Đông trùng hạ thảo tươi ngâm rượu

Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý, được nhiều người sử dụng với mục đích bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực. Ngày nay, để tận dụng hết giá trị vốn có, loại dược liệu này được bào chế thành nhiều dạng sử dụng khác nhau. Trong đó là hình thức ngâm rượu hay còn gọi là rượu Đông trùng hạ thảo. Sau đây, mời bạn cùng bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về rượu Đông trùng hạ thảo và công dụng của loại rượu này đối với sức khỏe nhé.

Giới thiệu chung về dược liệu Đông trùng hạ thảo

Tên khoa học1

Đông trùng hạ thảo còn có tên gọi khác là trùng thảo, hay hạ thảo đông trùng.

Tên khoa học là Cordyceps sinensis, thuộc bộ Nang khuẩn Ascomycetes, họ Nhục tòa khuẩn Hypocreaceae.

Sở dĩ có tên gọi là Đông trùng hạ thảo vì vị thuốc này vào mùa đông là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ.

Mô tả1

Đông trùng hạ thảo là một loại nấm mọc ký sinh trên sâu non thuộc họ sâu cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau. Vào mùa đông, sâu non nằm dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân sâu để hút chất trong sâu làm cho chúng chết. Đến mùa hạ, nấm sinh cơ chất mọc chồi khỏi mặt đất, nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Đào lấy cả xác sâu và nấm để sử dụng.

Vị thuốc gồm có phần sâu non dài 2,5 – 3 cm, đường kính 3 – 5 mm, màu vàng nâu hay xám nâu. Từ đầu con sâu mọc ra thân nấm hình trụ. Thân nấm thường dài 3 – 6 cm, có thể dài 11 cm. Phía dưới thân nấm có đường kính 1,5 – 4 mm, phía trên to phình ra, dưới lại thon nhọn.

Đông trùng hạ thảo tươi ngâm rượu
Đông trùng hạ thảo – Một loại nấm kí sinh trên sâu non

Phân bố, sinh thái

Tại Trung Quốc, Đông trùng hạ thảo thường gặp ở những khu rừng ẩm ướt thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Khang, Tây Tạng. Nhiều nhất ở Tứ Xuyên và Tây Khang.1

Tại Việt Nam, hiện nay, Đông trùng hạ thảo cũng được nuôi trồng nhiều tại Sa Pa, Lào Cai.

Thu hái, bảo quản

Đông trùng hạ thảo thường thu hoạch vào tháng 6 – 7. Sau thu hái, rửa sạch, phơi khô, phun rượu vào rồi tiếp tục phơi khô hẳn. Đông trùng hạ thảo được bó thành những bó từ khoảng 10 – 15 con.

Bộ phận dùng

Vị thuốc bao gồm cả nấm và sâu.

Đông trùng hạ thảo tươi ngâm rượu
Đông trùng hạ thảo dùng làm thuốc lấy cả nấm và sâu

Thành phần hóa học1

Đông trùng hạ thảo ở Trung Quốc có 7% acid cocdixepic, 25 – 32% protid, 8,4% chất béo.

Tác dụng của rượu Đông trùng hạ thảo

Tác dụng của rượu Đông trùng hạ thảo theo y học cổ truyền1

Theo y học cổ truyền, Đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ôn, quy vào 2 kinh phế và thận. Có tác dụng ích phế, bổ thận, bổ tinh ích tủy, cầm máu. Ngoài ra, còn có tác dụng hóa đờm, dùng chữa hư lao sinh ho, ho ra máu, liệt dương, lưng gối đau mỏi, di tinh.

Bên cạnh đó, rượu Đông trùng hạ thảo giúp chữa chứng đau lưng, mỏi gối, có tác dụng tương tự so với nhân sâm.

