Tại sao mỹ thất bại trong chiến tranh việt nam 1954-1975

.

Cập nhật lúc: 04:54, 30/04/2020 [GMT+7]

* Can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Việt Nam

Thực tế cho thấy Mỹ không chỉ bắt đầu tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ sau năm 1954 [tức sau khi có Hiệp định Genève 20-7-1954], mà họ đã can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam, Đông Dương từ cuối những năm 1950 khi viện trợ quân sự cho Pháp.

Trực thăng đang bốc người trên nóc một tòa nhà tại trung tâm Sài Gòn vào trưa ngày 29-4-1975 . [Ảnh: Phóng viên Hugh Van Es của hãng thông tấn UPI]

Tháng 6-1954, khi hội nghị Genève chưa kết thúc thì Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam Việt Nam và đến ngày 7-7-1954 ông chính thức trở thành Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Ngày 23-10-1955, chính quyền miền Nam tổ chức cuộc trưng cầu dân ý [giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Ngô Đình Diệm] để hợp thức hóa vai trò tổng thống của Ngô Đình Diệm với sự hậu thuẫn chính trị của Mỹ.

Được Mỹ hậu thuẫn và viện trợ [cả kinh tế và quân sự gồm: vũ khí, cố vấn huấn luyện quân sự…], Ngô Đình Diệm đã xây dựng bộ máy chính quyền từ Trung ương đến từng xã; loại bỏ các lực lượng vũ trang đối lập [Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên] để xây dựng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cùng với đó, từ tháng 2-1955, chính quyền miền Nam đã tổ chức ủy ban tố cộng diệt cộng từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã cùng nhiều đơn vị danh nghĩa Công dân vụ, Dân ý vụ… để phát hiện những cán bộ cộng sản “nằm vùng” [tức cán bộ được Đảng Cộng sản bố trí trở lại miền Nam sau khi Hiệp định Genève được ký kết].

Sự can thiệp của Mỹ ngày càng sâu hơn vào miền Nam Việt Nam: Sau Hiệp định Genève 1954, quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam, ngày 12-2 -1955, Chính phủ Mỹ quyết định các viện trợ quân sự của Mỹ sẽ chuyển trực tiếp cho chính phủ Ngô Đình Diệm và trách nhiệm quân sự này sẽ được chuyển giao từ người Pháp sang cho phái bộ quân sự MAAG [Military Assistance Advisory Group] với sự chỉ huy của Trung tướng John O'Daniel. Đến cuối tháng 6 -1956, số cố vấn tại MAAG ở miền Nam đã tăng lên đến 740 người và không chỉ làm nhiệm vụ giám sát, mà kể cả huấn luyện, tham gia chỉ huy đến cấp trung đoàn, tiểu đoàn quân đội Sài Gòn.

Ngoài Sài Gòn ra, ở miền Đông Nam bộ đoàn cố vấn quân sự MAAG đóng tại Văn phòng Nhà máy cưa BIF ở Biên Hòa [nhân dân trong vùng thường gọi Nhà Xanh, do tường sơn màu xanh].

Ngày 7-7-1959, khi chính quyền Sài Gòn chuẩn bị lễ 5 năm Ngô Đình Diệm chấp chính ở miền Nam thì cũng là thời điểm Liên Tỉnh ủy miền Đông chỉ đạo Ban Quân sự Miền phối hợp cùng Thị ủy Biên Hòa tổ chức trận tập kích vào phái đoàn cố vấn quân sự MAAG ở Nhà Xanh. Phân đội vũ trang C250 của Ban Quân sự Miền do Nguyễn Văn Hoa chỉ huy đã được giao nhiệm vụ này.

Đêm 7-7-1959, trận tập kích vào phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ [MAAG] ở Nhà Xanh đã diễn ra đúng kế hoạch, kết thúc nhanh chóng. Hai cố vấn Mỹ là thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand đã chết trong trận tập kích này.

