Kiêu hãnh làm người là gì

ANTD.VN - Văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là văn học nghệ thuật Thủ đô luôn song hành cùng đời sống của nhân dân và đất nước. Bất chấp đại dịch hoành hành, dòng chảy văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội vẫn tuôn trào như khích lệ tinh thần chống dịch của nhân dân.
  • Có một Hà Nội kiêu hãnh vượt qua dịch giã (2): Nhân lên sự tử tế, tình người giữa đại dịch
  • Có một Hà Nội kiêu hãnh vượt qua dịch giã (1): Thăng Long trong lịch sử những lần vườn không nhà trống đánh giặc
Kiêu hãnh làm người là gì

Nhiều ca khúc đã được ra đời tức thì để cổ vũ tinh thần chống dịch của người dân Hà Nội

Sứ mệnh góp phần động viên tinh thần nhân dân

Đại dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống, văn học nghệ thuật không là ngoại lệ. Chỉ có điều, với những người làm công việc sáng tác, đại dịch Covid-19 thúc ép văn nghệ sĩ trăn trở, nghĩ suy nhiều hơn trong không gian của một thành phố trầm tư, tĩnh lặng giai đoạn buộc phải giãn cách xã hội. Đặc biệt, với các nghệ sĩ trẻ, sự nhanh nhạy và bộc phát làm họ "bắt" rất nhanh trước những yêu cầu bức thiết của thời dịch.

Thoạt tiên, các sáng tác tranh cổ động với thế mạnh về ngôn ngữ đồ họa đã bắt nhịp xu hướng rất nhanh, động viên và khích lệ người dân ở nhà chống dịch. Trong đó có thể kể đến thành công của bức tranh cổ động Ở nhà là yêu nước của họa sĩ trẻ Lê Đức Hiệp... Bức tranh thể hiện một nhân viên y tế và một chàng trai trẻ cùng đeo khẩu trang, nắm chắc tay giơ cao khẩu hiệu: Ở nhà là yêu nước. Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, bộ tranh cổ động về phòng, chống dịch Covid-19 phát hành từ Hà Nội cùng một số mẫu tranh cổ động được các địa phương tuyển chọn, ấn hành phát huy được sứ mệnh góp phần động viên tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch, sẵn sàng góp phần chia lửa với đội ngũ bác sĩ, Công an, Quân đội nơi tuyến đầu chống giặc Covid-19.

Khi dịch bệnh hoành hành, không ai bảo ai, các văn nghệ sĩ ở Thủ đô Hà Nội đều ý thức được trách nhiệm của người sáng tác, sáng tạo các tác phẩm trong giai đoạn khó khăn này. Nhạc sĩ Đỗ Phương, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho ra mắt video ca nhạc Về Kinh Bắc quê anh trong những ngày dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang - Bắc Ninh. Giặc Covid-19 càn quét, khiến người nhạc sĩ dâng trào nỗi niềm xót xa với đồng bào mình khiến anh sáng tác ca khúc này rất nhanh và cùng ê-kíp dàn dựng hình ảnh.

Những dòng chảy trong giới văn nghệ sĩ Hà Nội

Với các văn nghệ sĩ ở Thủ đô nghìn năm văn hiến thì Hà Nội là mảnh đất họ đang sinh sống có mối liên hệ trực tiếp với các tác phẩm. Đó vừa là bối cảnh cho các ý tưởng ra đời vừa là cảm hứng sáng tác. Nữ họa sĩ Lê Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ Trẻ (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho biết, năm đầu tiên đại dịch ập về, cô đã bị ám ảnh về mối đe dọa tính mạng bản thân và cộng đồng khi giặc Covid-19 hiện hữu. Trực giác mách bảo nữ họa sĩ Lê Anh cần phải vẽ ngay 3 bức tranh lụa về phố cổ Hà Nội được phun khử khuẩn. Nữ họa sĩ cho biết, thời gian giãn cách ở nhà mới thấy quý giá cuộc sống bình thường và cô đã hồi tưởng lại những gì đẹp đẽ nhất về Hà Nội để sáng tác. Tác phẩm sau đó đã đoạt giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2020.

Không chỉ Lê Anh, các họa sĩ trẻ khác cũng rất đắm đuối đề tài về phố phường Hà Nội trong thời dịch. Chỉ đơn giản là khi bị kìm chân trong nhà và óc sáng tạo bật tung lên, những gì từng thân thuộc như cầu Long Biên trầm tư, hồ Tây lộng gió, góc phố thân yêu lại ùa về. Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tác trong mọi bối cảnh của mỗi thời đại.

