Tại sao nói Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo trong lịch sự văn học Việt Nam

VHSG- Nhà thơ Hồ Xuân Hương, một hiện tượng độc đáo của nền văn học Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của bà luôn mang đến cho bạn đọc sự quyến rũ, hấp lực, cùng hàng loạt những câu hỏi khó lý giải ở bất kỳ thời đại nào. Những bí ẩn cần giải mã này càng thôi thúc những người yêu mến tác phẩm của bà khơi thêm nhiệt huyết để sưu tầm, tiếp tục nghiên cứu, cùng phân định một số bài thơ truyền tụng trong dân gian mang tên bà. Có lẽ sau đại thi hào Nguyễn Du, hiếm có tác phẩm văn học nào có sức sống mãnh liệt, lâu bền như thơ Hồ Xuân Hương ở nước ta.

             “Tấm lòng son” – tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn

Sức quyến rũ của thơ Hồ Xuân Hương được bắt nguồn từ một tài năng xuất chúng và độc đáo. Tư tưởng và thi pháp thơ ấy đã tạo ra một hệ hình thẩm mĩ khác biệt trong thời đại của bà và cả sau này. Hệ hình thẩm mĩ trong thơ Hồ Xuân Hương đã tác động trực tiếp vào dòng chảy thơ Việt giai đoạn trung – cận đại và hiện đại, hối thúc nảy sinh những thi pháp mới, khuynh hướng mới. Trong ý nghĩa xã hội, thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương luôn thách thức cái nhìn đạo đức truyền thống. Bà đã góp phần làm thay đổi tâm lý, tính cách của người Việt xưa và nay, thôi thúc họ dám đấu tranh, biết sống tự do hơn, bình đẳng, hạnh phúc hơn.

Tài năng của nữ sĩ trước hết cần được khẳng định, Hồ Xuân Hương đã tác tạo một giá trị thẩm mĩ độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học nước nhà, kể cả văn học thế giới. Thơ bà là tiếng nói khảng khái, đấu tranh trực diện và quyết liệt chống lại bất công đối với phụ nữ, lên án những hủ tục hà khắc, bất bình đẳng “trọng nam khinh nữ” trong xã hội. Tác phẩm của bà thường xoáy sâu vào ngóc ngách những éo le của thân phận phụ nữ, dường như hướng đến nỗi bi ai sầu khổ mang đậm giới tính. Nhà thơ cũng là người đưa nghệ thuật trào phúng thơ Nôm lên đỉnh cao bằng ngôn ngữ tinh xảo, phúng dụ, trào tiếu… Hồ Xuân Hương cũng là tác giả tiên phong canh tân thơ chữ Nôm nhằm xóa đi dấu vết Đường Thi, Tống Thi trong thơ Việt Nam trung đại. Đồng thời, bà đã đưa thơ Nôm gần gũi với ngôn ngữ ca dao dân ca, tục ngữ, phương ngữ, cũng như cách nói thông tục thường ngày của người Việt.

Thơ Hồ Xuân Hương được tác thành từ những mẫu gốc, hay còn gọi cổ mẫu [archétypes]. Những mẫu gốc trong thơ bà bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, một tín ngưỡng tôn thờ sự sinh sôi nảy nở của thiên nhiên, con người cùng vạn vật trong vũ trụ. Đáng chú ý hơn từ văn hóa Nõ Nường, biểu tượng sinh thực khí nam và nữ có ảnh hưởng sâu đậm trong những bài thơ chữ Nôm của bà. Hồ Xuân Hương đã vận dụng thành công những biểu tượng phồn thực trong nghệ thuật phúng dụ, để lại những bài thơ đầy thách thức và khêu gợi.

Thơ và cuộc đời Hồ Xuân Hương luôn hàm chứa những bí ẩn cần được giải mã. Cuộc đời truân chuyên, nhiều éo le duyên phận đã thử thách bà, nhưng cũng cho bà những trải nghiệm quý giá để viết những tác phẩm thực sự giá trị, độc đáo nhất là mảng thơ chữ Nôm. Mảng thơ này có sức sống bất diệt, được lan truyền rộng khắp trong nhân gian. Một số câu thơ chữ Nôm của bà đã trở thành khẩu ngữ, phương ngữ trong cuộc sống sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày.

