Phê bình sinh thái trong tác phẩm văn học năm 2024

Tóm tắt: Khủng hoảng sinh thái và phê bình sinh thái xuất hiện từ giữa thế kỉ XX đến nay đã cho thấy sự thiếu hụt văn hóa sinh thái trong văn hóa nhân loại. Phê bình văn học sinh thái hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lịch sử, phê bình văn học, mĩ học,đạo đức, triết học đang mở ra trào lưu nghiên cứu văn học mới liên ngành với nhiều tìm tòi, gợi mở về văn hóa và sinh thái. Bài viết này tổng thuật những khuynh hướng cơ bản trong mĩ học và bước đầu có đôi điều trao đổi để thêm rộng đường suy nghĩ. Với truyền thống mô phỏng tự nhiên mĩ học truyền thống vốn coi tự nhiên là khuôn mẫu.Từ cuối thế kỉ XVIII do đề cao con người mĩ học Kant, Hegel hạ thấp giá trị cái đẹp tự nhiên. Sự trỗi dậy của mĩ học sinh thái nhằm khẳng định vị trí của tự nhiên trong đời sống của con người. Mĩ hoc sinh thái hiện thời phát triển rầm rộ chủ yếu ở Mĩ và ở Trung Quốc. Theo V. V. Prozerski mĩ học sinh thái Mĩ chủ yếu có hai khuynh hướng: mĩ học tri nhận và mĩ học phi tri nhận. Đáng chú ý nhất là khuynh hương phi tri nhận, gồm có các học giả như Yuriko Saito, A. Carlson, A. Berleant chủ trương muốn chiếm lĩnh cái đẹp tự nhiên thì phải có tri thức khoa học, phải có thái độ dấn thân, nhập cuộc vào thiên nhiên, để cảm nhận chỉnh thể sinh thái, chứ không đứng xa mà ngắm. Các học giả Trung Quốc như Trần Gia Kì, Trương Hạo nêu vấn đề sự gần gủi máu thịt giữa văn nghệ và sinh thái.Các học giả như Lỗ Xu Nguyên, Tăng Phồn Nhân, Tăng Vĩnh Thành, Từ Hằng Thuần viết sách về mĩ học sinh thái, khai thác quan hệ thiên nhân tương hợp truyền thống và hiện tượng luận hiện đại. Nhìn chung các công trình đều bước đầu nêu các vấn đề mới, nhưng còn chờ đi sâu.

Từ khóa: Phê bình sinh thái, mĩ học sinh thái, mĩ học sinh thái Mĩ, mĩ học sinh thái Trung Quốc. Cái đẹp tự nhiên, nhân loại trung tâm luận.

Trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái trầm trọng, trái đất bị ô nhiễm, khí hậu biến đổi, tài nguyên cạn kiệt, nguồn gen quý hiếm bị hủy diệt…, đe dọa đến cuộc sống và sự tồn vong của con người, sự xuất hiện của phê bình sinh thái [ecocriticism] trên thế giới, khởi đầu là từ Mĩ, phải coi là sự lên tiếng muộn màng, song vẫn kịp thời của lương tri con người trước thảm họa nhân loại. Đó là tiếng kêu thức tỉnh con người nhận thức lại chính mình, chính sự sai lầm của con người trong quan niệm nhân loại trung tâm luận, coi thiên nhiên như nô lệ của mình, bóc lột thậm tệ đã dẫn đến sự hủy diệt môi trường sống của chính bản thân mình. Phê bình sinh thái từ văn học, mĩ học, triết học, đạo đức học sẽ lan toả đến các lĩnh vực của đời sống con người. Tất nhiên phê bình sinh thái vẫn là công việc của các nhà trí thức, còn những ai đang phá hoại môi trường thì vẫn đang phá hoại, hiện tượng đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác từ phía chính quyền và giới lãnh đạo.

Nhưng phê bình sinh thái không chỉ nhằm giải quyết một vấn đề sinh thái. Nó còn làm thay đổi chủ nghĩa nhân văn, thay đổi văn hóa nhân loại, một nền văn hóa cho đến nay mới thấy thiếu hụt văn hóa về môi trường. Với ý nghĩa này phê bình sinh thái sẽ có ý nghĩa rất to lớn đối với văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Ngày nay không có gì là không liên quan đến sinh thái.