Xem thêm: Đông trùng hạ thảo ngâm mật ong và lưu ý khi dùng

Đông trùng hạ thảo tươi ngâm rượu
Rượu Đông trùng hạ thảo có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người

Tác dụng của vị thuốc Đông trùng hạ thảo nói chung và rượu Đông trùng hạ thảo theo Y học hiện đại

Tác dụng chung

Phần lớn các nghiên cứu về Đông trùng hạ thảo chỉ giới hạn trên động vật hoặc phòng thí nghiệm. Vì vậy hiện không thể đưa ra kết luận về tác động của chúng đối với con người. Tuy nhiên, lợi ích sức khỏe tiềm năng của Đông trùng hạ thảo rất hứa hẹn.

Tác dụng kháng khối u

Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy Đông trùng hạ thảo có khả năng ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư ở người. Bao gồm ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư da và bệnh ung thư gan.2 3 4

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Đông trùng hạ thảo có tác dụng chống khối u như: ung thư hạch và ung thư hắc tố.5 6 7 8

Đông trùng hạ thảo có thể đảo ngược tác dụng phụ liên quan đến các liệu pháp điều trị ung thư. Một trong những tác dụng phụ này là tình trạng giảm bạch cầu. Kết quả này cho thấy nấm có thể giúp giảm các biến chứng liên quan đến các phương pháp điều trị ung thư.9

Tuy nhiên, cần lưu ý đây là những nghiên cứu được thực hiện trên động vật và trong ống nghiệm. Do đó, cần có phải nghiên cứu thêm trên người trong tương lai để làm sáng tỏ công dụng của dược liệu này.9

Khả năng điều chỉnh đường huyết trong đái tháo đường type 2

Đông trùng hạ thảo có thể giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định bằng cách bắt chước hoạt động của insulin.9 Trong một số nghiên cứu trên chuột mắc đái tháo đường, vị thuốc này đã được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu.10 11 12

Một số bằng chứng cho thấy vị thuốc này giúp bảo vệ chống lại bệnh thận. Đây là một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.11 Tuy nhiên, trong tương lai cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn được thực hiện để làm sáng tỏ tác dụng này.

Lợi ích trên tim mạch

Đông trùng hạ thảo cũng có tác dụng có lợi đối với mức cholesterol trong máu.9

Nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng Đông trùng hạ thảo làm giảm lượng cholesterol LDL “có hại”.14 15 16

Một số tác dụng khác của Đông trùng hạ thảo

Bên cạnh những lợi ích trên, thảo dược này còn được biết đến với các tác dụng như:

  • Giúp bồi bổ thể chất, tăng sức đề kháng, chức năng miễn dịch, giúp sinh lực dồi dào.
  • Cải thiện sinh lý nam giới, bổ thận, tráng dương, giảm đau lưng, mỏi gối.
  • Giúp giảm lượng cholesterol, điều hòa nội tiết tố, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm lượng lipid xấu.
  • Giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm rụng tóc, đẩy lùi quá trình lão hóa là công dụng của rượu Đông trùng hạ thảo mà ít người biết.

Có thể thấy, có nhiều nghiên cứu cho thấy tiềm năng mang lại những lợi ích về sức khỏe của Đông trùng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những nghiên cứu này chỉ mới được thực hiện trên động vật và ống nghiệm. Vì vậy, những lợi ích mà vị thuốc này mang lại cho con người chưa được khẳng định và chứng minh.9

Video chia sẻ thông tin chi tiết về Đông trùng hạ thảo – Biên tập bởi Dược sĩ Phan Tiểu Long

Đối với dạng ngâm rượu

Rượu đông trùng được bào chế dựa theo nguyên tắc sử dụng rượu làm dung môi ngâm tẩm, nhằm chiết xuất ra những hợp chất có trong đông trùng để chữa bệnh. Rượu có tác dụng dẫn huyết. Đồng thời nhờ vào tác dụng chung của dược liệu mà khi phối hợp thành rượu đông trùng hạ thảo sẽ mang trọn vẹn tác dụng. Khi khí huyết lưu thông thì bệnh tật được đuổi ra ngoài. Ngoài ra, rượu khi ngâm dược liệu còn giúp kích thích tiêu hóa, giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, nâng cao sức khỏe…17

Đông trùng hạ thảo nên dùng dạng nào để ngâm rượu?