Trong hình mẫu thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, ta thấy còn tồn tại những dị bản khác nhau. Mỗi dị bản lại gắn với những giai thoại về cuộc đời, về những mối tình éo le đầy trắc trở của bà. Một số bài thơ đậm chất phong tình, quá táo bạo, thậm chí bị cho là “dâm và tục” được người đời gắn cho tên tuổi của bà. Để xác định những văn bản thơ ấy có đích thực của Hồ Xuân Hương hay không, tôi thiết nghĩ các cơ quan nghiên cứu văn hóa, văn học cần có những dự án cấp quốc gia, tổ chức các hội thảo, khảo cứu để sớm có một văn bản thơ chính thức mang tên bà.

Thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch sang các ngôn ngữ quốc tế, như tiếng Anh, Ba Lan, Trung Quốc, Bungaria, Nga, Pháp, Phần Lan, Rumania, Séc, Slovakia, Tây Ban Nha… Các dịch giả trong và ngoài nước đã vượt qua rào cản văn hóa bản địa, hiểu được ngôn ngữ thơ ca trung đại Việt Nam để chuyển dịch đầy đủ nội dung văn bản gốc tiếng Việt. Điều ấn tượng với tôi hơn cả, là các dịch giả đã truyền tải được tinh thần, hồn cốt thơ Hồ Xuân Hương sang ngôn ngữ mới. Dĩ nhiên, đó là một thách thức không nhỏ cho bất cứ ai đã hoặc muốn cống hiến khả năng, tâm sức của mình trong những bài thơ phồn tạp, đậm dấu ấn cá nhân và bí ẩn của Hồ Xuân Hương.

Nhà thơ, dịch giả Hoa Kỳ John Balaban, người từng dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Anh, đã xuất bản tập thơ “Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương”. Cuốn sách này tôi đã nói ở bài trước[1]. John Balaban đã hóm hỉnh dẫn câu thơ tinh nghịch, đáo để của Hồ Xuân Hương khi có người gọi đùa ông là kẻ “dám xông vào hang để bắt hùm!”:

 “Này này chị bảo cho mà biết

Chốn ấy hang hùm chớ mó tay”

[Trách Chiêu Hổ]

Dịch giả dũng cảm dám xông vào hang “bắt hùm” ấy đã nêu nhận xét thú vị và sâu sắc khi bản dịch thơ Hồ Xuân Hương của ông được ấn hành tại Hoa Kỳ: “… độc giả tiếng Anh lại chưa bao giờ gặp điều gì giống như hương vị của bà cả. Thêm vào đó, truyền thuyết về cuộc đời long đong của bà như một người vợ lẽ, những quan niệm văn hóa về duyên và nợ ba sinh, những ngụ ý tục tĩu trong việc dùng cả cách nói lái và từ nghĩa kép tưởng tượng, cũng như cấu trúc phức tạp của thể thơ Đường luật đã làm say mê độc giả Hoa Kỳ” .

Thơ Hồ Xuân Hương là một “kết cấu vẫy gọi” [Wolfgang Iser]. Tôi mượn tinh thần thông diễn học của Wolfgang Iser để nêu nhận xét tổng quan về thơ Hồ Xuân Hương. Đối chiếu lý thuyết vừa nêu với những bài thơ của Hồ Xuân Hương cho thấy, văn bản thơ của bà vừa đáp ứng được thói quen thẩm mĩ của người đọc, vừa như chống lại để kích thích họ tìm hiểu và tiếp tục khám phá. Xin dẫn hai câu thơ trong bài “Chùa Hương Tích” của Hồ Xuân Hương để thấy sức lôi cuốn và hấp dẫn của thơ bà. Nó khêu gợi bạn đọc cùng sáng tạo, cùng ngập chìm trong cái dở dang, trớ trêu của hoàn cảnh bài thơ này:

 “Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại

Rõ khéo trời già đến dở dom”

Những định đề trong “kết cấu vẫy gọi” cho thấy tính phúng dụ và phương pháp tạo nghĩa trong thơ Hồ Xuân Hương đã giúp bạn đọc mở rộng biên độ tưởng tượng cũng như tăng chiều kích những giới hạn của hiện thực. Bạn đọc được tự do sáng tạo nên chính mình trong những bài thơ của bà, thoát khỏi những trói buộc của ngôn ngữ, tâm lý, tập quán bản địa mang tính lịch sử.

Thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương cho chúng ta hình dung đầy đủ diện mạo, vóc dáng thi sĩ của bà. Những bài thơ chữ Hán của bà thể hiện sự uyên bác, tinh tế, đôi lúc đượm buồn, đặt cạnh những bài thơ chữ Nôm phóng khoáng, tinh nghịch, trào tiếu… Điều ấy làm tôi liên tưởng tới cặp phạm trù âm-dương, cặp phạm trù chính yếu của triết học cổ đại. Ở đây, âm và dương được nhìn nhận như một thể thống nhất, đối lập và liên hệ với nhau. Xin viện dẫn đại cương, trời ở trên là dương, đất ở dưới là âm. Những thuộc tính của dương gồm màu sáng, bên ngoài, mùa xuân hạ, ôn nhiệt, động, hưng phấn… Còn thuộc tính của âm gồm màu tối, phía trong, mùa thu đông, tĩnh, ức chế…

Từ góc độ tiếp nhận văn bản văn học, thơ Hồ Xuân Hương gợi cho tôi nhớ tới bức tượng vị thần sáng tạo Brahma[2 trong Ấn Độ giáo. Tượng thần Brahma có bốn mặt; ở Indonesia, tượng có tám mặt. Như vậy, mỗi nhà nghiên cứu, phê bình văn học có thể tiếp cận tác phẩm Hồ Xuân Hương từ một hoặc hai “diện tướng” của bà. Họ có thể tiếp cận thơ bà từ góc nhìn văn hóa dân gian, từ phân tâm học, hiện sinh, hậu hiện đại, thi pháp học, phong cách học, diễn ngôn học, tu từ học, hoặc từ phê bình tiểu sử, nữ quyền luận…

Thời gian qua đi và mọi điều sẽ đổi khác. Thơ Hồ Xuân Hương luôn nằm ở hướng mở cho các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, cũng như những người yêu thích tác phẩm của bà. Do sức sống mãnh liệt và bí ẩn của tác phẩm nên mỗi đối tượng tiếp cận đều tìm được chân dung Hồ Xuân Hương cho riêng mình, song hành cùng thời đại mình. Hồ Xuân Hương, thi sĩ tài năng, bản lĩnh và bí ẩn mãi là niềm tự hào của dân tộc chúng ta.

MAI NGỌC PHÁT

_____________

[1] Xem bài “Hình tượng “cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương”.

[2] Theo Ấn Độ giáo, thần Brahma là đấng sáng tạo, Vishnu là đấng bảo hộ, Shiva là đấng hủy diệt. Cả ba tạo thành bộ tam thần Trimurti.

Nhận định về Hồ Xuân Hương

Tuyển chọn những bài văn hay Nhận định về Hồ Xuân Hương. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 

Nhận định 1: Nhận định về thơ Hồ Xuân Hương, sách “Văn học trung đại Việt Nam” của Lê Trí Viễn có viết: “Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ, thể hiện một bản lĩnh sông mạnh mẽ khác thường”. Em hãy bình luận và chứng minh ý kiến trên.

A. Bình luận

1. Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, bởi vì thơ bà trước hết là
tiếng nói tâm tình của người phụ nữ. Đặc biệt, không phải là người phụ nữ lầu son gác tía, chinh phụ hay cung tần mà là người phụ nữ bình thường, người phụ nữ lao động có nhiều bất hạnh trong cuộc sống.

2. Do đó có thể nói, ngoài thơ ca dân gian, thơ Hồ Xuân Hương đem đến cho văn học tiếng nói của những người phụ nữ, những lời than, những tiếng căm hờn và những lời châm biếm sâu cay. Đây là đóng góp quan trọng và độc đáo của Hồ Xuân Hương.

3. Từ hiện thực thời đại cùng những đau buồn, trải nghiệm của bản thân, Hồ Xuân Hương sớm nhận ra nỗi khổ của người phụ nữ và đứng về phía những người phụ nữ bị áp bức để yêu thương, trân trọng và cảm thông họ. Bà là nhà thơ nữ và là nhà thơ của phụ nữ có một tiếng nói hết sức thấm thía và cũng hết sức độc đáo, thể hiện một bản lĩnh sống mạnh mẽ khác thường. Chính điều này đã làm nên phong cách riêng cho thơ bà.

