Hình thức đấu tranh của nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930 1931 là

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 1931, những cuộc đấu tranh long trời lở đất của nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh không chỉ nổ ra hầu khắp các làng xã huyện đồng bằng, mà còn diễn ra ở nhiều xã, bản thuộc huyện miền núi. Trong số những cuộc đấu tranh tiêu biểu đó có cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ thuộc huyện Con Cuông, tháng 8 1931 thu hút hàng trăm dân bản tham gia, do chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở địa phương tổ chức và lãnh đạo.

Về phong trào cách mạng của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ trong thời kỳ này có nhiều vấn đề đặt ra để tìm hiểu, không chỉ từ nhiều năm trước đây, mà cả hiện nay khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng đã 75 năm. Những vấn đề đó là vì sao một vùng làng bản xa xôi hẻo lánh Môn Sơn - Lục Dạ xưa kia thuộc huyện Tương Dương, từ sau cách mạng tháng Tám thuộc huyện Con Cuông, giáp với xã Phúc Sơn [Anh Sơn] và biên giới nước Lào; cách xa thành phố Vinh - Bến Thuỷ 230 km, xa các trung tâm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng báo các dân tộc Thái, Đan Lai, Lý Hà, Kinh đoàn kết bên nhau và sớm được giác ngộ cách mạng? Vì sao trong bối cảnh phong trào Xô Viết ở các huyện đồng bằng đã lắng xuống, trước sức khủng bố dã man, tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, thì cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ lại nổ ra quyết liệt? Vai trò chỉ đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ Nghệ An, sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ cộng sản Môn Sơn, tình cảm cách mạng và lòng tin sâu nặng của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng ra sao? Đánh giá ý nghĩa và vị trí lịch sử cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ như thế nào? Các thế hệ ngày nay phải làm gì để phát huy truyền thống cách mạng đó vào sự nghiệp xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân xã Môn Sơn và toàn huyện Con Cuông trong công cuộc đổi mới? v.v Chính vì vậy mà cuộc toạ đàm khoa học hôm nay do Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Con Cuông phối hợp với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức không chỉ có ý nghĩa kỷ niệm 75 năm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ, ngay sau khi Đảng ra đời, mà còn chủ yếu là để tìm hiểu một cách sâu sắc hơn, lý giải thấu đáo hơn những vấn đề lịch sử đặt ra trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ đã được ghi vào sử sách.

Bao quát từ nguồn sử liệu hiện có của Viện lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, có thể khẳng định rằng, cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ trong phong trào Xô Viết là một tất yếu lịch sử có nguồn gốc sâu xa, có nguyên nhân trực tiếp, diễn ra trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, nên có vị trí ý nghĩa cách mạng không chỉ trong vùng, mà còn suy rộng ra nhiều vùng trong cả nước.

Cội nguồn sâu xa của phong trào đấu tranh là nhân dân các làng bản này có truyền thống lịch sử yêu nước, quật khởi lâu đời; có truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Đồng bào Thái, Đan Lai, Lý Hà và đồng bào Kinh đã di dân đến đây lập làng, bản khá sớm [từ thế kỷ XV], biết thờ các vua nhà Trần và Lê Lợi - những anh hùng của dân tộc. Sự tích Lê Lợi được nhân dân gọi tôn là Đức Khả Lam lập đền thờ ở bản Tân Hợp [Lục Dạ]. Tại các bản Chiềng Pún, bản Khắp xưa kia đã có đền thờ vị tù trưởng người dân tộc Thái có công giúp Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Nam phủ miền Trà Lân.

Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, xã Môn Sơn có nhiều người tham gia nghĩa binh chống Pháp, tiêu biểu như Cai Cang, Lang Văn Út, Quản Thế Môn Sơn - Lục Dạ là một trung tâm văn hóa nổi bật nhất của đồng bào Thái, Đan Lai, Lý Hà ở miền Tây Nghệ An. Rất nhiều dân ca, cổ tích, truyền thuyết những sự tích anh hùng, tình đoàn kết, tình yêu lao động và chiến đấu được tập tring lưu truyền tại vùng này, gắn với từng địa danh núi sông, làng bản. Người Đan Lai, Lý Hà khoẻ mạnh giỏi giang trong sản xuất và đánh cá, tự nhận có nguồn gốc xa từ người Kinh vùng xuôi ven biển. Di dân, tụ hợp vì trốn thoát cuộc sống bất công, cơ cực, đã làm cho đồng bào các dân tộc ở đây sớm đoàn kết gắn bó, chung lưng đấu cật chống các thế lực áp bức để giữ làng, giữ bản. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đặt ách cai trị và duy trì chế độ phong kiến, thì ách áp bức, bóc lột của chúng không trừ một hang cùng ngõ hẻm nào của đất nước, làm cho đời sống của nhân dân ta vô cùng cực khổ. Môn Sơn - Lục Dạ xa xôi, vắng vẻ đến thế mà năm 1899, 16 gia đình dân ở đây phải nộp thuế đinh và các thứ thuế vô lý khác cho chính quyền thực dân Pháp. Năm 1930, số thuế mà nhân dân làng, bản phải nộp cho đế quốc, phong kiến còn nhiều hơn. Thảm cảnh binh lính Pháp và bọn bang tá chó săn vào làng Yên, Môn Sơn lừa dối nhân dân, ức hiếp phụ nữ thường xảy ra. Tình cảnh khốn cùng đó của nhân dân dẫn đến lòng căm thù đế quốc thực dân, khơi dậy truyền thống đoàn kết và khi được giác ngộ là nổ bùng phong trào cách mạng.

