Hướng dẫn thực hiện dự toán 2021

Ngày 31/7/2020, Sở Tài chính ban hành hướng dẫn số 1715/STC-NS về việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính-NSNN 03 năm 2021-2023

Căn cứ Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN.

Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Trong khi chưa có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính-NSNN 03 năm 2021 - 2023. Để chuẩn bị báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2020 và xây dựng dự toán NSNN năm 2021 đảm bảo thời gian, chất lượng và hiệu quả, Sở Tài chính đề nghị các Sở, ban, ngành, các cơ quan Đảng, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố báo cáo đánh giá một số nội dung sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NSNN NĂM 2020 VÀ 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN

1. Nguyên tắc đánh giá

Thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí; không hạch toán vào NSNN các khoản thu phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo của định của Luật phí và lệ phí, các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.

Căn cứ kết quả thu NSNN 7 tháng đầu năm, trong đó tập trung xác định tác động của đại dịch Covid-19, diễn biễn bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu và dự báo tình hình 5 tháng cuối năm, các đơn vị, UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thu NSNN, kiến nghị các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu thực hiện cao nhất dự toán NSNN năm 2020 đã được HĐND các cấp quyết định.

Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thể chế, các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể về thu NSNN trong giai đoạn 05 năm 2016 - 2020; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.

2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020

a] Đánh giá, phân tích các tác động, nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng, giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020, chi tiết từng lĩnh vực cụ thể, trong đó cần làm rõ: Thuận lợi, khó khăn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các nhân tố khác, đặc biệt là đại dịch Covid-19 tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, tổ chức kinh tế; tình hình, xu hướng phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch; các dự án đã hết thời gian ưu đãi thuế.

b] Đánh giá tình hình triển khai các quy định về điều chỉnh chính sách thu, như: Điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình đối với sản phẩm thuốc lá, bia, rượu;và các văn bản, chính sách, chế độ thu thuế, phí, lệ phí khác tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020.

c] Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp về quản lý thu NSNN theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

- Rà soát, xác định số thuế nợ đến ngày 31/12/2019; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; công tác đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế, xử lý nợ đọng thuế trong 7 tháng đầu năm 2020, dự kiến số nợ xử lý trong 5 tháng cuối năm 2020; đánh giá dự kiến số nợ thuế đến ngày 31/12/2020.

- Kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán, thanh tra, quyết định truy thu của cơ quan thuế các cấp trong việc chấp hành pháp luật thuế.

d] Đánh giá sắp xếp lại, xử lý tài sản công và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

đ] Đánh giá kết quả thực hiện thu phí, lệ phí, trong đó làm rõ: dự kiến số phát sinh thu phí, lệ phí theo quy định trong năm 2020; số thu phí được để lại, số thu phí nộp NSNN và kết quả thực hiện số thu phí được để lại với số đã thực hiện chi trong năm ngân sách; thu xử phạt vi phạm hành chính, thu phạt, tịch thu và các khoản nộp NSNN khác 7 tháng đầu năm và ước cả năm 2020.

e] Đánh giá các khoản thu được để lại năm 2020 theo quy định đối với các cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định của các cấp thẩm quyền, chi tiết nguồn NSNN, nguồn phí để lại, các khoản thu được quy định tại các Luật chuyên ngành khác hoặc quy định tại các văn ban pháp luật khác mà Luật NSNN, Luật phí và lệ phí chưa quy định cụ thể là nguồn thu NSNN [dưới đây là thu nghiệp vụ], khoản trích qua công tác thanh tra và số ước sử dụng năm 2020.

g] Đánh giá các khoản thu không cân đối vào ngân sách, như: phí được để lại đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; thu học phí, giá dịch vụ y tế và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công [không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí].

3. Đánh giá thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 05 năm giai đoạn 2016 - 2020

a] Đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế về thu NSNN, các nhiệm vụ và biện pháp triển khai thực hiện quản lý thu NSNN; trong đó tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị giải pháp về cơ chế, chính sách, quản lý thu NSNN trong thời gian tới.

b] Đánh giá thực hiện thu NSNN 05 năm giai đoạn 2016-2020 so với mục tiêu, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ cấp đã đề ra.

c] Đánh giá kết quả thực hiện các khoản thu không cân đối vào NSNN thuộc các lĩnh vực sự nghiệp giai đoạn 2016-2020, chi tiết số thu phí theo từng lĩnh vực được để lại, giá dịch vụ và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí, số dự toán sử dụng và còn dư đến ngày 31/12/2020.

d] Đánh giá kết quả thực hiện các khoản thu được để lại theo quy định đối với các cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định của các cấp thẩm quyền, số dự toán sử dụng giai đoạn 2016-2020 và còn dư đến ngày 31/12/2020, chi tiết theo nguồn NSNN, nguồn phí để lại, các khoản thu nghiệp vụ, khoản trích qua công tác thanh tra.

II. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016 - 2020

1. Tình hình triển khai và tổ chức thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển

a] Tình hình bố trí và giao dự toán chi ĐTPT năm 2020

- Thời hạn phân bổ và giao kế hoạch cho chủ đầu tư;

- Kết quả bố trí dự toán để thu hồi vốn ngân sách ứng trước và thanh toán nợ xây dựng cơ bản thuộc nguồn NSNN;

- Việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ĐTPT giữa các bộ, ngành, địa phương năm 2020;

- Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách; kiến nghị trong tổ chức thực hiện.

b] Tình hình thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển

- Chi ĐTPT từ nguồn chi cân đối NSNN [bao gồm cả việc chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2020 theo quy định]: Đánh giá vốn thanh toán đến hết quý II năm 2020, dự kiến đến hết ngày 31/12/2020; tình hình giải ngân vốn ĐTPT năm 2020, chi tiết theo từng nguồn vốn [trong đó: đối với chi ĐTPT NSĐP, đề nghị chi tiết vốn cân đối NSĐP, vốn NSTW hỗ trợ có mục tiêu từ vốn nước ngoài, vốn trong nước, chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, từ nguồn thu xổ số kiến thiết];

- Đối với chi ĐTPT từ nguồn tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền và chuyển mục đích sử dụng đất: báo cáo tình hình thu, nộp ngân sách và việc thực hiện dự toán chi ĐTPT năm 2020 từ nguồn thu này.

c] Đánh giá tình hình xử lý nợ đọng XDCB nguồn NSNN và thu hồi vốn ứng nguồn NSNN [bao gồm cả trái phiếu Chính phủ] theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015]: số nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng nguồn NSNN đến ngày 31/12/2019; ước số xử lý trong năm 2020; dự kiến số nợ xây dựng cơ bản, số ứng chưa có nguồn thu hồi đến ngày 31/12/2020 [chi tiết từng dự án].

d] Tình hình triển khai các dự án, chương trình từ nguồn vay và trả nợ các nguồn vốn vay của địa phương.

đ] Tình hình quyết toán dự án đầu tư hoàn thành: Số dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành và số vốn còn lại chưa được bố trí để thanh toán so với giá trị quyết toán dự án hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; số dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán theo quy định đến hết tháng 6 năm 2020, dự kiến đến hết năm 2020; nguyên nhân và giải pháp xử lý.

2. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi ĐTPT của NSNN 05 năm giai đoạn 2016-2020

a] Đánh giá việc thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b] Kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền giao giai đoạn 2016-2020 so với số đề xuất; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt [nếu có].

c] Lũy kế dự toán chi ĐTPT được giao hằng năm [kể cả số dự toán giao đầu năm; số dự toán bổ sung, điều chỉnh trong năm; nguồn dự phòng ngân sách; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nếu có] so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó chi tiết nguồn cân đối NSĐP, nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu từ nguồn vốn ngoài nước và vốn trong nước.

d] Tình hình xử lý nợ xây dựng cơ bản trung hạn 2016-2020: Kế hoạch và vốn đã bố trí dự toán các năm 2016-2020 để xử lý; tổng số nợ xây dựng cơ bản còn lại đến hết năm 2020.

đ] Tình hình thu hồi vốn ứng trước đến hết kế hoạch năm 2020, làm rõ số ứng trước chưa bố trí được nguồn để thu hồi.

e] Tình hình bổ sung, giao dự toán, sử dụng nguồn dự phòng chi ĐTPT của đơn vị, địa phương đến hết năm 2020.

g] Lũy kế việc giải ngân, thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT của NSNN so với dự toán được giao giai đoạn 2016-2020, chi tiết theo từng nguồn vốn.

h] Số dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016 - 2020; sốdự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng chưa được bốtrí vốn hằng năm; số dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025; chi tiết dự án nhóm A, nhóm B, nhómC.

j] Đánh giá việc sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi của NSĐP và việc sử dụng giai đoạn 2016 - 2020.