Ngày 13-9-1982, trên một diện tích 8.100m² tại thủ đô Washington, Chính phủ Mỹ đã làm lễ khánh thành Khu tưởng niệm các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam [The Vietnam Veterans Memorial Wall]. Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam [tiếng Anh: Vietnam Veterans Memorial], với hình thức một bức tường dài, hình chữ V, bằng đá đen, khắc tên của hơn 58 ngàn chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đứng đầu danh sách những quân nhân Mỹ trên bức tường chiến tranh Việt Nam là tên 2 quân nhân Mỹ đã chết trong trận tập kích Nhà Xanh [Biên Hòa] ngày 7-7-1959: thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand.

* Tháo chạy khỏi Việt Nam

Ngày 9-4-1975, Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam quyết định mở chiến dịch đánh vào phòng tuyến Xuân Lộc ở phía Đông Sài Gòn, mục tiêu là giải phóng TX.Long Khánh, mở cửa để quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thủ phủ của chính quyền miền Nam.

Trước tình hình đã mất Tây nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung [Đà Nẵng, Huế…], ngày 28-3-1975, tướng Frederick Carlton Weyand, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, nguyên Chỉ huy MACV [Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam] đã bay qua miền Nam thị sát chiến trường khu vực Phan Rang, Xuân Lộc, sau đó thống nhất với Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa [ngày 3-4-1975], xây dựng tuyến phòng thủ phía Đông, trong đó lấy Xuân Lộc làm trung tâm. Lực lượng phòng thủ chính ở phòng tuyến Xuân Lộc là Sư đoàn 18 quân lực Việt Nam Cộng hòa do thiếu tướng Lê Minh Đảo chỉ huy.

Từ ngày 9-4, Chiến dịch Xuân Lộc đã diễn ra hết sức quyết liệt. Quân đoàn 4, chủ lực của Miền và các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đã buộc toàn bộ lực lượng Sư đoàn 18 và các đơn vị phối thuộc của quân đội Việt Nam Cộng hòa rút chạy. TX.Long Khánh được giải phóng, đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng Long Khánh bị bắt sống.

Ngày 26-4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam mang tên Hồ Chí Minh được triển khai với quyết tâm cao nhất, bằng năm cánh quân gồm tất cả 14 sư đoàn bao vây Sài Gòn, nguy cơ sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tính từng ngày.

Ngay chiều 21-4-1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức, giao nhiệm vụ Tổng thống lại cho Trần Văn Hương. Ngày 23-4-1975, trong bài diễn văn đọc tại Trường đại học Tulane ở TP.New Orleans, tiểu bang Louisiana, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã tuyên bố: “...Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt với Hoa Kỳ”.

Tại Sài Gòn, 20 giờ 45 ngày 27-4-1975, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa biểu quyết chấp thuận cho Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền tổng thống cho tướng Dương Văn Minh. Ngay trong đêm đó, tân Tổng thống Dương Văn Minh gửi văn thư chính thức yêu cầu Tòa Đại sứ Mỹ phải rút bỏ Phòng Tùy viên quân sự [DAO tức Defense Attaché’s Office] ở Tân Sơn Nhất trong vòng 24 giờ, “để vấn đề Hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết”.

Với văn thư chính thức này, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Graham A. Martin, đã chỉ đạo phối hợp cả tổ chức DAO và CIA tại miền Nam xây dựng kế hoạch di tản người Mỹ và những người Việt cộng tác trực tiếp với Mỹ ở Sài Gòn, rút bỏ Tòa Đại sứ Mỹ ra khỏi Việt Nam. Kế hoạch được mang tên là Frequent Wind [Gió thường xuyên].

