Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam

“Hào hứng”, “giải tỏa” là cảm giác chung của nhiều du khách quốc tế sau khi có thể du lịch trở lại. Họ chọn Việt Nam vì chính sách nhập cảnh dễ dàng so với nhiều quốc gia châu Á.

Tre (29 tuổi) và Alina (27 tuổi), đến từ tiểu bang Ohio (Mỹ), mong muốn khám phá Việt Nam cùng các nước châu Á khác từ lâu và đã lên kế hoạch sẵn. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy đến khiến dự định của họ phải lùi lại mất 2 năm.

“Ban đầu, chúng tôi thống nhất chấp nhận tốn thêm thời gian cách ly khi nhập cảnh nếu Việt Nam vẫn yêu cầu. Đến lúc lên đường, quy định ấy cũng đã được dỡ bỏ. Mọi thứ vì vậy trở nên dễ dàng, thoải mái hơn với chúng tôi rất nhiều”, Tre nói với Zing.

Theo quan sát của anh, người dân cũng không còn e dè trước dịch bệnh hay việc tập trung đông người. Trước đó, chàng trai nghĩ rằng có thể mọi người sẽ vẫn giữ khoảng cách và đeo khẩu trang kín mít.

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam

Ngay khi biết Việt Nam mở cửa du lịch, Alina và Tre sắp xếp công việc để tới đây như dự định từ lâu. Ảnh: Trà My.

Thời tiết thất thường

Lần đầu tới Việt Nam, cảm nhận chung của Tre và Alina là thời tiết khá mát mẻ song thay đổi thất thường trong những ngày qua và khó dự đoán chính xác.

“Tuần trước, chúng tôi đang đi trên phố thì bắt gặp cơn mưa lớn. Cả hai định chờ trời tạnh nhưng mưa rơi ngày càng nặng hạt. Cuối cùng, chúng tôi phải đội mưa chạy và bị ướt sũng người. Khi khác, tôi xem dự báo thời tiết và thấy ứng dụng thông báo khả năng 100% mưa, cuối cùng trời lại tạnh ráo. Nhưng may mắn, tôi chưa phải chịu cảnh phố ngập, lội nước như một số người nói”, Alina chia sẻ.

Điều làm cặp đôi Mỹ thích thú trong chuyến đi là họ có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc trưng của Việt Nam theo đúng phong cách người bản địa nấu.

“Tôi từng đi ăn nhiều lần các món Việt trên đất Mỹ. Chúng ngon nhưng hương vị được nếm ở đây vẫn có sự khác biệt và đặc biệt hơn. Lần này, tôi đã kịp thử phở, bún chả, bánh mì”, Tre cho hay.

Ngoài ra, họ còn yêu thích mùi vị cà phê ở Hà Nội.

“Cảnh hàng quán xếp dọc vỉa hè với mọi người ăn uống, trò chuyện là điều mới lạ trong mắt chúng tôi. Chúng tôi đã thử và thấy đó là trải nghiệm thú vị, duy chỉ có điều tôi khá sợ sẽ làm gãy những chiếc ghế nhựa khi ngồi lên”, Alina cười nói.

Những ngày tới, sau khi đã dạo chơi Hà Nội, Sa Pa, vịnh Hạ Long, cả hai sẽ đặt chân tới Ninh Bình và tham quan Tràng An, Tam Cốc trước khi trở về Mỹ.

Sau khi tham quan một vòng đền Ngọc Sơn, 3 nữ du khách Hà Lan hào hứng chụp ảnh kỷ niệm trước khi tiếp tục dạo quanh hồ Gươm.

Chia sẻ với Zing, Maud và Cleo (19 tuổi) cho biết họ đáp chuyến bay xuống Hà Nội tối 30/5. Sáng hôm sau, họ hẹn gặp cô bạn Moira (25 tuổi) - người đến Việt Nam hơn 3 tuần trước và vừa từ TP.HCM ra Hà Nội.

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam

Cleo, Maud và Moira muốn thử nhiều món ăn đặc trưng của Việt Nam. Ảnh: Trà My.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt chân tới châu Á. Trước khi đến Việt Nam, tôi và Cleo du lịch ở Malaysia. Mọi người chúng tôi gặp đều giới thiệu hãy đến thăm Việt Nam. Tôi mong muốn khám phá về văn hóa, ẩm thực và thiên nhiên của đất nước các bạn”, Maud nói.

Theo nhóm du khách, điều khiến họ thoải mái khi đến Việt Nam là các hạn chế về Covid-19 đều được dỡ bỏ.

“Ở châu Âu, quy định kiểm dịch được nới lỏng và dễ dàng hơn cho chúng tôi khi tới các quốc gia khác. Tôi rất vui vì được đi du lịch trở lại và đã ghé thăm Tây Ban Nha. Khi đến Việt Nam, chúng tôi chỉ cần xin visa, không cần test Covid-19 và nhập cảnh rất dễ dàng. Lúc đi ngoài đường, chúng tôi cũng không bắt buộc đeo khẩu trang”, Cleo cho hay.