Mùa hè năm 1930, khi 1.200 nông dân 6 xã thuộc hai huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc phối hợp với công nhân Vinh - Bến Thuỷ biểu tình đưa yêu sách lên công sứ Pháp đòi giảm sưu thuế cho nông dân, ngày làm 8 giờ cho công nhân; 3000 nông dân hai làng Hạnh Lâm, Yên Lạc [Thanh Chương] biểu tình xông vào đồn Ký Viễn, đốt cháy chuồng trại, dinh cơ, thu hồi ruộng đất, tài sản mà tên địa chủ gian ác này đã chiếm đoạt của dân; 100 thanh niên học sinh trường tiểu học Pháp - Việt mít tinh ở chợ Rộ [Thanh Chương], đồng tình ủng hộ công nông, phản đối chính sách đàn áp của thực dân Pháp. Thì ở miền Tây Nghệ An vẫn chưa có động tĩnh gì. Mùa Thu năm 1930, khi phong trào lập Xô Viết dưới hình thức xã bộ nông giống như các Xô Viết trong Cách mạng tháng Mười Nga [1917] do Đảng Bôn sê vích và Lênin lãnh đạo, đã diễn ra ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc [Nghệ An]; Hương Sơn, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh [Hà Tĩnh], thì các huyện miền núi Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Tương Dương [trong đó có Con Cuông sau này], vẫn chưa có sự kiện tiêu biểu nào đáng ghi nhận, mặc dù làn sóng đỏ Xô Viết đã ảnh hưởng mạnh mẽ trong vùng Nghệ Tĩnh; cả miền Trung, miền Bắc, miền Nam, khắp cả nước.

Cuối năm 1930, đầu năm 1931, khi cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên [12/9/1930] bị máy bay Pháp ném bom, xả súng liên thanh đàn áp đẫm máu, làm chết 217 người và 300 người bị thương; bọn thực dân phong kiến thực hiện các thủ đoạn thâm độc như lập đoàn phu ở các làng xã; tăng cường các đồn binh để đàn áp các cuộc biểu tình; đặt chế độ tộc biểu bắt các dòng họ ngăn cản con em đi theo cách mạng; trục xuất những người Nghệ Tĩnh có đầu óc cách mạng về bản quán; lập đảng Lý Nhân bài xích cộng sản; khủng bố trắng; kêu gọi đầu thú, phát thẻ quy thuận, tổ chức rước cờ vàng phong trào Xô Viết vùng xuôi bắt đầu gặp khó khăn tạm lắng. Mặt khác, về chủ quan, trong khi lãnh đạo những cuộc chiến đấu ngoan cường chống địch khủng bố để duy trì phong trào, bảo vệ chính quyền Xô Viết, Xứ uỷ Trung Kỳ, các Tỉnh uỷ Nghệ An, Hà Tĩnh, Vinh - Bến Thuỷ phạm những sai lầm không thể tránh khỏi về phương pháp đấu tranh. Hiện tượng nổi trống mỏ liên làng, liên xã xua đuổi binh Pháp đi bắt người, cướp của khá phổ biến và phát huy có hiệu quả lúc đầu. Nhân đà đó lại huy động nhân dân biểu tình tay không rượt đuổi binh lính Pháp để chúng bắn lại làm nhiều người chết. Nhiều vụ giết tri huyện không đáng giết, để binh lính Pháp kéo về trả thù đốt cháy cả làng, bắn chết hàng chục người, bắt giam hàng trăm người. Tháng 12/1930, Xứ uỷ Trung Kỳ quyết định tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc bạo động vũ trang; ban hành tài liệu chiến lược ra trận. Đối phó với thủ đoạn phát thẻ quy thuận, rước cờ vàng của địch, Xứ uỷ có những chủ trương thiếu linh hoạt. Khi bế tắc về đấu tranh chính trị, phong trào Xô Viết có biểu hiện khủng bố cá nhân, ám sát báo thù tràn lan gây hoang mang cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Khủng bố trắng của thực dân Pháp không đè bẹp được sức phản kháng mãnh liệt của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Song qua thực tế những đợt khủng bố của địch và những cuộc đấu tranh chống địch khủng bố do các Đảng bộ địa phương chỉ huy, đến đầu năm 1931, số quần chúng bị giết, bị thương trong các cuộc biểu tình, đụng độ lên tới hàng ngàn người; số cán bộ, đảng viên của Đảng bị bắt, bị giết và giam cầm trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng lên tới hàng ngàn đồng chí. Bí thư Xứ uỷ và các Uỷ viên Trung ương được Đảng phái về phụ trách Trung Kỳ và chỉ đạo chuyển hướng đấu tranh, để duy trì ảnh hưởng của phong trào Xô Viết cũng bị bắt, bị giết. Tổn thất không nhỏ đó đã ảnh hưởng tới tinh thần một bộ phận quần chúng và đảng viên. Một số hoang mang dao động; một số có tư tưởng phải kiếm một ít khí giới, làm một trận với nó cho hả giận rồi ra sao thì ra. Xứ uỷ Trung Kỳ lại ra chỉ thị sai lầm Thành trừ phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ và được Tỉnh uỷ Nghệ An chấp hành.

