Đổi mới trong kiểm tra đánh giá học sinh thcs năm 2024

VOV.VN - Chương trình GDPT mới được áp dụng với lớp 2, lớp 6 trong năm học tới đây yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá. Trong đó đa dạng về hình thức kiểm tra, sao cho phát huy tối đa năng lực người học.

Từ năm học 2021-2022, chương trình GDPT mới sẽ áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Đáng chú ý, ở bậc THCS sẽ xuất hiện một số môn học tích hợp. Việc thay đổi nội dung SGK đồng nghĩa với việc kiểm tra, đánh giá các môn học này cũng sẽ thay đổi.

Theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018, trong chương trình mới, sách mới sẽ chú trọng đánh giá năng lực của học sinh, điều này được tích luỹ qua cả quá trình học tập dài, có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của học sinh hơn là việc phải học thuộc, học ghi nhớ. Kết thúc mỗi phần học, đều có đánh giá định kỳ năng lực của học sinh.

Chương trình GDPT mới đặt ra nhiều yêu cầu về thay đổi cách kiểm tra đánh giá với học sinh. [Ảnh minh họa]

Việc thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá cũng đặt ra cho giáo viên yêu cầu tự học hỏi, trao dồi thêm kỹ năng, kiến thức để có những cách kiểm tra đánh giá phù hợp, sao cho phát triển được năng lực toàn diện của học sinh. Để chuẩn bị cho giáo viên có đủ kiến thức kỹ năng bước vào chương trình GDPT mới, trong 9 modul bồi dưỡng giáo viên thuộc Chương trình ETEP [Bộ GD-ĐT] có modul bồi dưỡng, hướng dẫn giáo viên về cách kiểm tra, đánh giá.

Trước thềm năm học mới, Cô Hà Thị Thanh Nhàn, trường THCS Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An cho biết vừa hoàn thành các nội dung tập huấn về cách kiểm tra đánh giá, qua quá trình học, cô có thêm nhiều kiến thức thiết thực về kiểm tra đánh giá theo quy định mới.

“Nếu như trước đây, giáo viên chủ yếu chỉ kiểm tra đánh giá định kỳ, thì nay phải chuyển dần sang đánh giá bằng cả quá trình. Bên cạnh đó, trong quá trình tập huấn, giáo viên cũng được cung cấp thêm nhiều công cụ kiểm tra đánh giá để từ đó phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh. Sau khi được trang bị những kỹ năng cần thiết về kiểm tra đánh giá, bản thân tôi thấy tự tin hơn, bớt lo lắng khi lần đầu thực hiện Chương trình GDPT mới", cô Nhàn cho biết.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên cốt cán Trường Tiểu học Thị trấn Tân Kỳ huyện Tân Kỳ, Nghệ An cho biết, ở chương trình cũ, giáo viên chủ yếu tự mày mò phương pháp thiết kế các bài kiểm tra đánh giá học sinh. Nhưng khi bước vào chương trình mới, giáo viên được tập huấn bài bản hơn, biết thêm nhiều cách thiết kế bài kiểm tra, cách làm đề, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá.

“Chương trình GDPT mới có rất nhiều thay đổi về kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực cho học sinh, đòi hỏi giáo viên cần chủ động tìm những cách làm mới, phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Nếu trước đây, các bài kiểm tra thiên về đánh giá kiến thức, thì trong chương trình mới sẽ linh hoạt hơn về hình thức đánh giá và tiêu chí đánh giá học sinh. Đơn cử như trước đây, trong phân phối chương trình, mỗi bài kiểm tra 15 phút cũng cần ghi rõ sẽ đưa vào tiết nào, bài nào, nhưng hiện nay, giáo viên sẽ chủ động kiểm tra theo thực tế bài dạy.

Ví dụ, với những lớp học sinh học còn hơi yếu ở kỹ năng nói hay viết, giáo viên muốn các em phát triển hơn kỹ năng nào thì có thể đánh giá thường xuyên ở nội dung đó sao cho phù hợp. Hơn nữa, khi kiểm tra không chỉ là những bài viết thông thường, mà có thể cho học sinh làm báo cáo, thảo luận, báo tường…", cô Thúy nói.

Cô Nguyễn Hường, giáo viên môn Tiếng Anh bậc THCS tại Hải Dương cũng cho biết, sau khi tham gia tập huấn, giáo viên rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực tế, từ cách dạy học sao cho nâng cao năng lực cho học sinh, phát huy được tinh thần tự học, tự chủ, giao tiếp và hợp tác, sự sáng tạo ở các em… Để đạt được những kỹ năng đó, thì việc kiểm tra đánh giá cũng cần có nhiều thay đổi.

“Trước đây phương pháp của tôi chỉ là ra đề kiểm tra, cho học sinh làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, cuối kỳ. Nhưng theo hướng dẫn từ các cuộc tập huấn của Bộ GD-ĐT, giờ đây giáo viên có thêm nhiều cách đánh giá phong phú hơn như hỏi đáp, chấm điểm qua thuyết trình, quan sát từ những sản phẩm của học sinh, cho các em làm bài tập nhóm và đánh giá… Những phương pháp này rất phù hợp với môn tiếng Anh, giúp các em cải thiện khả năng nghe nói, phản xạ với ngoại ngữ thay vì chỉ tập trung vào học ngữ pháp là chủ yếu như trước đây. Bước vào chương trình mới, bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi, nhưng khi tham gia tập huấn cùng giáo viên cốt cán, có cơ hội trao đổi học tập trực tuyến cùng hàng trăm đồng nghiệp khác trên nền tảng trực tuyến LMS, tôi đã học thêm được nhiều cách làm mới, tự tin hơn bước vào chương trình mới”, cô Hường cho biết./.

