Hiệu ứng đám đông trên thị trường chứng khoán

Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng phổ biến

Tuy nhiên, với khả năng tạo ra những biến động lớn như vậy, hiệu ứng đám đông có thực sự nguy hiểm và liệu chúng ta có thể làm gì để xóa bỏ những hiệu ứng này?

Như đã phân tích ở trên, hiệu ứng đám đông là một hiện tượng khá phổ biến, không chỉ trong cuộc sống thực mà cả trên thị trường tài chính ở hầu hết các quốc gia. Có lẽ quyển sách nổi tiếng của Charles Mackay, “Những ảo giác cực kỳ phổ biến và sự mất trí của đám đông”, đã được nhắc đến nhiều nhất trong những cuộc bàn luận về các hiện tượng của thị trường chứng khoán, từ cơn sốt hoa tulip ở Hà Lan thế kỷ 17 cho đến những hiện tượng “bong bóng” gần đây nhất. Cốt truyện khá tương tự nhau: một thị trường chứng khoán đang trong thời kỳ giá lên [bull market] khiến dân chúng thấy xu hướng tăng giá là

không thể ngừng. Với cách suy nghĩ lạc quan như vậy mọi người mua chứng khoán vượt quá nhu cầu thật sự của mình, cùng lúc đó những người cho vay liên tục đổ thêm dầu vào lửa khi cấp thêm các khoản nợ cho thị trường này. Đến khi nhà đầu tư nhận ra thị trường không mạnh như họ đã kỳ vọng, sự sợ hãi tăng lên. Và chắc chắn cuối cùng khi sự lo lắng chuyển thành cơn bán đổ bán tháo thì thị trường sẽ sụp đổ, tạo ra một vực xoáy nhấn chìm thị trường sâu hơn cả trước khi có cơn sốt, và hậu quả là phải tốn nhiều năm thì thị trường mới có thể phục hồi trở lại.

Quan niệm cho rằng chỉ ở Việt Nam thì mới có tâm lý đám đông trong đầu tư là sai lầm. Sự thật thì hiệu ứng đám đông xuất hiện ở hầu hết các thị trường mới nổi thậm chí ngay cả ở các thị trường phát triển thì vẫn có những giai đoạn tồn tại hiệu ứng đám đông. Nếu không, lịch sử kinh tế thế giới đã không chứng kiến nhiều vụ nổ bong bóng và khủng hoảng như khủng hoảng Hoa tulip – Hà Lan [1634-1637],bong bóng South Sea - Anh [ 1711-1720], khủng hoảng Bất động sản Florida- Mỹ [1920-1922], đại suy thoái thế giới 1929, khủng hoảng 1987, khủng hoảng Châu Á 1997, khủng hoảng dotcom [2001]….

Các kết quả của các cuộc điều tra về tâm lý đầu tư trên thị trường chứng khoán ở Mỹ và Nhật được Robert J. Shiller- đại học Yale, Fumiko Kon-Ya -Viện nghiên cứu chứng khoán Nhật bản, Yoshiro Tsutsui- đại học Osaka tiến hành trong 10 năm, 6 tháng 1 lần bắt đầu từ năm 1989 cũng cho thấy sự ảnh hưởng của tâm lý đám đông đến quyết định đầu tư. Điển hình theo kết quả điều tra từ năm 1995 đến năm 1997, chỉ số DowJones tăng gấp đôi từ 4069 lên 7917, gấp 3-4 lần mức tăng trung bình, ở thời điểm đó cứ 5 người Mỹ thì có ít nhất 2 người chơi cổ phiếu. Điều tra 6 tháng đầu năm 1996 , có đến 32.5% [ tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1989] nhà đầu tư cho biết dù họ biết trong tương lai sẽ rớt giá nhưng họ vẫn tiếp tục mua cổ phiếu càng nhiều càng tốt vì tin rằng giá cao vẫn có thể duy trì được một thời gian nữa. Tháng 10 năm 1997,chỉ số Dow Jones rớt 554 điểm, nhiều nhà phân tích cho biết ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, nguyên nhân “tâm lý bầy đàn “ là rất đáng kể. Khi ấy, các nhà quản lý các quỹ đầu tư vô cùng lo lắng dự đoán về những gì các nhà đầu tư khác sẽ hành động. Tin tưởng là những người khác sẽ bán và vì cũng không muốn “ở lại phía sau”, họ đã đua nhau bán cổ phiếu ra, hậu quả là tạo nên một cơn sụt giảm nghiêm trọng.

Rõ ràng hiệu ứng đám đông không chỉ có ở Việt Nam và việc tìm kiếm những giải pháp để xóa bỏ hoàn toàn hiệu ứng này là một sự kỳ vọng không căn cứ và bất khả thi. Tuy nhiên, cũng như phần phân tích ở trên đã chỉ ra, hiệu ứng đám đông là một hiện tượng xã hội mang cả tính tích cực và tiêu cực, và trong thực tế lịch sử của Việt Nam cũng đã chứng minh được tính tích của của đám đông trong những giai đoạn lịch sử quan trọng. Như vậy, vấn đề là phải tìm ra những giải pháp để hướng đám đông theo những hướng tích cực đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của nó.