B. Chứng minh

1. Thơ Hồ Xuân Hương khẳng định vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ [Bánh trôi nước, Thiếu nữ ngủ ngày, Đề tranh tố nữ].Bà lên tiếng đòi hạnh phúc lứa đôi, quyền sống cho người phụ nữ. Do đó, bà đi sâu vào những bi kịch chua chát mà người phụ nữ phải gánh chịu theo những chế ước nặng nề của lễ giáo phong kiến, vào nỗi cô đơn trống trải của họ. Thơ cho mình hoặc cho đời đều thấm thía, đau xót như thế [Làm lẽ, Không chồng mà chửa, Tự tình]. 2. Không chỉ yêu thương đồng cảm, bằng sức sống mãnh liệt và thiết tha với cuộc sống, Hồ Xuân Hương đã truyền sức sống, lòng yêu cuộc sống cho những người cùng giới với mình. Do đó thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một bản lĩnh mạnh mẽ. Phóng túng nhưng rất thực khi nói những cái mà đạo lí phong kiến cho là thấp hèn. Phản đối cái mà đạo lí phong kiến bảo vệ [Làm lẽ, Vịnh cái quạt, Không chồng mà chửa]. Không chỉ thách đố thiên hạ vì bản thân mình [Tài tử văn nhân ai đó tả.. Thân này đâu đã chịu già tom.] mà còn thách đố cả dư luận thay cho những người phụ nữ khác [Quản bao miệng thế lời chênh lệch -  Không có... nhưng mà có... mới ngoan]. Sống trong xã hội phong kiến, một cô gái dám Sáng mồng một lồng then tạo hóa . Mở toang thiếu nữ đón xuân vào, công khai chủ động mời gọi tình yêu [Có phải duyên nhau thì thắm lại], thậm chí dám đổi phận làm trai [Ví đây đổi phận làm trai được] thật táo bạo, vượt thời gian. 

Nội dung trên được thể hiện qua vốn ngôn ngữ dân gian giàu có, đầy sáng tạo, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật tài hoa cũng góp phần làm nên “bản lĩnh sống mạnh mè khác thường” cho thơ bà.

Nhận định 2: “Hồ Xuân Hương: Nhà thơ của phụ nữ”

Hồ Xuân Hương là một trong những gương mặt nổi bật trên văn đàn Việt Nam, với tư tưởng mới mẻ và lối làm thơ phá cách, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều giá trị về việc nghiên cứu cho giới phê bình.

Mặc dù sự nghiệp văn chương rất thành công nhưng Hồ Xuân Hương lại phải trải qua một cuộc đời nhiều bất hạnh, chính những nỗi đau ấy đã giúp cho tác giả đạt được thành tựu to lớn trên con đường sáng tác thi ca của mình

Bà sinh năm 1772 tại Thăng Long có nguyên danh Hồ Phi Mai với biểu tự Xuân Hương, trong cuốn Giai nhân dị mặc chép rằng nhà thơ là con gái của Sinh đồ Hồ Phi Diễn, quê ở Nghệ An.

Năm mười ba tuổi, sau khi thân phụ mất thì Hồ Xuân Hương theo mẹ về làng Thọ Xương đi học rồi ở nhà giúp việc. Bà có một tuổi thơ êm đềm ở dinh thự Cổ Nguyệt đường ven hồ Tây, khi ấy là nơi xa hoa bậc nhất Đàng Ngoài.

Mẹ bà đã tái hôn với người khác sau khi mãn tang chồng, mặc dù sống trong ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến nhưng Hồ Xuân Hương vẫn có được tư chất thông minh và hiếu học, điều này được bộc lộở khả năng sáng tác tuyệt vời của bản thân.

Thơ Hồ Xuân Hương được đánh giá cao với nét thanh thanh tục tục đặc sắc, những tác phẩm của bà đã đóng góp rất nhiều trong việc Việt hóa thể thơ Đường luật cũng như là thể hiện những tư tưởng tiến bộ vượt khỏi khuôn khổ thời đại bấy giờ.

Hồ Xuân Hương có tập Lưu hương ký nổi tiếng với nhiều bài thơ khác được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán. Sau này bà tập trung sáng tác với chữ Nôm và tính đến nay, thi sĩ đã để lại cho đời hơn 150 tác phẩm có giá trị.

Ðề tựa cho thi tập Lưu hương ký được phát hiện năm 1964, nhà phê bình Tốn Phong viết:

“Tứ thơ dồi dào nhưng vẫn tỏ ra vui mà không buông tuồng; buồn mà không đau thương; khốn khổ mà không lo phiền; cùng mà không bức bách. Thật là do tính tình nghiêm chỉnh mà ra. Cho nên, khi hát lên, ngâm lên những lời thơ ấy, thì tay cứ muốn múa, châm cứ muốn dậm mà không tự biết.

Lưu hương ký tuy đầy vẻ gió, mây, trăng, móc, nhưng đều tự đáy lòng mà phát ra, biểu hiện thành lời nói, lại cũng đều đúng với cái ý trên kia là xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên ân nghĩa.”

Bên cạnh đó còn có nhiều giai thoại truyền miệng về lối sống phong lưu của Hồ Xuân Hương rằng bà là một nữ tử tài sắc vẹn toàn cùng những mối tình bên thơ rượu với Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Phạm Quý Thích, Trần Ngọc Quán và Nguyễn Du.

Theo các nhà nghiên cứu, bà mất năm 1822 tại Hà Nội, mặc dù đã tìm kiếm nhiều năm nhưng cho đến nay, ngôi mộ của Hồ Xuân Hương ở đâu và những bí ẩn xoay quanh cuộc đời nhà thơ vẫn là dấu hỏi lớn trong lòng hậu thế.

Những bất hạnh trong tình duyên đã giúp Hồ Xuân Hương trở thành nhà thơ phụ nữ 

Bi kịch của Hồ Xuân Hương bắt đầu khi bà làm lẽ Tổng Cóc, một cường hào có tính ăn chơi và tiêu xài hoang phí nên chẳng bao lâu thì nhà cửa sa sút và cộng thêm việc vợ cả ghen vì ông yêu quý tài nghệ của Hồ Xuân Hương nên bà bỏđi biệt, chỉ để lại một lá thư từ giã.

Sau khi bỏ nhà đi, bà hạ sinh một người con gái nhưng được ba tháng thì chết yểu, Tổng Cóc có tìm đến đòi con nhưng vô vọng. Bà làm bài thơ Khóc Tổng Cóc gửi ông để khóc cho mối tình cũ của mình, hai người xem như đoạn tuyệt tình nghĩa phu thê.

“Hỡi chàng ôi hỡi chàng ôi,

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.“

             – Khóc Tổng Cóc

Sau này bà tiến đến với ông Phủ Vĩnh Tường, tức là Tú tài Phạm Viết Ngạn và sinh cho ông một đứa con tên Phạm Viết Thiệu, thế nhưng hơn hai năm sau thì người chồng này của Hồ Xuân Hương cũng tạ thế.

Hai lần mất chồng đã khiến Hồ Xuân Hương thấm thía nỗi đau của những người phụ nữ phải chịu cảnh cô đơn nên khi nghe tiếng khóc từ bà lang, nhà thơ viết ra nhiều câu thơ thể hiện nỗi xót xa và đồng cảm sâu sắc.

“Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì,

Thương chồng nên nõi khóc tì ti.

Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo,

Cay đắng chàng ơi vị quế chi.

Thạch nhũ, trần bì sao để lại,

Quy thân, liên nhục tẩm mang đi.

Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ,

Sinh ký chàng ơi, tử đắc quy.”

                        –  Bỡn bà lang khóc chồng

Có những nhà thơ trung đại lên tiếng bênh vực người phụ nữ như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn nhưng họ không chân thực bằng Hồ Xuân Hương. Bởi bà đã trải qua nhiều bi kịch trong cuộc đời, nỗi đau đớn ấy đều lắng đọng trên trang thơ sắc sảo của Hồ Xuân Hương mà không ai có thể thay thế được.

Nhà thơ từng trải qua hai lần làm lẽ nên bà thấu hiểu được cảm giác của những người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Trong bài Lấy chồng chung, Hồ Xuân Hương đã thể hiện rất rõ nỗi niềm chua xót ấy, đồng thời bà cũng lên án chế độ đa thê của xã hội phong kiến.

