Đặc điểm văn học Phật giáo thời Lý - Trần

Tóm tắt nội dung tài liệu

TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 36.2017

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC
PHẬT GIÁO LÝ - TRẦN
Phạm Thị Thu Loan1

TÓM TẮT
Văn học Phật giáo Lý - Trần được xem là thành tựu xuất sắc nhất của văn học
Phật giáo Việt Nam. Quá trình sưu tập và nghiên cứu nó được liên tục chú trọng từ
thời trung đại tới nay, bởi nhiều thế hệ tu sĩ và học giả Phật giáo. Công tác nghiên cứu
được thực hiện trên nhiều phương diện: sưu tầm, dịch thuật, tìm hiểu nội dung, phân
tích cấu trúc thi pháp, so sánh học… Tuy đó là những bước đi cần thiết tất yếu của lý
luận văn học nhưng chưa đủ. Tìm hiểu về các đặc điểm cơ bản của văn học Phật giáo
Lý - Trần từ sự kết hợp giữa triết học Phật giáo và lý luận văn học là hướng nghiên
cứu khoa học để tìm ra bản chất và diện mạo của bộ phận văn học này.
Từ khóa: Văn học Phật giáo, Đại thừa Phật giáo, các tông phái, tác phẩm văn
học Phật giáo Lý - Trần.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Văn học Phật giáo Lý - Trần là thành tựu văn học Phật giáo dân tộc kết tinh ở
đỉnh cao nhất của sự phong phú và tinh hoa, dưới ảnh hưởng sâu xa và quyết định của
tư tưởng Đại thừa Phật giáo. Vị thế lịch sử của văn học Phật giáo Lý - Trần được xác
lập ở điểm nó vừa tiếp tục dòng chảy văn học Phật giáo thời Giao Châu, vừa đảm
nhiệm sứ mệnh là bộ phận đặc biệt của văn học dân tộc trong tư cách mở đầu cho toàn
bộ sự phong phú, liền mạch, tổng hợp của hơn mười thế kỉ văn học trung đại Việt
Nam. Số lượng tác giả, tác phẩm của văn học Phật giáo Lý - Trần chiếm phần lớn trong
toàn bộ nền văn học Trung đại thời đại Lý - Trần [khoảng 471 tác phẩm, lực lượng
sáng tác chủ yếu là các thiền sư] [5; tr.174]. Văn học Phật giáo Lý - Trần còn là khởi
nguồn của cảm hứng nhân văn trong văn học dân tộc thành văn với sự đóng góp nổi
bật về hình tượng người thiền sư cầu giải thoát ngồi trầm tư suốt thời gian và không
gian để chiêm nghiệm về sinh mệnh con người. Trải qua quá trình biến thiên của lịch
sử nhiều biến động, dù số lượng còn lại không nhiều, nhưng các tác phẩm văn học Phật
giáo Lý - Trần bộc lộ tính xuất sắc của nó cả ở phương diện giáo nghĩa và ngôn ngữ,
sau được tập hợp lại trong một số cuốn sách tiêu biểu như: “Thiền uyển tập anh”,
“Thánh Đăng Thực Lục”, “Kế Đăng Lục”, “Nam Tông Tự Pháp Đồ”, “Khóa hư lục”,
“Thiền tông chỉ nam”, “Lục thời sám hối khoa nghi”, “Thạch thất Mị ngữ” và “Tăng
1