Phê bình sinh thái trên thế giới hiện có thể chia ra trường phái phương Tây và trường phái phương Đông. Học giả phương Tây xuất phát từ tấm lòng ưu tư đối với tự nhiên, lấy sinh thái tự nhiên làm đối tượng, thiên về thực chứng, thể nghiệm và đề ra các tư tưởng. Học giả Trung Quốc thiên về hăng hái xây dựng lí thuyết để tìm chỗ đứng tiên phong trên học đàn toàn cầu. Ở nước ta phê bình sinh thái mới được giới thiệu bước đầu. Trong bài này tôi sẽ nêu một số cảm nghĩ về mĩ học và phê bình sinh thái hiện đại.

Phê bình sinh thái đã nêu ra hàng loạt các khái niệm, phạm trù, như sinh thái, ý thức sinh thái, sinh thái học bề cạn, sinh thái học bề sâu, nhân loại trung tâm luận, chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái, thuyết giải phóng động vật, lí luận văn nghệ sinh thái, mĩ học sinh thái…Trong các khái niệm cấp tiến ấy, có nhiều phần hợp lí, song đôi khi khó tránh có chỗ cực đoan. Chẳng hạn lí thuyết giải phóng động vật, theo đó tôi e có ngày nhân loại chuyển sang ăn chay hoặc thiếu thực phẩm. Nếu lật đổ hoàn toàn thuyết nhân loại trung tâm, phổ quát hóa sinh thái học chỉnh thể, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cải thiện tình trạng sinh thái tồi tệ hiện tại? Con người vẫn là chủ thể của thế giới, nó có phạm sai lầm, nhưng cũng chỉ có nó mới có thể sửa chữa các sai phạm, cải thiện môi trường sinh thái.

Nhìn chung, phê bình sinh thái cần phải được hiểu rất rộng và bao quát. Nếu Phê bình văn học sinh thái chỉ được hiểu như là một lối phê bình vận dụng quan niệm chỉnh thể sinh thái để phê bình văn học, chỉ ra tư tưởng phản sinh thái hay trí tuệ sinh thái được phản ánh trong sáng tác văn học, thì nội hàm phê bình sinh thái sẽ bị hẹp vì khép kín trong lĩnh vực sáng tác văn học. Cội nguồn gây nên khủng hoảng sinh thái là toàn bộ quan niệm văn hóa tình thần của con người, là sự thiếu vắng khái niệm văn hóa sinh thái đã thấm nhuần trong toàn bộ văn hóa tinh thần, từ tôn giáo, tín ngưỡng, triết học, nghệ thuật, tập quán săn bắt, khai thác tài nguyên, sản xuất công nghiệp, tập quán sinh hoạt…, chứ đâu phải chỉ ở riêng văn học. Đây là khủng hoảng toàn diện của bản thân chủ nghĩa nhân văn của nhân loại. Nhân tố chủ quan của con người đã bị khuếch trương lên mức ngất ngưỡng nguy hại. Quan tâm văn học sinh thái khác nào chỉ sờ vào phần nổi của tảng băng chìm. Thảm họa sinh thái bắt buộc con người phải thay đổi nhận thức đối với tự nhiên, một sự thay đổi cực kì to lớn, và sự thanh toán có tính lật đổ các quan điểm phản sinh thái là một công việc cực kì phức tạp, chứ không giản đơn chút nào. Nếu trào lưu tư tưởng sinh thái mới xuất hiện vào nửa cuối thế kỉ XX, thì điều đó có nghĩa là hầu như toàn bộ văn hóa trước đó đều ít nhiều có tính chất phản sinh thái, và bản thân mỗi con người, mỗi tổ chức, cho đến nay vẫn tập nhiễm ý thức phản sinh thái, không dễ một lúc mà gột sạch được. Tuy nhiên nói đến điều này thiết nghĩ phải có quan điểm lịch sử thì mới đúng, tránh phủ nhận trùm lấp, vơ đũa cả nắm. Trong điều kiện sản xuất tự cung tự cấp thời cổ đại, trung đại, phương tiện chủ yếu là thủ công, sự phá hoại tự nhiên của con người chưa đáng kể. Nhưng bước vào thời kì chủ nghĩa tư bản phát triển thành đại công nghiệp, cơ giới hóa, điện khí hóa, tự động hóa thì sự phá hoại tự nhiên của hình thái kinh tế này đạt đến quy mô chưa từng có. Ở nước ta, hệ sinh thái trước 1945 vẫn chưa đến nỗi nào, nhưng từ sau những năm 50, nhất là sau 1975, sau năm 1986 với quy hoạch thủy điện, máy ủi, cưa máy, thuốc sâu…, môi trường sinh thái bị hủy hoại một cách toàn diện. Như vậy “tội phá hoại sinh thái” của con người chủ yếu ở vào thời hiện đại công nghiệp hóa.