3. Tình hình phân bổ, giao dự toán chi NSNN từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương, thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

III. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016 - 2020

1. Tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán NSNN 7 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2020 theo từng lĩnh vực chi được giao

Đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách, biện pháp trong phòng chống, dịch Covid-19 [Nghị quyết số 37/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 437/QĐ-TTg, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020] và hỗ trợ kinh phí phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai [mưa đá, giông lốc, hạn hán,], dịch bệnh [dịch tả lợn Châu Phi, đại dịch Covid -19].

2. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, dự án lớn trong 7 tháng đầu năm, dự kiến cả năm 2020; giai đoạn 2016 - 2020; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý về cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện, cụ thể:

a] Đối với các chế độ, chính sách: Đánh giá tình hình thực hiện đối với từng chính sách, bao gồm cả chính sách hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, có báo cáo cụ thể đối tượng, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách năm 2020 và dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện năm 2021, có thuyết minh cơ sở xác định, cách tính.

b] Đánh giá tình hình thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên do tác động của đại dịch Covid-19 [cắt giảm 10% dự toán chi thường xuyên; 70% chi hội nghị].

c] Thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy: Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ước cả năm 2020 và tổng hợp lũy kế tình hình thực hiện đến hết năm 2020, chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ tại các Nghị quyết Trung ương của Đảng [NQ số 18-NQ/TW, NQ số 39-NQ/TW, NQ số 19-NQ/TW] và các văn bản liên quan của Chính phủ, trong đó chi tiết:

- Số giảm biên chế, giảm đầu mối tổ chức bộ máy từng năm;

- Số kinh phí NSNN tiết kiệm được do giảm biên chế, giảm tổ chức bộ máy từng năm, trong đó chi tiết số đã sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương.

- Số kinh phí phải bố trí từng năm từ NSNN để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các Nghị định của Chính phủ: NĐ số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, NĐ số 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

d] Thực hiện đổi mới khu vực sự nghiệp công:

- Kết quả sắp xếp, đổi mới hệ thống và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo NQ số 19-NQ/TW, NĐ số 16/2015/NĐ-CP cụ thể trong 7 tháng đầu năm, ước cả năm 2020 chi tiết theo từng mục tiêu, từng năm [báo cáo số lượng đơn vị sự nghiệp công lập từng lĩnh vực, theo từng mức độ tự chủ, từng năm; tổng số biên chế theo từng lĩnh vực sự nghiệp, từng năm; số lượng biên chế hưởng lương từ NSNN từng lĩnh vực sự nghiệp, từng năm].

- Đánh giá tác động của việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao khả năng tự chủ đến NSNN theo từng lĩnh vực, từng năm [số kinh phí dành ra và việc sử dụng]; số giảm chi từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp theo từng lĩnh vực [sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp] và việc sử dụng số kinh phí NSNN dành ra từ việc nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, chi tiết từng năm; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.

đ] Đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ thường xuyên đã, đang thực hiện trong thời gian 2016-2020: Đánh giá việc phê duyệt, bố trí kinh phí, kết quả thực hiện so với mục tiêu, kế hoạch 05 năm giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ chuyển tiếp [nếu có]; trong đó chi tiết theo từng nhiệm vụ, đề án theo quyết định giao nhiệm vụ và kinh phí thực hiện tương ứng; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị [nếu có].

e] Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và cả giai đoạn 05 năm 2016-2020 của các cơ quan hành chính nhà nước đang được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định hiện hành, chi tiết: quỹ lương [gồm lương ngạch bậc, các khoản đóng góp theo lương và lương đặc thù - nếu có], chi bộ máy, chi chuyên môn, nghiệp vụ; theo từng nguồn kinh phí [nguồn NSNN, nguồn phí được để lại, nguồn được trích lại qua công tác thanh tra, nguồn thu nghiệp vụ]; xác định các nhiệm vụ chi chuyên môn, nghiệp vụ chuyển tiếp - nếu có; gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.

