nên những kỳ tích".

"Hòa Bình cần tiếp tục khẳng định vị thế là nhà thầu xây dựng hàng đầu ở thị trường nội địa và đưa thương hiệu Hòa Bình vững bước trên thị trường quốc tế", Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình cho biết thêm.

Theo báo cáo của HĐQT năm 2021, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 11.355 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2020 và đạt 84% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 103 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2020 và đạt 42,7% kế hoạch. Trong năm 2021, tổng tài sản Hòa Bình tăng 1.025 tỷ đồng lên 16.576,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,6% so với năm 2020.

Với kết quả này, Hòa Bình dự kiến trình phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tổng tỷ lệ 10% trong đó 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu.

Đặt mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng năm 2022

Năm 2022, Xây dựng Hoà Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu là 17.500 đồng, lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng; tăng lần lượt 54,1% và 261% so với kết quả năm 2021. Dự kiến mức chi trả cổ tức là 5% cổ phiếu hoặc/và tiền mặt.

Biểu đồ doanh thu dự kiến của HBC năm 2022

Kế hoạch chiến lược năm 2022 là bản lề cho chiến lược phát triển dân dụng, công nghiệp và hạ tầng. Giá trị trúng thầu mục tiêu là 20.000 tỷ đồng, trong đó chỉ tiêu dự thầu dân dụng 15.000 tỷ đồng và chỉ tiêu dự thầu công nghiệp 5.000 tỷ đồng.

Theo định hướng chiến lược giai đoạn 2022-2032, Hòa Bình muốn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 năm tăng 5 lần như trong ba thập kỷ qua [1988 – 2018], cụ thể đến năm 2032 doanh thu dự kiến là 20 tỷ USD và lợi nhuận là 1 tỷ USD.

Đáng chú ý trong năm nay, phòng Phát triển Thị trường Nước ngoài của HBC sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch chiến lược 10 năm [từ 2022 – 2023] như Ban Điều hành đã đưa ra. Dự kiến trong quý II/2022, các văn phòng công ty thành viên của Hòa Bình tại Sydney và Brisbane sẽ mở cửa để bắt đầu các hoạt động tại Úc. Đến quý IV/2022 sẽ triển khai xây dựng dự án tại khu vực Great Sydney và New South Wales. Đồng thời, tham gia vào công tác xây dựng tại Brisbane và Gold Coast nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Brisbane sẽ diễn ra vào năm 2032.

Cũng trong quý II/2022, công ty thành viên của tập đoàn và cũng là công ty đầu tiên của Hòa Bình tại Hoa Kỳ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động tại Texas. Cách tiếp cận với các thị trường mới của HBC sẽ theo hướng tăng trưởng tự nhiên hoặc M&A.

Biểu đồ tăng trưởng doanh thu dự kiến tại thị trường nước ngoài của HBC giai đoạn 2022-2032

Thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 74 triệu cổ phiếu

Hòa Bình trình phương án phát hành riêng lẻ tối đa 74 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Mức giá phát hành sẽ do HĐQT lựa chọn tuy nhiên không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho công ty và thanh toán các khoản nợ vay nhằm giảm áp lực tài chính. Thời gian triển khai dự kiến là năm nay và năm 2023 hoặc sau khi nhận được sự chấp thuận của UBCKNN và các cơ quan quản lý có liên quan.

Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu là ba năm với nhà đầu tư chiến lược và một năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2022, Hoà Bình dự kiến triển khai phát hành tổng cộng 7,55 triệu cổ phiếu ESOP đã bị hoãn lại từ các năm trước. Cụ thể:

- Phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên [CBCNV] theo nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 4/2016 và nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 4/2019 vào năm 2022: 1,3 triệu cổ phiếu.

- Phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên [CBCNV] theo nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 4/2017 và nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 6/2020 vào năm 2022: 2,5 triệu cổ phiếu.

- Phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên [CBCNV] theo nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 4/2019: 3,75 triệu cổ phiếu.

Đồng thời, Hòa Bình cũng phát hành 5 triệu quyền mua cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên. Theo đó, 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Quyền mua có hiệu lực sau ba năm kể từ ngày 1/1/2022 với điều kiện CBCNV làm việc cho doanh nghiệp trong ba năm liên tục và không bị kỷ luật từ cấp 2 trở lên.

Về các dự án bất động sản, đầu tư lâu dài và hướng phát triển trong thời gian tới: ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT triển khai, quyết định phương án thực hiện, mở rộng hay thu nhỏ quy mô các dự án đầu tư, chuyển nhượng, có thể gia tăng hoặc giảm tỷ lệ đầu tư. Bên cạnh đó, triển khai thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi.