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân đã có thư gửi hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, kêu gọi các nhạc sĩ cùng sáng tác các ca khúc phòng, chống dịch Covid-19, để có thêm nhiều tác phẩm âm nhạc, góp phần cổ vũ, động viên lực lượng trên tuyến đầu, tiếp thêm sức mạnh cùng cả nước phòng chống dịch. Lúc này, âm nhạc cất lên từ trái tim của mỗi người, sẽ là món ăn tinh thần giúp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua khó khăn, đầy lùi đại dịch Covid-19, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ. Trước đó, năm 2020, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, chỉ trong một thời gian ngắn, các nhạc sĩ trên khắp mọi miền đất nước đã có những đóng góp hiệu quả bằng tác phẩm của mình cùng cả nước chống dịch qua tập ca khúc Niềm tin và chương trình hòa nhạc trực tuyến do Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì thực hiện thành công, được công chúng cả nước đón nhận với dành những tình cảm quý trọng.

Trong khi đó, Hội Sân khấu Việt Nam đã phát động Giải thưởng Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19. Ngay sau khi cuộc thi được phát động, nhiều tác giả thuộc các lĩnh vực: chèo, tuồng (hát bội), cải lương, kịch nói, dân ca ví giặm, dân ca bài chòi... thuộc các sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên, các đơn vị xã hội hóa đã hưởng ứng nồng nhiệt, tạo thành một phong trào sôi nổi trong giới làm nghề.

Cùng lúc, Hội Nhà văn Việt Nam đã chỉ đạo Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống tổ chức cuộc thi viết Chân dung và cuộc sống hướng đến những nhân viên y tế đang chống dịch, giáo viên, doanh nhân, nghệ sĩ... hay bất cứ ai đã và đang tô đẹp, giúp ích cho cuộc sống. Cuộc thi có thời gian khá dài - 2 năm, đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của các nhà văn Việt Nam, những người thư ký của thời đại. Dù không nói ra, những cây bút tham gia cuộc thi đều hiểu rằng, viết về tấm gương trong đại dịch sẽ hợp thời hơn và dễ ẵm giải hơn. Họ viết không đơn thuần chỉ để đoạt giải, mà họ viết trong những tháng ngày kỳ lạ - Hà Nội cùng cả nước chống giặc trên một mặt trận không tiếng súng, nhưng vẫn có những hy sinh, mất mát về người và của.

Sự xuất hiện của nhiều cuộc vận động sáng tác về chủ đề Covid-19 làm giới văn nghệ sĩ bận rộn hơn, minh chứng cho dòng chảy văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội - trái tim của cả nước, vẫn tuôn trào bất chấp đại dịch. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho biết, với những người làm công việc sáng tác, sáng tạo lúc nào cũng làm việc, bất kể đại dịch hay cuộc sống bình thường.

Người Hà Nội luôn rất bền bỉ trong mọi hoàn cảnh. Vì trong quá khứ, họ đã có ít nhiều kinh nghiệm. Tâm lý ứng phó trước những khó khăn đã được luyện tập, được tiêm vaccine về tâm lý. Chính vì thế, tinh thần vì cộng đồng của người Hà Nội rất cao, nhìn trước ngó sau xem mọi người thế nào, sinh ra khái niệm về quần cư, về trách nhiệm xã hội. Chính vì thế, các nhà văn, các văn nghệ sĩ sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng tự ý thức trách nhiệm của người làm văn học nghệ thuật trước các vấn đề của đời sống. Đặc biệt là trước đại dịch bùng phát và kéo dài gần 2 năm nay.

Trầm tĩnh, nhưng biết cách thích ứng

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho biết, càng trong đại dịch, anh lại thấy mình bận rộn hơn. Vì khoảng thời gian giãn cách, hạn chế gặp gỡ và đi lại làm anh thấy quý thời gian trôi qua mỗi ngày. Tác giả của những tập sách Tự nhiên người Hà Nội (2004), Hà Nội là Hà Nội (2010), Xe máy tiếu ngạo (2011), Còn ai hát về Hà Nội (2013) cho rằng, con người là hữu hạn, còn văn chương chữ nghĩa là vô hạn. Nếu không bắt lấy khoảng thời gian dịch giã này để làm việc một cách hiệu quả, Nguyễn Trương Quý cảm thấy hối tiếc. Cũng trong dịch giã, anh đọc nhiều sách hơn, viết lách nhiều hơn vì thời gian này, nhu cầu đọc và chia sẻ, an ủi của nhiều người tăng lên.

Còn NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, đối với những người sáng tạo, dịch bệnh gây ra những khó khăn nhưng cũng tạo ra một khoảng thời gian tĩnh lặng để họ không phải lao vào công việc, tương tác với những người khác. Chính khoảng lặng đó tạo ra một không gian yên tĩnh để người nghệ sĩ suy tưởng, nghĩ suy. Cá nhân anh thời gian này đã viết được kịch bản xiếc chống Covid-19 để đón đầu sân khấu xiếc khi cuộc sống trở lại bình thường.

