Điểm chuẩn các trường đại học trên thành phố năm 2022

[PLO]- Trước 17 giờ ngày 17-9, các cơ sở đại học sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển và kết quả xét tuyển năm 2022.

Từ nay đến ngày 17-9, các cơ sở đào tạo sẽ tải dữ liệu từ hệ thống để xét tuyển và phối hợp với Bộ GD&ĐT xử lý nguyện vọng, lọc ảo. Năm nay, số thí sinh [TS] đăng ký xét tuyển đại học [ĐH] giảm khoảng 20% so với năm 2021. Điều này khiến không ít trường lo lắng về kết quả tuyển sinh năm nay.

Khó xác định điểm chuẩn

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có tổng số TS đã nhập nguyện vọng là hơn 620.000 em với hơn 3 triệu nguyện vọng.

Như vậy, đã có hơn 321.000 em không tham gia xét tuyển ĐH. So với năm 2021, số TS giảm khoảng 20% và giảm 3,4% so với năm 2020.

Trong đó, năm địa phương có số TS không đăng ký xét tuyển nhiều nhất lần lượt là Hà Nội [hơn 22.000 em], Thanh Hóa, Nghệ An, TP.HCM và Đắk Lắk.

Theo một chuyên gia tuyển sinh tại TP.HCM, hiện các trường đều như “ngồi trên lửa” vì thống kê nguyện vọng xét tuyển xong vẫn chưa biết kết quả tuyển sinh sẽ như thế nào. Bởi số TS đăng ký giảm, số TS ảo chắc chắn vẫn lớn, nhất là những ngành hot, trọng điểm ở các trường.

Tuy nhiên, vị này cho rằng số TS đăng ký giảm cũng có thể là tín hiệu tích cực là TS cân nhắc lựa chọn học ĐH hoặc học nghề hơn sau khi đã biết điểm thi cao hay thấp. Do đó, có thể điểm xét tuyển chất lượng hơn, cộng với chỉ tiêu ở nhiều trường cho phương thức này càng cao thì điểm chuẩn càng khó biến động.

Còn tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, năm nay trường tuyển hơn 4.000 chỉ tiêu cho 32 ngành học. Về điểm chuẩn, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, cho rằng những ngành hot thường có điểm chuẩn cao năm nay có thể ở mức 24 điểm như công nghiệp thực phẩm, marketing. Những ngành năm ngoái khá cao thì năm nay có thể tăng nhẹ khoảng 0,5 điểm như ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc.

Tại Trường ĐH Bách khoa [ĐH Quốc gia TP.HCM], Trưởng Phòng đào tạo, PGS - TS Bùi Hoài Thắng cho biết năm nay trường sử dụng phương thức xét tuyển tổng hợp với nhiều thành phần điểm nên khá khó để dự báo điểm chuẩn. Tuy nhiên, theo ông Thắng, nếu chỉ xét thành phần điểm thi, một số ngành nhiều năm qua có điểm cao 27-28 điểm như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật ô tô… thì năm nay có thể không tăng hơn vì số TS điểm thi cao năm nay không nhiều. Còn những ngành nhóm xây dựng, cơ khí… cần nhân lực nhiều nhưng TS “kén” chọn nên điểm chuẩn cũng chỉ ở mức vừa phải.

ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, cho rằng căn cứ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay và số lượng TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển so với chỉ tiêu vào các trường ĐH năm nay, điểm chuẩn của các trường về cơ bản có thể không tăng so với năm 2021, nếu có tăng cũng tăng không đáng kể.

Không được điều chỉnh danh sách TS trúng tuyển

Bộ GD&ĐT chỉ đạo: Các cơ sở đào tạo không được yêu cầu TS xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16-9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30-9.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ ngày 4-9 đến 17 giờ ngày 15-9, cơ sở đào tạo [các trường ĐH và các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non] tải dữ liệu, thông tin xét tuyển trên hệ thống, tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Đồng thời, trong thời gian này, Bộ GD&ĐT tổ chức lọc ảo giúp các trường.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh hệ thống chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những TS đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào cơ sở đào tạo khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà cơ sở đào tạo gửi lên hệ thống. Hệ thống không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà cơ sở đào tạo đã xác định hay xét tuyển thay cho các cơ sở đào tạo.

Do đó, các cơ sở đào tạo tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.

Đặc biệt, bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định như danh sách TS trúng tuyển chính thức vào cơ sở đào tạo là danh sách TS được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại cơ sở đào tạo [trên cơ sở danh sách TS dự kiến trúng tuyển do cơ sở đào tạo tải lên hệ thống].

Sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 15-9, bộ đề nghị các cơ sở đào tạo tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.

Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay một số cơ sở đào tạo đã tự nguyện hình thành nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc và nhóm xét tuyển khu vực phía Nam. Tuy nhiên, bộ lưu ý các nhóm cần thống nhất việc hỗ trợ lẫn nhau trong xét tuyển và lọc ảo. Các cơ sở đào tạo cần tính toán việc điều chỉnh điểm dự kiến trúng tuyển, danh sách TS dự kiến trúng tuyển sau mỗi lần lọc ảo trong nhóm và lọc ảo toàn quốc để đảm bảo danh sách TS chính thức trúng tuyển vào cơ sở đào tạo sau lần cuối cùng lọc ảo toàn quốc [ngày 15-9] sát với chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, bộ đề nghị các cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với TS, tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của TS trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.

Ba mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý

Trước 17 giờ ngày 17-9, các cơ sở đào tạo công bố điểm chuẩn trúng tuyển và kết quả xét tuyển năm 2022.

Trước 17 giờ ngày 30-9, tất cả TS trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Từ tháng 10-2022 đến tháng 12-2022, các cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung. Các TS có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

PHẠM ANH

Trường ĐH Kinh tế quốc dân

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân - dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường năm 2022 sẽ tương đối ổn định như năm 2021.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Triệu cho hay, theo nhận xét của các giáo viên và thí sinh, đề thi năm nay có tính phân hóa tốt hơn. Đặc biệt việc đạt điểm 9-10 khá khó.

Năm nay, dù phương thức dùng kết quả tổ hợp điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT để xét tuyển vẫn là chủ yếu, song các trường đại học cũng đưa ra rất nhiều phương thức riêng khác để tuyển sinh.

Do đó, ông Triệu dự đoán, đối với các trường hot, ngành hot thì điểm chuẩn sẽ không giảm, có tăng cũng không nhiều.

“Theo kinh nghiệm, tôi cho rằng điểm chuẩn vào các ngành của trường nhìn chung sẽ không tăng, hoặc có tăng cũng không đáng kể so với năm ngoái.

Đối với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mức điểm chuẩn như năm ngoái đã quá cao rồi. Ví dụ, năm 2021, ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất Trường ĐH Kinh tế quốc dân là 26,8, tức trung bình mỗi môn đã gần 9 điểm; còn ngành cao nhất lên đến 28,3, tức trung bình mỗi môn trên 9,5 điểm.

Như vậy, theo dự đoán của tôi, với những ngành điểm chuẩn năm ngoái đã cao rồi thì năm nay cũng sẽ không cao hơn được nhiều” - ông Triệu nói.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Thanh Hùng

Trường ĐH Thương mại

Trao đổi với VietNamNet, ThS Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Thương mại dự đoán điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường năm 2022 theo tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tương tự hoặc tăng nhẹ so với năm 2021.

Theo ông Trung, năm nay, các trường đều giảm số chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, bởi đã xét tuyển bằng nhiều phương thức khác. Và khi số chỉ tiêu còn lại giảm, dù mặt bằng chung điểm thi năm nay có giảm đôi chút thì điểm chuẩn vẫn có thể giữ nguyên hoặc thậm chí cao hơn một chút, đặc biệt ở một số ngành hot. 

“Năm ngoái, hầu hết các ngành được nhà trường dành 80% tổng số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 20% cho các phương thức khác. Còn năm nay, trường chỉ dành 52% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, 48% chỉ tiêu còn lại cho các phương thức xét tuyển khác.

Vì vậy, chúng tôi dự kiến điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Thương mại năm 2022 tương tự hoặc tăng nhẹ so với năm 2021.

Cụ thể, nhóm ngành top đầu như Losgictics và Quản lý chuỗi cung ứng; Marketing; Thương mại điện tử điểm chuẩn có thể giữ ổn định và có thể tăng nhẹ. Nhóm ngành tiếp theo như Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế và một số ngành khác có thể điểm chuẩn sẽ giữ ở mức ổn định như năm ngoái”, ông Trung chia sẻ. 

Tất nhiên, ông Trung cho rằng, những dự đoán này còn tùy thuộc vào số nguyện vọng đăng ký của thí sinh cụ thể ở từng ngành học.

Trường ĐH Giao thông vận tải

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho hay, căn cứ vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và phổ điểm các tổ hợp, có thể thấy, điểm các tổ hợp A00, A01, D01 có vẻ thấp hơn năm 2021 và cao hơn năm 2020.