Giảng viên khoa Đại cương, Trường Đại học Thái Bình

94

TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 36.2017

già thoái sự”, “Thượng Sĩ Ngữ Lục”, “Tam Tổ Thực Lục”, “Tam Tổ Hành Trạng”…
[Phần lớn các tác phẩm kể trên chưa xác định được tác giả cụ thể]. Các tác phẩm văn
học Phật giáo Lý - Trần được tập hợp trong cả ba loại hình văn học: tự sự, trữ tình và
chính luận. Các thể loại văn học cụ thể rất phong phú, trên cơ sở tiếp thu các thành tựu
thể loại văn học Trung Hoa. Bao gồm ca, kệ, thơ, luận thuyết triết lý, tựa, chú giải, dịch
thuật, thuật ký, thư tranh luận thơ, biên khảo. Những thể loại này phục vụ cho mục
đích tôn giáo nên đa số thuộc văn học chức năng - một truyền thống của văn học cổ trung đại. Các hình thức lưu truyền chúng cũng khá phong phú: sách, khắc ván, minh
chuông, bia… Những đặc điểm vừa riêng biệt vừa thống nhất với đặc điểm hệ hình văn
học trung đại khiến cho văn học Phật giáo Lý - Trần có một diện mạo độc đáo và vị thế
lịch sử quan trọng.
Là một bộ phận của văn học dân tộc và là sự tiếp tục của dòng chảy văn học Phật
giáo Việt Nam cổ đại, văn học Phật giáo Lý - Trần có sự tiếp nối truyền thống văn học
Phật giáo rất đồ sộ thời Giao Châu. Đồng thời nó cũng biểu thị tư tưởng thời đại “Phật
giáo thế sự” và “Phật quang đồng trần” vui đạo tùy duyên - tiếp nối thời kì “Phật giáo
quyền năng” và “vận động độc lập” theo nhận định của Lê Mạnh Thát [4; tr.5]. Bởi
vậy, dù xuất hiện những “gương mặt lạ” như thiền sư Quảng Nghiêm, Diệu Nhân, Tuệ
Trung, song văn học Phật giáo Lý - Trần vẫn nổi bật đặc điểm bao trùm và cơ bản nhất
là nền văn học sùng đạo với chức năng thể hiện và truyền bá tư tưởng, giáo lý nhà Phật
thời Lý - Trần. Điều này sẽ quy định kiểu tư duy “trực cảm tâm linh”, dung hợp tam
giáo, chi phối toàn bộ quy trình sáng tạo tác phẩm là cảm hứng nghệ thuật, sự lựa chọn
đề tài, cái tôi nhà văn - ngôn ngữ tác phẩm, phẩm chất của hình tượng nghệ thuật, các
phương thức biểu đạt… Tính triết lí và tính trữ tình hòa quyện trong sự thể hiện và
dung hòa các hệ tư tưởng, cảm hứng về đất nước, thiên nhiên và quan niệm về con
người. Đây cũng là mảng văn học vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thi văn Trung
Quốc nhưng đã cố gắng vận động phát triển theo hướng dân tộc hóa, bước đầu có ý
thức về bản sắc ngôn ngữ, đề tài tư tưởng mang bản sắc dân tộc. Điều đó biểu thị qua
sáng tạo và sử dụng chữ Nôm trong sáng tác, sử dụng đề tài, thi liệu văn liệu của Việt
Nam, nội dung phản ánh cuộc sống và tinh thần của người Việt.
2. NỘI DUNG
2.1. Thế giới quan, nhân sinh quan và hệ thống triết lí của văn học Phật giáo
Lý - Trần xuất phát từ tư tưởng của Đại thừa Phật giáo
Thế giới quan, nhân sinh quan và hệ thống triết lí của văn học Phật giáo Lý Trần xoay quanh tư tưởng gốc rễ của Phật giáo Đại thừa lấy tư tưởng Không - Vô
thường - Vô Ngã làm cứu cánh giải thoát, đặc biệt là tư tưởng từ “Kinh Bát Nhã” chú
trọng quán về Không tính: “Chân Không diệu hữu - Vọng niệm duyên khởi”. “Chúng
95

TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 36.2017

ta nói rằng, tất cả các tác phẩm của văn học Phật giáo đều cố gắng cắm sâu gốc rễ
vào tánh Không” [6]. Với cái nhìn độc đáo về thế giới hiện tượng thống nhất các mặt
đối lập Hữu - Vô bằng triết luận “vạn hữu giai không”, Thiền tông biện giải mối quan
hệ giữa tồn tại và phi tồn tại, giữa hiện tượng và bản chất, một và tất cả, vũ trụ và con
người… bằng cái nhìn không phân biệt, phá chấp, tùy thuộc vào các duyên sinh diệt.
Nhân sinh quan Đại thừa Phật giáo, trên nền tảng tư tưởng đó có cái nhìn thật sự bình
đẳng, tích cực, đem lại niềm tin và an lạc cho con người trong mọi hoàn cảnh sống
gian nan và bất toàn, có khả năng làm chủ cuộc sống, chuyển hóa khổ đau và chú trọng
hạnh phúc hiện tại. Cảm hứng chủ đạo của văn học Phật giáo Lý - Trần bắt nguồn từ
các triết lí về Vô thường, Vô ngã và Không của Thiền tông Đại thừa làm thành khuynh
hướng văn học mang cảm hứng Thiền. Các vận động thẩm mỹ văn học của hình tượng,
ngôn ngữ, kết cấu tác phẩm cho đến quan niệm nghệ thuật… đều chịu ảnh hưởng chi
phối quyết định của thế giới quan và nhân sinh quan đó. Bởi vậy lần lượt trong các tác
phẩm văn học Phật giáo Lý - Trần chúng ta có thể tìm ra các ý niệm, các ẩn dụ về
“Tâm bất sinh”, “Phật tại tâm”, “siêu việt hữu - vô”, “vô tâm, vô đắc, vô niệm, vô trụ,
vô tu vô chứng” và quan niệm “tùy duyên”, “tùy tục”, hay “hòa quang đồng trần”, “cư
trần lạc đạo”, “bình thường tâm thị đạo”... Các đề tài, chủ đề - tư tưởng chủ yếu là của
văn học Phật giáo thời Lý - Trần thường xoay quanh vòng luân hồi, nhân quả, lẽ vô
thường, chân lý vô ngã từ góc nhìn Thiền tông. Tác giả văn học điển hình nhất cho sự
cộng hưởng tổng hợp về tư tưởng tông phái này ở giai đoạn Lý - Trần có lẽ là Tuệ
Trung Thượng sĩ. Tác phẩm và hành trạng của ông phản ánh một tư duy phong phú mà
nhất quán, thấu suốt mà tự tại, an nhiên. Ông bàn định cả về lý Không, đập phá cả khái
niệm, quan điểm nhị nguyên, chấp ngã, chấp giới. Ông cũng biểu lộ thành công trong
thi ca con người bản nhiên và con người Thiền hòa quang đồng trần như ghi nhận của
Trần Nhân Tông trong Thượng sĩ hành trạng: “Ta trộn lẫn vào thế tục, hòa cùng ánh
sáng, đối với mọi vật chưa từng xúc phạm hay trái ngược” [Hỗn tục hòa quang, dữ vật
vị thường xúc ngỗ].
2.2. Văn học Phật giáo Lý - Trần chịu sự chi phối của vận động văn học dân
tộc thời kỳ sơ khởi, với ảnh hưởng của tư tưởng Tam giáo Đồng nguyên và hệ
thống thi văn quy phạm Trung Hoa
Chúng ta đều thống nhất rằng thời trung đại văn hóa và văn học Việt Nam chịu
sự chi phối mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa, trong đó có việc dân tộc ta phải dùng
Hán văn để sáng tác văn học. “Các nhà sư đọc kinh từ văn bản Hán, thường chịu ảnh
hưởng của tri thức văn hóa Hán, văn tự Hán, nhất là trong tình trạng hỗn dung văn hóa,
ít có sự đối cực” [Nguyễn Công Lý]. Trong bối cảnh đồng nguyên của văn hóa Trung
Hoa và nhu cầu kiến tạo chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật của Nước nhà, văn học
Phật giáo rõ ràng có sự thích nghi và chấp nhận quan điểm đồng nguyên tam giáo giữa
96

TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 36.2017

Phật - Nho - Lão giáo. Nho giáo và nhu cầu quản lý xã hội phong kiến là cơ sở cho sự
dung thông của tinh thần “tự nhiệm” “tề quốc” - “tu thân” của Nho học với tinh thần
“dấn thân” “vị tha” “vô ngã” của nhà Phật. Bởi vậy văn học Phật giáo Lý - Trần xuất
hiện hàng loạt các tác giả đồng thời là Quốc sư vừa hành đạo vừa cố vấn cho triều
chính và đưa Phật giáo thời kỳ này lên địa vị Quốc giáo. Tư tưởng “Hỗn tục hòa
quang” của Thiền tông hướng tới cái tự do tiêu dao tuyệt đối, sống theo bản tính hòa
làm một với đạo, thuận tự nhiên, tùy tục. Triết lí “cư trần lạc đạo thả tùy duyên” rất
đậm chất Lão Trang với triết lí “nhậm vận tùy duyên”. Tư tưởng Lão Trang cũng làm
nên con người Tuệ Trung Thượng sỹ “vô đãi, bất nhị vật, tiêu dao tùy tục an nhiên tự
đắc” và pháp tu này cũng có ảnh hưởng sâu đậm lên Thiền học của Trần Nhân Tông và
Thiền phái Trúc Lâm. “Một chữ Lạc của Trần Nhân Tông có sự góp mặt của cả Tam
gia - Nho, Phật, Đạo” [Nguyễn Kim Sơn].
Về hình thức nghệ thuật, hầu hết các thể loại văn học, các thủ pháp nghệ thuật,
cấu trúc ngôn ngữ, bên cạnh đặc điểm Thiền ngữ thì ảnh hưởng mạnh mẽ của thi văn
Trung Hoa bao quát trên tất cả các mặt ngôn ngữ, hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật, thể
loại tác phẩm và các hình thức tồn tại như văn bia, chuông đồng, khắc ván, truyền tụng
trong dân gian. Lê Văn Siêu cho rằng: Văn học thời Lý “bóng bẩy đẹp đẽ gần như thể
văn đời nhà Đường Trung Hoa, có thành tựu về thể biền ngẫu” [3; tr.154]. Riêng thể
loại văn học khá đa dạng như: sấm kí, từ khúc, ngữ lục, thơ thiền, niệm tụng kệ, ca
ngâm, phú, minh - bi - ký luận thuyết tôn giáo, truyện ký... Lớp ngôn ngữ dày đặc các
từ ngữ Phật giáo và mang ý nghĩa chuyên biệt về Phật giáo. Hình ảnh, biểu tượng, các
thủ pháp nghệ thuật cho đến cảm quan và yếu tố thẩm mỹ đều mang đặc trưng ý nghĩa
Phật học cao. Tư duy thẩm mỹ và cái Tôi tác giả mang đậm cảm hứng Thiền vị. Cảm
hứng nghệ thuật, ngôn ngữ và thể loại, những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng, những
biểu tượng nghệ thuật, kết cấu, thời gian và không gian nghệ thuật làm cho lối diễn đạt
và kết cấu của tác phẩm văn học Phật giáo như các công án. Ngôn ngữ “đạo đoạn” với
tính cổ đúc, hàm súc, lối diễn dạt hàm ngôn ý tại ngôn ngoại, huyền ngoại chi âm... Bài
viết “Hán văn Lý -Trần, thời kỳ cổ điển của 10 thế kỉ Hán văn Việt Nam thời độc lập”
[tạp chí Hán Nôm số 1 - 1999] của Phạm Văn Khoái nêu quan điểm cho rằng ngôn ngữ
thơ Thiền Việt Nam chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Hán văn thời Tiên Tần, Lưỡng Hán
và ngôn ngữ kinh điển Phật giáo Trung Hoa. Về mặt thể loại, văn học Lý - Trần vay
mượn những thể loại của văn học Trung Quốc để sáng tác, bao gồm vận văn, biền
văn và tản văn: Vận văn có các thể thơ cổ phong, thơ luật Đường [bát cú, tứ tuyệt], từ
khúc, ca, ngâm; biền văn thì mượn các thể như hịch, phú, cáo; tản văn thì mượn các
thể chiếu, chế, biểu, tấu, tự, bạt, bi ký, sử ký, luận thuyết, các thể truyện… [riêng
thể chiếu, chế, biểu, tấu có nhà nghiên cứu xếp vào loại biền văn. Tất cả các thể loại
được sử dụng trong văn học Lý - Trần đều là những thể loại của văn học Trung Quốc.
97

