Edit truyện và dịch truyện khác nhau như thế nào năm 2024

Có những lỗi khi mới tập edit rất dễ sai, mà edit có kinh nghiệm thiếu cẩn thận cũng dễ vướng phải. Ví dụ: Xảo quả là loại bánh trong Khất xảo tiết, lúc đầu mình đã edit thành hoa quả được bày khéo léo, Xá nhân là người đi theo hầu, đây là từ cổ, lúc đầu mình edit thành người có ơn, Kiếm hoa là tên một loại cây, lúc đầu mình tưởng là tên một thế kiếm…

\=>Phải luôn kết hợp nhìn bản Hán việt và bản Vietphrase, không chỉ chăm chú nhìn vào bản Vietphrase một nghĩa. Gặp từ nào thấy nghi ngờ phải tra cứu ngay, trước hết là tra cứu bằng Google [dùng dấu ngoặc kép "..."kết hợp với dấu + để loại bỏ những kết quả không cần thiết]. Nếu tìm bằng Google không ra, bôi đen từ cần tra ở QT, bấm chuột phải chọn Baikeing, QT sẽ kết nối với Baike, copy đoạn giải thích về từ cần tra, mở một QT mới, để phần mềm dịch và đọc hiểu. Nếu có lỗi không kết nối được với Baike, copy từ tiếng Trung đó rồi tìm với Google, lưu ý dùng dấu ngoặc kép.

Nguyên tắc 2: Điều chỉnh ngữ pháp tiếng Việt và tiếng Trung Trước khi viết/gõ một câu nên tự hỏi, chủ ngữ đâu, vị ngữ đâu, rất nhiều bản edit rơi vào trường hợp câu không có chủ ngữ, nếu không có tất nhiên thì nên tự thêm vào. Có thể xét câu theo thứ tự: Chủ ngữ + động từ + vị ngữ để viết câu cho đúng.

Thứ tự từ: thứ tự từ trong tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau, cần thay đổi lại cho phù hợp. Cũng cần phải tùy thể loại đang dịch mà đảo từ, văn hiện đại nên đảo hết về thứ tự từ tiếng Viết, văn cổ trang có thể xét văn phong, ngữ cảnh, vần điệu mà đảo cho thích hợp.

Tiếp đến là dấu câu, bản được QT dịch thường có dấu chấm, phẩy không phải là chính xác nhất, cũng hay có dấu ";" có thể tự ngắt câu, thay đổi dấu cho phù hợp.

Tiếp nữa là về trạng ngữ, câu trong tiếng Việt thường viết trạng ngữ ở đầu câu, nhưng trong tiếng Trung thì chủ ngữ thường ở đầu câu. VD: QT sẽ dịch ra là: Ta mấy ngày nữa sẽ tới thăm nàng. Nên chuyển thành: Mấy ngày nữa, ta sẽ tới thăm nàng. Hoặc: Hôm nay ta ở chợ nghe tin đồn về ngươi. Nên chuyển thành: Hôm nay ở chợ, ta nghe tin đồn về ngươi.

Trong tiếng Trung, chủ ngữ rất hay ở đầu câu, nhưng trong tiếng Việt thì không phải lúc nào cũng thế, ngoài trường hợp trạng ngữ, các trường hợp khác bạn cũng nên cân nhắc để viết câu cho đúng. VD: Cậu nếu không bận, ở lại chơi đi. Nên viết là: Nếu cậu không bận, ở lại chơi đi.

Nguyên tắc 3: Ngôi xưng trong tác phẩm Ngôi xưng trong tiếng Việt rất phong phú và đa dạng, nhưng ngôi xưng trong tiếng Trung khi QT dịch ra đều là ta và ngươi, tương tự như I và you trong tiếng Anh, nhưng khi dịch sang tiếng Việt, cần tự chuyển đổi cho phù hợp. Con cái nói với trưởng bối, hãy gọi cha/mẹ/chú/bác/ cô / dì/ thúc/ bá/ cô cô/ phụ thân/ mẫu thân…., trưởng bối nói với con cháu, có thể xưng ta hoặc cha/mẹ/ chú/ bác… gọi bậc con cháu là con hay cháu. Áp dụng tương tự khi nhân vật xưng hô với huynh/đệ/tỷ/muội của mình. Từ các ngươi có thể thay bằng mọi người, mấy đứa… Còn khi là hai người đang yêu nhau thì tùy trường hợp mà lựa chọn ngôi xưng cho phù hợp.

