Năm mới Cơ đốc nhân nên sống như thế nào

TẾT 5K CỦA CƠ ĐỐC NHÂN

Dịch Covid đang bùng phát lại tại nhiều tỉnh thành trong những ngày cận Tết Nguyên Đán khiến nhiều người lo lắng và bối rối. Kế hoạch về quê đón Tết của nhiều người bị ảnh hưởng hoặc phải thay đổi hoàn toàn. Tết năm nay sẽ rất khác biệt so với mọi năm nhưng có lẽ tinh thần của Tết cổ truyền sẽ không vì thế mà nhạt nhòa. Chúng ta vẫn có thể có một cái Tết 5K thật đầm ấm và đầy ý nghĩa bằng những cách khác nhau dẫu phải xa cách người thân yêu. Là Cơ Đốc nhân, bạn sẽ có một cái Tết thật trọn vẹn với 5K sau đây:

Khởi đầu mới: Tết Nguyên Đán đánh dấu một năm mới, mở ra một khởi đầu mới cho chúng ta. Đây cũng là cơ hội để chúng ta bắt đầu lại trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong đời sống thuộc linh. “Nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới” [II Cô-rinh-tô 5:17]. Dù mới tin Chúa hay đã tin Chúa lâu năm, chúng ta cũng cần sự đổi mới của Chúa từng ngày để trở nên giống Ngài hơn. Chúng ta đã được mang lấy địa vị mới khi tin nhận Chúa, nhưng hành trình lột bỏ con người cũ, mặc lấy người mới vẫn tiếp diễn cho đến khi chúng ta gặp Chúa. Hãy nhớ rằng trong Chúa, chúng ta luôn có niềm hy vọng mới và sức mới để bắt đầu lại mọi điều. Hãy dành thời gian tĩnh lặng với Chúa để nhìn lại năm qua, xin Chúa bày tỏ cho bạn những điều bạn cần thay đổi và xin Ngài ban năng lực để bạn bắt đầu lại.

Khôi phục: Ai cũng muốn mọi thứ trở nên trọn vẹn trong năm mới. Năm qua có lẽ bạn đã bắt đầu với những quyết tâm và kế hoạch tuyệt vời, nhưng cuối cùng mọi thứ không như những gì bạn mong ước. Có những quyết tâm đã bị chùn bước, có những kế hoạch dang dở, có những mối quan hệ tan vỡ, có những yếu đuối và vấp ngã trong đời sống cá nhân. Tuy vậy, quyền năng của Chúa có thể phục hồi và làm mới tất cả. Dù bạn đã yếu đuối ra sao, đây là điều Chúa phán với bạn: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối [II Cô-rinh-tô 12:9]. Dẫu bạn có thất bại trong năm qua cũng không sao cả, bởi vì ân điển của Chúa sẽ khỏa lấp tất cả. Hãy đến với Chúa và xin Ngài rịt lành những tổn thương, phục hồi những đổ vỡ, hàn gắn những rạn rứt trong chính đời sống cá nhân của bạn cũng như của gia đình bạn. Nguyện bạn sẽ kinh nghiệm những điều tuyệt vời mà Chúa làm trên cuộc đời bạn trong năm mới.

Kể lại: Chắc hẳn bạn đã kinh nghiệm rất nhiều điều về sự gìn giữ và chăm sóc của Chúa trong năm vừa qua. Dịch Covid đã kéo dài suốt năm 2020 và vẫn rình rập cuộc sống của chúng ta trong hiện tại. Nhưng thật cảm ơn Chúa vì trong những lúc khó khăn bủa vây thì tình yêu và ân điển của Ngài vẫn dư dật trên đời sống chúng ta. Vì vậy, trong những ngày Tết này, hãy làm chứng lại vô số ơn phước mà Chúa dành cho bạn và gia đình trong năm qua. Hãy kể lại để dâng lên Chúa lòng biết ơn về sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài. Việc kể lại những câu chuyện về ân điển của Chúa trong cuộc đời bạn cũng là cách tuyệt vời và vô cùng sống động để bạn chia sẻ về Chúa cho những người chưa tin.

Khích lệ nhau: Rất nhiều người sẽ đón Tết năm nay với nhiều khó khăn và không thể có được cái Tết trọn vẹn. Có lẽ bạn không thể về quê sum họp cùng gia đình hay phải bị cách ly xuyên Tết. Có thể bạn đang phải chiến đấu với bệnh tật. Có thể bạn đang gặp khó khăn tài chính và thất nghiệp do dịch bệnh bùng phát. Có lẽ gia đình bạn đang trải qua những đau buồn của sự đổ vỡ và chia ly. Có ai đó đang rất cần lời khích lệ của bạn. Hãy gọi điện thăm hỏi gia đình, nhắn tin khích lệ bạn bè. Và nếu Chúa đặt để ai đó trong tâm trí bạn, hãy khích lệ họ và giúp đỡ họ cách thực tiễn trong khả năng của mình.

Không mê tín: Tết cổ truyền của người Việt Nam thường gắn liền với rất nhiều điều mê tín. Nhưng đối với Cơ Đốc nhân, chúng ta tin rằng mọi điều trong cuộc đời của chúng ta nằm trong tay Chúa và Ngài có quyền trên tất cả. Vì vậy, hãy xem xét lại những phong tục mà bạn và gia đình bạn thường làm cũng như những quan niệm ngày Tết của bạn để xem thử đâu là điều chưa đúng với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Bạn có quan trọng người đầu tiên sẽ bước vào nhà bạn trong năm mới không? Bạn có kỵ quét nhà ngày Tết vì sợ “mất lộc” không? Hãy xin Chúa giúp bạn nhận ra những niềm tin sai trật đã ăn sâu trong nếp sống của bạn và hãy nhờ cậy Chúa để thay đổi từ trong tâm trí của mình.