Nói phức tạp là bởi vì lịch sử văn hóa nhân loại cho đến nay, nhất là lịch sử hiện đại, chủ yếu là lịch sử vô tri sinh thái, chính cái lịch sử ấy đem đến thảm họa hôm nay, tức là cái văn hóa thực dụng, xem con người là chủ nhân của vũ trụ và trái đất, luôn nhằm mục đích “chinh phục”chúng. Ngay Karl Marx, người sáng lập chủ nghĩa Mác, lúc sinh thời, tuy tư tưởng sinh thái đã ra đời năm 1866 ở nước Đức, nhưng ông vẫn đặt trọng tâm ở tồn tại xã hội và ý thức xã hội, mà không nói gì về ý thức về tự nhiên. Ông chủ trương con người, sản phẩm ưu tú nhất của tự nhiên sẽ “người hóa tự nhiên” theo các thước đo [merka] của con người, mà chưa thấy, càng “người hóa” thì tự nhiên càng biến dạng. Mác quan tâm bản chất xã hội của con người, xem là “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”, mà không coi trọng tới bản tính tự nhiên của nó. Mác cũng có lúc, có nhận xét mang nội dung sinh thái, ông thừa nhận con người vì sản xuất, đã bóc lột tự nhiên, và chỉ quan tâm tới giá trị sử dụng của tự nhiên một cách đương nhiên. Trong bức thư gửi cho Engels ngày 25 tháng 3 năm 1868 có lưu ý: “ Nếu như văn hóa phát triển một cách tự phát, mà không phải là khuynh hướng có tự giác, thì nó sẽ để lại sau lưng mình những sa mạc: Ba Tư, Lưỡng Hà, Thổ Nhĩ Kì.” [Toàn tập, t. 5, tr. 45] Ngày nay ta sẽ bổ sung thêm rất nhiều vùng đất như thế nữa. Nhưng trong Tư bản luận, ông đã phê phán kinh tế tư bản chủ nghĩa đã bóc lột con người và bóc lột tự nhiên một cách thậm tệ nhất. Phải nói rằng chủ nghĩa tư bản là kẻ phá hoại môi trường sinh thái kinh khủng nhất của nhân loại. Ở nước ta, chỉ tính từ thời đổi mới, sản xuất bung ra với các tập đoàn, xí nghiệp, hợp tác xã, đoàn thể, đến nay chỉ có hơn ba mươi năm mà hàng loạt dòng sông, cánh rừng lớn nhỏ đã chết. Nhưng cội nguồn sâu xa của hành vi con người là ý thức, cho nên thanh toán ý thức là cực kì quan trọng.

Việc xây dựng bộ môn phê bình sinh thái, mĩ học sinh thái hay văn nghệ học sinh thái có tính tất yếu của nó. Bởi nó đem tư tưởng sinh thái mà xem xét lại văn học, mĩ học, lí thuyết văn nghệ để thẩm tra mức độ thiếu vắng văn hóa sinh thái của nhân loại đạt đến cỡ nào. Nhưng thế nào là phê bình sinh thái, mĩ học sinh thái thiết nghĩ cũng là câu chuyện chưa hoàn tất.