Kế hoạch Frequent Wind được triển khai rất gấp rút với nhiều chi tiết, nhưng tựu trung là di tản bằng trực thăng là chủ yếu ở một số địa điểm nóc nhà các cao ốc ở Sài Gòn [trong đó có Tòa Đại sứ Mỹ] và sân trụ sở phái đoàn DAO trong sân bay Tân Sơn Nhất. Trực thăng các loại CH-53 và CH-46 từ các hàng không mẫu hạm thuộc Hạm đội 7 ngoài khơi Vũng Tàu lần lượt bay vào Sài Gòn để đưa người di tản khỏi Sài Gòn. Chiếc trực thăng cuối cùng của kế hoạch di tản rời nóc Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn vào lúc 7 giờ 53 sáng 30-4-1975, chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam từ đầu thập niên 1950.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch di tản, Mỹ đã đưa lực lượng thủy quân lục chiến vào Sài Gòn để bảo vệ khu vực DAO [trong sân bay Tân Sơn Nhất] và Tòa Đại sứ Mỹ.

3 giờ 30 sáng 29-4-1975, pháo 122 ly, 130 ly của quân giải phóng bắt đầu bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và các cơ sở của DAO, tình hình sân bay bấy giờ hết sức hỗn loạn với hàng trăm người chen nhau chờ lên máy bay trực thăng của Mỹ. Hai hạ sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ là hạ sĩ Charles McMahon và hạ sĩ Darwin Lee Judge đã tử thương. Đây là 2 binh sĩ tử thương cuối cùng của Quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Trần Quang Toại

Cuộc chiến tranh đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam, với một thất bại thảm hại thuộc về Mỹ và nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan được tạo nên cả về phía ta và phía Mỹ.

Trước hết về phía ta, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước giành thắng lợi là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, với một đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao độc lập tự chủ và sáng tạo. Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hai nhiệm vụ này không thể tách rời và thực tiễn cách mạng đã chứng minh, đường lối mà Đảng đã đề ra từ những ngày đầu thành lập là hoàn toàn đúng đắn. Đồng thời, Đảng đã tiến hành cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đây là điểm thể hiện sự sáng tạo của Đảng ta trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng. Đó là đóng góp lớn của Đảng ta về lý luận cùng với thực tiễn tiến hành hai cuộc cách mạng cùng thời gian, một Đảng lãnh đạo mà chưa có một quốc gia nào trên thế giới thực hiện được. Ngoài ra, Đảng đã vận dụng chiến lược tiến công địch từng bước, giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn. Đảng đã nhận biết rằng kẻ thù của ta mạnh, với vũ khí phương tiện hiện đại. Vì vậy, muốn đánh thắng ta phải giành thắng lợi từng bước. Đồng thời, Đảng đã sử dụng phương pháp cách mạng sáng tạo và đúng đắn với nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc bén, mềm dẻo đó là tiến công và nổi dậy.

Bên cạnh đó, Đảng ta đã biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết của nhân dân với lòng yêu nước bất khuất và ý chí chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc tạo thành một sức mạnh vô song, chủ nghĩa anh hùng được phát huy cao độ. Miền Bắc đã thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của một hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam với khẩu hiệu: Tiền tuyến gọi hậu phương trả lời, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cùng tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia tạo nên sức mạnh to lớn cho lực lượng cách mạng của ba nước Đông Dương giành thắng lợi. Lào đồng ý cho đường mòn Hồ Chí Minh đi qua vùng giải phóng Lào nhằm đảm bảo cho việc tiếp tế và liên lạc giữa hai miền Việt Nam. Chính phủ Campuchia đồng ý cho quân giải phóng Việt Nam vận chuyển hậu cần qua cảng Sihanouk và có căn cứ trên lãnh thổ Campuchia. Bên cạnh đó, còn có sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới và phong trào công nhân quốc tế, của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.

Về phía đế quốc Mỹ, tổng số Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam 676 tỷ đôla so với 341 tỷ trong chiến tranh thế giới thứ hai và 54 tỷ trong chiến tranh ở Triều Tiên [Theo Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1999, tr.270].

