Legal reasoning là gì

Phương pháp IRAC là phương pháp phổ biến và quen thuộc với sinh viên luật và dân luật nói chung. IRAC là từ viết tắt của Issue [vấn đề] Rule [quy định] Application [áp dụng] Conclusion [kết luận]. Một số người giải thích hơi khác, theo đó, IRAC sẽ là Issue Rule Argumentation Conclusion. Đây là một phương pháp sắp xếp lập luận, suy nghĩ pháp lý cơ bản, giúp bạn hình thành lập luận rõ ràng, logic. IRAC cũng là một phương pháp viết và nói pháp lý dễ hiểu cho người viết và người đọc.

[*] Lưu ý:

IRAC là phương pháp phổ biến trong ngành luật nhưng không nhất thiết phải tuân thủ cứng nhắc. Tùy từng vụ việc, câu hỏi mà có thể điều chỉnh để câu trả lời, lập luận được logic nhất. Ví dụ như nếu câu hỏi liên quan đến tóm tắt một án lệ chẳng hạn, kết cấu trả lời hợp lý có thể là: Hoàn cảnh vụ việc [+vấn đề pháp lý được xử lý trong án lệ] Lập luận của nước A Lập luận của nước B Kết luận của tòa án. Trong đó, mỗi phần Lập luận của nước A, Lập luận của nước B và Kết luận của tòa án sẽ có một IRAC bên trong.

Một bài viết, tiểu luận hay khóa luận có thể có nhiều hơn một IRAC bên trong. Nếu vấn đề đơn giản, chỉ cần xây dựng một kết cấu IRAC. Nếu vấn đề phức tạp chứa nhiều vấn đề pháp lý thì có thể sẽ phải xây dựng nhiều IRAC để xử lý từng vấn đề pháp lý.

Bất kỳ phương pháp gì, kể cả IRAC, đều cần thực hành nhiều để biến chúng thành kỹ năng mà mình có thể làm chủ. Viết thật nhiều, nói thật nhiều, lập luận thật nhiều, dần dần trao chuốt, chỉnh sửa rồi chúng ta cũng sẽ có ngày làm chủ được các kỹ năng viết pháp lý, nói pháp lý và lập luận pháp lý.

*****

Issue [vấn đề]

Bước đầu tiên của suy nghĩ và lập luận pháp lý là phát hiện ra vấn đề pháp lý [legal issues/questions of law] từ các bằng chứng, dữ kiện của vụ việc [facts]. Một vụ việc có thể có một hay nhiều vấn đề pháp lý. Để có thể phát hiện ra vấn đề pháp lý nhất thiết phải có kiến thức luật đủ rộng để có thể nhận ra những dấu vết pháp lý trong các bằng chứng, dữ kiện. Ít nhất chúng ta phải hình dung được ngành luật nào, chế định nào điều chỉnh vụ việc chúng ta đang xử lý. Nói cách khác là quan hệ pháp lý nào tồn tại trong vụ việc.

Ví dụ nếu nước A hạ đặt một giàn khoan vào vùng biển X mà nước B cho rằng là vùng biển của nước mình. Hai bên đã cử các tàu quân sự đối đầu nhau xung quanh vị trí hạ đặt giàn khoan. Vùng biển X nằm cách bờ biển của nước A và B một khoảng lần lượt 120 và 180 hải lý. Trong vụ việc này, theo nhận định sơ bộ, có thể có hai ngành luật liên quan: luật biển và luật quốc tế về sử dụng vũ lực. Hai vấn đề pháp lý ở đây là: liệu hành vi của nước A có vi phạm quyền của nước B trên vùng biển X hay không? và liệu hành vi của hai nước có đến mức cấu thành hành vi đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực hay không? Đã phát hiện ra vấn đề pháp lý thì đến bước tiếp theo là tìm ra quy định cụ thể [Rule].

Rule [quy định]

Khi đã tìm ra được vấn đề pháp lý [quan hệ pháp lý] của vụ việc, chúng ta cần rà soát, nghiên cứu quy định của ngành luật liên quan để tìm ra chính xác quy định cụ thể áp dụng, điều chỉnh vụ việc. Cần ra soát tất cả các nguồn luật của ngành luật: điều ước, tập quán, nguyên tắc chung và cả án lệ liên quan. Như ví dụ trên, ngành luật cần rà soát là luật biển quốc tế. Với dữ kiện khoảng cách vùng biển X xảy ra tranh chấp cách 120 và 180 hải lý so với bờ biển của A và B, chúng ta có thể giới hạn lại các quy định liên quan sẽ chỉ thuộc nhóm quy định về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cụ thể là Điều 74[3] và 83[3] của UNCLOS liên quan đến nghĩa vụ trong vùng chồng lấn chưa phân định giữa hai nước. Nếu rà soát tốt sẽ tìm thấy án lệ liên quan là Vụ Suriname vs Guyana.

Application [áp dụng]

Khi đã biết quy định áp dụng rồi thì cần áp dụng quy định đó vào vụ việc thực tế. Phần Application sẽ yêu cầu giải thích quy định liên quan đã được phát hiện ở trên, kết hợp với các bằng chứng, dữ kiện của vụ việc để đi đến kết luận. Kết luận này không phải là kết luận trong Conclusion phía dưới mà kết luận cho các câu hỏi kiểu như: liệu có bằng chứng, dữ kiện cho thấy tất cả các điều kiện ở quy định M đã được thõa mãn? Ví dụ cụ thể hơn như: liệu có bằng chứng cho thấy hành vi tự vệ của nước X đã thõa mãn yêu cầu về tính cần thiết và tính tương xứng? Liệu có bằng chứng đủ chứng minh hành vi của ông A đã đủ thỏa mãn các cấu thành của tội buôn lậu?

Giải thích quy định trong phần Application này có thể bao gồm [1] giải thích theo Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế, [2] viện dẫn các án lệ liên quan [nếu có], chỉ ra điểm giống và khác giữa vụ việc trong án lệ và vụ việc hiện có, đánh giá liệu kết luận và lập luận của tòa án trong vụ việc đó có nên hay không nên được áp dụng tương tự trong vụ này, và [3] giải thích của học giả, so sánh quan điểm của các họa giả.

Conclusion [kết luận]

Phần kết luận thường là đưa ra câu trả lời tổng kết cho các phần trên, đặc biệt là phần Application. Và đặc biệt, không đưa thêm thông tin hay lập luận mới.

Trần H. D. Minh

-

Chia sẻ:

  • [227] Luật pháp quốc tế trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng
  • 23/01/2022
  • Trong "Cơ bản về Công pháp quốc tế"
  • [10] Hiệu lực pháp lí và việc áp dụng điều ước quốc tế ở Việt Nam
  • 25/03/2017
  • Trong "Nguồn và ĐUQT"
  • [66] Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia
  • 18/03/2018
  • Trong "Cơ bản về Công pháp quốc tế"

Video liên quan

Chủ Đề