Mọi người đều biết mĩ học truyền thống phương Tây cũng như các nước Nga, Đông Âu trước đây thường lấy nghệ thuật làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu của mĩ học. Điều đó theo tôi, không phải do tư tưởng lấy nhân loại làm trung tâm mà xua đuổi cái đẹp tự nhiên ra khỏi mĩ học. Cái đẹp tự nhiên và cái đẹp nghệ thuật là hai cái đẹp khác nhau, cần phân biệt. Vẽ một người đàn bà đẹp và vẽ cho đẹp một người đàn bà là hai chuyện khác nhau. Các học giả cũng có nói đến cái đẹp tự nhiên trời sinh, nhưng nói rất ít, vì đó là lĩnh vực cái đẹp của các thực thể: bông hoa đẹp, cô gái đẹp, cái hồ đẹp. Cái đẹp nghệ thuật là cái đẹp của sáng tạo. Ưu thế của nó là có thể thể hiện những cái vốn là xấu trong hiện thực thành cái đẹp. Mặt khác, dù là cái đẹp tự nhiên thì nó cũng gắn với cảm xúc chủ quan của con người, thiếu con người thì ai phán đoán cái đẹp? Kant, Hegel đều có phân biệt cái đẹp tự nhiên và cái đẹp nghệ thuật, xem cái đẹp tự nhiên thiếu hoàn thiện, còn cái đẹp nghệ thuật cao hơn. Các nhà mĩ học Nga từ N. Chernyshevski [1855] đều có nói đến vẻ đẹp tự nhiên nhưng rất sơ sài. Giữa những năm 60 ở Liên Xô nảy ra cuộc tranh luận nảy lửa giữa phái cái đẹp tự nhiên [gọi là phái “Prirodniki”, gồm N. Dmitrrieva, G. Pospelov] và phái xã hội [gọi là phái “Ovshestveniki”, gồm L. Stolovich, Ju. Borev]. Pospelov cho rằng cái đẹp tự nhiên là thuộc tính của thiên nhiên, tồn tại trước khi có con người, không phụ thuộc vào con người. Vậy ai là người nhận ra cái đẹp đó? Có con cóc đẹp, con dòi đẹp hay không? Nếu bảo cái cây đẹp thì tiêu chí của nó là thế nào? Cuộc tranh luận không đi đến hồi kết. Thực ra cái đẹp tự nhiên không thể tồn tại tự nó. Các nhà mĩ học đều thừa nhận cái đẹp tự nhiên là một vấn đề hóc búa của mĩ học, là câu đố của con sphinx trong mĩ học. Sách Mĩ học [2002] của Ju. Borev có mục “mĩ học của hiện thực” chỉ nói mấy trang là hết. Năm 1965 G. N. Pospelov trong sách Cái thẩm mĩ và cái nghệ thuật [1965] tuy thuộc phái cho rằng cái đẹp của tự nhiên có trước khi loài người xuất hiện, nhưng cũng không nói rõ được cái đẹp tự nhiên là thế nào. Hiểu như thế ta sẽ thấy mĩ học sinh thái sẽ đề cập vẻ đẹp của tự nhiên, môi trường, lĩnh vực mà mĩ học trước đây đã bất lực.

