Ca sĩ nguyệt ca là ai?

 

Tấm vé trở về tuổi thơ

- Dự án Nhạc thiếu nhi song ngữ [BSK] được bắt đầu như thế nào? 

- Tôi có người bạn là Vũ Chung, một nhân viên ngân hàng, nhưng có niềm đam mê dịch các bài hát tiếng Việt sang tiếng Anh. Chúng tôi chơi với nhau từ thời câu lạc bộ Những người yêu nhạc Trịnh từ năm 2002. Khi có con, Chung chuyển sang dịch nhạc thiếu nhi tặng con và có gửi tôi để xin góp ý dưới góc độ của một người dạy tiếng Anh và biết hát. Trong số đó có hai ca khúc Cho con và Cánh én tuổi thơ. 

Từ năm 2018 đến 2020, tôi đem hai ca khúc đã được chuyển ngữ này đi biểu diễn giao lưu ở một số trường học và hội thảo về giáo dục, được hưởng ứng nồng nhiệt. Cuối năm 2020, tôi thu âm ca khúc song ngữ đầu tiên - Cho con, để làm món quà tặng sinh nhật cho con trai của mình, không ngờ lại được bạn bè trên mạng rất yêu thích. Đặc biệt, ca khúc thứ hai Cánh én tuổi thơ ra mắt như một món quà Tết đã được rất nhiều người chuyền tay nhau, khiến tôi và Chung quyết định biến nó thành một dự án dài hơi và đặt tên là BSK. 

Từ ca khúc thứ ba Chỉ có một trên đời, dự án có thêm một thành viên là Hồng Đinh - một người mẹ, cô giáo dạy tiểu học ở Mỹ và là tác giả của hai cuốn sách được yêu thích “Học kiểu Mỹ tại nhà” và “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà”. Phần chuyển ngữ do Vũ Chung và Hồng Đinh thực hiện.

Mới đây, Nguyễn Thoại Tú Chi - một bà mẹ trẻ 33 tuổi, đồng thời là một người làm công việc thiết kế tự do đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh xin gia nhập nhóm, đảm nhận toàn bộ phần đồ họa và video kể từ ca khúc thứ năm Tuổi đời mênh mông. 

Hiện, dự án đã ra mắt năm ca khúc gồm Cánh én tuổi thơ [nhạc sĩ Phạm Tuyên]; Cho con [nhạc Phạm Trọng Cầu, thơ Tuấn Dũng]; Chỉ có một trên đời, Trái đất này là của chúng mình [Trương Quang Lục]; Tuổi đời mênh mông [Trịnh Công Sơn] và Đi học [nhạc Bùi Đình Thảo, thơ Hoàng Minh Chính] vừa phát hành vào ngày khai giảng, 5/9.

- Rõ ràng, di sản âm nhạc thiếu nhi Việt Nam rất phong phú; ngoài yếu tố bản phối đã cũ, theo chị, còn lý do nào để trẻ em hôm nay không tiếp cận được kho âm nhạc ấy?

- Tôi nghĩ, lý do lớn nhất là các phụ huynh hiện nay chưa hình thành thói quen bồi đắp tâm hồn cho con trẻ, đặc biệt là âm nhạc bằng các kênh nghe nhìn phù hợp. Đôi khi, cha mẹ cũng nghe nhạc không lành mạnh, rồi các cháu bắt chước theo. Trẻ em không phải không thích các ca khúc thiếu nhi hay nhưng các em không được định hướng, uốn nắn, giới thiệu. Chưa kể, việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường cũng có nhiều vấn đề. Môn âm nhạc bị xem nhẹ, là môn phụ, thậm chí bị cắt tiết để nhường chỗ cho các môn học khác. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tính giải trí cao hơn tính giáo dục, miễn sao càng nhiều view càng tốt. Các gameshow thiếu nhi lại nặng về cuộc đua thành tích. Trong khi đó, ở các cuộc thi âm nhạc, nặng về trưng trổ giọng hát, mang tính thi thố hơn là giới thiệu những bài hát hay. 

- Dự án dành cho thiếu nhi nhưng người thể hiện lại là Nguyệt Ca - một người lớn. Sao dự án không sử dụng chính tiếng hát của các em, có lẽ sẽ dễ tiếp cận lứa tuổi này hơn?

- Thật ra, dự án này muốn chinh phục cha mẹ trước. Cha mẹ nghe mà thích, sẽ giới thiệu cho các con nghe. Khi dự án ra mắt, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi rằng, họ cảm giác “có một tấm vé trở về tuổi thơ”, “lâu lắm rồi không được nghe những bài hát như thế, với cách hát như thế”...

Bên cạnh phần lời tiếng Việt, dự án có thêm phần lời tiếng Anh do Vũ Chung và Đinh Thu Hồng chuyển ngữ, làm cho trẻ thời nay thích bài hát đó một cách dễ dàng hơn. Và từ đầu, chúng tôi cũng định hướng bản nào cũng đi kèm bản karaoke. Mục đích để lan tỏa các ca khúc, động viên các phụ huynh cho con tập hát, quay clip rồi gửi về để đăng tải trên các kênh truyền thông của dự án để khuấy động phong trào. 

Tiếng Việt đẹp quá

- Sau khi công bố ca khúc thứ năm [Tuổi đời mênh mông] của dự án thứ nhất, từ tháng 7, nhóm bắt đầu thực hiện thêm dự án thứ hai, phát triển song song với dự án trước đó, là Trịnh Công Sơn song ngữ Việt - Anh. Vì sao là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà không phải là nhạc sĩ khác?

- Vũ Chung và tôi đều mê nhạc Trịnh từ rất lâu rồi. Ca từ Trịnh Công Sơn được xem là thử thách với những người thích ngôn ngữ. Hiểu lời nhạc viết bằng tiếng Việt đã không hề dễ, dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh để mọi người có thể hiểu được, càng khó hơn. Chúng tôi cảm thấy thích thú với thử thách ấy và muốn chinh phục nó. Chúng tôi cũng rất thích nhiều tác giả khác, như Thanh Tùng, Trần Tiến… song, để làm một dự án dài hơi, với nhiều tác giả thì hiện tại chưa làm được.

- Dự án âm nhạc thiếu nhi song ngữ dành cho các em nhỏ, còn dự án nhạc Trịnh Công Sơn, nhóm dự án hướng tới đối tượng nào?

- Bên cạnh fan nhạc Trịnh, chúng tôi muốn chinh phục các khán giả trẻ, từ 20 - 30 tuổi. Nhạc Trịnh là di sản văn hóa. Để ý dòng chảy âm nhạc, tôi thấy, trước đây 10 - 15 năm, ca sĩ nào hình như cũng phải ra ít nhất một đĩa nhạc Trịnh. Ngoài những cái tên quen thuộc trong dòng nhạc này, còn có những nghệ sĩ trẻ muốn thử sức mình. Họ xem việc làm mới nhạc Trịnh là cơ hội để thử thách bản thân. Mấy năm nay, càng ngày càng ít. Nếu có, cũng chỉ ra 1 - 2 single cho vui chứ ít người làm nghiêm chỉnh, có kế hoạch.

Ở dự án này, chúng tôi chọn một lối thể hiện trung tính, không già, cũng không quá trẻ, để có thể phổ rộng được đối tượng khán giả của mình.  

- Ngoài yếu tố giải trí, hai dự án đều có tính giáo dục [không chỉ giáo dục âm nhạc, còn giáo dục ngôn ngữ…]...

- Khi thực hiện dự án này, chúng tôi đề ra một nguyên tắc đó là luôn bám sát bản dịch. Khi hát lên, vẫn giữ được tinh thần đó là một tác phẩm nghệ thuật. Có những người chuyển ngữ nhưng lời không hát nổi. Với hai dự án này, nếu người nghe là người thích ngôn ngữ, sẽ học được cách chuyển ngữ, biết thêm được những cụm từ hay. Nếu có thời gian, chúng tôi sẽ ra các clip dạy hát, giải nghĩa cách dịch. Hiện, ra thêm một sản phẩm, Vũ Chung sẽ viết một bài trên fanpage dự án để giải thích về cách dịch, vì sao chọn từ này từ kia… 

- Là một trong những người thực hiện dự án này, khi nghe tiếng Việt vang lên qua một thứ ngôn ngữ khác, cảm giác của chị ra sao?

- Trước hết là tự hào. Tiếng Việt đẹp quá. Nhưng có lẽ, sẽ có những người có cảm xúc đặc biệt hơn, đó là những người sống xa quê lâu ngày. Khi dự án khởi phát, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi của những phụ huynh có con đang sống ở nước ngoài. Họ đang băn khoăn làm sao dạy con kết nối với nguồn cội của mình, hiểu văn hóa Việt Nam, biết tiếng Việt. Thì dự án của chúng tôi đã gỡ cái nút thắt đó.

- Có không ít dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi rất thú vị nhưng không đi được đường dài. Để tránh rơi vào cảnh “mang con bỏ chợ”, anh chị có kế hoạch gì? Dự án có xin được tài trợ không?

- Hiện, chúng tôi có nhận được một vài tài trợ nhỏ lẻ từ cộng đồng; nhưng phần chính vẫn là mọi người “xúm” vào làm miễn phí. Đúng kiểu ai có gì dùng nấy.    

Theo cách vận hành hiện tại, số lượng ra cũng không quá dày, lại chọn bám vào các sự kiện quan trọng hoặc ngày lễ để ra mắt, chi phí sản xuất không lớn [khoảng 2 triệu đồng/ca khúc] nên chúng tôi xác định, nếu không xin được tài trợ thì sẽ bỏ tiền túi ra. Hoặc kêu gọi sự đóng góp nho nhỏ từ cộng đồng quen biết trên mạng xã hội. Có người gợi ý, sao không bật nút kiếm tiền trên YouTube? Nhưng chúng tôi nghĩ, làm thế, có khi không còn vui nữa. Đây hoàn toàn là dự án phi lợi nhuận, dành cho cộng đồng.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

DU NGUYÊN [thực hiện]

Tất thảy những cuộc tình trong đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều đến và đi theo một quy luật duy nhất: “không hẹn mà đến, không chờ mà đi”. Nhạc sĩ đã yêu nhiều, thăng hoa nhiều, đau khổ cũng nhiều nhưng tất cả những mối tình đó đều chỉ vừa chúm chím nụ tình hoặc bung cánh toả hương rồi tan vào miền nhớ chứ không hề kết trái nên duyên. Nhưng chính cái sự “vô duyên” đó với hôn nhân, đã làm nên một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tài hoa, dạt dào cảm xúc, tận tâm tận lực với âm nhạc.

Ngoài người tình Dao Ánh đã “theo” Trịnh Công Sơn suốt nhiều năm tháng dài, những nàng thơ đi qua đời Trịnh dù chỉ trong một đoạn đời rất ngắn, cũng để lại một dấu ấn khó phai trong âm nhạc. Có lẽ sẽ có người không để ý rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường đưa tên những người đẹp vào âm nhạc và đặt dưới một hình ảnh ẩn dụ nào đó. Yêu người đẹp Bích Diễm, ông viết Diễm Xưa; nhớ ca sĩ Khánh Ly, ông đưa tên bà vào âm nhạc trong câu hát “Mai ra cùng phố xôn xao”, Mai là tên thật của Khánh Ly,.. và khi say đắm nàng Minh Nguyệt thì ông viết nhạc phẩm Nguyệt Ca với những lời ca đầy bóng dáng của Nguyệt.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác và cho ra mắt ca khúc Nguyệt Ca vào năm 1972, trong tập nhạc “Tự Tình Khúc” do NXB Nhân Bản ấn hành. Đến năm 1973, ca khúc được nữ ca sĩ Khánh Ly thu thanh vào đĩa nhựa Hát Cho Quê Hương Việt Nam 4. Từ đó đến nay, Nguyệt Ca ngày càng được phổ biến và yêu thích rộng khắp, trở thành một trong những bản nhạc huyền thoại của cố nhạc sĩ họ Trịnh.


Click để nghe Khánh Ly hát Nguyệt Ca trước 1975

Nàng Nguyệt trong bài hát là cô nữ sinh Đồng Khánh con nhà khuê các tên Nguyễn Minh Nguyệt. Trong những năm tháng học tại trường đại học Khoa học Huế, với gương mặt tròn đầy, xinh xắn, rạng rỡ, Minh Nguyệt từng được mệnh danh là “Người đẹp Đập Đá”. Đập Đá là tên gọi của một bến đò gần nhà cô gái ở thôn Vỹ Dạ. Trong thôn có 5 bến đò với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng riêng bến đò Đập Đá thì nổi tiếng là “bến tình”. Có lẽ vì vậy mà tên địa danh được đem gắn kết với cô gái xinh đẹp đã khiến nhiều chàng trai si mê, trong đó có chàng nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Như thường lệ, khi yêu thích một cô gái, nhạc sĩ nhất định sẽ đưa cô vào âm nhạc của mình và đó là nguyên do ngày nay chúng ta có ca khúc “Nguyệt Ca” để nghêu ngao ca hát.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tập hát cho Nguyệt – Bức hình ở khu tưởng niệm TCS tại Bình Quới

Khi nghe lời hát “từ khi trăng là nguyệt” hẳn sẽ có người bảo trăng là nguyệt, nguyệt là trăng, đó là điều chắc chắn rồi sao còn phải vòng vèo cắc cớ. Nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì lại có một cách lý giải rất khác, trăng là trăng, nguyệt là nguyệt. Khi ông viết “từ trăng thôi là nguyệt, là trăng với bao la” thì có thể hiểu ngay rằng, trăng dành cho “bao la”, cho tất cả, chỉ có “nguyệt” mới là của riêng nhạc sĩ. Tình yêu cũng vậy, tình yêu dành cho tất cả mọi người, cho vạn vật, nhưng với mỗi người, tình yêu lại là một thứ riêng biệt, duy nhất, không thể lẫn lộn. Chính sự duy nhất, huyền hoặc đó của tình yêu đã khiến con người chìm trôi trong biển tình mê đắm, dù biết có thể sẽ phải chịu nhiều khổ đau.

Từng câu hát nhấn nhá, chậm chậm tuôn ra tựa như những đoá hoa tinh khôi vừa chớm nở trên khu vườn tình mộng. Tình yêu với quyền năng và phép màu của nó đã khiến cho mọi giác quan trong lòng nhạc sĩ như bừng tỉnh, những cội nguồn cảm xúc được khơi gợi, cuộn trào mãnh liệt:

Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời 

Và đâu đó, trong lời ca nghe như có lời xưng tội thầm kín của người nhạc sĩ. Lời xưng tội trước tình yêu để gột rửa và tắm mát tâm hồn:

Từ đêm khuya khi nắng sớm hay trong những cơn mưa
Từ bao la em đã đến xua tan những nghi ngờ

Từ trăng xưa là nguyệt lòng tôi có đôi khi
Tựa bông hoa vừa mọc hân hoan giây xuống thế
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca
Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là 

Chỉ có sự gột rửa, chuyển biến từ sâu thẳm trái tim mới là chiếc chìa khoá thần kỳ mở ra cánh cửa hạnh phúc dài lâu, mở ra cánh cửa tình yêu thực sự:

Từ khi trăng là nguyệt vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời 

Ngôn từ trong âm nhạc Trịnh chưa bao giờ là dễ hiểu nhưng không phải không thể tìm thấy những dấu ấn, ý tứ mà nhạc sĩ muốn truyền tải. Những lời ca đầy âm thanh và hình tượng của ông luôn kéo người nghe chìm trôi trong những suy tư hư thực, phiêu lãng của đời người. Âm nhạc Trịnh đôi khi tựa như một chiếc cầu “se duyên” đưa người nghe tới gần hơn với những triết lý của thiền môn, gợi mở những suy tưởng về đời về đạo, thực thực hư hư, tuy xa mà gần, tuy hai mà một.

Có thể thấy ca khúc được chia tách hai phần rõ rệt mở đầu bằng hai mệnh đề trái ngược nhau “từ khi trăng là nguyệt” và “từ trăng thôi là nguyệt”. Sự thay đổi rõ rệt này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tóm gọn trong câu hát “Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra”.  Còn nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân kể lại trong tác phẩm “Trịnh Công Sơn có một thời như thế” như sau: 

“Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, đối bờ với nhà tôi, thuộc phường Vỹ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt, rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buộc miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai “vì anh ấy lai Tây”. Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ “lệch lạc” đến như thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bỗng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi “trăng là Nguyệt”. Nhưng khi anh phát hiện ra “từ trăng thôi là Nguyệt”, Nguyệt không phải là người anh mơ ước, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt “coi như phút đó tình cờ” và về sau anh không nhắc đến Nguyệt nữa. Tuy nhiên đối với tôi và nhiều bạn bè của anh, mong sao Sơn có nhiều dịp yêu “tình cờ” như thế để anh có thêm nhiều Nguyệt ca nữa.”

Qua lời kể của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì dường như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thất vọng, đã chủ động buông tay khi “nàng Nguyệt” không long lanh như ý muốn của nhạc sĩ, không đồng điệu với “mỹ cảm” của ông. Phải chăng chính vì sự “khó tính” và “duy mỹ” đến cực đoan này đã khiến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn thăng hoa không ngừng nghỉ từ sáng tác đầu tiên tới sáng tác cuối cùng, nhưng ngược lại cũng khiến ông không thể “dứt điểm” với bất cứ người đẹp nào trong đời để gầy dựng một cuộc hôn nhân bình thường như bao người khác.


Click để nghe Khánh Ly hát Nguyệt Ca sau 1975

Từ bao la em đã đến hay em sẽ ra đi
Vườn năm xưa còn tiếng nói tôi nghe những đêm về 

Tuy nhiên, có một điều vô cùng đáng trân trọng trong nhân cách của chàng nhạc sĩ họ Trịnh. Ấy là khi “nàng Nguyệt” tìm đến nhạc sĩ nâng niu, trân trọng, yêu thương bao nhiêu thì khi “nàng Nguyệt” bỏ đi, ông cũng hoan hỷ buông tay, nhẹ nhàng bấy nhiêu, dẫu trong tim chỉ còn sự cô độc, trống vắng:

Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra
Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ 

Từ trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la
Từ trăng kia vừa mọc trong tôi không trí nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt hôm nao chợt có lời thưa
Rằng em thôi là nguyệt tôi như đứa bé dại khờ 

Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi
Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai lần về 

Từ trăng thôi là nguyệt mỏi mê đá thôi lăn
Vườn năm xưa vừa mệt cây đam mê hết nhánh
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên
Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình

Ở đoạn hát này, mỗi câu hát cất lên tựa như những cánh hoa đỏ thắm trên đoá hồng nhung của tình yêu. Người nhạc sĩ trong thân hình bất động và ánh mắt vô hồn, nhẹ bứt từng cánh hoa tình yêu thả rơi vào trong gió. Từng cánh hoa vô vi… xoay xoay rồi cuộn mình vào hư không, để người nhạc sĩ ở lại chìm trôi giữa dòng đời như giọt nắng bé nhỏ vô hình ngoài kia, như đứa bé dại khờ, như đường phố nhiều tên,… 

Trịnh Công Sơn đến với âm nhạc luôn bằng sự chậm rãi, từng trải hiếm có dù là khi ông đang ở độ tuổi 20 hay khi đã ngoài 60. Sự chậm rãi, khoan thai đó khiến âm nhạc Trịnh luôn thăng hoa ở một tầm rất cao, rất rõ ràng, khúc chiết, thanh thoát từ ý tưởng đến lời ca. Cái cách mà âm nhạc Trịnh nhìn xuống tình yêu dù buồn, dù vui, dù hạnh phúc hay khổ đau đều rất sang trọng, lịch thiệp, tinh tế và đầy mỹ cảm. Có lẽ vì vậy mà âm nhạc Trịnh chỉ cần một giọng ca mộc mạc, tự nhiên để thể hiện. Mọi thứ âm thanh đệm đàn hoành tráng, gào thét hay uốn éo đều khiến nhạc Trịnh trở nên kệch cỡm.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Video liên quan

Chủ Đề