Điều tiếp theo phải nói khi viết về ngôi xưng đó là hai từ nàng và hắn. Trước hết là từ hắn, từ này giống từ he trong tiếng Anh, tức là dùng thay cho người là nam khi được nhắc tới. QT đều dịch là hắn, còn khi edit nên lựa chọn cho phù hợp. VD khi nhắc tới nhân vật nam đã lớn tuổi, không nên dùng từ hắn, hãy dùng ông ấy, ông ta [thường dùng trong câu văn tường thuật], bác ấy, thúc ấy, bá ấy, chú ấy [thường dùng trong lời nói của các nhân vật với nhau]… Khi một số nhân vật nói về lão gia, công tử, hay hoàng thượng với người khác, cũng vẫn dùng từ hắn, trong trường hợp này nên thay bằng từ người hoặc ngài để thể hiện sự tôn trọng, lưu ý là vẫn phải tùy trường hợp. VD như cha con Hoắc Quang nhắc tới Lưu Phất Lăng vẫn dùng từ hắn, vì bọn họ chắc chắn là không coi trọng hoàng thượng. Có một trường hợp nữa, đó là khi trong truyện có người mang thai và nói về đứa con trong bụng mình, khi đó QT cũng dùng từ hắn. Từ hắn trong trường hợp này, có thể dùng từ nó hay bé yêu hay gì đó tùy hoàn cảnh. Hoặc khi đề cập tới một bé trai rất nhỏ, QT cũng dùng từ hắn, khi đó hãy dùng từ nó hoặc lựa chọn khác của bạn cho phù hợp. Khi một cô gái nhắc về người mình yêu, thay vì từ hắn hãy dùng từ chàng hay huynh ấy.

Áp dụng tương tự với từ nàng, từ này chỉ dùng phù hợp khi nhắc tới một cô gái trẻ, khi nhắc tới một phụ nữ đã lớn tuổi hãy dùng bà ấy, bác ấy, cô ấy…, và khi nhắc tới một đứa bé gái cũng không nên dùng từ nàng, hãy dùng nó, cô bé, bé… tùy trường hợp. VD: Khi gặp mẹ thiếp, nàng có hỏi, chàng hãy… Câu đúng là: Khi gặp mẹ thiếp, bà có hỏi, chàng hãy… Hoặc: Khi gặp mẹ thiếp, mẹ có hỏi, chàng hãy…

Khi nhân vật nhắc tới một người phụ nữ mà mình ghét, cũng đừng nên dùng từ nàng, ghét như thế thì gọi nàng sao được, hãy dùng từ nàng ta, cô ta hay thậm chí là ả ta. Khi từ này dùng để nhắc tới một người phụ nữ có thân phận cao quý cũng nên chọn thay bằng người, hay bà cho phù hợp.

Khi truyện thuộc thể loại xuyên không, là lời kể của nhân vật nữ chính, thay vì dùng ngôi xưng ta, hãy dùng “tôi”, thậm chí khi cô ấy gọi những người khác có thể cũng không dùng mấy từ cổ kiểu như huynh/đệ/ tỷ/ muội…, hoặc cô ấy cũng không xưng là thiếp, ngôn từ của người hiện đại bây giờ khác xưa mà

Khi cha mẹ hay trưởng bối nhắc tới con gái/cháu gái của mình, cũng không nên dùng từ nàng, hãy dùng từ con bé, nó, hay em con/em cháu, chị con/tỷ của con/chị cháu/tỷ của cháu [nếu nói với con/cháu của mình].

Khi huynh tỷ/ đệ muội nói về chị/em của mình, cũng không nên dùng mãi từ nàng, hãy dùng tỷ ấy/muội ấy.

Nguyên tắc 4: Hãy cảnh giác, không phải lúc nào QT cũng đáng tin. Đó là trong trường hợp có ba từ A B C cạnh nhau, QT ghép A và B để dịch nghĩa, trong khi câu đúng phải là để A tách riêng, ghép B và C để dịch nghĩa hoặc ngược lại. Trường hợp này thì phải cảnh giác thôi. VD: Hán Việt: Thượng bạch hạ thanh đích ngọc diện thượng. QT: Trên Nam Kinh thanh đích ngọc diện trên Bởi vì Bạch Hạ là tên gọi khác của Nam Kinh, QT gộp từ bạch hạ dịch thành Nam Kinh. Đúng phải là: Mặt ngọc trên trắng dưới xanh/ Mặt ngọc nền xanh điểm trắng.

Nguyên tắc 5: Chỗ nào nên dùng từ Hán việt, chỗ nào nên dùng từ thuần Việt. Quá nhiều từ Hán việt sẽ khiến người đọc không hiểu, còn dùng từ thuần Việt quá sẽ làm giảm độ hay của tác phẩm, nhất là với truyện cổ đại. Áp dụng như thế nào thì tùy thuộc vào vốn từ và khả năng linh hoạt của người dịch. Một số ví dụ:

