Vải còn có tên gọi khác là gì

Cây vải, còn gọi là lệ chi, danh pháp khoa học hai phần: Litchi chinensis, là loài duy nhất trong chi Litchi thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae). Loài này được Sonner miêu tả khoa học đầu tiên năm 1782.

Vải là loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới, có nguồn gốc ở miền nam Trung Quốc, tại đó người ta gọi nó là 荔枝 bính âm: lìzhī- lệ chi, kéo dài về phía nam tới Indonesia và về phía đông tới Philipin, tại đây người ta gọi nó là alupag.

Vải còn có tên gọi khác là gì

Cây vải

Vải là loại cây thân gỗ thường xanh kích thước trung bình, có thể cao tới 15–20 m, có các lá hình lông chim mọc so le, mỗi lá dài 15–25 cm, với 2-8 lá chét ở bên dài 5–10 cm và không có lá chét ở đỉnh. Các lá non mới mọc có màu đỏ đồng sáng, sau đó chuyển dần thành màu xanh lục khi đạt tới kích thước cực đại. Hoa nhỏ màu trắng ánh xanh lục hoặc trắng ánh vàng, mọc thành các chùy hoa dài tới 30 cm.



Quả là loại quả hạch, hình cầu hoặc hơi thuôn, dài 3–4 cm và đường kính 3 cm. Lớp vỏ ngoài màu đỏ, cấu trúc sần sùi không ăn được nhưng dễ dàng bóc được. Bên trong là lớp cùi thịt màu trắng mờ, ngọt và giàu vitamin C, với kết cấu tương tự như của quả nho. Tại trung tâm là một hạt màu nâu, dài 2 cm và đường kính cỡ 1-1,5 cm. Hạt, tương tự như hạt của quả dẻ ngựa, có độc tính nhẹ và không nên ăn. Quả chín vào giai đoạn từ tháng 6 (các vùng gần xích đạo) đến tháng 10 (các vùng xa xích đạo), vào khoảng 100 ngày sau khi ra hoa.


Quả vải chín

Vải có một số phân loài:

Litchi chinensis chinensis: Trung Quốc, Đông Dương. Lá có 4-8 lá chét (ít khi 2).
Litchi chinensis javanensis: Java
Litchi chinensis philippinensis (Radlk.) Leenh: Philipin, Indonesia. Lá với 2-4 lá chét (ít khi 6).


Quả vải chín

Trồng và sử dụng

Vải được trồng nhiều tại miền nam Trung Quốc cũng như ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, miền nam Nhật Bản và gần đây là tại Florida và Hawaii của Hoa Kỳ cũng như các khu vực ẩm ướt thuộc miền đông Australia. Vải cần có khí hậu nóng vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới không có sương giá hoặc chỉ có mùa đông rét nhẹ với nhiệt độ không xuống dưới -4 °C và với mùa hè nóng bức, nhiều mưa và độ ẩm cao. Nó phát triển tốt trên các loại đất thoát nước tốt, hơi chua và giàu chất hữu cơ (mùn). Có nhiều giống cây trồng, với các giống chín sớm thích hợp với khí hậu nóng hơn còn các giống chín muộn thích hợp với khí hậu mát hơn. Ở một vài nơi người ta còn trồng vải làm cây cảnh.

Quả vải nói chung được bán để ăn tươi tại các chợ khu vực (trong những năm gần đây nó cũng được bán rộng rãi tại các siêu thị phương Tây). Vỏ màu đỏ chuyển thành nâu sẫm khi quả được vận chuyển bằng các phương tiện đông lạnh, nhưng mùi vị gần như không bị ảnh hưởng. Dưới dạng đóng hộp nó được bầy bán quanh năm.

Nguồn dẫn chiếu lịch sử chính thức đầu tiên của Trung Quốc về cây/quả vải có ở thời nhà Đường, khi nó là loại quả ưa thích của Dương Quý Phi, người thiếp yêu của hoàng đế Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng).

Người Quảng Đông cho rằng ăn một quả vải bằng giữ ba ngọn đuốc trong người (一啖荔枝三把火 - nhất đạm lệ chi tam bả hỏa). Điều này muốn nói đến thuộc tính dương (nóng) của loại quả này. Ăn quá nhiều vải làm khô môi và có thể gây chảy máu cam ở một số người, cũng như có thể gây ra mụn nhọt hay loét miệng. Ngược lại, loại quả từ cây có quan hệ họ hàng là nhãn lại được coi là có các tính chất bổ dưỡng.


Cây vải​

Việt Nam

Giống vải được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là vải thiều trồng tại khu vực huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nhưng được trồng nhiều nhất ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Quả thu hoạch từ các cây vải trồng tại vùng Thanh Hà (Hải Dương) thông thường có hương vị thơm và ngọt hơn vải được trồng ở các khu vực khác (mặc dù cũng lấy giống từ đây). Một giống vải khác, chín sớm hơn, có tên gọi dân gian là (vải) tu hú có hạt to hơn và vị chua hơn so với vải thiều. Nó có tên gọi như vậy có lẽ là do gắn liền với sự trở lại của một loài chim di cư là chim tu hú (Eudynamis scolopacea).

Trong lịch sử Việt Nam, vải gắn liền với hai nhân vật lịch sử của Việt Nam là Mai Thúc Loan và Nguyễn Trãi. Mai Thúc Loan xuất thân là phu khuân vải cống cho triều Đường của Trung Quốc. Ông đã kêu gọi mọi người khởi nghĩa và trở thành Mai Hắc Đế. Vải, với tên gọi cũ là Lệ Chi, được biết đến ở Việt Nam qua vụ án Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi.

Vải Thiều

Vải thiều hay còn có tên Thanh Hà lệ chi chữ Hán: 清河荔枝 là loại quả vải nổi tiếng ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Sau này giống vải thiều được nhân giống trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước như huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, hay huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.


Vải thiều Thanh Hà chín

Vải thiều Thanh Hà đã được ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà, Sở khoa học Công nghệ Hải Dương tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này lên Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, vải thiều Thanh Hà sẽ là một trong số ít sản phẩm nổi tiếng như: chè xanh Mộc Châu, cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc…, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đến thời điểm hiện tại ở VN.

Nguồn gốc

Nguồn gốc cây vải ở Việt Nam

Vào thời Bắc thuộc, người Trung Quốc đã đem vải (lúc này chưa được gọi là vải thiều) sang trồng ở miền Châu Hoan (Thanh Hóa) Giao Chỉ (thời Đường). Do có điều kiện sinh thái phù hợp nên vải phát triển tốt cho năng suất cao. Dương Quý Phi - một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc rất thích vải được trồng ở Giao Chỉ. Vì vậy, mỗi năm nhân dân phải đem cống nộp vải thiều cùng với các sản vật khác đến kinh đô Trường An.

Đến thế kỷ thứ 8 từ thời vua Mai Hắc Đế, cây vải được chuyển ra trồng ở vùng Hồng Châu, Hải Dương ngày nay. Không rõ ai đã mang chúng trồng thử chắc với mục đích mang cống Bắc Triều cho tiện hơn chăng (Thời Bắc thuộc nước ta đã có thời bị lệ thuộc vào lệ cống nạp Lệ chi - quả vải).

Vùng đất Thanh Hà có thổ nhưỡng khá đặc biệt, bao bọc xung quanh bởi các con sông trong hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng, thuở xưa rất hay bị lụt lội, tuy nhiên cũng vì vậy mà được phù xa bồi đắp, rửa chua khua mặn nên hình như vậy đất trở lên ngọt ngào hơn chăng? Cây lệ chi (tiếng cổ của cây vải) nhanh chóng được trồng trên đất Thanh Hà và không ngờ đất đã cho quả hương vị đặc biệt ngon.


Cây vải

Nguồn gốc cây vải thiều Thanh Hà

Giống vải đầu tiên ở Thanh Hà được mang từ Thanh Hóa ra trồng trong thế kỷ thứ 8. Giống vải thứ hai ở Thanh Hà xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20, và đây là nguồn gốc của vải thiều. Trong những năm cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, cụ Hoàng Phúc Thành (quê Thanh Hà, Hải Dương) từng làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng. Thấy mấy ông lái buôn người Trung Quốc quê ở Thiều Châu ăn quả vải rồi vứt hạt đi, cụ Thành đã nhặt được 6 hạt, đem về quê ương giống và mọc được 3 cây. Khi dọn cỏ, cụ bà sơ ý làm chết mất 2 cây, chỉ còn 1 cây. Đó chính là cây vải thiều đầu tiên ở nước ta. Rồi từ đó, chiết cành ra để trồng thêm, số cây vải và số vườn vải càng ngày càng tăng thêm. Con cháu và họ hàng nhớ ơn cụ Thành nên đã xây dựng miếu thờ cụ bên cạnh cây vải tổ. Vì có nguồn gốc như thế nên nó có tên là vải thiều, nhưng chưa hẳn là nòi vải ở Thiều Châu.

Cây vải tổ này hiện nay vẫn còn và đang thuộc quyền sở hữu của cụ Hoàng Văn Thu, (cháu nội cụ Thành), sinh năm Canh ngọ,1930 ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Trên tấm bia bằng bê tông trước cây vải tổ, ghi tên cụ là Hoàng Văn Cơm. Cụ Thu giải thích rằng, vì cụ Thành đem được giống vải thiều về trồng ở quê nhà, cũng là đem cơm gạo về cho dân làng nên mọi người gọi cụ là cụ Cơm.

Ngày nay, vải thiều được nhân giống sang một số nơi khác trên cả nước như Lục Ngạn - Bắc Giang, Chí Linh - Hải Dương và nhiều địa phương khác...

Giống vải được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là vải thiều trồng tại khu vực huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Quả thu hoạch từ các cây vải trồng trong khu vực này thông thường có hương vị thơm và ngọt hơn vải được trồng ở các khu vực khác (mặc dù cũng lấy giống từ đây). Một giống vải khác, chín sớm hơn, có tên gọi dân gian là (vải) tu hú có hạt to hơn và vị chua hơn so với vải thiều. Nó có tên gọi như vậy có lẽ là do gắn liền với sự trở lại của một loài chim di cư là chim tu hú.

Hiện tại, ở Việt Nam thì chỉ có 2 huyện trồng nhiều vải nhất đó là Huyện Thanh Hà - Hải Dương (nguồn ngốc trồng cây vải Thiều đầu tiên ở Việt Nam), và huyện Lục Ngạn - Bắc Giang. Sản lượng ở Lục Ngạn Bắc Giang nhiều hơn, quả to, ngọt, và giá bán cao hơn...

Đặc điểm

Nhận dạng chung về vải thiều Thanh Hà: là giống có kích thước quả bé nhất trong tất cả các giống vải hiện nay, dạng quả hơi tròn. Chiều cao quả 3,3 – 3,4cm, chiều rộng quả 3,4 – 3,5cm, tỷ lệ cao quả/ rộng quả 0,94 – 0,98. Quả nhỏ, vỏ sần, chín màu đỏ, hạt rất màu đen tuyền hoặc không hạt, cùi trắng dày ăn rất ngọt, hương vị thơm đặc biệt. Quả nặng 18 - 20g, tỷ lệ cùi 72 - 80% thịt hơi nhão, khi bóc vỏ dễ vỡ nước, mùi thơm. Hạt vải thiều gần như bị triệt tiêu, xun lại chứ không thành hạt như vải bình thường. Vải cho vào miệng sẽ cho cảm giác như tự tan ra, không cảm thấy vị se, vị chua, chát, cứ ngọt dần, ngọt dần...

Vải thiều Thanh Hà hột nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày ngọt lịm, đầy nước. Giữa cùi và hạt vải thiều không có lớp màng mỏng nâu nâu chan chát như vải Lục Ngạn. Vải Thanh Hà chất lượng ngon, nên giá bán cao hơn các loại vải khác.

Từ 10 tuổi trở lên, cây vải ra hoa đều và năng suất ổn định hơn. Trồng trên đất đồi vùng Trung du, nếu chăm bón tốt, nhất là bón thêm lân và phân hữu cơ, có thể cho năng suất cao. Vải ra hoa vào tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6.

Khoảng thời gian thu hoạch vải thiều thường ngắn, khoảng 2 tuần. Vì vậy nên với sản lượng lớn, người ta thường chế biến bằng cách sấy khô, sản phẩm sau đó gọi là vải khô.


Quả vải chín

Phương pháp bảo quản

Khoảng thời gian thu hoạch vải thiều thường ngắn, khoảng 2 tuần. Do vậy công nghệ bảo quản rất quan trọng. Có 02 phương pháp bảo quản chính: 1. Phương pháp sấy khô thủ công: Cho ra những quả vải sấy, thường dùng làm thuốc hoặc mứt. Tuy nhiên đã ít sử dụng. 2.Phương pháp bảo quản tươi đông lạnh: Vải tươi bó từng chùm nhúng vào nước thùng nước đá cây ngâm khoảng 5 phút cho lạnh, bỏ vào thùng xốp loại 15,25 và 30 kg, bỏ nước đá bọc trong túi ni long ở giữa, xếp vải xung quanh. Ngoài ra có thể dùng chăn ẩm,màng mút tẩm nước lạnh bọc ngoài lớp nilon đá tránh để vải tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh đề phòng vải bị thâm. Với cách bảo quản mới, ở Lục Ngạn đã gần như loại bỏ phương pháp sấy khô vải, mà chuyển sang cung cấp vải tươi bằng cách: Đóng thùng xốp cách nhiệt, túi bóng, trong đó là đá lạnh bảo ôn, có thể giữ vải thiều tươi ngon trong khoảng 10 ngày kể từ ngày thu hoạch. Ngày nay, chỉ những vải rụng, vải ế, vải không đủ chất lượng hàng tươi thì mới được đưa vào sấy vải mà thôi.
Thị trường tiêu thụ

Hiện tại, thị trường tiêu thụ chính của vải thiều vẫn là thị trường nội địa trong nước, còn lại một phần xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia, và một số nước Châu Âu. Vào mùa vải, khoảng giữa tháng 6 là các container lớn thường về thị trấn và các địa điểm mua bán vải thiều rồi chở đi các thành phố lớn tiêu thụ.

Vì mùa vải chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, với số lượng khá nhiều nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm đang là bài toán nan giải đối với người dân trồng vải và các cơ quan chức năng.

( BlogCayCanh.vn )