Hướng dẫn thi hành luật doanh nghiệp 2014

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định hướng dẫn Luật doanh nghiệp 2014 gồm [i] Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 thay thế Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và [ii] Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 thay thế Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn luật doanh nghiệp.

Theo đó, quy định mới này có nhiều điểm nổi bật doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình thành lập và tổ chức, hoạt động của mình.

Về con dấu

Những doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư có quyền có nhiều con dấu và tự quyết định về nội dung, hình thức, số lượng con dấu của doanh nghiệp mình nhưng phải thông báo mẫu dấu đến Phòng đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng. Mỗi doanh nghiệp chỉ có 01 mẫu dấu thống nhất và không vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, không sử dụng quốc kỳ, quốc huy, đảng kỳ, các biểu tượng, tên… của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội làm nội dung con dấu. Riêng các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Luật sư, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Công chứng,  Luật Giám định tư pháp, Luật Hợp tác xã thì phải sử dụng con dấu theo quy định hiện hành.

Đối với doanh nghiệp được thành lập trước 01/7/2015 thì được quyền lựa chọn tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp hoặc tiến hành làm con dấu mới theo quy định pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp thì không phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng nếu muốn thay đổi màu mực của con dấu đó hoặc làm thêm con dấu thì phải tiến hành thông báo. Trường hợp doanh nghiệp muốn làm con dấu mới thì nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đã được cấp cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận và tiến hành thủ tục làm con dấu mới theo quy định.

Về đăng ký thành lập doanh nghiệp

Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh. Tuỳ theo loại hình doanh nghiệp mà hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sẽ khác nhau. Tuy nhiên theo quy định mới, người thành lập phải nộp Điều lệ công ty thay vì Dự thảo Điều lệ như trước đây, đồng thời bỏ văn bản xác nhận vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề ra khỏi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì phải nộp thêm bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc kề từ ngày Phòng đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ hợp lệ [trước đây là 05 ngày làm việc].

Tên doanh nghiệp

Hiện nay, các doanh nghiệp trùng tên trên thị trường rất nhiều, gây nhẫm lẫn cho khách hàng và thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, lần đầu tiên Luật doanh nghiệp 2014 và Nghị định hướng dẫn đã quy định chi tiết vấn đề này. Cụ thể, doanh nghiệp không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, nếu vi phạm thì phải thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu của Phòng đăng ký kinh doanh. Trường hợp chủ thể vi phạm bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính buộc thay đổi tên hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm nhưng không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định và không gửi báo cáo giải trình theo yêu cầu  của cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản thì sẽ bị Phòng đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật

Theo quy định mới,doanh nghiệp được quyền có nhiều người đại diện theo pháp luật [“ĐDTPL”] và khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, chữ ký của những người ĐDTPL trong hồ sơ có giá trị pháp lý như nhau. Trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi người ĐDTPL thì phải đăng ký thay đổi với Phòng đăng ký kinh doanh. Lưu ý, người ký tên trong Thông báo thay đổi người ĐDTPL của công ty TNHH 2 thành viên trở lên là Chủ tịch Hội đồng thành viên, nếu Chủ tịch Hội đồng thành viên là người ĐDTPL thì người ký thông báo là “Chủ tịch Hội đồng thành viên mới được Hội đồng thành viên bầu”.

Hạn chế sở hữu chéo

Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau hoặc đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Trường hợp các công ty nói trên đã thực hiện các giao dịch này trước ngày 01/7/2015 và trong cơ cấu vốn của các công ty này không có cổ phần, phần vốn góp của nhà nước thì vẫn được tiếp tục sở hữu chéo lẫn nhau và có quyền mua bán, chuyển nhượng, tăng, giảm phần vốn góp, số cổ phần nhưng không được làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo hiện có.

Doanh nghiệp xã hội [“DNXH”]

DNXH là doanh nghiệp cam kết sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận của mình phục vụ các hoạt động xã hội.

Nghị định 96/2015/NĐ-CP đã dành phần lớn các quy định để hướng dẫn cụ thể về DNXH gồm các nội dung về thành lập, hoạt động, tổ chức lại, chấm dứt, giải thể, theo dõi, giám sát DNXH.

Xuất phát từ mục đích hoạt động của DNXH là thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường, chủ sở hữu DNXH như chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện quyền chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp của mình. Cụ thể, các đối tượng nói trên chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác nếu họ có cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường; cổ phần của cổ đông sáng lập trong 03 năm đầu kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã ký tên trong Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường [“Cam kết”] thì chỉ được chuyển nhượng trong thời hạn của Cam kết này.

Nghị định 78/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2015, Nghị định 96/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/12/2015.

 Ngày 26/11/2014, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 [Luật Doanh nghiệp 2014], có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015.  Để triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014,  Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định có liên quan để hướng dẫn Luật Doanh nghiệp năm 2014, bao gồm:  

​          - Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước; 

- Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015  về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh;

- Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, hiện nay đã có 04 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Chính phủ ban hành. Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu đăng trên website của Sở để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp biết, thực hiện. [kèm theo Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn]

                                               PHÒNG ĐĂNG KÝ KINH DOANH [HT]

Video liên quan

Chủ Đề