Ông hoàng xiếc trăn Tống Toàn Thắng cũng chia sẻ, năm đầu tiên đại dịch ùa vào, chưa thấm thía hết sức tác động ghê gớm của nó, nhưng đến năm thứ hai dịch giã mới ngộ ra nhiều điều, nhiều bài học. Từ Tết nguyên đán tới nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chưa diễn được một buổi nào, đời sống nghệ sĩ rất khó khăn, mới thấu và thấm nổi nỗi truân chuyên, nguy khốn mà cuộc chiến với giặc Covid gây ra. Sự chia cắt giữa gia đình với gia đình, người với người gây cảm xúc khôn tả trong người nghệ sĩ. Nhưng nếu không biết tận dụng thời gian, tư duy để đón đầu trạng thái bình thường mới, thì các nghệ sĩ sẽ bị tụt lại phía sau. Và tôi tin, các nghệ sĩ đều biết rất rõ điều này, NSND Tống Toàn Thắng khẳng định.

Các tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc, thơ ca, nhiếp ảnh, các chương trình nghệ thuật từ Hà Nội không chỉ cổ vũ tinh thần chống dịch của người dân Hà Nội, giúp Thủ đô khoanh vùng dập dịch hiệu quả mà còn lan tỏa bốn phương trời, đi khắp đất nước, biển trời Việt Nam mến yêu. Vốn là những người trầm tĩnh nhưng biết cách thích ứng, các văn nghệ sĩ Hà Nội đang hứa hẹn sẽ có các tác phẩm đích đáng khi đi qua dịch giã. Cho đến nay, chưa có con số thống kê chính xác các tác phẩm văn học nghệ thuật đã ra đời trong bối cảnh đại dịch. Điều nhiều người nhìn thấy là, dẫu giặc giã hay dịch giã có tàn khốc, kinh khủng đến thế nào, thì cốt cách và tư chất kiên cường của người Hà Nội đâu có thay đổi. Càng trong nguy khó, gian lao mới thấy gương mặt và bản lĩnh người Hà Nội ngời sáng.

Sự kiêu hãnh khi Hà Nội vượt qua dịch giã là bởi thế. Nói như nhà khảo cổ Tống Trung Tín khi nhìn lại lịch sử bi tráng và hào hùng của vùng đất văn hiến nghìn năm thì: Trải qua bao cuộc chiến tranh, bao lần bị nhòm ngó, Thăng Long vẫn đứng vững và trường tồn đến ngày nay. Từ đó tạo ra niềm tin chiến thắng của người Hà Nội trong mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn.

Đối mặt với đại dịch, để làm cái gì đó đáng giá hơn, có ích hơn

Kiêu hãnh làm người là gì

Khi xã hội giãn cách, các hoạt động biểu diễn ngưng trệ làm nhiều người nghĩ rằng, những người làm sáng tạo đang dừng lại để nghỉ ngơi. Nhưng tôi có thể khẳng định, người sáng tác chưa bao giờ dừng lại. Đại dịch có thể khiến họ trốn vào cái vỏ để suy ngẫm. Nhìn bề mặt, có vẻ như họ đứng yên nhưng không, sự tĩnh lặng có khi là một hoạt động lớn. Dừng lại để chuẩn bị cho một cái khác. Quá trình sáng tạo liên tục vừa qua đã lấy đi hết nhiên liệu, không có thời gian để hồi phục hay chữa lành.

Tôi đối mặt với đại dịch bằng cách nghỉ ngơi đi, chữa lành đi, để làm một cái gì đó đáng giá hơn, có ích hơn. Trong tiến trình phát triển của văn học nghệ thuật đều cho thấy, nạn dịch, chiến tranh đều gây nên cảm xúc mạnh mẽ đối với các văn nghệ sĩ, tạo nên các vấn đề để người sáng tạo sáng tác. Chính vì thế, tôi cho rằng, đại dịch Covid-19 chính là một cú hích với văn học nghệ thuật nước nhà và thế giới. Khi dịch bệnh tung hoành, phải ngồi nhà, tôi đã phát hiện ra những khả năng mà trước đây mình chưa biết, ví dụ như vẽ.

Tôi sống tĩnh lặng lại, ở trong nhà, làm các việc của mình. Trong bối cảnh như thế, tôi phải sống cho hợp thời hơn bằng cách làm tối giản cuộc sống của mình như cho bớt đi những thứ cần dùng đến, đọc sách, dọn dẹp nhà cửa và dọn sạch tâm hồn của mình. Trong đó, tôi đề cao việc giải quyết những vấn đề nội tâm là tối quan trọng mới ra được cái sáng láng của sáng tạo.

(Còn nữa)