Các chính sách an sinh xã hội hiện nay

Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn tiếp tục cần được cải cách và củng cố hơn nữa để hiện thực hoá mục tiêu, quan điểm của Đảng và Nhà nước hướng đến an sinh xã hội cho tất cả mọi người dân.

Đây là thông điệp chính được chia sẻ tại cuộc hội thảo "Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2022: Xu hướng và khoảng trống" do Bộ Lao động-Thương Binh Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế [ILO] tổ chức vào ngày 20/4 tại Hà Nội.

Tiến bộ vượt bậc về an sinh xã hội

Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết NQ 15-NQ/TW về chính sách xã hội, trong đó bao gồm an sinh xã hội, các đại biểu cho rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc kể từ năm 2012 khi nghị quyết này được ban hành.

Các chính sách an sinh xã hội đang dần được tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân. Quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những đối tượng yếu thế được đảm bảo tốt hơn. Bốn trụ cột gồm: Nhóm chính sách việc làm và giảm nghèo; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; nhóm chính sách trợ giúp xã hội; nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng mở rộng về chính sách và đối tượng.

Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6.000-8.000 trường hợp người có công với cách mạng và hiện cả nước có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm trong nước cho 1,5-1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2-2,2%.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 10,2 triệu người năm 2011 lên gần 16,6 triệu người vào năm 2021. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 được thực hiện hiệu quả. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2020 đã tăng 3,5 lần so với năm 2010. Đặc biệt, Việt Nam đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo.

[Ảnh: PV/Vietnam+]

Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện đã khẳng định Nghị quyết số 15-NQ/TW hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế- xã hội.”  

Cải cách hướng tới toàn dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác an sinh xã hội của Việt Nam còn những hạn chế, bất cập. Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ ra rằng một số chính sách an sinh xã hội chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng, thiếu tính bền vững, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương và có sợ chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa tinh thần giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng còn rất lớn.

"Mức trợ cấp xã hội và mức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn thấp. Chất lượng về an sinh xã hội có mặt còn hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn; vẫn còn hiện tượng lạm dụng, trục lợi chính sách," Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.

Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội khi chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người cao tuổi [từ 60 tuổi trở lên] chiếm trên 10% tổng dân số từ năm 2011. Việt Nam cũng là 1 trong 5 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và phải đố mặt với nguy cơ “già trước khi giàu.”

Việt Nam cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thu hẹp diện tích đất ở, đất sản xuất… tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân, tạo áp lực đến hệ thống an sinh xã hội trong việc đảm bảo quyền con người tiếp cận các cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản.

[Chú trọng lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách an sinh xã hội]

Ông André Gama, quản lý chương trình An sinh Xã hội của ILO Việt Nam cho rằng những cải cách trong thời gian tới cần phải phù hợp với thực tế của bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam và dựa trên thành công của những tiến bộ đã đạt được trong thập kỷ qua.

Các chuyên gia chỉ ra rằng việc cải cách cần được thiết kế và thực hiện dựa trên một loạt các nguyên tắc như: Phối hợp và liên kết nhiều hơn giữa các chính sách và can thiệp khác nhau; hệ thống an sinh xã hội nhạy cảm hơn về giới và phản ứng với sốc; thiết kế các chính sách và can thiệp dựa trên cách tiếp cận vòng đời; đảm bảo an sinh xã hội không bỏ lại ai phía sau...

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh rằng để tiến tới tầm nhìn an sinh xã hội cho toàn dân, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể để tăng cường hệ thống an sinh xã hội trên nhiều chiều cạnh khác nhau.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định quá trình cải cách hệ thống an sinh sẽ hội sẽ tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo các chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Tại hội thảo, các cơ quan Liên hợp quốc đã khẳng định và củng cố cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW cũng như hỗ trợ kỹ thuật hướng đến việc xây dựng một Nghị quyết mới định hình các chính sách xã hội đến 2030 và tầm nhìn 2045 nhằm mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân tại Việt Nam./.

Hồng Kiều [Vietnam+]

Đào tạo nghề, tạo việc làm là một trong những chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 20212-2022: xu hướng và khoảng trống do Bộ LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 20/4.

Con người là trung tâm hệ thống an sinh xã hội

Theo Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội Bùi Tôn Hiến, từ khi Nghị quyết 15-NQ/TW được ban hành vào năm 2012, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đã dần được hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn cần được cải cách và củng cố hơn nữa, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Theo ông Bùi Tôn Hiến, hệ thống an sinh xã hội là "xương sống" của chính sách xã hội. Trong 10 năm qua, hệ thống an sinh xã hội nước ta đã tương đối toàn diện và đa dạng, ngày càng mở rộng về diện và đối tượng, hiệu quả được nâng cao bao gồm 4 trụ cột [nhóm chính sách] chính.

Thứ nhất là nhóm chính sách việc làm và giảm nghèo: Hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững. 

Thứ hai là nhóm chính sách bảo hiểm xã hội: Hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già… thông qua tham gia BHXH để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên. 

Thứ ba là nhóm chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất. 

Thứ tư là nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông.

Có thể kể đến những thành tựu nổi bật trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trong 10 năm qua. Cụ thể, cả nước đang có hơn 1,3 triệu người có công hưởng trợ cấp hằng tháng; bình quân mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp cho từ 6.000-8.000 trường hợp, đưa hơn 580.000 lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ. 

Thể chế thị trường lao động có nhiều đổi mới; bình quân hằng năm giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,6 triệu lao động; đưa 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp [từ 2-2,2%]. 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả. Theo đó, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỉ lệ hộ nghèo vẫn liên tục giảm từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23 % vào năm 2021…

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh định hướng chính sách trong giai đoạn tới là lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển. Các chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với các chính sách phát triển kinh tế. "Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững", ông Nguyễn Văn Hồi khẳng định.

Chia sẻ về quan điểm này, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam cho rằng để tiến tới an sinh xã hội cho toàn dân, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể cho việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội trên nhiều chiều cạnh khác nhau.

Tích hợp chính sách, giảm chồng chéo

Bàn về các giải pháp phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, chính sách xã hội trong thời gian tới, ông Bùi Tôn Hiến cho rằng cần tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 nhóm mục tiêu.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững, về ứng phó với biến đổi khí hậu, về giáo dục nghề nghiệp…

Đặc biệt, cần hiện đại hóa hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho rằng, giải pháp quan trọng là rà soát, tích hợp chính sách, giảm chồng chéo; thống nhất số hóa cơ sở dữ liệu.

Chia sẻ nhiều giải pháp phát triển hệ thống an sinh xã hội, ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như phối hợp và liên kết giữa các chính sách và các can thiệp khác nhau. Hệ thống an sinh xã hội cần nhạy cảm hơn về giới và phản ứng với diễn biến bất thường xảy ra như thiên tai, dịch bệnh. Thiết kế các chính sách và can thiệp dựa trên cách tiếp cận vòng đời. Đảm bảo an sinh xã hội không bỏ ai lại phía sau. Thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách an sinh xã hội…

Thu Cúc


Video liên quan

Chủ Đề