Đại hội thảo luận: 

Tại sao công ty Hòa Bình lên kế hoạch phát triển ở nước ngoài từ cách đây 3-5 năm nhưng chưa năm nào thực hiện được? Lợi nhuận năm nào đặt ra cũng cao nhưng không thực hiện được?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Trong 2 năm đại dịch, Hòa Bình cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình biến động về tài chính của tập đoàn. Do tình hình thị trường xấu trong đại dịch nên Hòa Bình tạm ngưng vốn cho các dự án nước ngoài để đảm bảo nguồn vốn vận hành cho các dự án trong nước.

Việc triển khai dự án ở Canada – dự án đầu tiên ở nước ngoài của Hòa Bình có một số cổ đông không sẵn sàng góp vốn, chậm triển khai dẫn đến vấn đề giấy phép hết hạn và việc xin gia hạn giấy phép cũng không đơn giản.

Mới đây, ban điều hành đã tổ chức một tháng hội nghị để nhất trí cao việc phát triển ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu chiến lược sau 10 năm đạt được doanh thu 437.000 tỷ đồng, lãi 21.875 tỷ đồng. Con số này lấy kết quả doanh thu năm 2022 nhân lên 25 lần [quá khứ doanh thu 5 năm tăng 5 lần]. Trong quá khứ Hòa Bình đã đạt được điều đó, kế hoạch này hoàn toàn khả thi nếu chúng ta biết cách triển khai.

Ba lợi thế cạnh tranh của Hòa Bình để có thể thành công khi tiến ra thị trường nước ngoài:

Đầu tiên, do sự cạnh tranh cao của chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng của Việt Nam. Từ một nước nhập khẩu xi măng năm 2015 đứng hàng thứ 2 trên thế giới nhưng đến năm 2017 Việt Nam đã đứng top xuất khẩu xi măng trên thế giới. Ngành vật tư xây dựng Việt Nam cũng có vị thế ngày càng cao. Chi phí sản xuất Việt Nam cạnh tranh do chúng ta có một hệ thống khu công nghiệp sử dụng nguyên liệu và nhân công với giá thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống logistics cũng lợi thế với hệ thống cảng biển trải dài từ Bắc chí Nam.

Thứ 2, do năng lực nội tại của Hòa Bình là nhà thầu xây dựng hàng đầu VN, trong 30 năm doanh thu cứ 5 năm tăng 5 lần. Đồng thời, Hòa Bình tiếp thu nhiều kĩ thuật hiện đại do có cơ hội làm việc với hơn 20 nhà thầu hàng đầu thế giới đến Việt Nam. 

Thứ 3, các nước khác tìm nguồn nhân lực xây dựng rất khó khăn thì chúng ta có lợi thế về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, quan trọng chúng ta phải củng cố nội tại năng lực của nhà thầu, cọ xát với thực tế thì mới làm cho ngành xây dựng của Việt Nam có khả năng cạnh tranh được.

Mục tiêu lợi nhuận 5% trên doanh thu không thể nào có được nếu không ra nước ngoài. Bởi thị trường trong nước có nhiều công ty mới thành lập dù Hòa Bình có thương hiệu, các chủ đầu tư cũng khó chấp nhận mức giá chênh lệch khá lớn.

Việc tiến ra nước ngoài, giúp Hòa Bình tránh nguy cơ tụt hậu về công nghệ do thiếu cơ hội cọ xát với các đối tác lớn và không cập nhật kỹ thuật mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thì Hòa Bình cũng còn có những mặt hạn chế như: tài chính yếu, kinh nghiệm quốc tế ít, hệ sinh thái ở nước ngoài chưa hình thành, các thủ tục pháp lý cũng không hề đơn giản, ngoại ngữ của nhân lực Hòa Bình còn yếu, thiếu tín chỉ chuyên môn nước ngoài, thiếu tự tin và quyết tâm, thiếu bằng phát minh sáng chế để tạo ra năng lực cạnh tranh…

Theo chủ tịch Lê Viết Hải dù có nhiều mặt hạn chế cần khắc phục nhưng Hòa Bình vẫn có lợi thế cạnh tranh chiến lược. Dù đi sau nhưng Hòa Bình có lợi thế về vấn đề xây dựng mô hình quản lý công ty mà nhiều công ty khác không làm được. Hiện nay, Hòa Bình quản lý toàn bộ dự án trên 1 hệ thống dựa vào nền tảng công nghệ 4.0.