Trong lĩnh vực quân sự Mỹ đã sử dụng bạo lực phản cách mạng đến cao độ, tiến hành một cuộc chiến tranh cao nhất từ sau chiến tranh thế giới II. Sử dụng những binh khí, kỹ thuật hiện đại, những tướng lĩnh tài giỏi, những chính khách, nhà ngoại giao cừ khôi nhất. Đồng thời, Mỹ đã huy động 3 triệu lượt lính Mỹ ở Việt Nam, 5 triệu công nhân Mỹ làm việc trong 22.000 xí nghiệp phục vụ chiến tranh [theo tính toán của giáo sư Robert người Mỹ trong tác phẩm: Hy vọng hão huyền, thực tế phủ phàn, những hậu quả kinh tế của chiến tranh Việt Nam].

Trong lĩnh vực kinh tế, tổng số viện trợ của Mỹ là 7 tỷ đôla trong 20 năm [bình quân 350 triệu đôla/năm]. Về chính trị, Mỹ xây dựng bộ máy chính quyền thực dân mới, dù không ổn định nhưng tồn tại 20 năm với đầy đủ bộ máy thiết chế cho chế độ thực dân. Về văn hóa, bằng nhiều hình thức và phương tiện Mỹ đưa văn hóa, lối sống Mỹ vào miền Nam Việt Nam, cho thấy những nỗ lực giành chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Như vậy, Chủ nghĩa thực dân nhất quán qua 5 đời Tổng thống Mỹ, mỗi bước tiếp theo lại thâm độc, xảo quyệt hơn nhưng kết quả thất bại cũng lớn hơn. Khi những thủ đoạn ấy phát huy cao nhất cũng là lúc chủ nghĩa thực dân mới sụp đổ [Mỹ thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh vào năm 1969]. Nguyên nhân những thất bại của Mỹ đó là:

Thứ nhất, bản thân chủ nghĩa thực dân mới chứa đựng trong lòng nó nhiều mâu thuẫn sâu sắc và mâu thuẫn phát triển không ngừng làm cho nó suy yếu và rỗng nát từ bên trong. Với những biểu hiện:

Một là, Mỹ sử dụng chiêu bài dân tộc quốc gia giả hiệu với mục đích chống cộng sản làm cơ sở hệ tư tưởng để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam và các nhà quân sự Mỹ không cho dân tộc Việt Nam là mạnh, mà là nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát,...Mỹ đã đánh giá không đúng sức mạnh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta được phát huy cao độ từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến chống đế quốc Mỹ.

Hai là, Mỹ đã mâu thuẫn giữa mục đích và biện pháp thực hiện. Mục đích đề ra là giúp Việt Nam xây dựng một quốc gia độc lập nhưng biện pháp là thiết lập hệ thống cố vấn khắp các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của đại sứ Mỹ; mục đích đề ra là “tự do dân chủ”, đặc biệt là quyền tự quyết của nhân dân nhưng biện pháp là tiến hành bạo lực phản cách mạng để áp đặc chế độ độc tài toàn dân căm ghét; mục đích là tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam cất cánh nhưng biện pháp là biến miền Nam Việt Nam thành nơi tiêu thụ hàng hóa Mỹ dưới hình thức chính sách “viện trợ” làm cho miền Nam lệ thuộc vào Mỹ; mục đích đề ra có chính quyền mạnh nhưng chỗ dựa của Mỹ từ Ngô Đình Diệm - Nguyễn Văn Thiệu - Dương Văn Minh thực tế là một chính quyền yếu.