Thực tế, không có sự khác biệt nhiều về tác dụng của việc sử dụng Đông trùng hạ thảo khô hoặc tươi để ngâm rượu. Sự khác biệt nếu có thì nằm ở mùi vị của rượu.

Đông trùng hạ thảo tươi nếu ngâm rượu thường cho mùi dịu, vị ngọt và giữ được nhiều hoạt chất hơn dạng khô. Tuy nhiên, thời gian sử dụng của dạng tươi cũng ngắn hơn so với dạng Đông trùng khô.

Đông trùng hạ thảo khô khi ngâm thường có mùi hơi hắc. Hơn nữa, Đông trùng khô thường được sấy ở nhiệt độ cao nên có thể làm thất thoát một số thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, loại rượu này lại có thời gian sử dụng dài hơn.

Tùy vào khẩu vị cũng như mục đích dùng mà có thể lựa chọn Đông trùng hạ thảo khô hoặc tươi để ngâm rượu.

Cách ngâm rượu Đông trùng hạ thảo

Bạn có thể ngâm rượu Đông trùng hạ thảo theo các bước sau:

  • Dùng 100g Đông trùng hạ thảo tươi ngâm với 1 lít rượu gạo 35 – 40 độ.
  • Đầu tiên, ngâm Đông trùng hạ thảo với 700 ml rượu gạo trong 1 tuần.
  • Sau đó đổ tiếp khoảng 30ml rượu gạo còn sót lại vào ngâm cùng.
  • Khoảng 1 tháng sau là có thể đem ra sử dụng. Mỗi lần uống từ 15 – 20 ml. Ngày uống không quá 2 lần.

Ngoài ra có thể ngâm chung với một số vị thuốc đông y khác như: Nhân sâm, Nhung hươu, Câu kỷ tử. Hoặc ngâm cùng các bài thuốc bổ khác. Sau đây là cách ngâm rượu bao gồm 30g Đông trùng hạ thảo khô và 30g Nhân sâm ngâm với 1 lít rượu gạo 35 – 40 độ:

  • Đầu tiên, ngâm Đông trùng hạ thảo, nhân sâm với 700 ml rượu gạo trong khoảng 2 tháng.
  • Tiếp theo đổ 300ml rượu gạo còn lại vào ngâm cùng.
  • Khoảng 1 tháng là có thể sử dụng. Mỗi lần uống từ 10 – 15 ml. Ngày uống 1 lần.

Ngoài ra có thể thay Nhân sâm bằng Kỷ tử (30 g) hoặc Lộc nhung (20 g). Cách thực hiện tương tự.

Xem thêm: Trà đông trùng hạ thảo và những lợi ích bất ngờ

Những lưu ý khi sử dụng rượu Đông trùng hạ thảo

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi, người bị rối loạn đông máu, sốt cao… không dùng rượu Đông trùng hạ thảo.
  • Người bị bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, thận, gan… cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Không nên uống liên tục trong thời gian dài.
  • Trước khi ngâm rượu Đông trùng hạ thảo với các vị thuốc cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
  • Để bình rượu ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, nên dùng loại bình thủy tinh để ngâm rượu.
  • Không uống quá nhiều rượu này trong 1 lần.17
Đông trùng hạ thảo tươi ngâm rượu
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Đông trùng hạ thảo ngâm rượu

Có thể thấy, Đông trùng hạ thảo là vị thuốc bổ nếu biết cách sử dụng đúng. Có nhiều cách sử dụng của vị thuốc này như ngâm rượu, dùng trực tiếp phối hợp với các vị thuốc khác… Tuy vậy, bạn cũng cần tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những lợi ích mà rượu Đông trùng hạ thảo mang lại. Cũng như cách ngâm loại rượu này. Nếu còn bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!