Hiện nay đã có nhà đầu nào quan tâm tới 74 triệu cổ phiếu của Hòa Bình chưa?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Có 1 nhà đầu tư Nhật đã thỏa thuận mua cổ phiếu với mức giá 32.500 đồng cổ phiếu, số lượng là 5 triệu cổ phiếu. Những nhà đầu tư trong nước cũng muốn mua cổ phiếu với tỷ lệ cao tuy nhiên chưa có thỏa thuận về giá, về thời gian nắm giữ... Bên cạnh đó cũng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài là những nhà thầu lớn thế giới muốn hợp tác với Hòa Bình.

Quý 1 doanh thu và lợi nhuận như thế nào?

Ông Lê Viết Hiếu: Quý 1 doanh thu ước đạt 2.900-3.000 tỷ, lợi nhuận từ 10-20 tỷ. Do vướng tháng Tết nên doanh thu và lợi nhuận quý 1 thấp hơn những quý khác.

Cơ cấu doanh thu từ thị trường miền Trung thấp vào năm 2021 trong khi lợi thế của miền Trung nhiều resort, hiện nay con số này đã cải thiện hay chưa?

Ông Lê Viết Hiếu: Khi ngành du lịch chưa bị ảnh hưởng thì doanh thu mảng resort của Hòa Bình đến nhiều từ Hạ Long và Phú Quốc. Có lẽ Hòa Bình không có duyên với miền Trung, nhất là khu vực Nha Trang. Doanh thu chính của khu vực miền Trung đến từ Sun Group với dự án Bà Hà Hills. Du lịch sắp tới triển khai lại, hy vọng sẽ có nhiều dự án khác.

Cơ sở nào đưa ra doanh thu và lợi nhuận cao vào năm 2032?

Chủ tịch Lê Viết Hải: Mục tiêu cho doanh thu và lợi nhuận là một con số không tưởng, nếu không thực hiện được có thể mất uy tín với cổ đông. Tuy nhiên, quy mô thị trường xây dựng là khoảng 12.000 tỷ USD vào năm 2019, dự báo đến năm 2030 là 19.000 tỷ USD, trong khi mục tiêu của Hòa Bình là xấp xỉ 20 tỷ USD so ra là một con số rất nhỏ với thị trường thế giới.

“Nếu như chúng ta thành công tôi đề nghị cổ đông đồng ý mức thưởng rất lớn cho những người đóng góp vào thành tích đó. 10% của lợi nhuận này như vậy có nghĩa là chúng ta có xấp xỉ 1 tỷ USD lợi nhuận thì chúng ta sẵn sàng thưởng 100 triệu USD cho cán bộ công nhân viên. Bên cạnh đó, tôi đề nghị cổ đông chấp nhận một phần thưởng khích lệ khác nếu lãi 2 tỷ USD thì chúng ta sẵn sàng thưởng 500 triệu USD cho các bộ công nhân viên”, chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ.

Thị trường tín dụng trái phiếu siết chặt có ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của công ty không?

Phó Giám đốc tài chính: Đây là đợt đầu tiên Hòa Bình phát hành trái phiếu, chúng tôi làm rất bài bản. Có bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng MSB. Trong tháng 5 tới, Hòa Bình sẽ ký hợp tác toàn diện với BIDV và ngân hàng này sẽ đồng hành với công ty trong tất cả nhu cầu vốn bao gồm vốn xây dựng, vốn phát triển dự án… Bên cạnh đó, để đáp ứng kế hoạch vốn cho trung dài hạn chúng tôi đang có kế hoạch phát hành 74 triệu cp.  Nếu phát hành thành công sẽ thu khoảng 2.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng sẵn sàng cam kết đồng hành tăng gói quy mô tín dụng để hỗ trợ vốn cho Hòa Bình phát triển kinh doanh.

Một cổ đông kêu gọi mua cổ phiếu Hòa Bình

Tại ĐHĐCĐ, một cổ đông mang tên Huỳnh Tuấn Hùng đi cùng với Hòa Bình hơn 5 năm chia sẻ: “Tôi kêu gọi các cổ đông đặc biệt là bản thân tôi sáng ngày mai tôi sẽ đặt lệnh mua một số cổ phiếu của Hòa Bình khi mà cổ phiếu Hòa Bình có mức giá tốt thì tôi nghĩ tín hiệu cho Hòa Bình sớm hoàn thành kế hoạch trong vấn đề trái phiếu, cổ phiếu và gọi vốn các đối tác”. Theo lý giải của vị cổ đông này, việc mua cổ phiếu Hòa Bình vừa thể hiện niềm tin với ban lãnh đạo công ty, đồng thời hỗ trợ công ty thuận lợi hơn trong việc huy động vốn để phục vụ các hoạt động.

Đáp lại lời của cổ đông Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết: “Tôi rất cảm kích khi nghe cổ đông chia sẻ những tâm tình. Đó là một lời kêu gọi rất quý giá và tôi không bao giờ dám kêu gọi như thế”.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề