Kinh nghiệm khi mua Macbook mới

Kinh nghiệm mua Macbook cho developer

Chào các bạn,

Sau bài viết về kinh nghiệm mua máy tính cho web developer thì mình quyết định viết thêm một bài viết nữa nói riêng về việc mua Macbook. Bởi hiện nay, Macbook đang là dòng máy tính được lựa chọn nhiều nhất cho việc lập trình nói chung và lập trình web nói riêng.

Tuy nhiên, để sở hữu một chiếc Macbook thì không hề dễ với phần lớn mọi người bởi giá của nó thường trên 15 triệu đồng. Đây là một khoản tiền đáng để bạn phải suy xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua.

Để có thêm góc nhìn về việc mua Macbook để lập trình, thì bạn hãy đọc bài viết sau của mình nhé.

Lưu ý: Bài viết này có vẻ đã cũ, nhưng vẫn vô cùng hưu ích ở năm 2021 nhé.

Mục lục

  • I. Tìm hiểu một chút về các dòng Macbook
    • 1.1 Dòng The New Macbook
    • 1.2 Dòng Macbook Air 13 inch
    • 1.3 Dòng Macbook Pro
  • II. Developer nên chọn Macbook nào?
    • 2.1 The New Macbook, Macbook Air hay Macbook Pro?
    • 2.2 Đời nào, 2014, 2015, 2016, 2017?
    • 2.3 Macbook Pro 13 inch hay Macbook Pro 15 inch?
  • III. Kinh nghiệm chọn mua Macbook cũ
    • 3.1 Ngoại hình máy rất quan trọng
    • 3.2 Hãy để ý layout bàn phím
    • 3.3 Kiểm tra sức khỏe của pin
    • 3.4 Nếu là Macbook có màn Retina, hãy kiểm tra tấm chống lóa
    • 3.5 Test tốc độ ổ cứng
    • 3.6 Kiểm tra Apple Care
    • 3.7 Test các chi tiết khác
    • 3.8 Không mua online
  • IV. Tổng kết

I. Tìm hiểu một chút về các dòng Macbook

Macbook là dòng laptop duy nhất của Apple, luôn được trang bị cấu hình cao cấp nhưng vẫn giữa được vẻ bề ngoài lịch sự, sang trọng. Hiện nay Apple đang duy trì 3 dòng Macbook:

1.1 Dòng The New Macbook

Đây là dòng Macbook được Apple tập trung vào khía cạnh thiết kế, ưu điểm là nhỏ gọn, hợp thời trang, màn hình sắc nét với độ phân giải cao.

1.2 Dòng Macbook Air 13 inch

Đây là dòng máy khá giống với The New Macbook, tuy có kích thước màn hình lớn hơn nhưng độ phân giải lại chỉ là fullHD đối với các phiên bản trước năm 2017.

Từ ngày ra mắt tới nay, Macbook Air chia ra làm 2 giai đoạn về thiết kế:

Giai đoạn 1: Từ năm 2017 đổ lại

Giai đoạn này Macbook Air giữ nguyên một thiết kế là vỏ nhôm màu trắng với táo sáng phía sau màn hình. Màn hình ở giai đoạn này cao nhất chỉ là fullHD, các cổng kết nối USB vẫn được giữ nguyên.

Giai đoạn 2: Từ năm 2018 trở đi

Giai đoạn này Macbook Air vẫn giữ chất liệu vỏ là nhôm, nhưng mỏng hơn. Đánh đổi lại việc mỏng hơn là táo phía sau màn hình không sáng nữa, hành trình phím cũng ngắn hơn, nhưng bàn phím gõ nảy và sướng hơn [tùy người, người thì thấy không thích bằng bàn phím trên dòng 2017 đổ lại]. Màn hình của Macbook Air lúc này là màn hình Retina có độ phân giải 2k tương tự như trên dòng Macbook Pro cao cấp. Các cổng kết nối USB đã bị loại bỏ thay thế bằng cổng USB type C [hay còn gọi là USB-C hay Thunderbolt 3].

1.3 Dòng Macbook Pro

Đây là dòng Macbook cao cấp của Apple, được trang bị cấu hình mạnh mẽ nhất, màn hình sử dụng là màn hình Retina độ phân giải 2k.

Macbook Pro có 2 phiên bản là phiên bản 13 inch và 15 inch, trong đó phiên bản 15 inch ngoài việc được trang bị màn hình lớn hơn thì còn có CPU mạnh hơn hơn và khả năng xử lý đồ họa tốt hơn.