g] Đối với các lĩnh vực sự nghiệp: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và cả giai đoạn 05 năm 2016-2020 theo quy định hiện hành [chi tiết nguồn NSNN, nguồn thu sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vay và nguồn hợp pháp khác của đơn vị] theo từng lĩnh vực sự nghiệp; xác định các nhiệm vụ chi chuyên môn, nghiệp vụ chuyển tiếp; gửi cơ quan quản lý cấp trên, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp

IV. Đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và chương trình, dự án khác sử dụng nguồn vốn ngoài nước năm 2020 và 05 năm giai đoạn 2016 - 2020

Trên cơ sở ước thực hiện năm 2020, tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình huy động, bố trí kinh phí, triển khai thực hiện năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 so với kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 được giao [nếu có] hoặc theo phê duyệt chương trình, đề án, nhiệm vụ. Trong đó:

1. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi các CTMTQG xây dựng nông thôn mới: kinh phí thực hiện, chi tiết theo từng nguồn [NSTW, ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, vốn trái phiếu Chính phủ, các nguồn huy động khác], số xã hoàn thành mục tiêu chương trình;

2. Tình hình thực hiện CTMTQG giảm nghèo: Kinh phí thực hiện, chi tiết theo từng nguồn [NSTW, ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, các nguồn huy động khác];

3. Tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu: Kinh phí thực hiện, chi tiết theo từng nguồn [NSTW, NSĐP và các nguồn huy động khác];

4. Đánh giá tình hình phân bổ, giao, thực hiện dự toán chi các CTMTQG, các chương trình mục tiêu và chương trình, dự án khác sử dụng nguồn vốn ngoài nước: dự toán năm 2020, số dự toán năm 2019 chuyển nguồn thực hiện năm 2020 [nếu có]; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; trường hợp CTMTQG, CTMT có sử dụng nguồn vốn ngoài nước thì báo cáo tình hình giải ngân chi tiết theo vốn viện trợ ODA, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, cơ chế tài chính và đề xuất kiến nghị.

V. Đánh giá tình hình đảm bảo kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương

1. Các sở, ban, ngành, các đơn vị cấp tỉnh báo cáo

a] Đánh giá việc thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 88/2019/TT-BTC ngày 24/12/2019 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

b] Biên chế, quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ quy định theo mức lương 1,49 trđ/tháng. Trong đó, đề nghị ghi chú:

- Phần quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp, khoản đóng góp theo lương của các cơ quan, đơn vị theo quy định.

- Phần quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương của các đối tượng hợp đồng theo Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.

c] Nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2020 [chi tiết từng nguồn kinh phí theo quy định].

2. Các huyện, thành phố

a] Quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ quy định.

- Phần quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp, khoản đóng góp theo lương của các cơ quan, đơn vị theo quy định.

- Phần quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp, khoản đóng góp theo lương của cán bộ chuyên trách công chức xã.

- Phần quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương của các đối tượng hợp đồng theo Nghị định số 68/2010/NĐ-CP.

- Phần quỹ lương những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn. b] Nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2020 [chi tiết từng nguồn kinh phí theo quy định].

c] Nguồn cải cách tiền lương năm 2020, số còn dư [nếu có] sau khi đã đảm bảo đủ nhu cầu thực hiện tiền lương trong năm 2020, sử dụng để chi trả thay phần NSTW hỗ trợ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành [giảm tương ứng phần NSTW phải hỗ trợ theo chế độ], chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo quy định.

VI. Báo cáo cụ thể việc bố trí ngân sách và sử dụng dự phòng: Thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; tình hình sử dụng dự phòng ngân sách thực hiện đến 30/6/2020 [chi tiết cấp huyện, thành phố, cấp xã, phường, thị trấn], số dự kiến sử dụng trong 6 tháng cuối năm 2020: chi tiết tình hình thực hiện hỗ trợ kinh phí phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai [mưa đá, hạn hạn,], dịch bệnh [dịch tả lợn Châu Phi, đại dịch Covid-19]

VII. Khả năng cân đối NSĐP so với dự toán: Trường hợp giảm thu NSĐP phải giảm chi tương ứng để đảm bảo cân đối; chủ động sử dụng dự phòng NSĐP còn lại [nếu có], nguồn dự trữ tài chính, nguồn tăng thu NSĐP năm 2019 chuyển sang năm 2020 [phần còn lại sau khi đã dành nguồn 70% để cải cách tiền lương - nếu có] để hỗ trợ bù hụt thu NSĐP.