Giải pháp cho Việt Nam

Một người Việt Nam lớn lên thường được dẫn dắt với rất nhiều lời răn dạy về cách sống, cách cư xử ở đời như thì chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành, dĩ hoà vi quý... tất thảy đều mang một tấm lòng khoan nhượng. Nhưng những tính tốt ấy, xét ở một khía cạnh nào đó không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tích cực. Báo “Ong đất” của Bungari tổng kết về thời kỳ bao cấp tại nước này như sau:

“Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.

Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.

Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.

Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.

Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.

Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý".”

Thay đổi cách nghĩ, cách làm là điều cần thiết để con người có thể có những phản ứng tích cực hơn đối với các hiện tượng trong cuộc sống. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố:

¡ Đề cao tính tự chủ và sáng tạo

¡ Xây dựng môi trường sống lành mạnh trong đó khuyến khích yếu tố sáng tạo của các cá nhân.

Hệ thống giáo dục của Việt Nam đến nay đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này và có những nỗ lực để cải thiện vấn đề thông qua cải cách hệ thống giáo dục, phương pháp giảng dạy… Tuy nhiên, kết quả mà chúng ta đạt được chưa phải là nhiều.

“Đám đông là một bầy đàn dễ sai khiến và không thể sống thiếu chúa tể. Đám đông khao khát phục tùng đến nỗi nó sẽ theo bản năng mà tuân phục ngay kẻ nào tuyên bố là chúa tể của nó.” Như vậy việc nắm giữ được ví trị “chúa tể của đám đông” sẽ là vấn đề then chốt để định hướng tư duy cũng như hành động của đám đông, từ đó, hướng đám đông theo hướng tích cực hay tiêu cực. Vậy làm thế nào để Chính phủ có thể trở thành “chúa tể của đám đông” hay chính là “làm thế nào để có thể định hướng đám đông theo mục tiêu điều hành chung của đất nước?

Theo Lebon thì “Nếu đám đông cần một lãnh tụ thì lãnh tụ cũng phải có một số phẩm chất cá nhân phù hợp. Chính người đó phải tin tưởng một cách cuồng nhiệt [vào một lí tưởng] để có thể đánh thức niềm tin ấy trong quần chúng; người đó phải có một ý chí đáng khâm phục để có thể truyền ý chí này cho đám đông nhu nhược”. Vậy nếu một chính phủ muốn trở “thành lãnh tụ của đám đông”, họ sẽ phải:

¡ Có định hướng phát triển rõ ràng. Việc xây dựng một chiến lược phát triển rõ ràng cho đất nước và kiên trì với mục tiêu ấy cũng giống như xây dựng một niềm tin, một lý tưởng chung đẹp đẽ và cao cả.

¡ Nâng cao năng lực hoạt động và xây dựng lòng tin của dân chúng.

¡ Minh bạch hóa thông tin

¡ Có cơ chế kiểm soát hợp lý

Truyền thông cũng là một phương thức ngày càng quan trọng bởi vì nó là phương pháp hữu hiệu tác động vào tâm lý và cảm xúc xã hội. Chúng ta không thể phủ nhận tác động của truyền thông tới thị trường tài chính và đặc biệt là thị trường chứng khoán. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ rõ ràng giữa truyền thông và diễn biến trên thị trường chứng khoán. Và khi nào vắng bóng những nguồn tin tốt, theo nghĩa đủ, công bằng, và có chất lượng theo các phương pháp tin cậy, tin đồn sẽ tung hoành và các nhà đầu tư sẽ chi phối giữa các hệ thống tin đồn. Những nghiên cứu của Tetlock đã chỉ ra rằng:

Mức độ tiêu cực [bi quan] cao trong thông tin truyền thông góp phần rất mạnh dự báo trước áp lực sẽ làm giảm giá chứng khoán.

Những mức bi quan cao hoặc thấp bất thường trong thông tin truyền thông sẽ góp phần báo trước cho những phiên giao dịch với khối lượng khớp lệnh lớn.

Ngược lại, lợi suất thu về trên thị trường thấp sẽ tác động nâng cao mức bi quan truyền thông.

Phải thấy rằng truyền thông ở Việt Nam cũng có một vai trò vô cùng quan trọng. Biểu hiện của tầm quan trọng này là sự lên ngôi của những tờ báo kinh doanh – tài chính – đầu tư, cả báo điện tử và báo giấy. Báo Đầu tư Chứng khoán đang có lượng độc giả theo dõi thường xuyên rất lớn. Các báo như Lao động, Tiền Phong, Hà Nội Mới,… vốn xưa nay không đặt thế mạnh vào TTCK cũng đã dành đất cho phần tin bài tài chính – chứng khoán. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, hệ thống truyền thông của Việt Nam hiện nay đang vừa thừa, vừa thiếu, với khối lượng thông tin được đăng tải rất nhiều, nhưng đôi khi lại thiếu đi tính chính xác, minh bạch và công bằng.