Theo nhận định của Hồ Chí Hồng trong sách Nghiên cứu phê bình sinh thái ở phương Tây, sau khi tổng kết, so sánh với phê bình sinh thái Trung Quốc, đã có kết luận rất bao quát: “Chúng ta vui mừng nhìn thấy khoảng cách suy nghĩ của chúng ta [Trung Quốc] và phong trào học thuật phương Tây đã thu hẹp, đây là cơ hội để học giả Trung Quốc mượn đề tài sinh thái để đối thoại với học giả thế giới.” Riêng lĩnh vực mĩ học sinh thái thì học giả Trung Quốc có cơ hội đối thoại bình đẳng với các nươc phương Tây. Đọc cuốn sách tổng thuật của Nguyễn Thị Tịnh Thy lại thấy phê bình sinh thái còn có nhiều nhược điểm, hạn chế và bước đường hoàn thiện. Rồi tác giả dẫn ra môt loạt câu hỏi của nhà sinh thái học Trung Quốc là Vương Nặc đã nêu ra. “Làm sao có thể luận chứng về tính chủ thể của vạn vật trong tự nhiên? Bản chất của sinh thái thẩm mĩ là gì? Vẻ đẹp tự nhiên của sinh thái và vẻ đẹp mĩ học truyền thống có những khác biệt căn bản nào? Có vẻ đẹp tự nhiên tồn tại độc lập, không liên quan đến con người không? Nếu có, thì làm thế nào để chứng minh, nếu không, tại sao lại lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng mà không lấy tư tưởng nhân lọai trung tâm làm cơ sở tư tưởng để luận chứng mối quan hệ thẩm mĩ giữa chủ thể và khách thể thẩm mĩ? Mĩ học sinh thái có những phạm trù cơ bản nào? Cơ chế tâm lí của mĩ học sinh thái là gì? Sự phát sinh, phát triển và quy luật của mĩ cảm sinh thái là gì? Sự khác biệt bản chất của thẩm mĩ sinh thái và thẩm mĩ môi trường là gì? Có tồn tại tính văn học độc lập của văn học sinh thái không? Nếu có, nó bao gồm những thuộc tính cơ bản nào?…, …” Câu hỏi còn dài hơn. Nhưng qua những câu hỏi đó ta thấy, toàn là vấn đề cơ bản, nếu chưa giải quyết tốt, thì chớ vội tuyên bố là đã có mĩ học sinh thái và đối thoại làm gì. Trên đây chỉ mới trích những câu hỏi về mĩ học sinh thái thôi, chưa nói về các lĩnh vực khác để thấy vấn đề đặt ra về mặt học thuật là rất khó. Ở đây sẽ xuất hiện nhiều giải pháp khác nhau.

Theo quan điểm của tôi thì không thể có một mĩ học sinh thái mà vắng mặt con người, sinh thái là sinh thái người, và con người là của của sinh thái, hai cái không thể tách rời. C. Mác đã luận chứng tiến trình hình thành mối quan hệ giữa các giác quan tự nhiên với các giác quan con người trong cảm nhận thế giới. Quá trình tương tác giữa con người và tự nhiên để thỏa mãn các nhu cầu của mình, và từ đó hình thành khái niệm cái đẹp tự nhiên, như bông hoa, chiếc lá, tiếng chim, dòng suối, ngọn núi…vừa là cái đẹp tự nó, mà đồng thời cũng là cái đẹp theo quan niệm của con người. Cành hoa, biểu tượng của sự nảy nở. Cánh chim trên bầu trời, bầy ngựa trên thảo nghuyên, biểu tượng của tự do; con hổ, con chim ưng, biêủ tượng của sức mạnh. Đêm trăng, sự êm đềm. Nếu không có chủ thể của con người thì bản thân tự nhiên liệu có tự phát hiện ra vẻ đẹp của nó, tự đặt tên cho nó được hay không? Từ thời cổ đại đã có triết học tự nhiên, đã có quan niệm mô phỏng tự nhiên, lấy cái đẹp tự nhiên làm mẫu mực. Sự tương tác đã tạo nên sự hài hòa giữa con người và tự nhiên từ xưa đến nay. Nhưng sự “người hóa tự nhiên” theo một cách nào đó đã gây ra thảm họa sinh thái thì phải khắc phục, chứ không thể hủy bỏ đi tất cả mọi tương tác. Liệu mĩ học sinh thái hôm nay có thể xây dựng lâu đài của mình trên một mảnh đất phi nhân, phi tương tác con người và tự nhiên được không?