Giống như nhiều du khách nước ngoài, các cô gái chưa quen với thời tiết nóng và ẩm ướt ở Hà Nội. Họ muốn thử nhiều món ăn phổ biến như bánh mì, nem hay phở.

Sau 2 ngày ở Hà Nội, cả nhóm sẽ đi xe khách lên Hà Giang chơi. Trước khi trở về Hà Lan, họ dự định khám phá Singapore.

Dễ nhập cảnh, chi phí rẻ

Sau 2 năm không thể du lịch nước ngoài vì dịch, Park Sang Woo (30 tuổi), kỹ sư đến từ Hàn Quốc, cùng bạn gái quyết định đến Việt Nam.

“So với các quốc gia châu Á khác, tôi thấy quy định kiểm dịch của Việt Nam nới lỏng hơn và có thể nhập cảnh dễ dàng. Bởi vậy, tôi chọn nơi đây là điểm đến đầu tiên sau dịch. Tôi cũng biết HLV Park Hang Seo rất nổi tiếng và được yêu mến ở Việt Nam nên muốn tới đây”, anh nói với Zing.

Ngày thứ 2 ở Hà Nội, Park cùng người yêu đến phố đường tàu Phùng Hưng dạo chơi. Dù đã tìm hiểu trước về nơi này trên mạng, cả hai vẫn hào hứng khi thấy sự độc đáo của xóm cà phê sát đường tàu.

“Tôi không nghĩ có nhiều nhà dân sống ở đây đến vậy. Sau khi chụp ảnh, chúng tôi sẽ tìm quán cà phê kết hợp nhà hàng gần đây để ăn trưa luôn”, bạn gái Park chia sẻ.

Theo cảm nhận của Park, người dân Việt Nam thân thiện và tốt bụng. Anh cũng thích các món ăn đường phố, đặc biệt là phở và bánh mì.

Tuy nhiên, Park chưa thể thích nghi với thời tiết nóng và ẩm ướt hơn nhiều so với ở Hàn Quốc. Sau Hà Nội, anh dự định khám phá Ninh Bình trước khi trở về nước.

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam

Sau khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại, phố đường tàu Phùng Hưng là một trong những điểm thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, check-in. Ảnh: Hà Nam.

Tranh thủ chụp hình check-in trước khi vào tham quan đền Ngọc Sơn, Kim (40 tuổi) và bạn gái, du khách đến từ Hàn Quốc, tỏ ra hào hứng.

Ngoài thủ tục nhập cảnh dễ dàng cho khách nước ngoài, Kim cho hay anh chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên sau 2 năm không đi du lịch còn bởi chi phí ở mức rẻ.

Cả hai có thể thoải mái chi tiêu ở Việt Nam mà không cần bận tâm nhiều về giá. Kim đến TP.HCM trước và bay ra Hà Nội gặp bạn gái - người khởi hành từ Hàn Quốc sau anh vài ngày.

Giống với Sang Woo, Kim chưa quen với thời tiết đầu hè ở Hà Nội.

“Trời nóng khiến tôi đổ mồ hôi và khát nước liên tục”, người đàn ông nói.

Từng có dịp đến Việt Nam khoảng 5 năm trước, Kim thấy cảnh vật không thay đổi nhiều so với trí nhớ của mình. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế giống như anh chưa thể đông như trước khi dịch bệnh xảy ra.

Việt Nam mở cửa trở lại hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc từ 15/3 và gỡ bỏ mọi hạn chế, khôi phục hoàn toàn các đường bay quốc tế từ 15/2.

Cũng trong tháng 3, Chính phủ đồng ý khôi phục toàn bộ chính sách visa, xuất nhập cảnh như trước khi áp dụng biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch năm 2020.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 3 năm nay, Việt Nam đón được 15.000 lượt khách du lịch quốc tế, tháng 4 đón 80.000 lượt. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước đón hơn 102.300 lượt khách. Trong khi đó, mục tiêu của năm 2022 là cả nước đón được 5 triệu lượt khách quốc tế.

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 - Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tính riêng trong tháng 6/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 236.000 lượt, tăng 36,8% so với tháng 5 và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 do Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn và các đường bay đã nối trở lại (từ 15/3) sau khi kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tính chung 6 tháng, trong số 602.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, có hơn 523.000 khách đến bằng đường hàng không, chiếm 87% tổng lượng khách; 78.000 lượt khách đến bằng đường bộ còn khách đường biển chỉ đạt 124 lượt người (giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng qua tăng rất mạnh nhưng con số này vẫn giảm tới 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, lúc chưa xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, lượng khách đến bằng đường biển

Bên cạnh đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 6 tháng qua tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành tăng 94,4% so với nửa đầu năm 2021, phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa.

Thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đang trong mùa du lịch hè - mùa cao điểm du lịch nội địa. Theo các công ty lữ hành, khách sạn, hiện nay, lượng khách của mùa hè này tại nhiều nơi đã cao hơn hè năm 2019. Tuy nhiên, ở một số nơi, dịch vụ vẫn chưa mở lại hoàn toàn.