Trong các tổ hợp, số có mức điểm từ 23 đến 24 điểm thấp hơn năm 2021; còn số từ 25 điểm trở lên đến 26 điểm số lượng cao hơn năm 2021.

Vì vậy, các thí sinh cần căn cứ vào kết quả thi THPT theo các tổ hợp và tham khảo điểm chuẩn của năm 2021 để lựa chọn ngành đăng ký cho phù hợp. 

“Nếu như các em ở mức 23-24 điểm thì vẫn nên chọn những ngành ở mức 23-24 điểm năm trước. Còn những em có mức điểm khoảng 25-26 thì sẽ gặp khó khăn hơn với những ngành có điểm trúng tuyển khoảng 25-26 của năm ngoái vì năm nay có thể nhóm này sẽ tăng khoảng 0,5 điểm”.

Riêng với ĐH Giao thông vận tải, ông Chương dự đoán, năm nay điểm chuẩn phần lớn các ngành khả năng sẽ giảm so với năm 2021, một số ngành sẽ giảm từ 0,5 điểm trở lên.

Tuy nhiên, ông Chương cũng cho hay, đây chỉ là những dự đoán theo kinh nghiệm, mang tính tham khảo và không có tính tuyệt đối.

Học viện Tài chính

TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho hay, năm nay, một số trường dành chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT khá nhiều, vì thế điểm chuẩn có thể nhích lên. 

Tuy nhiên, đối với Học viện Tài chính, số chỉ tiêu vẫn như năm ngoái và vẫn 2.000 chỉ tiêu [chiếm 50% tổng chỉ tiêu] xét tuyển dựa theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Năm ngoái, nhà trường có xét tuyển sớm đối với các phương thức khác nhưng năm nay theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, các phương thức đều được xét tuyển chung.

Do đó, nhìn vào phổ điểm thi năm nay, ông Tùng dự kiến điểm chuẩn của Học viện Tài chính 2022 có thể  giảm từ 0,5 - 1 điểm.

Ông Tùng cũng dự đoán, điểm chuẩn các ngành của trường cũng sẽ không chênh lệnh nhau nhiều và thậm chí chỉ chênh nhau cỡ 0,1 hoặc 0,2 điểm.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Theo VOV, TS Lê Đình Nam, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, nhìn chung phổ điểm các môn thi năm nay có phần “nhỉnh” hơn so với năm 2021. Năm 2022, chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giảm mạnh, phổ điểm lại cao hơn, do đó, dự báo khả năng cao điểm trúng tuyển vào các ngành sẽ tăng nhẹ.

Song TS Lê Đình Nam cũng cho rằng, nếu như những năm trước, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT và sẽ có một lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm. Như vậy dựa vào số lượng thí sinh đăng ký và phổ điểm thi, các trường có thể dự báo tương đối chính xác mức điểm chuẩn vào các chuyên ngành. Tuy nhiên, năm nay thí sinh chỉ đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng duy nhất trong một đợt, nên điểm chuẩn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của thí sinh.

Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, chia sẻ với Báo Lao Động đề thi THPT năm nay có cấu trúc hay hơn, có tính phân hóa hơn. Khi đề thi phân hóa sẽ tạo ra phổ điểm có sự khác nhau, số điểm giỏi giảm đi, khiến điểm chuẩn cũng sẽ giảm.

Tuy vậy, năm nay Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và nhiều trường đại học khác có sự đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Điều này dẫn đến chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi sẽ giảm đi.

Dù có yếu tố này tác động, song với kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển sinh, ông Xuân Anh dự báo điểm chuẩn vào trường năm nay có xu thế giảm nhẹ so với năm 2021, mức giảm sẽ tùy từng ngành.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

TS Nguyễn Viết Đăng, Trưởng Ban Quản lý Đào tạo - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, qua phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo điểm chuẩn năm 2022 của một số ngành vào học viện sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm.

Đặc biệt, với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thí sinh phải đạt từ 24-25 điểm trở lên mới có thể trúng tuyển vào học viện.

Ngoài ra, ngành Thú y cũng được dự đoán là ngành có điểm chuẩn tương đối cao, nhỉnh hơn 1 đến 2 điểm so với năm trước.

Trường ĐH Thủy lợi

TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Thủy lợi dự báo điểm chuẩn các ngành của trường năm 2022 sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm.

Dự kiến từ năm 2023, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ không tuyển sinh ĐH chính quy chỉ theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Bộ GD-ĐT vừa thông báo một số mốc thời gian quan trọng tiếp theo trong quá trình xét tuyển đại học năm 2022.

Video liên quan

Chủ Đề