Nhà mĩ học Nga V. V. Prozerski cho rằng mĩ học sinh thái trên thế giới hiện nay chỉ có hai khuynh hướng chính: tri nhận và phi tri nhận. Khuynh hướng tri nhân tiếp nhận tư tưởng của nhà sinh thái học Nhật Bản Yuriko Saito, cho rằng xây dựng mĩ học sinh thái bắt buộc phải kế thừa mĩ học truyền thống. Các phương pháp luận mới không thể từ trên trời rơi xuống. Theo bà mĩ học sinh thái là một thứ đa nguyên, liên ngành, chiết trung, có tính thực dụng, nó bao chứa quan điểm thẩm mĩ, quan niệm đạo đức, tôn giáo, khoa học, nghĩa là không thuần túy thẩm mĩ và nó sẽ không thể thay thế mĩ học truyền thống. 1.Nó hàm chứa các quan điểm thẩm mĩ sau: Khác với quan điểm đem đối lập mĩ học Kant với mĩ học sinh thái, tác giả cho rằng có sự tương đồng giữa mĩ học tự nhiên với nghệ thuật và mĩ học nghệ thuật với mĩ học tự nhiên mà Kant là người đã khẳng định rằng “trong nghệ thuật đẹp ta nên nhìn thấy vẻ đẹp của tự nhiên” ở trong đó.Sự tương tác giữa tự nhiên và nghệ thuật khiến cho ta có thể phán đoán có tính đạo đức khi nói tới ngôi nhà hùng vĩ, tráng lệ, cánh đồng tươi vui, mỉm cười, các màu sắc khiêm nhường, hồn nhiên. Quan điểm thứ 2 là chủ nghĩa thẩm mĩ, cho rằng chính nghệ thuât, chẳng hạn chủ nghĩa ấn tượng dạy cho con người biết nhận ra vẻ đẹp “như tranh” của tự nhiên, ví như vẻ đẹp của sương mù Luân Đôn. Nhưng Oscard Wirld cho rằng cách đó sẽ làm cho vẻ đẹp tự nhiên chóng lỗi mode. Điều nay cũng tương tự như quan niệm đem cái đẹp “vườn nhân tạo” thay thế cho cái đẹp tự nhiên. Quan điểm 3 cho rằng muốn hiểu vẻ đẹp tự nhiên phải sử dụng đến phương pháp thấu cảm, nhập cảm [Einfuhlung, Empathy] trong mĩ học Đức của cha con Robert và Fridrich Vischer, lí thuyết đồng cảm của Theodor Lipps, lí thuyêt mô phỏng nội tại của Karl Groos. 2. Phải có quan điểm khoa học, ví dụ A. Carlson cho rằng muốn hiểu vẻ đẹp cuả tự nhiên phải có tri thức khoa hoc về thực vật học, động vật học, thổ nhưỡng học thì mới đạt được. Có một quan điểm về thái độ nhập cuộc, tham gia, dấn thân [engagement] để thấy được vẻ đẹp của môi trường [A. Berleant Art and Engagement]. Con người sẽ tự cảm thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên trong cảm xúc của chính mình mà không cần viện đến kinh nghiệm của hội họa. Chỉ những ai đã sống trong bản thân môi trường cụ thể, sống lâu với nó thì mới thấy được vẻ đẹp của nó. 3. Phải có quan điểm tôn giáo, thần bí, siêu hình, có thái độ kính sợ thiên nhiên. Mĩ học môi trường còn bao gồm cả mĩ học hoàn cảnh sống đời thường của con người. Theo bà Yuriko Saito, ngoài các phạm trù thẩm mĩ truyền thống như đẹp, hài, bi, cao cả… cần đưa thêm các khái niệm như sốc, khiếp, dễ thương, dễ ghét, thứ tự, ngăn nắp, không chuẩn…vốn nằm ngoài phạm vi mĩ học truyền thống. Xem thế thì thấy mĩ học sinh thái trên thế giới cũng chưa đi xa lắm.