Ba là, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền thân Mỹ và nhân dân miền Nam, khi quyền lợi bị đe dọa chính quyền Ngụy nhiều lần tỏ thái độ chống lại Mỹ, có lúc tỏ ra độc lập; mâu thuẫn giữa các thế lực thân Mỹ luôn ở trong trạng thái âm ỉ, ngấm ngầm có cơ hội là bùng phát, điển hình là việc sát hại Ngô Đình Diệm. Những mâu thuẫn trên tạo nên yếu tố thường xuyên không ổn định và ngày càng làm cho chính quyền Sài Gòn suy yếu; mâu thuẫn giữa quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn làm cho chúng số lượng đông, cùng với vũ khí hiện đại nhưng vẫn không phát huy được sức mạnh; đặc biệt là mâu thuẫn giữa chính quyền Mỹ - Ngụy với nhân dân miền Nam. Chính quyền Mỹ - Ngụy đề ra mục đích là tranh thủ trái tim của nhân dân miền Nam nhưng thực tế lại thi hành những chính sách tàn bạo, nhất là với nông dân như: Cướp đất, dồn dân, bắt lính, bình định,…làm cho nhân dân căm ghét.

Thứ hai, Mỹ đã phạm nhiều sai lầm trong việc áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, cả đường lối tiến hành chiến tranh xâm lược. Mỹ phạm sai lầm cơ bản khi nhảy vào xâm lược nước ta khi chọn lầm thời gian, địa điểm, đối tượng. Về thời gian xâm lược Việt Nam từ những năm 50 về thực lực Mỹ đã giảm sút so với trước trong khi Liên Xô, Nhật Bản, Tây Âu mạnh lên trở thành đối trọng với Mỹ. Về địa điểm, Mỹ nhảy vào khi Pháp vừa thua xong, trong khi Pháp đã cố gắng nhưng vẫn thất bại thì Mỹ lại chọn. Về đối tượng, Mỹ đã sai lầm khi chọn Việt Nam? Bởi Việt Nam giàu nhất là truyền thống anh hùng chống ngoại xâm từ thời dựng nước đến nay, gần nhất là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, dân tộc Việt Nam không thể cho bất cứ một thế lực hung bạo nào được áp đặt tại đây. Mỹ không hiểu gì về đối tượng của mình. Taylor nhận xét: “Ta phải nhớ lại lịch sử của nước đó, đó không phải là một dân tộc như chúng ta thường nghĩ và nó chưa bao giờ có cơ hội trở thành một dân tộc. Nó thật sự là một nơi các thiểu số dựa trên chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, các miền, tôn giáo. Do đó trong lịch sử nó chưa từng bao giờ có khả năng phát triển ý thức dân tộc” [Trích tác phẩm Trách nhiệm và phản ứng]. Một tác giả người Mỹ đã sửa sai cho Taylor, cho rằng: “Người Việt Nam có một lịch sử và phong tục mấy ngàn năm trước Mỹ, những người dân nhỏ bé, lì lợm này chiến đấu giành tự do nhiều lần hơn Mỹ tham gia và cuối cùng họ đã thắng trong mọi cuộc đấu tranh chống nền đô hộ nước ngoài. Người Việt Nam coi quá khứ như một phần của hiện tại, người Việt Nam ở cả hai miền đều tự coi mình là một dân tộc và cụ Hồ Chí Minh thắng lợi trở về Việt Nam là chiến thắng của dân tộc cũng như quần chúng. Việc Mỹ không biết đến sự thật đó là một trong những nguyên nhân lớn vì sao Mỹ trong 21 năm đã bị thất bại ở Việt Nam”

Như vậy, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta với đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn, sáng tạo, đã không ngừng phát huy trên mọi trận tuyến đấu tranh. Đồng thời, khoét sâu mâu thuẫn của địch - với tính chất chiến tranh là phi nghĩa, sự chỉ đạo chiến lược của Mỹ đã mắc sai lầm, tinh thần thấp kém, hậu phương không vững chắc và thường xuyên rối loạn, làm cho lực lượng địch ngày càng suy yếu. Tất cả các yếu tố trên, trong đó yếu tố căn bản nhất, mang tính quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng ta đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay đất nước tiến hành đổi mới với những thành tựu mới càng khẳng định giá trị của Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

Video liên quan

Chủ Đề