Học sinh THCS, THPT sẽ kiểm tra đánh giá bằng hình thức hỏi đáp, thuyết trình, kiểm tra trên máy tính thay vì hình thức kiểm tra viết như trước kia.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở [THCS] và học sinh trung học phổ thông [THPT] ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Trao đổi cụ thể hơn về những điều chỉnh trong dự thảo, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học [Bộ GD-ĐT] cho biết, thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong những năm gần đây, Bộ GD-DT đã chỉ đạo các địa phương đổi mới việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Với việc dạy và học được điều chỉnh như thế, hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng cần thiết đổi mới để phù hợp với định hướng trên.

Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết có nhiều điểm mới

trong cách kiểm tra đánh giá với học sinh THCS, THPT.

Theo đó, dự thảo giữ lại những nội dung phù hợp với Chương trình GDPT hiện hành và thực tế dạy học; bãi bỏ hoặc điều chỉnh những nội dung lạc hậu so với thực tế hiện nay.

“Một số nội dung mới được bổ sung để tiếp cận việc đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh; đánh giá vì sự tiến bộ của người học; tăng cường và coi trọng kiểm tra, đánh giá quá trình học tập; coi kiểm tra đánh giá như một hoạt động học tập; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra đánh giá này”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Sái Công Hồng, Dự thảo đồng thời hướng tới việc khen thưởng toàn diện và khen thưởng các năng lực chuyên biệt của người học. Bước đầu một số biểu hiện về năng lực, phẩm chất trong chương trình GDPT 2018 được áp dụng trong kiểm tra, đánh giá học sinh.

Việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 58 là bước đệm, để tiếp cận dần với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này giúp học sinh của chương trình hiện hành cũng được thụ hưởng những ưu điểm chương trình giáo dục coi học sinh là trung tâm, giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh, giáo dục định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho người học. Đồng thời, sự điều chỉnh này giúp giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận nội dung [kiến thức, kĩ năng], sang định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học. Khi áp dụng chương trình GDPT mới, thầy cô sẽ không bỡ ngỡ mà có kinh nghiệm để khi triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra đánh giá này.

Bỏ điểm kiểm tra 1 tiết

Nói về những điểm mới trong Dự thảo thông tư, ông Sái Công Hồng cho biết, dự thảo tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Việc này thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Việc đánh giá bằng nhận xét này không chung chung mà đánh giá bằng những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh gắn với từng bài học, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc kiểm tra bằng điểm số thì đổi mới cách ra đề theo hướng thay vì kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của học sinh, thì đánh giá học sinh sử dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ học tập cụ thể nào đó.

Điểm mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá.

“Nếu trước đây chúng ta chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số thông quá các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp [miệng]. Ở dự thảo này, có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi-đáp, thuyết trình, kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính, đặc biệt chú trọng kiểm tra đánh giá thông qua các sản phẩm học tập, sản phẩm thực hành. Dự thảo khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá trên máy tính, để tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin nhằm phát triển hoạt động kiểm tra đánh giá vì sự tiến bộ của người học, phát triển năng lực tự học của người học”, ông Hồng cho hay.

Khi đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá, dự thảo thông tư gắn giải pháp tổ chức thực hiện các loại hình kiểm tra đánh giá, nhằm đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, khách quan. Theo đó, khi áp dụng mỗi hình thức kiểm tra đánh giá, giáo viên phải có hướng dẫn cụ thể và thông báo công khai cho học sinh trước khi thực hiện.

Việc đa dạng hoá các hình thức kiểm tra, đánh giá này hướng tới mục tiêu đổi mới quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá của giáo viên trong thực tế dạy học hiện nay. Số lần sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số lần lấy điểm.

Ông Sái Công Hồng cho biết thêm, điểm mới thứ ba trong dự thảo là sẽ thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học, theo hướng giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành.

Cụ thể, trong kiểm tra định kỳ sẽ giới hạn một học kỳ chỉ còn 1 điểm kiểm tra giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra 1 tiết. Quy định thời gian cho kiểm tra bài giữa kỳ và cuối kỳ cũng được điều chỉnh, phụ thuộc vào từng môn học. Đối với những môn học có dưới 70 tiết/năm học thì đề kiểm tra giữa kỳ chỉ dưới 45 phút, đề cuối kỳ không vượt quá 60 phút. Những môn nhiều tiết hơn thì đề giữa kỳ không quá 60 phút và cuối kỳ không quá 90 phút.

Đối với kiểm tra đánh giá thường xuyên, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học sẽ có 2 đầu điểm, môn học từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm có 3 đầu điểm, môn học trên 70 tiết/năm có 4 đầu điểm. Tuy nhiên, số lần kiểm tra đánh giá thường xuyên không bị giới hạn bởi số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Ví dụ, môn học có 2 đầu điểm kiểm tra nhưng giáo viên có thể thực hiện đến 3-4 lần kiểm tra đánh giá học sinh để lấy 2 đầu điểm đó. Mục đích là khuyến khích học sinh nỗ lực học tập hơn để có thể cải thiện điểm số. Đây chính là kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, tạo động lực phát triển cho người học.

Như vậy, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ một năm học của một môn học, nhiều nhất là 6, giảm rất nhiều so với hiện nay.

Điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, điểm kiểm tra đánh giá giữa kì được tính hệ số 2, điểm kiểm tra đánh giá cuối kì được tính hệ số 3; trong tính điểm tổng kết cuối năm học.

Điểm mới thứ tư trong dự thảo Thông tư là tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi; mở rộng hơn đối tượng khen thưởng.

Quy định tại Dự thảo Thông tư cũng cụ thể, thống nhất với các quy định về đánh giá học sinh khuyết tật./.

Chủ Đề