VIII. Tình hình thực hiện các kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, Quyết toán dự án hoàn thành

IX. Đánh giá kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách năm 2020

Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phải lập báo cáo đánh giá tình hình thực hiện, triển khai các nhiệm vụ năm 2020, các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị giải pháp xử lý.

B. XÂY DỰNG DỰ TOÁNNSNN NĂM 2021

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội về việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho thời kỳ ổn định ngân sách mới sang năm 2021.

Xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2021 phải theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý thu, chi ngân sách; trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán NSNN giai đoạn 2017-2020; quán triệt chủ trương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán.

I. Xây dựng dự toán thu NSNN

1. Xây dựng dự toán thu nội địa: Việc xây dựng dự toán thu năm 2021 phải bám sát dự báo khả năng phục hồi kinh tế; tính toán kỹ các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi cơ chế, chính sách và thay đổi bất thường do tác động của đại dịch Covid-19. Phấn đấu tăng tối thiểu 9-11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020.

Xây dựng dự toán thu nội địa năm 2021 ngoài việc phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu nêu trên, phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn; đồng thời loại trừ các khoản theo quy định không thuộc nguồn thu cân đối NSNN trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2020, những đặc thù của năm 2021 và đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2016-2020; dự báo tăng trưởng kinh tế trên địa bàn năm 2021 và số kiểm tra dự toán thu năm 2021.

Chấp hành nghiêm lập dự toán thu NSNN tích cực, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu, không dành dư địa để địa phương tự quy định giao chỉ tiêu phấn đấu thu, lấy chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao làm căn cứ chỉ đạo, điều hành.

2. Dự toán các khoản thu phí, lệ phí: Theo quy định, tích cực, chi tiết theo từng khoản thu [trong đó dự toán: tổng số thu, số được để lại chi theo chế độ đối với từng lĩnh vực chi tương ứng, số nộp NSNN theo quy định].

- Đối với khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công [không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật phí và lệ phí], không tổng hợp vào dự toán thu, chi NSNN của địa phương, nhưng các cơ quan phải lập dự toán riêng và xây dựng phương án sử dụng gửi cơ quan quản lý cấp trên, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.

3. Xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Xây dựng dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020.

II. Xây dựng dự toán chi NSNN

1. Xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển

a] Dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN, bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn viện trợ, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu tiền sử dụng đất trên cơ sở Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn, các mục tiêu Đề án cơ cấu lại đầu tư công và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong năm, phù hợp với dự kiến định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

b] Tiếp tục bố trí dự toán năm 2021 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước còn lại đến hết năm 2020, bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, quyết toán và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được phân bổ đủ vốn theo giá trị quyết toán được duyệt; bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ quy hoạch theo quy định và các dự án đầu tư chuyển tiếp cần tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021-2025 [nếu có]; ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án, công trình phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, không bố trí vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân.

- Bố trí dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; các dự án di dân, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; sử dụng tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013.

2. Xây dựng dự toán chi thường xuyên

2.1. Xây dựng dự toán chi thường xuyên đảm bảo đúng chính sách, chế độ và các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 theo Nghị quyết số 63/2016/NQ-HĐND ngày 10/12/2016 của HĐND tỉnh; đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo kinh phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí của các cơ quan nhà nước theo quy định; chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó, cần lưu ý:

a] Rà soát đầy đủ các chế độ, chính sách để đảm bảo xây dựng dự toán chính xác và thuyết minh cụ thể căn cứ, cơ sở tính toán.

b] Tăng cường trách nhiệm về tính chính xác của số liệu hoặc cơ sở tính của các chế độ, chính sách đối với từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Khắc phục những tồn tại khi xây dựng dự toán quá cao so với khả năng cân đối của ngân sách địa phương như trùng lắp về đối tượng thụ hưởng, thiếu nhiệm vụ chi làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng dự toán chung của toàn tỉnh.

c] Các cơ quan, đơn vị dự toán cấp tỉnh, cấp huyện và UBND các huyện, thành phố lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm; thực hiện giảm dự toán đối với các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 được xác định căn cứ vào kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020, mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, riêng mức giảm biên chế được xác định theo quyết định giao biên chế của cấp thẩm quyền [nếu có].

Các cơ quan, đơn vị và địa phương lập phương án sử dụng số kinh phí giảm chi thường xuyên cấp trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp y tế theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo và dạy nghề năm 2021 theo quy định.

Dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài.

d] Đối với dự toán kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, dự toán của các cơ quan, đơn vị và địa phương gửi kèm thuyết minh chi tiết về tên công trình; mục tiêu sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; sự cần thiết, lý do thực hiện; văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền; khối lượng công việc dự kiến; thời gian bắt đầu, kết thúc; dự toán kinh phí theo các nguồn vốn và phân kỳ thực hiện hàng năm.

đ] Dự toán chi hoạt động năm 2021 của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với mục tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, cụ thể:

- Thực hiện tinh giản biên chế với mức giảm biên chế năm 2021 theo quyết định của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt [nếu có].

- Ước tính tác động của sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đến NSNN gồm:

+ Kinh phí dành ra đối với các cơ quan hành chính từ giảm chi NSNN do sắp xếp tổ chức bộ máy [giảm chi hoạt động bộ máy, chi cơ sở vật chất...]; giảm chi NSNN do giảm biên chế [giảm chi quỹ lương, giảm chi thường xuyên,...].

+ Nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo chế độ, chính sách hiện hành.

e] Dự toán chi hoạt động năm 2021 của các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ trong từng lĩnh vực sự nghiệp. Cụ thể:

- Thực hiện giảm quỹ lương, chi bộ máy năm 2021 gắn với giảm biên chế hưởng lương từ NSNN năm 2021 theo quyết định của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt [nếu có]; giảm số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập [trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính]. Trường hợp chưa có quyết định của cấp thẩm quyền hoặc Đề án được duyệt, thì tính giảm bình quân 2,5% so với biên chế hưởng lương từ ngân sách năm 2020 theo đúng chủ trương Nghị quyết số 19-NQ/TW.

- Thực hiện giảm chi hỗ trợ từ NSNN tối thiểu 2,5% gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu lớn theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công [tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản], tăng giá học phí theo quy định của pháp luật; tăng số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

- Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo chế độ, chính sách hiện hành.

- Dự kiến việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

g] Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Lập dự toán các nhiệm vụ chi thường xuyên [bao gồm các nhiệm vụ chuyển tiếp - nếu có] theo quy định hiện hành [chi tiết nguồn NSNN, nguồn thu sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vay và nguồn hợp pháp khác của đơn vị] theo từng lĩnh vực sự nghiệp; gửi cơ quan quản lý cấp trên, tổng hợp báo cáo cơ quan Tài chính cùng cấp.

h] Đối với quỹ lương, phụ cấp năm 2021: Thuyết minh rõ các nội dung sau:

- Số biên chế năm 2021 [trường hợp chưa được giao biên chế, thì xác định bằng số được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2020 trừ đi [-] số biên chế phải tinh giản năm 2021 theo mức giảm tối thiểu/năm đối với từng cơ quan, đơn vị], trong đó làm rõ số biên chế thực có mặt đến thời điểm 01/6/2020, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu biên chế năm 2021.

- Xác định quỹ lương ngạch bậc, phụ cấp và các khoản đóng góp theo chế độ quy định [BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ] theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng [tính đủ 12 tháng] do NSNN đảm bảo, bao gồm:

+ Quỹ tiền lương của số biên chế thực có mặt tính đến thời điểm 01/6/2020 [trong phạm vi biên chế năm 2021], được xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo chế độ [bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT, kinh phí công đoàn];

+ Giảm quỹ lương gắn với tinh giản biên chế;

+ Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt nhưng chưa tuyển, được dự kiến trên cơ sở mức lương cơ sở 1.490.000 đồng, hệ số lương 2,34/biên chế và các khoản đóng góp theo quy định. Trường hợp mức lương cơ sở trong năm 2021 có điều chỉnh theo quy định của cấp có thẩm quyền sẽ điều chỉnh tương ứng số tính toán nêu trên.

2.2. Một số lưu ý thêm khi xây dựng dự toán NSNN năm 2021

a] Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: Lập dự toán chi đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thuyết minh cụ thể các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở, các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, dịch vụ công sử dụng NSNN và nhiệm vụ khác; phù hợp với định hướng mục tiêu, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 và Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư.

b] Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề: Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách khác; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

c] Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình: Thuyết minh cụ thể cơ sở tính toán nhu cầu chi thực hiện các chương trình, đề án của ngành y tế; dự kiến số kinh phí giảm cấp chi thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp y tế theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế; nhu cầu NSNN hỗ trợ do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp y tế do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

d] Chi các hoạt động kinh tế: Xây dựng trên cơ sở khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chế độ, định mức chi ngân sách quy định. Xây dựng dự toán kinh phí Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp kinh tế công lập theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.

