Nguyên nhân của việc mất ngủ

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ, thường là một triệu chứng do bệnh cơ thể và 80% do bệnh tâm thần gây ra. Khoảng 33% dân số bị mất ngủ và 18% không thỏa mãn với chất lượng giấc ngủ. Chứng mất ngủ tưởng chừng như không nguy hiểm nhưng lại có nguy cơ bào mòn thể lực và tinh thần một cách âm thầm và dai dẳng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. GS.TS Hoàng Văn Thuận chỉ ra 6 nguyên nhân mất ngủ và 5 hậu quả thường gặp của chứng mất ngủ hy vọng giúp ích được cho bạn đọc.

Nội dung bài viêt

    • 1. Giấc ngủ ngon và vai trò đối với sức khỏe.
    • 1.1. Vai trò của giấc ngủ đối với sức khỏe
    • 1.2. Vậy thế nào là một giấc ngủ ngon?
    • 1.3. Ngủ bao nhiêu là đủ
    • 2. Mất ngủ là gì?
    • 2.1. Mất ngủ đặc trưng bởi các đặc điểm sau:
    • 2.2. Phân loại mất ngủ
  • 3. Các nguyên nhân mất ngủ
    • 3.1. Mất ngủ vì bị stress
    • 3.2. Mắc các bệnh cơ thể
    • 3.3. Các rối loạn cảm xúc là nguyên nhân mất ngủ
    • 3.4. Nguyên nhân mất ngủ có thể là do môi trường
    • 3.5. Dùng 1 số thuốc gây mất ngủ như thuốc chữa cảm cúm, dị ứng, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa cao huyết áp, hen phế quản…
    • 4. Hậu quả của mất ngủ
    • 4.1. Ảnh hưởng tới não bộ
    • 4.2. Ảnh hưởng tới tim mạch
    • 4.3. Ảnh hưởng tới hệ miễn dịch
    • 4.4. Ảnh hưởng tới tinh thần
    • 4.5. Ảnh hưởng tới ngoại hình, làn da

1. Giấc ngủ ngon và vai trò đối với sức khỏe.

1.1. Vai trò của giấc ngủ đối với sức khỏe

Giấc ngủ có một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Giấc ngủ ngon giúp con người duy trì được sự tỉnh táo, khả năng làm việc vào ban ngày. Các chức năng của não bộ cũng như toàn bộ cơ thể đều được phục hồi nhờ một giấc ngủ ngon.

1.2. Vậy thế nào là một giấc ngủ ngon?

Khi ngủ thì sâu giấc, không dễ tỉnh, không giật mình, không mơ mộng. Sau khi ngủ dậy cảm thấy cơ thể khỏe mạnh, sảng khoái, không mệt mỏi. Đó được xem là một giấc ngủ ngon.

1.3. Ngủ bao nhiêu là đủ

Giấc ngủ có ý nghĩa rất lớn tới sức khỏe và tinh thần của mỗi người. Nhưng ngủ quá ít hay quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Thời lượng ngủ phụ thuộc vào từng độ tuổi.

  • Người trẻ: Thời lượng ngủ trên 8 giờ/ngày (Trẻ sơ sinh có thể ngủ từ 12-16 giờ/ngày).
  • Người trưởng thành (trên 18 tuổi): Thời lượng ngủ từ 7-8 giờ/ngày.
  • Người cao tuổi: Càng lớn tuổi thì giấc ngủ càng ngắn lại, không sâu giấc và hay giật mình tỉnh giấc. Người ta nhận thấy cứ sau 10 năm tuổi thì giấc ngủ ngắn lại khoảng 30 phút.

Nếu không thể đạt được thời lượng ngủ như trên có vẻ như bạn đang bị rối loạn giấc ngủ. Những lúc như vậy bạn nên chủ động làm nhật ký giấc ngủ để bạn cũng như bác sỹ dễ theo dõi diễn biến của việc điều trị.

