Các yếu tố thúc đẩy thanh toán điện tử

QPTĐ- Thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do, từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công, từ thành phố đến nông thôn. Điều đó tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.

Thanh toán bằng QR code đang phổ biến tại Việt Nam. [Ảnh: Internet]

Sau hai năm triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Thanh toán qua các kênh internet hay điện thoại di động đều tăng cả số lượng và giá trị giao dịch. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code tăng trưởng ấn tượng nhất với hơn 161% về số lượng và 36,6% về giá trị.

Ngành Ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như: Mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử eKYC, Mobile Money. Sáng kiến "Ngày không tiền mặt-Ngày 16-6 hằng năm" được tổ chức liên tục trong 04 năm qua đã truyền tải thông điệp tích cực, góp phần lan tỏa, xây dựng thói quen thanh toán, chi trả bằng phương thức không dùng tiền mặt trong xã hội đã giúp người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tích cực, hưởng ứng, thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong sinh hoạt hàng ngày.

Kết nối dữ liệu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Quyết định phê duyệt Đề án 06 của Thủ tướng về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Ngân hàng, khai thác cơ sở dữ liệu quý báu này. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay có hai bộ dữ liệu là: Bộ dữ liệu dân cư gồm 18 trường thông tin công dân cơ bản với 104 triệu người dân Việt Nam hiện đã có mã định danh duy nhất và bộ dữ liệu sinh trắc với gần 81 triệu căn cước công dân mang dữ liệu sinh trắc. Trong quá trình triển khai Đề án 06 đã làm "sạch" được 85% dữ liệu cho ngành bảo hiểm, 80% thuê bao di động, 21 triệu trong số 25 triệu dữ liệu cho ngành Ngân hàng. Từ đó tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch điện tử, trong đó có thanh toán không tiền mặt.

Ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm hạn chế đến mức tối đa các thực trạng về tài khoản ảo, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian sắp tới.

Đột phá về phương thức thanh toán bằng QR code Chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Người tiêu dùng có thể thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh, thậm chí là cả quán trà đá vỉa hè. Từ chỗ xa lạ cũng như tâm lý ngại tiếp xúc với công nghệ, tới nay thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hình thành thói quen với người tiêu dùng. Không chỉ những hàng hóa có giá trị lớn tiền triệu mà mua từ món hàng nhỏ 10-20 nghìn đồng, khách hàng cũng có thể quét mã QR code.

Phương thức thanh toán bằng QR code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước nhiều lần. Năm 2022, thanh toán bằng phương thức QR code tăng tới 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị so với năm 2021. Ba tháng đầu năm 2023, thanh toán qua phương thức QR code tăng 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Riêng giao dịch qua ATM giảm 2,73% về số lượng và 4% về giá trị.

Từ tháng 6/2021, khi dịch vụ chuyển nhanh Napas 247 bằng mã VietQR do NAPAS phối hợp các ngân hàng thành viên triển khai, dịch vụ này đã có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng qua mỗi giai đoạn. Ở giai đoạn đầu triển khai, dịch vụ chuyển tiền qua mã VietQR đã đạt mức tăng trưởng bình quân mỗi tháng 65,5% về số lượng giao dịch và 160% về giá trị giao dịch. Bước sang năm thứ hai, dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng bình quân cao, ở mức 38,5% về số lượng giao dịch và 28% về giá trị giao dịch.

Người dân sử dụng điện thoại di động cho các giao dịch tài chính ngân hàng nhiều hơn, mua hàng hóa dịch vụ, thanh toán tiện ích, chuyển tiền chủ yếu qua ứng dụng ngân hàng di động hoặc qua ứng dụng ví điện tử để thay cho tiền mặt. Và sự ra đời của phương thức VietQR đúng thời điểm, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán của người dân. Hơn nữa, quét mã VietQR để chuyển tiền mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng và chính xác cho người dùng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại. Đẩy nhanh việc nâng cấp, hiện đại hóa các hạ tầng thông tin dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng. Ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chủ Đề