Ngoài ra, các huyện, thành phố lập dự toán NSNN năm 2021 bao gồm cả kinh phí hỗ trợ, sử dụng giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trong dự toán ngân sách huyện, thành phố.

đ] Chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể: Thuyết minh rõ các nội dung sau:

- Quỹ lương, phụ cấp năm 2021: Thuyết minh cụ thể theo tiết h mục 2.1 phần II nêu trên.

- Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù [cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, các nội dung liên quan khác] năm 2021 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

- Kinh phí tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

e] Đối với các tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp:

+ Trường hợp được cấp có thẩm quyền giao biên chế: dự toán ngân sách năm 2020 được xác định căn cứ vào việc tăng, giảm nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm 2021.

+ Đối với các hội quần chúng khác bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí, hoạt động theo điều lệ và tuân thủ pháp luật; NSNN hỗ trợ cho các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

2.3. Lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế

Việc lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 05/6/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

2.4. Riêng đối với các huyện, thành phố: Báo cáo thuyết minh cụ thể nhu cầu, kinh phí thừa, thiếu để thực hiện các chính sách mới, hoặc việc điều chỉnh tăng mức, mở rộng đối tượng thu hưởng các chính sách hiện hành trong năm 2020 và nhu cầu năm 2021 theo quy định.

2.5. Dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương: Năm 2021, thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

2.6. Bố trí dự phòng NSNN: Ngân sách các cấp bố trí dự phòng ngân sách theo đúng quy định của Luật NSNN để chủ động đối phó với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh khác ngoài dự toán.

2.7. Căn cứ số kiểm tra thu, chi ngân sách năm 2021, các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố xây dựng dự toán chi chặt chẽ, chi tiết theo từng lĩnh vực quy định tại Luật NSNN, từng nhiệm vụ, từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; sau khi đã làm việc với Sở Tài chính, các huyện, thành phố triển khai công tác lập phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 của địa phương mình, để khi nhận dự toán ngân sách HĐND tỉnh giao, chủ động trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ theo từng lĩnh vực và giao dự toán toán ngân sách đến đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo thời gian theo đúng quy định của Luật NSNN.

3. Xây dựng kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách lập kế hoạch thu - chi tài chính năm 2021 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn tiếp tục hoạt động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan, gửi kèm báo cáo dự toán NSNN năm 2021 của cơ quan, đơn vị mình tới cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong đó, thuyết minh chi tiết về số dư đầu năm; số phát sinh thu từ NSNN cấp, từ huy động, tài trợ,... trong năm; số chi cho các nhiệm vụ trong năm; tình hình biến động về vốn điều lệ, nguồn vốn hoạt động. Kiến nghị việc xử lý số dư Quỹ tính dự kiến đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 [nếu có].

C. LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NSNN 03 NĂM 2021 - 2023

I. Lập kế hoạch thu NSNN 03 năm 2021 - 2023

1. Phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh bình quân chung cả nước năm 2021 tăng khoảng 9-11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020, các năm 2022-2023 tăng khoảng 10-11%/năm; tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 4-6%/năm trong giai đoạn 2021-2023.

2. Dự toán các khoản thu phí, lệ phí các năm 2021-2023 tích cực, chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định [số thu, số nộp NSNN] và chỉ tổng hợp vào dự toán thu NSNN phần phí, lệ phí nộp NSNN.

3. Đối với các khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế, dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ không thuộc nguồn thu NSNN, các đơn vị tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương theo quy định.

II. Lập kế hoạch chi NSNN 03 năm 2021 - 2023

1. Kế hoạch chi NSNN 03 năm 2021 - 2023 được lập trên cơ sở cập nhật kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2020 - 2022, số ước thực hiện năm 2020, trần chi ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 do cơ quan có thẩm quyền thông báo; trong đó thuyết minh cụ thể các nhu cầu chi tăng, giảm gắn với việc thay đổi cơ chế, chính sách theo các chủ trương, phê duyệt của cấp thẩm quyền; các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án [kể cả chương trình MTQG, chương trình mục tiêu] đã hết thời gian thực hiện hoặc mới được phê duyệt, đặc biệt lưu ý việc triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW.