2. Mất ngủ là gì?

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ, không phải là một bệnh riêng lẻ, mà thường là một triệu chứng do bệnh cơ thể hoặc tâm thần gây ra.

2.1. Mất ngủ đặc trưng bởi các đặc điểm sau:

  • Người bệnh khó đi vào giấc ngủ (trên 30 phút nằm trên giường mới có thể ngủ được).
  • Ngủ chập chờn, không yên giấc, hay thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại được.
  • Thức giấc sớm (thường trước 5 giờ sáng và không ngủ lại được).
  • Nặng hơn là hầu như không thể chợp mắt suốt đêm. Ban ngày thì mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải, cáu gắt
  • Khi ngủ dậy cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, đau đầu.

2.2. Phân loại mất ngủ

  • Mất ngủ nguyên phát. Là mất ngủ không do bệnh lý cơ thể cũng như tâm thần gây ra. Trong các nguyên nhân rối loạn tâm thần đã bao gồm mất ngủ vì bị stress.
  • Mất ngủ thứ phát. Là mất do các bệnh lý cơ thể hoặc tâm thần gây ra. Ví dụ do hen suyễn, lo âu, trầm cảm, viêm khớp, trào ngược dịch vị, hoặc do dùng các dược phẩm hoặc chất kích thích như mất ngủ vì uống trà.

3. Các nguyên nhân mất ngủ

Nguyên nhân của việc mất ngủ
Stress là nguyên nhân mất ngủ về đêm thường gặp nhất (Ảnh sưu tầm)

3.1. Mất ngủ vì bị stress

Ngày càng có nhiều người bị mất ngủ do căng thẳng, stress trong cuộc sống, công việc. Những nguyên nhân phổ biến thường gặp như mất việc, mất người thân, ly dị, mất tài sản, thất tình…

Stress bản chất là một phản ứng của cơ thể trước một sự việc có thể gây hại cho bản thân. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau với stress. Tùy theo cách đối mặt với stress của bạn mà bạn có thể khiến bạn mất ngủ về đêm ban đêm. Hiện nay stress là nguyên nhân mất ngủ về đêm hàng đầu.

3.2. Mắc các bệnh cơ thể

Các bệnh lý như hen phế quản, trào ngược dạ dày… thường có triệu chứng xuất hiện ban đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nó không dẫn đến mất ngủ mà nó khiến bạn thức dậy khi đang ngủ. Khi tình trạng này kéo dài sẽ dẫn mất ngủ thực sự.

Nguyên nhân của việc mất ngủ
Mất ngủ có thể dẫn tới trào ngược dạ dày ban đêm (ảnh sưu tầm)

Trào ngược dạ dày ban đêm khiến bạn bị ho nhiều về đêm. Các hơn hen phế quản cũng hay rình rập khi đêm về. Khi viêm xoang, tăng tiết dịch ở mũi thì việc bạn đi ngủ và thở bằng miệng khiến cho chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các tổn thương viêm hay các tổn thương sưng nề thường sẽ tăng lên về đêm nhất và tình trạng viêm khớp. Phần lớn những người đang trong đợt cấp của viêm khớp dạng thấp, gout… đều phải sử dụng thuốc giảm đau trước khi đi ngủ. Thậm chí có người phải dùng cả thuốc ngủ để quên đi cơn đau.

3.3. Các rối loạn cảm xúc là nguyên nhân mất ngủ

Lo âu, trầm cảm, hưng cảm, các bệnh loạn thần như tâm thần phân liệt … đây là những nguyên nhân  mất ngủ thường gặp nhất và có tỉ lệ mắc bệnh rất cao trong cộng đồng.

Mất ngủ đầu giấc và mất ngủ duy trì là đặc thù của bệnh tâm thần phân liệt không quan tâm đến thuốc điều trị và giai đoạn của bệnh tâm thần phân liệt.