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Năm chừng mười hoạ hay chăng chớ,

Một tháng đôi lần có cũng không.

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,

Cầm bằng làm mướn mướn không công.

Nỗi này ví biết dường này nhỉ,

Thời trước thôi đành ở vậy xong.”

             – Lấy chồng chung

Theo Hồ Xuân Hương thì việc làm lẽ là vô cùng tệ bạc và bất công đối với người phụ nữ. Bà đã kể ra những nỗi khổ khi làm lẽ và cho rằng đó như làm mướn không công cho thấy sự bi phẫn tột độ, kịch liệt lên án chế độ hôn nhân thời ấy.

Xã hội phong kiến hà khắc khiến cho người phụ nữ phải luôn chịu đủ mọi thiệt thòi, họ quan niệm rằng đàn bà chưa chồng mà có con như phạm đại tội, bị cạo đầu bôi vôi suốt đời không xuất giá, thậm chí là phải chết. Vậy mà đối với Hồ Xuân Hương, bà không những không lên án mà còn cất tiếng nói bênh vực họ. Bởi lẽ nhà thơ nhìn thấy được vẻ đẹp thật sự của những người phụ nữ ấy, đó là thiên chức của người mẹ không thể bỏ con mình.

“Không chồng mới chửa ấy mới ngoan,

Có chồng mà chửa thế gian sự thường.”

       – Không chồng mà chửa

Mặc dù người phụ nữ phải chịu nhiều bất công và đau khổ như vậy nhưng họ vẫn giữ được sự hiền dịu và nhu mì vốn có của mình. Nhà thơ đã mượn hình ảnh bánh trôi nước để miêu tả vẻ đẹp ngoại hình lẫn phẩm chất của người phụ nữ.

Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, Hồ Xuân Hương đã sử dụng ngôn từ một cách điêu luyện để thể hiện sự thông cảm và niềm tự hào đối với vẻ đẹp và tính cách của người phụ nữ Việt Nam.

Bà đã để lại nhiều bài thơ có giá trị nghiên cứu ở cả nội dung lẫn nghệ thuật nhờ tài năng và những bất hạnh trong cuộc đời mình. Qua nhiều tác phẩm giàu tính nhân đạo ấy, Hồ Xuân Hương xứng đáng là nhà thơ của phụ nữ trong văn học trung đại Việt Nam.

Nhận định 3: “Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm”

Thơ Hồ Xuân Hương thường được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt, thủ pháp vô cùng điêu luyện nhưng chữ Nôm lại có nhiều phần đặc sắc hơn chữ Hán. Bà được Xuân Diệu suy tôn là bà chúa thơ Nôm bởi những tác phẩm xuất sắc và tư tưởng mới mẻ của mình.

Hồ Xuân Hương được xem là nhà thơ người kế thừa và phát huy tinh hoa của văn học dân gian một cách triệt để, điển hình nhất là ở hai câu thực trong bài Không chồng mà chửa.

“Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,

Phận liễu sao đà nảy nét ngang.”

              – Không chồng mà chửa

Nhà thơ đã mượn nghệ thuật chơi chữ với các chiết tự Hán làm cho câu thơ trở nên đa nghĩa, góp phần thể hiện nội dung trữ tình đặc sắc.

Bên cạnh đó, thơ của Hồ Xuân Hương còn được các nhà phê bình nước ngoài đánh giá cao ở đặc sắc nghệ thuật đố thanh giảng tục để lên án xã hội phong kiến.

“Mát mặt anh hùng khi tắt gió,

Che đầu quân tử lúc sa mưa.

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,

Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?“

                – Vịnh cái quạt I

Nhà thơ đã mượn hình ảnh cái quạt để ca ngợi vẻ đẹp người thiếu nữ và miêu tả khát vọng phàm tục của những người đàn ông, bà không xem họ là hiền nhân quân tử chuẩn mực của xã hội mà chỉ đơn giản là kẻ phàm phu tục tử cũng có ham muốn trước cái đẹp.

Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ trào phúng khi bà cất tiếng cười khinh bỉ lên các tầng lớp thống trị bấy giờ. Bọn vua chúa quyền lực suy cho cùng thì cũng chỉ là những kẻ háo sắc, thích trêu hoa ghẹo nguyệt và xem phụ nữ là trò tiêu khiển của mình.