TẠP CHÍ KHOA HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 36.2017

Khi vay mượn để sáng tác, các tác giả đã tuân thủ một cách nghiêm ngặt theo những yêu
cầu có tính quy phạm của từng thể loại đó. Theo như kết quả nghiên cứu hiện nay thì văn
học Lý - Trần chưa có thể loại văn học tự thân, nội tại của dân tộc như ở giai đoạn văn
học sau. Điều lưu ý là trong các thể loại trên, về số lượng và chất lượng thì vận văn nổi
trội hơn tản văn; các thể loại trữ tình đạt nhiều thành tựu hơn thể loại tự sự.
2.3. Văn học Phật giáo Lý - Trần bước đầu có sự vận động và phát triển theo
hướng dân tộc hóa
Điều đó biểu lộ rõ nét nhất trong ý thức về ngôn ngữ, đề tài và phong cách diễn
đạt các yếu nghĩa của đạo Phật hướng về các đặc tính dân gian dân tộc. Từ thế kỉ X,
các nhân tố văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự… đã hợp lưu đủ để thúc đẩy sự
phát triển độc lập và vững mạnh của Nhà nước phong kiến ở Việt Nam. Điều đó thúc
đẩy khát vọng độc lập về văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ. Bên cạnh lối diễn đạt, từ ngữ,
hình ảnh dần mang đậm sắc thái tinh thần người Việt, thì đáng kể nhất là sự xuất hiện
và vai trò của chữ Nôm trong nền văn học Phật giáo trung đại. Để phù hợp với đặc
điểm văn hóa và tư duy người Việt, chữ Hán dần được Việt hóa thành từ Hán - Việt,
thành chữ Nôm. Tuy văn học trước thời Lý - Trần được viết bằng chữ Hán nhưng trong
đó chúng ta lại thấy phôi thai hình thức tá âm để hình thành chữ Nôm giai đoạn sau,
đặc biệt là trong Hán văn lại được viết theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Điều đó cũng
có nghĩa là nhà chùa là nơi đầu tiên sản sinh ra tá âm. Có lẽ đây là nền tảng, để giai
đoạn sau chế tác ra chữ Nôm tương đối hoàn thiện và sử dụng để sáng tác tạo nên
những tác phẩm văn học ưu tú. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Văn học chữ Nôm
được hình thành trong đời Trần. Chính trong các sớ điệp, tăng sĩ phải sáng tác những
chữ Nôm để kê tên họ những người muốn cầu an, cầu siêu, thọ giới và những người
quá cố cần được cầu siêu độ, do đó mà chữ Nôm ra đời” [1; tr.216]. Ngôn ngữ Nôm,
các hình ảnh, từ ngữ bình dị, quen thuộc với sinh hoạt đời sống Việt xuất hiện trong
các bài phú, thơ Nôm của Trần Thái Tông, Nhân Tông, Huyền Quang... Điều đó khiến
cho diện mạo văn học Phật giáo mang các thuộc tính thuần Việt ngày càng rõ nét.
Về nội dung tư tưởng của văn học Phật giáo Lý - Trần, bên cạnh các yếu nghĩa
Không, Vô thường, Vô ngã của triết lí Đại thừa, bộ phận văn học này còn đề cao tinh
thần nhập thế tích cực trong cả hai xu hướng “Phật giáo vận động độc lập dân tộc” và
“Phật giáo hòa quang đồng trần” như khẳng định của Lê Mạnh Thát [4; tr.5]. Văn học
Phật giáo thời đại này không phản ánh tư tưởng xuất thế mà là sự quan tâm sâu sắc tới
vận mệnh dân tộc và thân phận con người. Đó là nhân duyên ra đời của lẽ đạo “Vô vi
cư điện các” trong “Quốc tộ” của Pháp Thuận, hay bức tranh quê nhà thuần hậu nét
đẹp cảnh vật nước Việt hòa hợp trong lẽ đạo huyền vi trong “Thiên Trường vãn vọng”
của Trần Nhân Tông… Theo ý kiến của người viết, khi hội nhập vào đất Việt, hơn bất
98

Page 2

YOMEDIA

Công tác nghiên cứu được thực hiện trên nhiều phương diện: sưu tầm, dịch thuật, tìm hiểu nội dung, phân tích cấu trúc thi pháp, so sánh học… Tuy đó là những bước đi cần thiết tất yếu của lý luận văn học nhưng chưa đủ. Tìm hiểu về các đặc điểm cơ bản của văn học Phật giáo Lý - Trần từ sự kết hợp giữa triết học Phật giáo và lý luận văn học là hướng nghiên cứu khoa học để tìm ra bản chất và diện mạo của bộ phận văn học này.

12-04-2018 232 15

Download

Giấy phép Mạng Xã Hội số: 670/GP-BTTTT cấp ngày 30/11/2015 Copyright © 2009-2019 TaiLieu.VN. All rights reserved.

Video liên quan

Chủ Đề