Quá vui mừng hoặc quá lo âu đều có thể là nguyên nhân mất ngủ.

3.4. Nguyên nhân mất ngủ có thể là do môi trường

  • Môi trường ô nhiễm, tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ quá cao hay quá thấp cũng là các nguyên nhân mất ngủ.
  • Do thay đổi thời gian ngủ như do đổi múi giờ, hoặc làm ca đêm…

3.5. Dùng 1 số thuốc gây mất ngủ như thuốc chữa cảm cúm, dị ứng, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa cao huyết áp, hen phế quản…

Tất cả các nguyên nhân kể trên đều ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ cả về chất lượng và thời lượng.

4. Hậu quả của mất ngủ

Mất ngủ một vài ngày có thể chỉ gây ra những mệt mỏi nhất thời và hoàn toàn hồi phục sau khi được nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng mất ngủ kéo dài dẫn đến hệ lụy lớn cho sức khỏe của người bệnh

Nguyên nhân của việc mất ngủ
Giảm tập trung, giảm hiệu suất làm việc là hậu quả của mất ngủ (Ảnh sưu tầm)

4.1. Ảnh hưởng tới não bộ

Mất ngủ kéo dài dẫn đến suy giảm trí nhớ, tổn thương tế bào thần kinh, trầm cảm…

Thiếu ngủ làm giảm sự tập trung, khiến người bệnh mất tỉnh táo và giảm khả năng giải quyết vấn đề. Hậu quả của điều này là khiến bạn gặp khó khăn trong học tập, công việc.

4.2. Ảnh hưởng tới tim mạch

Lúc ngủ là thời gian để cơ thể hồi phục lại những tổn thương của hệ thống tim mạch sau một ngày vận động mệt mỏi. Mất ngủ kéo theo căng thẳng tinh thần tạo thành vòng luẩn quẩn dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp.

Nếu đang điều trị tăng huyết áp và mất ngủ, người bệnh cần nhanh chóng thông báo với bác sĩ để tìm hướng can thiệp phù hợp trước khi bệnh trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, dù chưa bị tăng huyết áp nhưng lại mất ngủ thường xuyên, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt để tránh các biến chứng tim mạch không đáng có.

4.3. Ảnh hưởng tới hệ miễn dịch

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra việc ngủ không đủ giấc có thể khiến hệ miễn dịch của bạn hoạt động kém. Đó là lý do lý giải vì sao bạn thường cảm thấy mệt mỏi hoặc hay bị ốm vặt khi mất ngủ thường xuyên.

Nguyên nhân của việc mất ngủ
Mất ngủ có thể gây suy giảm hệ miễn dịch (ảnh sưu tầm)

Mất ngủ cũng tăng nguy cơ bị ung thư. Thời gian ngủ là thời gian hệ thống thải độc của cơ thể hoạt động sau một ngày dài lao động. Mất ngủ sẽ làm giảm khả năng thải độc của cơ thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

4.4. Ảnh hưởng tới tinh thần

Lờ đờ, uể oải, mệt mỏi, mất tập trung, kém minh mẫn, dễ cáu giận, căng thẳng là các biểu hiện hay gặp ở người ngủ không đủ giấc.

4.5. Ảnh hưởng tới ngoại hình, làn da

  • Da xạm, khô, quầng mắt thâm, xuất hiện nhiều nếp nhăn.
  • Mất ngủ đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể, nhất là lão hóa da ở phụ nữ.

Trên đây là các nguyên nhân mất ngủ và hậu quả của việc mất ngủ. Để điều trị mất ngủ hiệu quả thì việc nắm rõ nguyên nhân gây bệnh là điều vô cùng cần thiết. Ngay khi có biểu hiện mất ngủ bạn nên đi khám và bắt tay điều trị càng sớm càng tốt.

GS.TS Hoàng Văn Thuận

Chuyên viên đầu ngành Thần kinh Quân đội

Nguyên Phó chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam