Kế toán trường học được hưởng phụ cấp gì năm 2024

Kế toán trường học cũng xếp mã ngạch 06.032 là công chức loại B. Tuy nhiên, từ khi tuyển dụng đến nay chúng tôi chưa được hưởng phụ cấp công vụ. Làm ở trường học nhưng chúng tôi không được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo của ngành Giáo dục. Tôi đề nghị các bộ, ngành xem xét cho chúng tôi được hưởng phụ cấp công vụ như kế toán các ngành khác. Nguyễn Thị Lan Anh – lananh***@gmail.com

* Trả lời:

Kiến nghị của bạn, chúng tôi sẽ gửi đến cơ quan có chức năng có thẩm quyền để xem xét. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt tường minh giữa công chức và viên chức. Theo Điều 2 Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định căn cứ xác định công chức như sau: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Nghị định này.

Căn cứ Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định viên chức như sau: Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ vào những quy định nêu trên và theo thư bạn viết, bạn làm kế toán theo chế độ hợp đồng làm việc tại trường học, mà trường học là đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, kế toán trường học công lập được xem là một viên chức.

Nghĩa là bạn đang là viên chức nên không được hưởng phụ cấp công vụ, vì phụ cấp này chỉ áp dụng với công chức. Mức phụ cấp này bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung [nếu có] hoặc phụ cấp quân hàm.

Ngoài ra, bạn không phải là giáo viên trực tiếp đứng lớp nên việc bạn không được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo là đúng với quy định hiện hành.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng [Hoàn Kiếm, Hà Nội].

Dù có thâm niên 12, 15 hay thậm chí 20 năm làm nhân viên kế toán trường học, nhiều bạn đọc cũng không khỏi tủi thân, chạnh lòng khi mức lương tháng họ nhận được không bằng giáo viên tập sự.

Là người lập bảng lương cho cả trường nhưng lương của một kế toán trường học lại luôn thấp nhất. Ảnh: Lương Hạnh

Bạn đọc Kiều Thị Thuận đã có 12 năm làm nhân viên kế toán trường học cho biết, hệ số lương hiện tại là 2.86 với phụ cấp thâm niên 0.1. Tổng lương chị Thuận nhận về đang là 4.787.460 đồng/tháng, cao hơn giáo viên tập sự 500.000 đồng/tháng.

Đọc được loạt bài viết của của Báo Lao Động, chị Thuận đồng cảm với các đồng nghiệp là kế toán trường học có mức lương thấp, chế độ phụ cấp ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống.

Bạn đọc Nguyễn Hà Giang cũng làm nhân viên kế toán trường học 15 năm với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị Giang phải kiêm nhiệm kế toán của 3 đơn vị, không được hưởng thêm phụ cấp gì.

"Anh tôi làm giáo viên, hơn tôi 1 tuổi, lương 17.800.000 đồng/tháng. Trong khi lương của tôi chỉ 6 triệu đồng/tháng. Không biết phải sống sao đây!" - chị Giang chia sẻ.

Bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Nhắc đến kế toán, nhiều người nghĩ công việc nhàn lắm. Nào lương, chế độ giáo viên và học sinh, phụ trách phần mềm, xây dựng kế hoạch báo cáo... lãnh đạo phân công. Công việc kiêm nhiệm còn chiếm thời gian nhiều hơn cả công việc chính. Nhưng có ai nhìn thấy sự vất vả đó? Rồi cũng cố gắng vượt qua vì cuộc sống, vì trách nhiệm với công việc, vì đam mệ với nghề".

Còn bạn đọc Đinh Tiến Dũng bày tỏ: "Bài viết rất đúng thực tế đối với nhân viên kế toán ngành Giáo dục, đã từ lâu chính sách cho bộ phận này bị bỏ quên. Đúng là "con ghẻ" của ngành Giáo dục. Bản thân tôi cũng công tác gần 20 năm, cống hiến cho ngành mà cả tăng lương mới từ ngày 1.7.2023 cũng chưa được 7 triệu đồng/tháng. Là đàn ông, trụ cột trong nhà mà kinh tế lại không có. Tuổi cao, sức yếu nên đành cắn răng chịu đựng theo nghề. Cảm ơn Báo Lao Động đã thấu hiểu và tôi hy vọng các nhà báo tiếp tục đồng hành để những tiếng kêu yếu ớt này được cấp trên quan tâm".

Gửi bình luận đến Báo Lao Động, bạn đọc Lương Kim Loan viết: "35 tuổi, 14 năm công tác, vẫn cặm cụi, cần mẫn với ngành với nghề. Mấy hôm nay được chia sẻ nhiều bài viết về kế toán trường học quá, thấy bóng dáng mình trong tất cả bài viết đó.

Tôi cũng mong muốn có sự quan tâm hơn của các cấp, các ngành cho nhân viên kế toán trường học như thay đổi chính sách tiền lương, ưu đãi của ngành, chế độ phụ cấp nghề cho công việc đặc thù của nghề kế toán. Sẽ không còn từ "con ghẻ" được đem ra so sánh và nhắc tới tại ngành mình đang làm, cống hiến và gắn bó.

Tôi chỉ muốn nói, giãi bày có vậy thôi mà đến hôm nay mới được Báo Lao Động bày tỏ. Cảm ơn Báo Lao Động rất nhiều!".

Kế toán trường học là những viên chức, lao động hợp đồng trong ngành Giáo dục, có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của nhà trường và công tác giảng dạy học tập của giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, họ đang phải vật lộn với công việc, cuộc sống của mình, bởi thu nhập thấp, trong khi khối lượng công việc rất lớn, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhiều kế toán trường học đã phải lăn lưng xách vữa, bán nước kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống của gia đình…

Báo Lao Động đã có loạt bài "Những nhân viên bị lãng quên trong ngành Giáo dục" phản ánh tình trạng này.

Bài 1: Những nhân viên bị lãng quên trong ngành Giáo dục

Bài 2: Những nhân viên bị lãng quên trong ngành Giáo dục: Phụ hồ, bán chè trang trải cuộc sống

Bài 3: Những nhân viên bị lãng quên trong ngành giáo dục: Viên chức kế toán trường học như “con ghẻ” của ngành

Bài 4: Những nhân viên bị lãng quên trong ngành Giáo dục: Hiệu trưởng “thương” kế toán nhưng đành bất lực

Chủ Đề