Từ ngày ra mắt tới nay, Macbook Pro cũng trải qua 2 giai đoạn về thiết kế:

Giai đoạn 1: Từ năm 2015 đổ lại

Giai đoạn này Macbook Pro có thiết kế bằng vỏ nhôm màu trắng với táo sáng phía sau màn hình [tương tự Macbook Air], các cổng kết nối USB và HDMI vẫn được giữ nguyên.

Đặc điểm nhận biết Macbook Pro so với Macbook Air cùng thời chính là ở thiết kế vuông vức hơn, và viền màn hình có đen.

Giai đoạn 2: Từ năm 2016 trở đi

Từ năm 2016 trở đi, Macbook Pro được làm mỏng hơn, nhưng táo phía sau màn hình không còn sáng nữa, các cổng kết nối USB, HDMI cũng bị loại bỏ thay thế bằng cổng USB-C.

Một số phiên bản còn được trang bị thêm touch bar là một giải phím cảm ứng nằm ở phía trên bàn phím.

Tóm tắt lại mục này, thì Macbook chia làm 3 dòng:

  • The New Macbook: Dòng Macbook thời trang
  • Macbook Air: Dòng Macbook cũng thời trang nhưng thời trang không bằng Macbook 12 inc.
  • Macbook Pro: Dòng Macbook cao cấp, đẳng cấp nhất của Apple.

II. Developer nên chọn Macbook nào?

2.1 The New Macbook, Macbook Air hay Macbook Pro?

Tốt nhất là nên chọn Macbook Pro [cho dù là Macbook Pro 2015 thì vẫn có hiệu năng tốt hơn cả Macbook Air 2017], bởi nó luôn được trang bị những gì đẳng cấp nhất. Còn nếu ít tiền thì có thể lựa chọn Macbook Air hoặc The New Macbook, tuy cấu hình không bằng Macbook Pro nhưng nếu so sánh với mấy con Dell vostro hay các dòng máy chạy window tầm giá 10 15 triệu thì vẫn hơn đứt.

2.2 Đời nào, 2014, 2015, 2016, 2017?

Các dòng Macbook thấp hơn 2015 thì thôi không nên mua vì nó cũng khá lâu rồi, nên bạn hãy chọn đời máy từ 2015 trở lên sẽ tốt hơn.

Cả 2 dòng Macbook Air và Macbook Pro từ năm 2015 tới năm 2019 đều có cấu hình khá tương đồng, Apple họ cứ tung hô phiên bản sau nâng cấp này nâng cấp nọ nhưng thực tế trải nghiệm thì mấy không thay đổi gì, phiên bản 2015 vẫn chạy bon không kém 2019.

Có điều bạn phải lưu ý tới việc Apple đã loại bỏ cổng kết nối USB kể từ Macbook Air 2018 và Macbook Pro 2016. Nếu lựa chọn phải dòng này, bạn phải mua thêm bộ chuyển cổng kết nối [khoảng 2 triệu đối với hàng chính hãng Apple].

Vậy tối ưu nhất cho developer là dòng máy Macbook Pro 2015 trở lên.

2.3 Macbook Pro 13 inch hay Macbook Pro 15 inch?

Nếu bạn chọn Macbook Pro thì lại có 2 lựa chọn là 13 inch và 15 inch. 15 inch dành cho những bạn phải thường xuyên xử lý tác vụ nặng như build app mobile, render video. Còn nếu bạn là web developer thì chỉ cần 13 inch là đủ.

III. Kinh nghiệm chọn mua Macbook cũ

Phần này mình viết thêm mặc dù nó không liên quan tới việc chọn Macbook cho developer.

Macbook thì đắt quá mà, nên nhiều bạn sẽ chọn mua cũ hơn là mua mới. Mà mua cũ thì hên xui, nếu hên thì không nói, xui thì mất toi khoản tiền lớn. Bản thân mình cũng đang sử dụng máy cũ, cũng chật vật lắm mới chọn được một em ưng ý, tiện bài viết này nên mình chia với các bạn một số kinh nghiệm chọn mua Macbook cũ luôn.

3.1 Ngoại hình máy rất quan trọng

Có 2 thứ tạo nên thương hiệu của Macbook đó là cấu hình tốtđẹp. Vậy nếu ngoại hình của máy mà không đẹp thì coi như bạn chỉ mua được một nửa chiếc Macbook. Vì vậy cho dù bạn đang mua máy cũ thì cũng nên lựa chọn những máy có ngoại hình như mới. Những máy bị xước, móp méo thì chốt luôn phương án là KHÔNG LẤY.

Mặt khác, người sử dụng máy Macbook thường rất dữ máy, thậm chí nhiều người còn mang cả ốp lưng cho máy. Nên nếu bạn thấy một chiếc Macbook sứt sẹo thì có nghĩa nó đã trải qua một thời gian sử dụng khá dài, hoặc qua tay nhiều người. Đây cũng là một yếu tố khiến bạn nên chọn một chiếc máy khác.

Lưu ý: khi bạn nhìn thấy một chiếc máy có ngoại hình không ưng ý thì đừng tỏ thái độ kiểu như: ui máy này xấu vãi, em không lấy, hoặc blog phambinh.net khuyên em không nên lấy máy xấu. Nếu bạn tỏ thái độ như vậy, kiểu gì bạn cũng sẽ bị chủ cửa hàng thuyết phục rằng mua máy cũ thì phải chấp nhận, bla, bla rồi biết đâu bạn lại cảm thấy xuôi tai, rồi mua thì sao. Cách khôn khéo nhất là cứ bảo bạn đi mua hộ, mua làm quà tặng nên cần một chiếc máy có ngoại hình tốt, sẽ chẳng ai bắt bẻ được bạn nữa.

3.2 Hãy để ý layout bàn phím

Apple sản xuất Macbook với nhiều layout bàn phím khác nhau để phù hợp từng khu vực trên thế giới.

Hai loại layout bàn phím Macbook mà bạn nên lưu ý.

Layout bàn phím dành cho khu vực Europe [Châu Âu] có phím Enter xoay dọc, còn layout ở bàn phím cho các khu vực khác có phím Enter xoay ngang.

Đối với người Việt Nam thì chúng ta sử dụng quen layout bàn phím US hơn, mình có dùng thử layout Châu Âu 1 tuần thì nhấn phím Enter toàn bị nhầm sang nút Shift Rất khó chịu. Bạn nên lưu ý phần này.

3.3 Kiểm tra sức khỏe của pin

MacOS [hệ điều hành của máy tính Mac] có tích hợp sẵn tính năng kiểm tra các thông số về pin của máy. Để xem các thông số này bạn thực hiện như sau:

  • Bước 1: Chọn biểu tượng hình quả táo ở góc trên cùng bên trái màn hình.
  • Bước 2: Chọn About this mac
  • Bước 3: Chọn System Report
  • Bước 4: Tại mục Hardware chọn Power.

Sau khi thực hiện các bước trên, bạn sẽ nhìn thấy một cửa số thế này

Có một số thông tin bạn cần quan tâm:

  • Charge remaining: Dung lượng pin hiện tại
  • Fully Charged: Máy có đang sạc đầy hay không?
  • Charging: Máy có đang cắm sạc hay không?
  • Full Charge Capacity: Nếu sạc 100% pin, thì có thể chứa được bao nhiêu.
  • Cycle count: Số lần sạc [nếu trên 500 thì bạn nên chọn máy khác, vì 1000 lần sạc thì bạn phải thay pin mới].

Để có thể đánh giá được sức khỏe của pin, bạn hãy tra cứu thông tin về pin của một chiếc máy mới cùng mẫu với chiếc máy cũ bạn đang xem, sau đó so sánh các thông số với nhau. Chênh lệch càng nhiều, thì có nghĩa là sức khỏe của pin càng yếu và ngược lại.

3.4 Nếu là Macbook có màn Retina, hãy kiểm tra tấm chống lóa

Apple trang bị cho màn hình Retina một tấm chống lóa để giảm mỏi mắt [tấm này là một trong những thành phần cấu tạo nên màn hình chứ không phải phụ kiện dán thêm]. Tuy nhiên tấm chống lóa này rất dễ bong, tróc, rộp lên.

Hình ảnh một chiếc Macbook bị rộp lớp chống lóa

Cách để kiểm tra là bạn hãy tắt máy [hoặc cho màn hình tối lại], sau đó nhìn đi nhìn lại màn hình ở nhiều góc sáng khác nhau, nếu thấy xuất hình tình trạng như hình trên thì có nghĩa màn hình máy đang bị bong lớp chống lóa. KHÔNG NÊN CHỌN MÁY NÀY.