  • Hữu thuyết hữu tiếu: vừa nói vừa cười.
  • Tựa tiếu phi tiếu: Như cười như không, hay cười như không cười,....
  • Nương: mẹ.
  • Lão bà: vợ/thê tử/ nương tử…
  • Lão công: chồng/phu quân/trượng phu…
  • Lão nhân gia: ông lão/ông cụ/bà cụ/bà lão tùy trường hợp, lão bà bà nên chuyển thành bà cụ.
  • Thanh âm: giọng nói, tiếng nói, âm thanh, tiếng động… tùy trường hợp cho phù hợp.
  • Thân ảnh: bóng, hình bóng, hình ảnh…cho phù hợp.
  • Hỉ bà [trong đám cưới]: bà mối.
  • Tranh thủ tình cảm: tranh sủng [do Hán Việt bị dịch thẳng ra]
  • Sườn phi: như trên, từ đúng là Trắc phi, vì trắc nghĩa là sườn.
  • Đủ loại quan lại: từ đúng là bách quan.
  • Bất quá: nên dùng là cùng lắm, nhưng mà, có điều…tùy trường hợp.
  • Thủy chung: ở tiếng Việt từ này nghĩa là tình cảm không thay đổi, nhưng từ Hán việt này trong một số trường hợp nghĩa là từ đầu tới cuối.
  • Nhảy dựng lên: không phải lúc nào cũng là nhảy dựng lên, có chỗ sẽ là đứng bật dậy.
  • Liền: trong bản convert, từ liền này có rất nhiều, tùy trường hợp bạn nên chuyển thành: thì, sẽ, đã, rồi…, chỉ dùng từ liền trong trường hợp chỉ một hành động diễn ra ngay sau đó, còn là hành động trong quá khứ, nên dùng từ đã.
  • Là, thì là, chỉ là, cũng là, có là…: những từ này phần lớn nên bỏ đi hoặc thay đổi cho phù hợp.

Nên chú ý thêm là liên từ QT dịch ra thường không nên sử dụng, nên chọn liên từ cho phù hợp với câu của mình.

  • A ở cuối câu: từ a này làm câu văn giảm tính nghiêm túc. Tương tự với từ nha ở cuối câu. Tùy tình bỏ hoặc đổi từ khác
  • Từ tượng thanh: phần lớn từ tượng thanh bị dịch ra đều là từ kỳ cục, bạn phải tự hình dung xem tiếng động đó thực tế thế nào để dùng từ cho phù hợp. VD: QT dịch là cánh cửa kêu chi nha. Làm gì có cánh cửa nào kêu như này, từ đúng là kẽo kẹt.
  • Ba: tùy trường hợp sẽ là Bốp hoặc Bộp, VD: tiếng cái tát là Bốp chứ làm gì có tiếng cái tát là Ba.
  • Tất cả cách trường hợp khác cũng vậy, tiếng động là ầm ầm, vù vù, ào ào, choang, leng keng, róc rách, vi vu….
  • Đem: khi một câu có một hành động được QT dịch ra đều có từ đem, từ này cần phải bỏ đi, chỉ có một số vô cùng ít trường hợp nó là đem thật thì mới giữ lại.
  • Hướng, hướng về phía: từ này chỉ phương hướng, tùy trường hợp cỏ thể lược bỏ hoặc thay từ cho phù hợp.
  • Cùng: từ này phần lớn trường hợp nên dùng là “và” sẽ đúng hơn.
  • Như thế nào: hầu như câu hỏi nào QT dịch ra cũng có từ này, nhưng phần lớn nên thay bằng từ khác, có thể là vì sao, sao, sao mà, sao lại…tùy trường hợp.
  • Sao ở cuối câu hỏi: hầu như câu hỏi nào được QT dịch cũng có từ sao ở cuối câu, tất nhiên dùng thì không sai, nhưng đọc nhiều sẽ lặp từ và chán, có thể thay bằng các từ cuối câu hỏi khác như, à? Hả? thế sao? Ư?…
  • Vì cái gì: rất nhiều câu hỏi QT dịch ra cũng có từ vì cái gì, như đã nêu ở trên, dùng nhiều sẽ chán mà có khi còn không hợp lý, có thể chuyển thành vì sao? Sao?
  • Tất cả đều là: chỉ có đầy một thứ gì đó.
  • Đông tây: không phải lúc nào cũng là đông tây, nó có nghĩa là gì đó, cái gì đó.
  • Cà lơ phất phơ: lăng nhăng, cợt nhả [tùy ngữ cảnh mà dùng]
  • Nghiêng nghiêng ngả ngả: Chân nam đá chân chiêu, lảo đảo, lảo đà lảo đảo, loạng choạng, loạng chà loạng choạng, thất tha thất thểu….
  • Nguyên lai: từ đúng là hóa ra, lẽ ra.
  • Phi thường: rất, vô cùng, hết sức…
  • Cư nhiên: Lại, lại có thể…
  • Nghĩ muốn: chỉ là muốn thôi, bỏ từ nghĩ đi.
  • Trừ bỏ: ngoài, ngoài ra.
  • Ngày thứ hai: một số trường hợp phải là ngày hôm sau mới đúng.

Khi edit cũng nên xem bản tiếng Trung, dù rằng không biết nghĩa nhưng tiếng Trung là chữ tượng hình, một vài trường hợp chỉ cần nhìn chữ tiếng Trung là hiểu để giải thích được.

Từ chuyên ngành của một số lĩnh vực cũng cần chú ý, có một số từ phải giữ nguyên Hán việt mới đúng, nhưng QT lại dịch thẳng ra, muốn biết tất nhiên phải hỏi Google sama.

Chủ Đề