Nông sản phụ là gì

Tác động tự do hóa thương mại nông sản đối với sản xuất nông nghiệp châu Á

Tình hình sản xuất nông nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ðược thiên nhiên dành cho đất đai màu mỡ và khí hậu phù hợp sản xuất nông nghiệp, châu Á - Thái Bình Dương cung cấp lương thực cho ba phần năm dân số thế giới, khu vực này sản xuất hơn 90% sản lượng gạo toàn cầu. Gạo chiếm hơn một nửa trong khẩu phần ăn hằng ngày của hơn ba tỷ người sống trong khu vực. Một loạt nước châu Á đã tự túc được gạo, với năng suất lúa vào khoảng 524 triệu tấn/năm hiện nay dự kiến sẽ tăng lên 700 triệu tấn vào năm 2025. Ðáng chú ý là sản xuất nông nghiệp trong khu vực tiếp tục được đa dạng hóa. Cùng với việc gieo trồng các loại cây lương thực, sản xuất rau tăng 90%, các loại cây lấy dầu tăng 60% và cây lấy quả tăng 55% thời kỳ 1994-2004. Trong cùng thời gian nói trên, cùng với việc tăng số lượng đàn gia súc, số lượng gia cầm tăng 76%, trứng 63%; nuôi trồng thủy sản tăng 114%, chiếm 91% sản lượng của thế giới, đánh bắt cá tăng 6%... Sản xuất lương thực, thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp nói chung trong khu vực giúp tăng thu nhập cho nông dân và lương của người lao động không được đào tạo chuyên ngành, góp phần quan trọng vào việc giảm đói nghèo trong khu vực.

Tác động của tự do hóa thương mại nông sản

Thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tự do hóa thương mại các sản phẩm nông nghiệp. Việc nới lỏng tự do hóa và toàn cầu hóa buôn bán các sản phẩm nông nghiệp theo điều chỉnh của Tổ chức Thương mại thế giới [WTO] khiến các nước mở cửa thị trường nhiều hơn cho hàng nông sản nhập khẩu giá rẻ. Do không thể cạnh tranh với hàng nông sản nhập khẩu giá rẻ của các nước giàu, sản xuất lương thực, sản lượng thực phẩm của các nước trong khu vực giảm mạnh. Tình trạng nói trên đã biến châu Á - Thái Bình Dương từ khu vực xuất khẩu nông sản lớn trong nhiều năm, trở thành khu phụ thuộc nhiều vào nông sản nhập khẩu. Theo nghiên cứu của LHQ, năm 2004 xuất khẩu nông sản của các nước trong khu vực đạt khoảng 218,2 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm trước. Tuy nhiên nông sản nhập khẩu trong cùng thời gian trị giá khoảng 231,8 tỷ USD. Thâm hụt trong cán cân thương mại hàng nông sản của các nước trong vùng là 13,6 tỷ USD, tăng gấp ba lần mức thâm hụt năm 2003. Chương trình phát triển của LHQ [UNDP] trong nghiên cứu về tác động của tự do hóa thương mại hàng nông sản toàn cầu đối với phát triển ở châu Á đã lên tiếng cảnh báo hiểm họa các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phụ thuộc nguồn nông sản nhập khẩu giá rẻ từ các nước phát triển như Mỹ và Liên hiệp châu Âu [EU], trong bối cảnh vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu đổ vỡ. UNDP cho rằng các nước châu Á phải lựa chọn giữa hai giải pháp, đó là tập trung nguồn lực thỏa đáng cho phát triển nông nghiệp để tránh phụ thuộc sản phẩm nông nghiệp giá rẻ nhập khẩu từ các nước phương Tây; hoặc phải sớm đối mặt với các hiểm họa về an ninh lương thực. UNDP dự báo tổng giá trị nông sản các nước đang phát triển ở châu Á phải nhập khẩu từ các nước phương Tây sẽ tăng từ 18 tỷ USD hiện nay lên 50 tỷ USD vào năm 2030; trong khi vào những năm 1960 của thế kỷ 20, các nước trong khu vực xuất khẩu lương thực với mức xuất siêu 7 tỷ USD. LHQ cảnh báo rằng, lương thực, thực phẩm không giống như các loại hàng hóa khác, có vai trò rất quan trọng. Bởi vì an ninh của mỗi quốc gia phải được xây dựng trên cơ sở an ninh lương thực trong nước. Sự phụ thuộc lương thực nhập khẩu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai gần, đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm đang tăng lên và các nước phát triển không từ bỏ việc trợ giá nông sản. Nông nghiệp là nguồn sống của hơn 50% số dân châu Á, do đó nhập khẩu nông sản giá rẻ sẽ đẩy hơn một nửa trong số hơn ba tỷ người trong khu vực này vào cảnh bần cùng.