2. Trong quá trình xây dựng dự toán chi NSNN năm 2021, các cơ quan, đơn vị dự toán cấp tỉnh đồng thời xác định chi tiết chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới của đơn vị mình năm dự toán 2021 theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 69/2017/TT-BTC để làm căn cứ xác định chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới và tổng hợp nhu cầu chi đầu tư phát triển, nhu cầu chi thường xuyên trong kế hoạch chi năm 2022-2023. Đồng thời các đơn vị lập kế hoạch chi tiết việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách, chế độ còn hiệu lực, hết hiệu lực; các mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách mới đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; cần tính toán, xác định nhu cầu kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền ban hành từng năm của giai đoạn 2021 - 2023, kèm theo thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán.

- Đối với Nghị quyết số 18-NQ/TW, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2016-2020, định hướng các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 theo Đề án được phê duyệt [nếu có], dự kiến cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, về giảm biên chế trong từng năm 2021-2023 và các tác động kinh phí NSNN theo từng mục tiêu, nhiệm vụ [tiết kiệm chi NSNN do giảm đầu mối, giảm biên chế; tăng chi NSNN do thực hiện chính sách tinh giản biên chế].

- Đối với Nghị quyết số 19-NQ/TW, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2016-2020, định hướng các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu theo Đề án được phê duyệt [nếu có], thực hiện lập dự toán tương tự dự toán năm 2021 quy định tại khoản 3, điều 11 Thông tư này, với mức giảm biên chế hưởng lương từ NSNN hàng năm theo Đề án được phê duyệt [nếu có], hoặc hàng năm giảm bình quân 2,5%, cộng thêm số chưa thực hiện được của giai đoạn 2016-2020 [nếu có].

D. BIỂU MẪU BÁO CÁO

I. Đối với dự toán năm 2021

1. Đối với các Sở, ban, ngành, cơ quan Đảng và Đoàn thể thuộc tỉnh: Lập biểu mẫu số 05, 06, 07, 08, 09, 11.1, 12.1, 12.2, 12.3, 12.4, 12.5, 13.1 đến 13.10 và 13.12 [theo từng sự nghiệp], 14, 15.1, 15.2, 18 [các nội dung thuộc ngành, đơn vị theo dõi, quản lý] ban hành kèm theo Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính và các biểu mẫu kèm theo Công văn này.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Lập biểu mẫu 01, 02, 03, 18, 28, 29.2, 31 đến 35 ban hành kèm theo Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính và các biểu mẫu và các biểu mẫu kèm theo Công văn này.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thêm số liệu theo biểu số 32 [phần chi đầu tư], biểu số 33, 34 tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính.

4. Cục Thuế tỉnh báo cáo theo biểu số 01, 02, 03 tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính.

5. Chi cục Hải quan Ma Lù Thàng báo cáo theo biểu số 04 tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính.

* Đối với dự toán thu, chi NSNN từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất: Các Sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện theo các mẫu biểu kèm theo Công văn này.

II. Đối với kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021-2023

1. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư: Lập các biểu số 01, Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ Tài chính; biếu số 01, 03, 04, 05, 06 theo Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23/03/2017 của Chính phủ.

2. Đối với Cục thuế tỉnh: Mẫu biểu số 02, 03 08, 09, 10 quy định tại Thông tư số 69/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

3. Đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh: Mẫu biểu từ số 13 đến số 22 quy định tại Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ Tài chính.

Kích vào đây để tải các biểu mẫu

Đ. VỀ THỜI GIAN GỬI BÁO CÁO

Đề nghị các đơn vị gửi báo cáo đánh giá dự toán NSNN năm 2020, xây dựng dự toán NSNN năm 2021, lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021 - 2023 về Sở Tài chính trước ngày 10/8/2020 [bản giấy và bản điện tử] để Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài chính.

Trên đây là hướng dẫn lập dự toán ngân sách năm 2021 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2021-2023; trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, Đoàn thể thuộc tỉnh; Cục thuế tỉnh; Chi cục Hải quan Ma Lù Thàng và các huyện, thành phố phản ánh về Sở Tài chính để phối hợp thực hiện.

Video liên quan

Chủ Đề