3.5 Test tốc độ ổ cứng

Phiên bản Macbook pro 2014 và 2015 tuy không có sự khác biệt về ngoại hình, nhưng tốc độc ổ đọc/ghi của ổ cứng ở phiên bản 2015 nhanh gấp đôi phiên bản 2014. Mình không rõ các phiên bản về sau thì thế nào, nhưng chắc chắn có thể tra cứu được.

Điều mình muốn lưu ý ở đây là có nhiều cửa hàng họ lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, kiểu như lấy ổ cứng của máy 2014 đưa lên máy 2015. Để tránh điều này, bạn nên kiểm tra tốc độ của ổ cứng máy xem có chính xác với đời máy hay không?

Bạn có thể tự kiểm tra bằng phần mềm BlackMagic Speed Test hoặc bảo trực tiếp chủ Shop kiểm tra cho bạn xem.

3.6 Kiểm tra Apple Care

Apple Care là dịch vụ bảo hành các thiết bị của Apple trong đó có Macbook. Khi mua máy cũ thì cũng không mong đợi nó còn Apple Care nhưng nếu còn thì càng tốt. Bạn có thể kiểm tra thiết bị còn Apple Care hay không trên một trang chính thức của Apple bằng cách nhập vào Serial Number của máy. Để thực thực hiện kiểm tra bạn thực hiện các bước sau:

Bước 1: Nhấp vào biểu tượng quả táo ở góc trên cùng bên trái, chọn About This Mac, sau đó Copy Serial Number

Bước 2: Truy cập vào //checkcoverage.apple.com, nhập Serial Number bạn vừa copy, nhấn Continue để kiểm tra.

Nếu xuất hiện chữ Expired như hình dưới đây thì có nghĩa là đã hết hạn Apple Care

Bạn cũng có thể sử dụng cách này để kiểm tra xem máy được ra đời vào năm nào, như hình trên thì là máy được ra đời vào năm 2017 Macbook Air.

Có một lưu ý là các sản phẩm của Apple mà không chứng minh được xuất xứ chính hãng [không có hóa đơn] thì sẽ không được bảo hành. Chi tiết bạn có thể xem video dưới.

3.7 Test các chi tiết khác

Trên là những điều cơ bản mà bạn phải kiểm tra, ngoài ra bạn nên kiểm tra thêm cho chắn ăn một số phần sau:

  • Kiểm tra Webcam: Bằng cách bật Facetime trên Macbook, bạn có thể kiểm tra được Webcam của máy.
  • Kiểm tra loa: Lên youtube kiếm một bài hát bạn thích rồi bật.
  • Kiểm tra bàn phím: Kiểm tra xem có phím nào bị liệt, kẹt, hoặc độ nẩy kém hơn các phím khác không?
  • Kiểm tra các cổng kết nối: Kiểm tra xem các cổng kết nối còn hoạt động không?
  • Kiểm tra icloud: Kiểm tra xem thiết bị đã đăng xuất icloud chưa?
  • Kiểm tra màn hình có điểm ảnh chết: Điểm ảnh chết sẽ không hiển thị được hình ảnh, để kiểm tra thì bạn vào link này và xem video. Nếu thấy xuất hiện chấm nhỏ ly ty màu đen thì có nghĩa đó là điểm ảnh chết.

3.8 Không mua online

Cả đống tiền nên bạn không nên mua online nếu không biết rõ về cửa hàng bạn sắp mua, vì Macbook cũ thì nó cũng Thượng vàng hạ cám lắm, cứ đến tận nơi cho ăn chắc. Như mình đang ở Hà Nội, có nhiều cửa hàng bán Macbook uy tín và còn phải lui tới cả chục lần mới chọn được một máy ưng ý. Vậy nếu bạn ở xa cửa hàng, rồi mua online, lỡ chọn máy máy móp méo, không ưng ý thì đổi qua đổi lại cũng sốt suột lắm.

IV. Tổng kết

Tổng kết lại việc mua Macbook để lập trình thì bạn nên mua Macbook Pro 2015 trở lên, 13 inch hay 15 inch thì còn tùy thuộc vào tính chất công việc nữa. Nếu bạn không phải đắn đo về tiền, thì cứ máy mới, đời mới mà mua, còn nghèo như mình thì tham khảo kỹ phần Kinh nghiệm mua Macbook cũ.

Trên là toàn bộ kinh nghiệm của mình về việc chọn mua macbook cho developer, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn.

Chúc các bạn may mắn.

//phambinh.net
Là một lập trình viên; Thích tìm hiểu và chia sẻ kiến thức công nghệ; Thích chiêm nghiệm cuộc sống

Video liên quan

Chủ Đề