Sản xuất nông nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với thách thức lớn khác là sức ép do dân số không ngừng tăng trong khu vực trong khi quỹ đất canh tác ngày càng bị thu hẹp và xuống cấp. Mỗi năm châu Á có thêm 51 triệu người sử dụng gạo làm lương thực chính, trong khi diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp và xuống cấp. Châu Á chiếm ba phần tư số người làm nông nghiệp của thế giới, nhưng đất nông nghiệp ở châu Á chiếm có 28% diện tích đất canh tác toàn cầu. Diện tích đất canh tác bình quân đầu người trong khu vực chỉ bằng một phần sáu mức bình quân của thế giới. Dân số không ngừng tăng lên qua mỗi năm gây sức ép ngày càng tăng đối với đất nông nghiệp. Nhằm đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng về lương thực, các nhà khoa học và Tổ chức lương thực, Nông nghiệp [FAO] của LHQ cho rằng an ninh lương thực của các nước trong vùng phụ thuộc vào việc tăng sản lượng, mùa vụ nhưng không gây tổn hại các nguồn tự nhiên, giảm tỷ lệ tăng dân số và đa dạng hóa nguồn lương thực, thực phẩm. FAO khuyến khích nông dân châu Á đa dạng hóa canh tác nông nghiệp thông qua việc gieo trồng các loại cây lương thực khác ngoài lúa, cũng như trồng các loại rau, đậu, quả, cây dược liệu, gia vị và các cây sinh lợi khác; đẩy mạnh phát triển các đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; khuyến khích nông dân đưa ra thị trường các loại sản phẩm nông nghiệp bổ sung có giá trị cho thu nhập cao hơn từ 15 đến 20 lần so với thu nhập thóc bình quân/ha. Khó khăn lớn đối với thâm canh, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp trong khu vực là đất canh tác bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ; đất bị bạc màu, xuống cấp giảm khả năng sinh lợi do rừng bị phá hủy trên diện rộng, sử dụng phân hóa học ngày càng tăng, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Ðể bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, các nước trong khu vực cần hành động tích cực ngăn chặn môi trường sống xuống cấp, bảo vệ và tăng độ phì nhiêu của đất canh tác thông qua các giải pháp khoa học và công nghệ.

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp

UNDP nhận xét rằng nông dân châu Á có thể cạnh tranh với nông dân các khu vực khác trên thế giới, nhưng không thể cạnh tranh với sự trợ giá nông nghiệp ở các nước giàu. Trong bối cảnh tự do hóa và toàn cầu hóa việc buôn bán nông sản, theo LHQ, nông dân các nước châu Á cần được hỗ trợ về thuế nhập khẩu, giá nông sản, trợ cấp sản xuất nông nghiệp để giúp họ tiếp cận thị trường có hiệu quả. Các nhà sản xuất nông nghiệp nhỏ trong khu vực cần được giúp đỡ để sản xuất đạt hiệu quả cao, tạo ra các sản phẩm có thể tiêu thụ và có khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhằm tăng thu nhập cho người sản xuất. Nông dân cần được hỗ trợ để chuyển từ sản xuất nông nghiệp được trợ cấp sang sản xuất phục vụ kinh doanh; giảm tổn thất trong các khâu chế biến và bảo quản. Những công tác nói trên cần được tiến hành đồng thời với tăng đầu tư cải tạo đất canh tác, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhằm tăng sản lượng nông nghiệp trong khu vực.

THANH TRÀ

Video liên quan

Chủ Đề