Tăng Phồn Nhân, nhà mĩ học TQ sinh năm 1942, trong sách Sinh thái tồn tại luận mĩ học luận cảo [2003] có đưa ra một quan niệm, xem cái đẹp tự nhiên không phải cái đẹp thực thể mà là cái đẹp quan hệ. Theo ông, nếu theo quan điểm đối lập tinh thần với với vật chất, nhân loại với tự nhiên, linh hồn với thể xác thì không hiểu được cái đẹp tự nhiên. Ở đây sinh thái là ngôi nhà còn con người là kẻ ở trong ngôi nhà ấy, cho nên cái đẹp sinh thái có nghĩa là cái đẹp của sự sống, của sinh mệnh, của quê nhà [gia viên]. Chỉnh thể sinh thái không thể trở thành đối tượng thẩm mĩ, bởi vì tất cả đã nằm trong chính thể. Thiên nhiên hoang dã chưa có con người cũng chưa phải đối tượng thẩm mĩ. Phải là quan hệ con người/ thiên nhiên, trong đó con người sống trong thiên nhiên theo cách hiểu của Heidegger “hữu thể trong thế giới”mới có ý nghĩa. Cái đẹp sinh thái không phải là cái đẹp tĩnh tại, mà là cái đẹp động thái, tương tác, “cái đẹp tham dự” như A. Berleant đề xuất, và trong quá trình “kết hợp” đó con người cảm thấy được “cái đẹp cao cả” [do Slovic đề xuất] khi đối diện với tự nhiên và cái chết của mình. Theo Tăng Phồn Nhân, nếu ta lên núi Hương Sơn để thưởng thức là đỏ, gió mát thổi tới, chim hót líu lo, lá đỏ rực rỡ khiến chúng ta thấy đẹp thì cái đẹp đó không phải chỉ là cái đẹp của cảnh vật, mà có cái đẹp của lòng người. Kant cho rằng phán đoán có trước khoái cảm, nhưng ở đây khoái cảm có trước, cũng như hứng thú sáng tác nảy sinh trước khi có ý đồ sáng tạo. Từ đó tác giả trở về với quan niệm thiên địa nhân của Trung Quốc, với cái đẹp “sinh sinh” của nho gia, cái đẹp “trung hòa” cổ điển. Từ đó ông cũng thấy cái đẹp tự nhiên không hề thấp kém hơn cái đẹp nghệ thuật như Hegel đã nói. Như vậy mĩ học sinh thái đang khêu gợi những suy nghĩ mới.

Trong phê bình văn học cổ điển, có người [như Vương Nặc] đánh giá thấp cách sử dụng các hình ảnh thiên nhiên trong thi ca, như bài thơ Xuân vọng của Đỗ Phủ với những câu thơ kinh điển như: “Quốc phá sơn hà tại, Thành xuân thảo mộc thâm, Cảm thời hoa tiễn lệ, Hận biệt điểu kinh tâm…” thì cho rằng “hoa tiễn lệ”, “điểu kinh tâm” thiên nhiên không có giá trị tự thân, mà chỉ là nô lệ của nhà thơ, tức là do tư tưởng “nhân loại trung tâm” mà đã biến tự nhiên thành thủ pháp biểu đạt. Theo tôi, nếu tôi hiểu không sai ý của tác giả, đây là một điển hình của bình luận phụ họa. Ơ đây chẳng có ai nô lệ của ai cả. Thiên nhiên và con người hòa hợp trong mọi niềm vui, nỗi buồn, và mọi cảm xúc của con người đều có thiên nhiên chia sẻ. Thiên nhiên ở đây cũng như thiên nhiên trong thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là người bạn của con người. Đó là cội nguồn của các hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng, ví von trong văn học và thi ca. Câu thơ này có hai cách hiểu. Hoặc là hoa, điểu vốn là vật làm vui lòng người, mà nay do cảm thời, hận biệt, nhà thơ nhìn và nghe mà chỉ cảm thấy thêm buồn. Có cách hiểu khác. Do cảm thời thế mà hoa, vật vô tri cũng rơi lệ, còn chim cũng xúc động trong lòng. Còn nếu theo “quan niệm chỉnh thể sinh thái” thì căn bản sẽ không có ẩn dụ nào, vì ẩn dụ nào cũng phải có yếu tố dùng làm kí hiệu [dụ thể] để biểu đạt một ý niệm khác với nó [dụ chỉ]. Theo lí thuyết sinh thái đó thì chỉ có thiên nhiên biểu đạt thiên nhiên, con người biểu đạt con người, không có tưởng tượng, liên tưởng nào hết. Từ xa xưa con người và tự nhiên đã có mối quan hệ đồng cảm sâu sắc không thể phủ nhận.

