Làm thế nào để bảo tồn và phát huy để làn điệu ca Huế sống mãi với thời gian

Lo ngại nhãn tiền

Các nhà nghiên cứu cho rằng, ca Huế ra đời từ thế kỷ XVII và tồn tại từ đó đến nay. Theo Hồ sơ di sản của Bộ VH-TT&DL, ca Huế có nhiều giá trị về nghệ thuật và âm nhạc. Đây là loại âm nhạc bác học, chuyên nghiệp có những yêu cầu cao về kỹ thuật ca hát. Người hát và nhạc công ca Huế phải là những người có năng khiếu về âm nhạc và phải được đào tạo lâu dài. Trong ca Huế, có nhiều loại bài bản, điệu thức, hơi nhạc, nên cũng có nhiều cách hát khác nhau, thể hiện các sắc thái tình cảm của từng bài. Khi ca, người ca phải nắn nót trong phát âm, nhả chữ, nắm rõ các loại nhịp độ, tốc độ của từng bài bản âm nhạc, cách luyến láy đặc trưng, cách ca dồn, ca sắp, ca đối hơi, ca nhịp ngoài, ca già dặn, chân phương, cách lấy hơi, diễn tả sắc thái mạnh nhẹ trong từng câu hát của hệ bài bản ca Huế. Loại hình di sản phi vật thể này cũng có yêu cầu cao về nhạc đệm, với 5 nhạc cụ trong dàn “ngũ tuyệt”, trong đó không có cây đàn tam mà thay vào bằng cây đàn bầu.

Thực tế cho thấy, ca Huế thời gian qua vẫn hiện diện trong các chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa tầm cỡ như Festival Huế, hoạt động biểu diễn phục vụ du khách trên thuyền rồng ở sông Hương. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời cuộc, ca Huế cũng cho thấy những dấu hiệu của sự biến tướng. Theo phản ánh của nhiều du khách, ca Huế biểu diễn trên sông Hương vẫn chưa xứng tầm bởi các bài ca Huế nổi tiếng ngày càng ít được biểu diễn, thay vào đó là những điệu lý, dân ca, thơ Huế khiến người nghe mất dần hứng thú và niềm vui với ca Huế. Ngoài ra, nhiều du khách xem ca Huế cũng không mấy hài lòng vì diễn viên ca Huế mặc trang phục cách tân nửa vời, thậm chí lòe loẹt, khăn vành thì nhiều tầng rất thiếu sự tinh tế không đúng với bản chất ca Huế.

Ca Huế đã được đưa vào trường học tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 8/2019.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu từng lên tiếng cảnh báo, không gian biểu diễn ca Huế trên trên sông Hương có hiện tượng một số diễn viên, nhạc công ca Huế đã đẩy nhanh tốc độ nhiều làn điệu, bài bản... phá nát sự tinh tế, trang trọng của ca Huế, có nguy cơ làm biến chất loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Ngoài ra, các nhạc công học qua loa, đối phó, chưa thật sự khổ luyện, chỉ cần chơi nhuyễn một số bài để được cơ quan chức năng cấp giấy phép đi diễn. Đáng buồn hơn, ca Huế gần đây bị lẫn bởi các điệu lý Huế, chầu văn, giã gạo, vè, ngâm thơ... Ở góc độ nghiên cứu, nghệ nhân Nguyễn Thị Mẫn từng cho biết, các làn điệu cổ ca Huế đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền bởi số lượng người biểu diễn được các điệu cổ này còn rất ít.

Để ca Huế là chính mình và phát triển

Ca Huế có dấu hiệu biến tướng là điều không thể phủ nhận, báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực. Trước những thách thức đặt ra cho ca Huế, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã tổ chức sưu tầm, tập hợp tài liệu các bài ca Huế cổ và tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tổ chức các hội đồng thẩm định để đánh giá chất lượng ca Huế trên sông Hương. Ngoài ra, hoạt động xã hội hóa ca Huế để khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức biểu diễn ca Huế tại tư gia, nhà vườn và thính phòng cũng đã được triển khai. Đặc biệt gần đây, Sở VH-TT đã phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ký kết chương trình đào tạo nhằm đưa di sản ca Huế vào trường học.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình đưa ca Huế vào trường học gồm 2 nội dung: Tập huấn hát ca Huế cho giáo viên âm nhạc của các trường THCS và dạy hát ca Huế cho học sinh theo hình thức CLB ca Huế tại một số trường THCS. Từ tháng 8/2019, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật sẽ tổ chức đào tạo cho khoảng 30 giáo viên đang công tác tại các trường THCS. Trong 3 tháng, các giáo viên còn được đào tạo về lý thuyết tổng quan về âm nhạc, văn hóa, lịch sử; tập hát các làn điệu ca Huế; giao lưu với các nghệ sĩ ca Huế; biểu diễn ca Huế giữa các giáo viên tham gia tập huấn. Việc đưa ca Huế vào trường học sẽ giúp các em có niềm đam mê với ca Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung, có khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu ca Huế, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản ca Huế.

