Theo em làm thế nào để kinh doanh thành công

Khởi nghiệp kinh doanh đang là xu hướng mà không chỉ ở những doanh nhân mà còn ở những người trẻ, trong đó có phụ nữ. Trong những năm qua, thực hiện Đề án 939 về "Phụ nữ khởi nghiệp", trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, từng bước giúp chị em phụ nữ thoát nghèo vươn lên khá, giàu. Từ thực tế đó, mong muốn tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức về các loại hình kinh doanh đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với nhiều phụ nữ. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song công tác tập huấn khởi nghiệp cho phụ nữ, hướng dẫn xây dựng ý tưởng kinh doanh đã và đang từng bước đáp ứng nhu cầu này.


Chị em phụ nữ tham gia lớp tập huấn khởi nghiệp.

* Xây dựng ý tưởng kinh doanh

Bất cứ một người nào muốn khởi nghiệp, trước tiên phải có ý tưởng, sau đó là xây dựng được dự án kế hoạch kinh doanh của mình, phải có sự chuẩn bị rất kỹ về chiến lược kinh doanh sau khi đã nghiên cứu kỹ thị trường, đối thủ cạnh tranh và quan trọng nhất là khả năng quản lý kinh doanh chứ không đơn giản người khởi nghiệp chỉ cần vốn thôi là đủ.

Ngay từ đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ [LHPN] tỉnh đã lập kế hoạch dự kiến tổ chức 15 lớp tập huấn "Khởi sự kinh doanh"và "Kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản"tại các huyện, thị, thành. Tại TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo cũng vừa tổ chức chức bế giảng 2 lớp tập huấn. Lớp tập huấn với mục tiêu bước đầu giúp chị em phụ nữ tiếp cận đến lĩnh vực kinh doanh, khơi dậy và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Khi được tham dự lớp "Khởi sự kinh doanh", chị em phụ nữ trước tiên sẽ nhận thức bản thân về tính phù hợp với khởi nghiệp kinh doanh; đồng thời, bổ sung một số kiến thức như: Nhận biết thị trường, các đối thủ cạnh tranh; đặt ra mục tiêu, xác định được kế hoạch khởi sự kinh doanh; ước tính chi tiêu, lập kế hoạch cho ngân sách; điều chỉnh giá cả, đánh giá lợi nhuận

Cô Nguyễn Thị Xuân, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp nuôi và thu mua, bán dế từ nhiều năm nay. Cô Xuân chia sẻ: "Trước khi tham gia lớp tập huấn, tôi cứ băn khoăn, lo lắng không biết mình bắt tay vào kinh doanh từ đâu. Tôi cũng chưa hình dung được mình sẽ làm gì để có nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra. Vì thế mà ý tưởng kinh doanh cứ ấp ủ nhiều năm mà chưa triển khai được. Từ khi được Hội LHPN xã giới thiệu tham gia lớp tập huấn, bản thân cơ bản đã nắm được quy trình khởi nghiệp. Chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi, tôi đã có thể tự tin xây dựng kế hoạch khởi nghiệp của mình".

Chị Đặng Ngọc Dung, xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè mua bán tạp hóa tại nhà. Tranh thủ thời gian rảnh chị đăng ký tham gia lớp tập huấn khởi sự kinh doanh. Sau khi tham gia lớp tập huấn, chị Dung đã xây dựng ý tưởng kinh doanh của mình là mở cơ sở làm bánh. Chị Dung chia sẻ: "Tôi đã lên kế hoạch kinh doanh, tôi sẽ đi học làm bánh ướt và sẽ mở cơ sở làm bánh ướt. Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi đã lập được kế hoạch, ước tính chi tiêu, đánh giá được thị hiếu nhu cầu của người tiêu dùng. Vì thế, tôi rất tự tin với kế hoạch khởi nghiệp của mình".

Song song đó, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đều tổ chức phát động Hội thi "Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp"; qua đó, có hàng trăm ý tưởng kinh doanh của các chị em phụ nữ gửi dự thi. Ý tưởng khởi nghiệp không chỉ khẳng định khát vọng của phụ nữ mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều chị em đang ấp ủ những dự định, trăn trở nhưng chưa mạnh dạn thực hiện.

* Đẩy mạnh tập huấn khởi nghiệp

Song song với phát động cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp và tập huấn "Khởi sự kinh doanh", hàng năm, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Tổ chức liên minh Na Uy tại Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn "Kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản", dành cho các chị em phụ nữ đã và đang kinh doanh. Tham gia lớp tập huấn, các nữ chủ cơ sở, cửa tiệm, doanh nghiệp sẽ xác định được những thế mạnh, khó khăn trong hoạt động kinh doanh; hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ của mình; hiểu biết được khách hàng, xác định được đối thủ cạnh tranh; hiểu rõ quy trình đơn hàng; điều hành cửa tiệm thông qua quy trình và nhân sự; đảm bảo việc kinh doanh có lợi nhuận; quản lý các nguồn lực của cửa tiệm; hiểu được những quy định pháp luật và thuế trong kinh doanh.

Sau khi tham gia lớp tập huấn, chị Dương Thị Cẩm Bình, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo đã khởi nghiệp thành công với công việc buôn bán bánh canh bột xắt của mình. Chị Cẩm Bình chia sẻ: "Trước khi tham gia lớp tập huấn, 1 ngày tôi chỉ bán được 1, 2 con vịt vào buổi sáng. Sau lớp tập huấn, tôi đã xây dựng ý tưởng kinh doanh, tìm hiểu đối tượng khách hàng của mình là học sinh, cán bộ Từ đó, điều chỉnh giá cả hợp lý; đầu tư thêm bảng hiệu, bàn ghế; đồng thời, tôi đã mạnh dạn bán thêm buổi chiều. Hiện tại, 1 ngày tôi bán gần 10 con vịt, công việc mua bán ngày càng ổn định".

Từ sự yêu thích kinh doanh, chị Đặng Thị Hồng Nhung ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè đã mạnh dạn mở cho mình một tiệm bán nước hoa nho nhỏ trong chợ Cái Bè. Hồng Nhung cho biết: "Lúc đầu tôi dùng số tiền dành dụm của mình nhập khoảng 20 chai nước hoa, rồi thuê mặt bằng nhỏ trong chợ Cái Bè để bán. Việc buôn bán lúc đó cũng không mấy suôn sẻ, tôi chỉ mua rồi về bán lại, ít mặt hàng nên không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đến năm 2018, em được tham gia lớp tập huấn "Kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản". Qua lớp tập huấn tôi biết được rất nhiều kỹ năng về quản lý kinh doanh như: Xây dựng thương hiệu, kinh doanh phải đa dạng nhiều mặt hàng, tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng". Vận dụng những kiến thức đã học sau lớp tập huấn, Hồng Nhung đã mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh, thuê mặt bằng kinh doanh rộng rãi hơn; nhập đa dạng các mặt hàng nước hoa, mỹ phẩm, đồng thời, còn giới thiệu sản phẩm và kinh doanh online. Công việc kinh doanh của Hồng Nhung ngày càng ổn định.

Bà Đặng Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: "Đối với những chủ cơ sở kinh doanh, sau khi học lớp tập huấn sẽ có thêm kiến thức về quy trình sản xuất, tính giá thành, tiết kiệm chi phí, quản trị nguồn nhân lực; thực hiện chế độ kế toán, marketing, quản trị rủi ro, quản trị tài chính, truyền thông cho việc bán hàng quản trị sản phẩm trong quá trình học, ngoài việc giảng viên thường xuyên đến thăm mô hình thực tế của học viên, để tư vấn theo từng mô hình cụ thể, chị em còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, đây là hành trang góp phần để chị em kinh doanh thành công hơn. Đồng thời, sau khi kết thúc các lớp huấn, khoảng 6 tháng, một năm, Hội LHPN tỉnh sẽ tiến hình khảo sát lại tình hình khởi sự kinh doanh của chị em, để đánh giá kết quả đầu ra, xem chị em nào đã triển khai được kế hoạch kinh doanh và chị em đã kinh doanh thì kinh doanh hiệu quả ra sao so với khi chưa tham gia lớp tập huấn; chị nào chưa được và còn những khó khăn nào để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ".

P. Mai

Video liên quan

Chủ Đề