Do tình hình đó, tới tháng 5/1931 mặc dầu còn bùng nổ 19 cuộc biểu tình của công nhân, nông dân; 11 cuộc đấu tranh quyết liệt [9 cuộc ở Hà Tĩnh, 2 cuộc ở Nghệ An] song cơ bản phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã dần dần đi vào thoái trào cách mạng. Trong bối cảnh ấy, phong trào đấu tranh ở vùng núi miền Tây Nghệ An, trong đó có đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ lại nổi lên mạnh mẽ.

Từ đầu năm 1931, để duy trì phong trào Xô Viết, Xứ uỷ Trung Kỳ và tỉnh uỷ Nghệ An quyết định phát triển lực lượng cách mạng chuyển phong trào lên các huyện vùng núi miền Tây. Xứ uỷ Trung Kỳ cử đồng chí Lê Xuân Đào, phụ trách Ban tài chính của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ phái các đồng chí Lê Mạnh Duyệt, Nguyễn Hữu Bình đặc phái viên của Tỉnh uỷ từ Vinh lên Đồng Khùa, làng Bàu, Môn Sơn xây dựng cơ sở cách mạng, tạo nên bước chuyển biến quan trọng ở địa phương. Nhiều người được giác ngộ cách mạng làm nòng cốt cho đồng bào đoàn kết chặt chẽ đấu tranh có hiệu quả, như cuộc đấu tranh chống bọn chủ thầu [3/1931]. Nhiều quần chúng tích cực, hạt nhân của phong trào đã xuất hiện trong đồng bào dân tộc Thái, đi rải truyền đơn, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, giác ngộ thêm nhiều quần chúng khác. Trên cơ sở đó, tháng 4/1931, Chi bộ Đảng xã Môn Sơn được thành lập gồm 5 đảng viên: Vi Văn Khang, Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Hanh, Vi Văn Lâm, Trần Ngân, do đồng chí Vi Văn Khang dân tộc Thái, có học thức làm Bí thư. Nhà đồng chí Vi Văn Khang nơi thành lập chi bộ, đã trở thành nơi hội họp thường xuyên của chi bộ, nơi in ấn tài liệu, truyền đơn cách mạng; nơi nhiều cán bộ Xứ uỷ, Tỉnh uỷ về ở, chỉ đạo phong trào, được đồng bào nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn. Thực hiện Nghị quyết hội nghị chi bộ [cuối tháng 4/1931] tích cực vận động quần chúng đẩy mạnh phong trào đấu tranh, sau một thời gian ngắn, ở Môn Sơn - Lục Dạ đã lập được 12 tổ gồm 65 hội viên Nông hội đỏ; 3 đội tự vệ đỏ, phụ nữ hội có 3 hội viên. Lực lượng tự vệ đỏ gồm 20 đội viên do các đồng chí đảng viên Vi Văn Hanh, Lê Mạnh Duyệt và đồng chí đội viên Vi Văn Noọng chỉ huy. Môn Sơn - Lục Dạ đã trở thành đầu mối nối phong trào miền xuôi và miền núi, giữa phong trào đồng bào kinh với đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ, theo lời hiệu triệu của Tỉnh uỷ Nghệ An phải mau đoàn kết cho kiên cố, giới vô sản kịch liệt đấu tranh đạp đổ xã hội tư bản, ngày 9/8/1931, chi bộ xã Môn Sơn tổ chức 300 quần chúng tuần hành thị uy quanh xã. Cờ đỏ búa liềm thiêng liêng của Đảng, lần đầu tiên ở huyện Con Cuông được tự vệ đỏ treo cao ở cây đa Cồn Chùa, cây trổ Bãi Cánh. Trống nhà thờ họ Vi được khiêng đi cùng đoàn biểu tình, đánh liên hồi cổ vũ quần chúng xông lên. Xuất phát từ làng Bãi Cánh đến làng Nậm Bơ, lên Cửa Rào, Đền Cả, đến cây đa Cồn Chùa [làng Môn], qua bản Hủa Nà [Lục Dạ], đoàn biểu tình kéo đến nhà Ba Uôn - một tên chánh đoàn gian ác trong vùng. Ba Uôn hoảng sợ chạy lên huyện báo có phong trào cộng sản. Lính trong nhà Ba Uôn bắn tên độc vào đoàn biểu tình làm một số người bị thương. Quần chúng không sợ, vây chặt nhà Ba Uôn. Người nhà Ba Uôn sợ hãi đưa 5 tạ lúa, tiền bạc nén nộp cho cách mạng. Nông hội đã phân phát những thứ đó cho các gia đình nghèo đói.

Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi bước đầu. Quần chúng rất tin vào sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Bọn đế quốc và tay sai rất căm tức đã đem binh lính về đàn áp phong trào. Tri huyện Lang Vi Năng đem 20 lính về Môn Sơn - Lục Dạ bắt 30 người. Chúng bắt 3 đảng viên Vi Văn Khang, Trần Ngân, Vi Văn Hanh giam ở phủ lỵ Tương Dương.

Bị địch đàn áp, lập các trạm gác để khống chế phong trào, song đảng viên và quần chúng không nao núng. Số đảng viên còn lại hoạt động bí mật nhen nhóm phong trào làm hạt nhân lãnh đạo khôi phục cơ sở Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân trong toàn huyện cho đến thời kỳ cách mạng tháng Tám thành công.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ chỉ diễn ra trong phạm vi một xã, dưới hình thức biểu tình quần chúng chống ách áp bức của bọn thực dân, phong kiến. So với các cuộc biểu tình hàng ngàn người ở các làng xã thuộc những huyện vùng xuôi và cuộc đấu tranh 3000 nông dân Anh Sơn vây đánh đồn trưởng Pháp và xử tội 11 tên cường hào mật thám xảy ra hồi tháng 5/1931 thì về số lượng cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ quá nhỏ bé. Tuy vậy cuộc đấu tranh này có ý nghĩa to lớn, chứng tỏ ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng ngay sau khi ra đời đã lan rộng khắp nơi; nhân dân ta ở đồng bằng cũng như miền núi, người Kinh cũng như các dân tộc thiểu số đều có tinh thần và sức mạnh cách mạng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giành quyền làm chủ của mình.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ diễn ra ba tháng sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vì chưa đủ điều kiện ở địa phương cũng như trong nước nên đã đi vào thoái trào đã chứng tỏ sự thoái trào cách mạng đó không hoàn toàn bị mất hẳn. Nó chứng minh cho một nhận định của Ph. Ăng-ghen: Thoái trào cách mạng là thời kỳ giữa hai cao trào cách mạng. Cuộc đấu tranh đó cũng chứng tỏ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một địa bàn chiến lược quan trọng của cách mạng dân tộc dân chủ; là nơi có thể duy trì giữ vững cơ sở cách mạng, phát triển tổ chức Đảng, mở rộng thu phục quảng đại quần chúng, từ thực tế phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 1931 trong đó có cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ, từ thực tế phong trào của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc trong những năm khôi phục tổ chức Đảng, phục hồi phong trào những năm 1932 1934, mà Đại hội I của Đảng [3/1935] đã chủ trương tích cực phát triển cơ sở cách mạng, tổ chức Đảng trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cả nước.

Phong trào cách mạng của nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ với cuộc đấu tranh tháng 8/1931 là bó đuốc cách mạng rực sáng ở vùng núi cao tỉnh Nghệ An, là biểu trưng tinh thần cách mạng vô song của đảng viên và quần chúng nhân dân địa phương theo Đảng trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh đó có vị trí và ý nghĩa lịch sử đáng kể trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong cao trào cách mạng 1930- 1931; là một dấu son đỏ rực trong lịch sử Đảng bộ huyện Con Cuông, lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An.

Trách nhiệm to lớn của Đảng bộ xã, Đảng bộ huyện là tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân truyền thống cách mạng thời dựng Đảng và để phát huy sức mạnh tiềm tàng vào sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tâm- Viện Lịch sử Đảng

Video liên quan

Chủ Đề