Ngoài ra, từ 2013, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thống nhất cùng nhau định kỳ 2 năm một lần Liên hoan ca Huế và Dân ca Bình Trị Thiên được tổ chức luân phiên ở mỗi tỉnh. Công chúng yêu ca Huế vì thế tin tưởng rằng, khi hoạt động biểu diễn ca Huế được quản lý một cách chặt chẽ, được xã hội hóa, được tổ chức các sự kiện thường xuyên và đưa vào trường học, loại hình di sản phi vật thể này sẽ giữ được sự đặc sắc và giá trị văn hóa, lịch sử vốn có.


Âm nhạc

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản quốc gia Ca Huế

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản vốn có của ca Huế sau khi được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đang là bài toán nan giải.



Ca Huế là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất cố đô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, để ca Huế phát huy được giá trị di sản vốn có thì vẫn đang là bài toán nan giải.

Hơn 3 thập kỷ qua, hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách khi đến thăm Cố đô Huế. Tuy nhiên, do nhu cầu phục vụ đại chúng nên Ca Huế trên sông Hương dần biến dạng, những bản cổ của Ca Huế như: “Quả phụ”, “Nam Xuân”, “Nam Ai”, “Phú Lục”, “Tứ Đại Cảnh”… gần như vắng bóng. Thay vào đó, đa số các nghệ sĩ, nhạc công trình diễn các làn điệu dân ca, điệu lý, hò… dẫn đến việc biến dạng hình thức diễn xướng Ca Huế cổ truyền.




Ca Huế

Nghệ sĩ Ca Huế Thu Hiền, có 20 năm trình diễn Ca Huế trên sông Hương trăn trở: “Từ trước đến nay, tiền đi diễn Ca Huế của anh chị em nghệ sĩ rất thấp, mức sống khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn hành nghề để giữ cho Ca Huế phát triển. Cũng mong anh chị em nghệ sĩ phải nghĩ cách cải thiện chất lượng để khách đến nghe Ca Huế ngày càng nhiều”.

Khi Ca Huế được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia hồi tháng 6 vừa rồi, việc bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế được quan tâm. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với Ca Huế trong giai đoạn hiện nay đó là làm thế nào để loại hình nghệ thuật này ngày càng thu hút được giới trẻ, trong khi những nghệ nhân Ca Huế gạo cội như: Minh Mẫn, Thanh Lương, Kim Vàng… đã tuổi cao sức yếu.

Ở Huế, hiện có hai đơn vị đào tạo các chuyên ngành về Ca Huế là trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Huế và Học viện Âm nhạc Huế, trực tiếp đào tạo nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công kế cận cho nghệ thuật Ca Huế.

Nghệ sĩ Võ Quê cho biết, để thực sự hội nhập và đón nhận một cách sâu rộng cũng cần soạn thêm lời mới cho Ca Huế được phong phú: “Hình ảnh của Ca Huế trên dòng sông Hương với Ca Huế thính phòng phòng đang đi vào trong tâm thức của nhiều người. Vì vậy, cũng cần có sự hội nhập trong lời ca với nội dung bài bản. Nhất là những bài bản lớn của Ca Huế, rất cần những nội dung mới để có sự định hình, góp phần bảo tồn cũng như sự phát triển cái loại hình nghệ thuật Ca Huế”.

Ở Huế có trên 400 nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công tham gia biểu diễn Ca Huế phục vụ du khách trên sông Hương. Mới đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quy định, mỗi chương trình biểu diễn Ca Huế phải dài ít nhất 60 phút trở lên, phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại đàn thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu và sáo; 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn, 8 diễn viên và nhạc công đối với thuyền đôi...

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay: Do dịch vụ biểu diễn có hạn nên các làn điệu Ca Huế mang tính hàn lâm, bác học hay các bài Ca Huế kinh điển không thể nào đưa lên thuyền rồng để phục vụ du khách. Hơn nữa, do quá trình đào tạo chóng vánh nên nhiều diễn viên Ca Huế trẻ không thể hát được các làn điệu cổ...

Ông Cao Chí Hải cho rằng, đưa ca Huế trở lại không gian thính phòng là giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế: “Ca Huế hiện nay được công nhận là Di sản quốc gia rồi thì phải cố gắng để ngày càng nâng cao chất lượng biểu diễn Ca Huế trên sông Hương phục vụ khách du lịch. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp với thành phố, các câu lạc bộ để tiếp tục phục hồi lại Ca Huế thính phòng trong các phủ đệ, trong các nhà vườn tạo thành sản phẩm rất độc đáo, gắn kết với hoạt động du lịch”.

Trước những thách thức đặt ra cho Ca Huế, hiện các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đang gấp rút tổ chức sưu tầm, tập hợp tài liệu các bài Ca Huế cổ, tổ chức các hội đồng thẩm định để nâng cao chất lượng Ca Huế trên sông Hương. Đặc biệt, là vinh danh các nghệ sĩ, nghệ nhân có công gìn giữ, biểu diễn và truyền bá Ca Huế, nhằm góp phần tôn vinh, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo của đất Cố đô./.

Theo vov.vn

[Bản in]

Video liên quan

Chủ Đề