Tuy nhiên trong thực tiễn, vẫn có không ít biểu hiện thiếu hiểu biết tự nhiên, sáng tạo những tác phẩm phản tự nhiên. Trước đây mỗi khi đi qua những vườn hoa Thống Nhất, qua Hồ Gươm nhìn thấy người ta tỉa tót những cái cây thành hình con thú, như con gà, con công, con nai… biến cái chất liệu của thực vật thành cái đẹp của động vật để tỏ ra cái cái khéo của con người, tôi đều cảm thấy mất thú. Có thể đó là cảm xúc cá nhân. Đó thật sự là một cái đẹp phản sinh thái. Tôi cũng không thích cách trồng cây thế, uốn một cây cổ thụ thu nhỏ, uốn nó thành thế phụ tử, thế huynh đệ theo quan niệm của con người. Tôi nhớ một bài tản văn nổi tiếng của nhà văn Trung Quốc Cung Tự Trân cuối đời Thanh có tên là Ghi chép về quán mai bệnh. Ông viết: Vùng giang Nam Trung Quốc là nơi nổi tiếng về trồng mai. Có người bảo, mai thân cong queo thì mới đẹp, thẳng thì mất thú; cành mai phải lả xuống thì mới xinh, cành ngay thì xấu; mai phải thưa hoa thì mới thanh, còn dày hoa thì tục. Thế là người ta uốn cây, ngả cành, bẻ lá, bẻ hoa, quyết làm cho cây hoa trở thành bệnh hoạn, dị dạng, lấy đó mà làm đẹp. Nhà văn đã phê phán thói chạy theo cái đẹp bệnh hoạn mà hủy hoại tự nhiên, cũng giống như tục bó chân và bó ngực của phụ nữ Trung Quốc dưới thời phong kiến, lấy việc hủy hoại cái đẹp tự nhiên làm đẹp kiểu cách. Nhà văn đã dùng hình ảnh cắt tỉa cây mai để tố cáo chế độ phong kiến Trung Hoa làm què quặt con người, nhưng nếu không có đồng tình sâu sắc với hoa mai, vị tất ông đã có hình tượng cây mai bệnh hay đến thế.

Điểm qua một số tìm tòi của các học giả trên thế giới về mĩ học sinh thái có thể thấy rằng, khác với mĩ học truyền thống thường xây dựng trên quan hệ chủ/ khách thể đối lập, tách rời, tĩnh tại, tự nhiên hiểu như là thực thể, đã đem lại cái đẹp [thẩm mĩ] phần nào phiến diện. Mĩ học sinh thái trong tầm nhìn mới đã khắc phục các hạn chế trên để nhìn thấy cái đẹp trong sự tương tác, “kết hợp” trực tiếp của chủ thể và khách thể đã có những khêu gợi mới cho mĩ học phát triển.

Vấn đề quan trọng nhất của khoa học sinh thái là chỉ ra hậu quả của tác động con người lên môi trường sinh thái xung quanh. Không thể giải quyết được vấn đề đó mà bỏ qua một trong những khoa học triết học bao gồm triết học, xã hội học, đạo đức học, triết học văn hóa, mà trực tiếp nhất là mĩ học sinh thái, nó nghiên cứu môi trường sống của con người từ bình diện thể hiện các giá trị thẩm mĩ ở trong đó. Các biểu hiện trên đây ít nhiều cho thấy những cố gắng của giới học thuật hiện đại.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam còn phải cố gắng nhiều may ra mới có tiếng nói của mình vào lĩnh vực mà nhân loại đang quan tâm và ta không thể đứng ngoài. Nền văn hóa lớn hay nhỏ thể hiện ở năng lực tham gia này.

Hà Nội, 5 tháng 3 năm 2021.

Xem một số công trình của Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Bùi ThanhTruyền, Hoàng Tố Mai, Trần Ngọc Hiếu…

Hồ Chí Hồng, Nghiên cứu phê bình sinh thái phương Tây, Nxb KHXH TQ, Bắc Kinh, 2006, tr. 351.

Hồ Chí Hồng, tài liệu đã dẫn, tr. 361.

Nguyễn Thị TịnhThy, Rừng khô, suối cạn, biển độc…Phê bình sinh thái, Nxb KHXH, 2017, tr. 254 – 249.

Kant I. Phê phán năng lực phán đoán, M., nxb Nghệ thuật, 1994, ctr. 180.

Xem Chu Quang Tiềm, Lịch sử mĩ học phương Tây. Bắc Kinh, 1964, t. 2.

  1. V. Prozerski Mĩ học sinh thái – Sự lựa chọn con đường quan niệm, Вестник СПбГУ. Сер. 17. 2013. Вып. 3

Chủ Đề