Một trong những vấn đề ngành du lịch đang phải đối diện thời gian qua là nhiều nơi thiếu lực lượng lao động khiến đôi khi quá tải dịch vụ do không có nhân viên phục vụ.


Chưa có các đoàn khách quốc tế lớn 

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 nghìn lượt khách, giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Nguyên nhân được cho là do dịch Covid-19 đã khiến du khách hình thành tâm lý "ngại" đi du lịch ngoài biên giới.

Ngoài ra, vật giá leo thang, lạm phát bao trùm trên thế giới ảnh hưởng đến tình hình tài chính của du khách, khiến nhu cầu đi du lịch bị kiềm chế.

Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour Trần Thế Dũng cho biết, sau 3 tháng du lịch mở cửa đón khách quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là những nhóm khách nhỏ hoặc người đi công tác kết hợp du lịch Việt Nam, hoàn toàn chưa có những đoàn khách lớn. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng mất một số thị trường chính như Nga và Trung Quốc… do tình hình dịch bệnh và chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam
Khách du lịch quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2022

Phó Chủ tịch Hiệp Hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, năm 2019 Việt Nam đón được gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế. Ở thời điểm đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), đã chiếm khoảng 66% lượng khách đến du lịch Việt Nam. Nhưng sau hai năm đại dịch Covid-19, những thị trường này đều đóng cửa, hiện mới chỉ có Hàn Quốc dần mở cửa trở lại với thị trường khách inbound và outbound, thị trường Nhật Bản thì chọn lọc đối tượng khách, đặc biệt Trung Quốc vẫn chưa cho phép người dân đi du lịch. “Khi những thị trường truyền thống khu vực Đông Bắc Á mở cửa hoàn toàn trở lại thì ngành du lịch Việt Nam mới có thể hồi phục”- ông Phùng Quang Thắng nêu rõ.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam rơi vào giai đoạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường chi tiêu cao như: châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… có đặc thù lên kế hoạch chuẩn bị trong thời gian dài. Việt Nam mới mở cửa nên du khách sẽ cần thời gian theo dõi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa phục hồi như mong muốn.

Cần thoáng hơn trong cấp visa

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi Nhà nước nên có chính sách cởi mở, thông thoáng trong việc cấp Visa và có thêm phương án hỗ trợ DN. 

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam
Khách du lịch quốc tế thăm quan Hội An (Quảng Nam).

Giám đốc Điều hành Công ty Du lịch Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ, DN đã đón được những đoàn khách từ thị trường Mỹ, nhưng trong quá trình đón khách, DN đang khó khăn khi Việt Nam mới cho phép khách lưu trú 15 ngày, trong khi du khách muốn lưu trú tại Việt Nam lâu hơn.

“Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn, việc Việt Nam chỉ cấp Visa 15 ngày nên DN khó tổ chức những đoàn quy mô lớn” - bà Nguyễn Xuân Quỳnh phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng thông tin, hiện thủ tục cấp thị thực điện tử cho khách du lịch quốc tế nhất là khách Nga gặp khó khăn do thời gian chờ đợi quá lâu, du khách không chủ động được thời gian khiến họ buộc phải hủy vé tới Việt Nam.

“Đây chính là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam bớt hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp so với các quốc gia du lịch phát triển khu vực Đông Nam Á” - ông Cao Trí Dũng nói.

Thời gian qua, các DN du lịch rất nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và chính sách mở cửa thông thoáng đón khách quốc tế tới đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, kiểu quảng bá nhỏ lẻ, tự phát thì chưa thể tạo thành hiệu ứng rộng để làm bùng nổ thị trường, do đó, cần thêm những chính sách quảng bá tầm quốc gia. Để làm được việc này chúng ta cần mời các cơ quan báo chí quốc tế, DN du lịch hàng đầu của thế giới tới Việt Nam trải nghiệm du lịch, cho họ thấy đất nước chúng ta thật sự an toàn trước dịch Covid-19. Để phát ngôn hiệu quả thông tin đó, chỉ có thể là Chính phủ và các cơ quan quản lý trực tiếp ngành du lịch. " - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Để khắc phục những khó khăn này các DN du lịch có chung kiến nghị, thời gian tới Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn Visa 30 ngày, thay bằng 15 ngày như hiện nay dài ngày hơn. Ngoài ra, mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan…Riêng với thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục. Bên cạnh đề xuất tạo thông thoáng cấp Visa, DN du lịch cũng kiến nghị Nhà nước kéo dài thời gian triển khai chính sách hỗ trợ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, DN du lịch rất mong muốn Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm 2022 mà duy trì chính sách hỗ trợ này trong năm 2023. Trước tiên, ngành ngân hàng nên cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các DN du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến hết năm 2022.

Theo các nhà quản lý, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của  từ Nhà nước, còn đòi hỏi các DN du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, các DN cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch.

Hiện, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế và luôn đưa ra những chính sách hút du khách quốc tế, nếu chúng ta không tạo thuận lợi thì khó thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.