“Cân bằng thông tin” là qui tắc quan trọng của tiêu chí truyền thông văn minh mà chúng ta dễ hình dung như là "nghe bằng hai tai." Hễ thấy một điều có vẻ hay hay mà tin ngay thì chưa hợp lý. Hoặc mang sẵn một thiên kiến để đưa ra một mẩu tin thì sẽ càng khó chấp nhận hơn. Điều gì xảy ra nếu phóng viên đang nắm một lượng cổ phiếu của Công ty A-Stock? Liệu người viết đó có thể cân bằng lợi ích khi A-Stock gặp phải một tin bất lợi cho giá cổ phiếu hay không? Các phóng viên của Dow Jones trên toàn thế giới không được phép sở hữu cổ phiếu ở những thị trường liên quan nơi họ đưa tin. Đây là một bằng chứng của văn minh trong truyền thông tài chính. Có biết bao nhiêu yếu tố giúp thị trường đạt tới đồng thuận về giá. Nếu mẩu tin được xử lý khoa học, cân bằng và có phương pháp thì nó đáng tin cậy. Nhưng nếu nó được ra đời từ một hệ tư duy thiên lệch thì quả là thảm họa. Đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thông tin cũng là chưa đủ. Đây chính là nguyên nhân của hiện tượng ra đời, tăng trưởng trong thời gian ngắn, rồi thoái trào của nhiều website chuyên về chứng khoán trong thời gian khoảng 2 năm trở lại đây. Hệ thống thông tin kinh doanh muốn phát triển lâu dài cần đảm bảo tính độc lập, khách quan, cân bằng quyền lợi trong phân tích, nhận định; độ sâu và rộng của kiến thức và khái niệm kinh tế liên tục được bổ sung và cập nhật; và định hướng tốt quan tâm của người sử dụng hướng tới tương lai tươi sáng, xây dựng tích cực, đóng góp xây dựng cộng đồng, đất nước. Ngày nay các tin tức tài chính từ Dow Jones, Associated Press, WSJ, Investor's Daily, the Motley Fool, Factiva, v.v.. được xem là đồng nghĩa với: [i] Khách quan; [ii] Chất lượng; [iii] Cân bằng quyền lợi; [iv] Có phương pháp hợp lý. Điều đó chính là nguyên nhân mà vì sao các nhà đầu tư quốc tế luôn xem xét đến các nguồn tin này trước khi quyết định. Xét cho cùng, giá trị và vai trò của truyền thông nằm ở chất lượng của thông tin và tính khách quan.

Bên cạnh đó, công bằng thông tin cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Greenspan là một ví dụ. Ông là một tượng đài tài chính thế giới ngay cả sau khi ông đã xin nghỉ hưu thành công khỏi chức vụ Chủ tịch FED đầy quyền lực của Hoa Kỳ. Luật của ông về thông tin là im lặng tuyệt đối. Khi nói ra là cùng một lúc trước hàng trăm ống kính. Đó là sự công bằng thông tin tài chính. Điều này cũng được các công ty niêm yết và các doanh nghiệp hướng tới sự công bằng-văn minh thực hiện theo. Tuy thế, tính công bằng này ở các doanh nghiệp và cả hệ thống môi giới Việt Nam đang là điểm hạn chế. Lợi nhuận ở một góc độ nào đó, trở thành lực cản kìm hãm sự công bằng. Trong ngắn hạn, một số sẽ thu về lượng tiền lớn. Nhưng về dài hạn, điều đó sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới một thị trường chứng khoán Việt Nam đang lên.

Tóm lại, hiệu ứng đám đông có khả năng tác động rất lớn đối với những biến động không chỉ trên thị trường tài chính mà ở rất nhiều những nơi, chỗ, đâu đó trong cuộc sống xung quan chúng ta. Nó không chỉ có ở Việt Nam mà được thừa nhận là nguy hiểm và trầm trọng trên toàn thế giới. Nhưng hiệu ứng đám đông cũng không hoàn toàn đáng sợ và khiến chúng ta phải cảm giác bất lực. Xóa bỏ hiệu ứng đám đông là bất khả thi, nhưng định hướng đám đông theo hướng tích cực thì lại hoàn toàn khả thi và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Một số giải pháp trước mắt đặt ra đối với Việt Nam có thể là:

- Xây dựng các chuẩn mực đạo đức con người mới, trong đó đề cao tính tự chủ và sáng tạo, thông qua đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo.

- Đạo đức kinh doanh cần được đề cấp đến như là một trong những tiêu chuẩn quan trọng đối với những cá nhân, tổ chức có khả năng tác động lớn đối với thị trường.

- Nâng cao vai trò dẫn dắt cũng như vai trò kiểm soát của chính phủ

- Và phát triển hệ thống truyền thông hiệu quả.

Nguyễn Thùy Linh

Viện Chiến lược Ngân hàng

Video liên quan

Chủ Đề