“Càng nực bao nhiêu thời càng mát,

Yêu đêm chẳng chán lại yêu ngày.

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,

Chúa dấu vua yêu một cái này.”

               – Vịnh cái quạt

Hồ Xuân Hương còn là một trong những nhà thơ có công trong việc Việt hóa thể thơ Đường luật vì bà không tuân theo hệ thống ước lệ của thơ cổ mà đột phá theo cách riêng của mình.

Khi tìm đến bài Tự tình II thì sẽ bắt gặp được những từ ngữ vô cùng bình dị, khác xa với ngôn từ uyên bác mà thơ Đường quy định, nó có sức gợi hình độc đáo và mới mẻ. 

Có lẽ vì vậy mà khi bàn về Hồ Xuân Hương, nhà thơ Xuân Diệu đã đưa ra nhận định: 

“Lòng Xuân Hương có lửa, tay Xuân Hương có điện, nên các chữ đều sống cả lên, nó có thể bò lổm ngổm, có thể mấp máy, có thể bay, có thể duỗi, có thể khom khom, ngửa ngửa, nó có thể chũm chọe, hi ha, cốc om, khua, vỗ, nó có thể um, xoe, xóe, loét, rì; nó có thể nối nhau thành chuỗi vần vang động: bom, chòm, om, mòm, tom, hoặc ọp ẹp: heo, leo, kheo, teo, lèo; chúng ta có thể đố ai tìm được trong thơ Hồ Xuân Hương những chữ nào mà âm thanh bẹp dí, những chữ chết nào đứng trơ không cựa quậy ở trong câu.

Đây không phải là kỹ thuật đâu! Đấy là tâm hồn truyền sức sống cho ngôn ngữ.”

Hồ Xuân Hương thực sự là một tài năng thi ca xuất chúng của thời đại, bà không chỉ có những tư tưởng vượt ra khỏi khuôn khổ lễ giáo phong kiến mà còn phá cách trong lối làm thơ.

Những điểm độc đáo và mới mẻ trong thơ Hồ Xuân Hương không những giúp cho văn đàn Việt Nam trở nên phong phú mà còn góp phần vào việc nghiên cứu của các nhà phê bình. Hồ Xuân Hương thực sự xứng danh bà chúa thơ Nôm của Việt Nam.

Hồ Xuân Hương còn là một nhân vật vô cùng bí ẩn, có những câu hỏi xoay quanh cuộc đời của bà qua nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được kết quả chính xác. Có giai thoại cho rằng Hồ Xuân Hương từng là tình nhân của đại thi hào Nguyễn Du qua bài thơ mà bà viết như sau: 

“Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,

Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,

Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,

Phấn son càng tủi phận long đong.

Biết còn mảy chút sương đeo mái,

Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng trong.”

Bài thơ có lời đề từ là gửi Hầu Nghi Xuân Tiên Điền Nhân tức là Nguyễn Du, theo các nhà phân tích thì họ có mối tình kéo dài đến ba năm nhưng đó cũng chỉ giả thiết. Bởi câu chuyện của họ không có sách vở nào ghi chép và nó đã trôi qua hàng trăm năm khiến cho việc tìm kiếm vô cùng khó khăn.

Dẫu vậy thì Hồ Xuân Hương vẫn là một nhà thơ lớn của nữ quyền thời phong kiến trong văn học trung đại Việt Nam. Sự sáng tạo trong phong cách thơ ca đã giúp Hồ Xuân Hương được tôn bà chúa thơ Nôm của dân tộc Việt.

Hồ Xuân Hương là tượng đài bất tử của thơ Việt

Những tác phẩm của bà có những đóng góp rất lớn cho việc nghiên cứu, các bài thơ được đưa vào chương trình Ngữ văn để bạn đọc có thể cảm nhận những cái hay cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ và nội dung giàu tính nhân đạo, từ đó sẽ tự hào về một thời đại từng có Hồ Xuân Hương tài năng như thế!

---/---

Trên đây là một số bài văn mẫu Nhận định về Hồ Xuân Hương mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

Tham khảo các bài học khác

Video liên quan

Chủ Đề