Ước mong chúng ta sẽ có một cái Tết ý nghĩa và thánh khiết để Chúa đẹp lòng ban phước cho chúng ta trong một năm mới. Cầu xin Đức Chúa Trời là nguồn hi vọng làm cho bạn ngập tràn niềm vui và bình an trong đức tin, để nhờ năng quyền của Đức Thánh Linh, bạn được chứa chan hi vọng! [Rô-ma 15:13].

Tác giả: Sarang Mai

Đọc các bài viết khác tại: //vietnamese-odb.org/tieu-diem/

CƠ ĐỐC NHÂN VÀ NHỮNG TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT

Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của người Việt Nam, là dịp lễ lớn nhất trong năm và được nhiều người mong chờ nhất. Trẻ con được nghỉ học, người lớn được nghỉ làm, gia đình sum vầy bên nhau trong không khí đầm ấm. Tết cũng là thời điểm rất thiêng liêng đối với người Việt vì đó là thời điểm đánh dấu một khởi đầu mới, ai ai cũng mong ước bản thân và gia đình của mình sẽ có một năm mới may mắn, hạnh phúc. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần bày tỏ niềm tin của mình thế nào qua những truyền thống ngày Tết?

1. Tảo mộ: Người Việt Nam rất coi trọng chữ hiếu, vì thế, cứ vào dịp cuối năm, các gia đình lại cùng nhau đi “tảo mộ”, tức là dọn dẹp, sửa sang, tu bổ lại phần mộ của người thân quá cố trong gia đình. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng được dạy phải hiếu kính cha mẹ [Xuất. 2:12]. Việc thăm mộ, dọn dẹp mộ của tổ tiên cũng là điều nên làm. Nhưng không dừng ở đó, chúng ta cũng phải bày tỏ lòng hiếu kính qua cách sống của mình, đặc biệt với ông bà, cha mẹ vẫn còn sống bên cạnh chúng ta.

2. Dọn dẹp nhà cửa: Người Việt Nam có truyền thống dọn dẹp nhà cửa trước Tết. Cả gia đình cùng nhau quét dọn, sơn sửa lại nhà cửa cho sạch sẽ, tươm tất và sắp xếp lại mọi thứ cho ngăn nắp, gọn gàng. Việc dọn dẹp này còn mang thông điệp là sắp xếp lại những “bừa bộn” của năm cũ để chào đón năm mới. Lời Chúa phán trong I Cô-rinh-tô 5:17 rằng: “Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới”. Trong quyền năng biến đổi của Đấng Christ, nguyện chúng ta được nên mới mỗi ngày. Và trong niềm tin rằng Chúa sẽ đổi mới tất cả, hãy cầu xin Chúa giúp bạn tha thứ cho nhau và dẹp bỏ hết mọi ưu phiền, buồn giận, thất bại của năm cũ để kinh nghiệm một năm mới phước hạnh trong sự thương xót của Ngài. Hãy xin Chúa giúp bạn sống với một con người mới trong năm mới này để nhiều người được thu hút đến với quyền năng biến đổi của Chúa.

3. Đón giao thừa: Hầu hết gia đình người Việt Nam thích quây quần bên nhau trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Giao thừa là giây phút thiêng liêng và người ta thường nguyện ước những điều tốt đẹp cho gia đình mình trong năm mới. Nhiều gia đình Cơ Đốc nhân và nhiều hội thánh thường có buổi nhóm cầu nguyện vào thời khắc giao thừa để cảm ơn Chúa về sự bình an và chăm sóc của Ngài trong năm vừa qua và trình dâng lên Ngài những lời cầu xin cho năm mới. Đó là điều chúng ta nên làm vì biết rằng Chúa là Đấng nắm giữ tương lai của chúng ta và “mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng” [Gia-cơ 1:17].

4. Mồng một Tết: Cơ Đốc nhân luôn dâng ngày đầu tiên của năm mới cho Chúa để thờ phượng Ngài. Chương trình nhóm Mồng một Tết luôn tràn ngập niềm vui và phước hạnh. Các hội thánh thường có chương trình làm chứng cảm tạ để con cái Chúa chia sẻ về ơn phước Chúa ban trong năm vừa qua. Đây là truyền thống tốt đẹp của Cơ Đốc nhân và đem đến cho nhau sự khích lệ và nâng đỡ rất lớn. Việc dành ngày đầu tiên của năm mới cho Chúa cũng là cách bày tỏ sự tôn kính Chúa trong mọi việc. Ma-thi-ơ 6:33 nhắc nhở chúng ta: “Trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa”.

5. Lì xì: Lì xì là nét đẹp văn hóa của người Việt trong dịp tết. Cứ vào sáng mồng một Tết, con cháu sẽ chúc Tết và tặng quà cho ông bà, cha mẹ của mình. Sau đó, ông bà, cha mẹ sẽ lì xì cho con cháu phong bì màu đỏ để mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng có thể trao nhau niềm vui qua những phong bì lì xì, nhưng đừng để phong tục đó lệch đi ý nghĩa vốn có. Chúng ta đừng quá đề cao số tiền, mà hãy trân trọng tấm lòng của nhau để không vô tình biến việc lì xì trở thành gánh nặng ngày Tết. Hãy nhớ rằng “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn” [I Ti. 6:6]. Ngoài tiền lì xì, chúng ta cũng có thể gởi gắm lời cầu chúc qua câu Kinh Thánh trên phong bì lì xì Cơ Đốc. Việc làm đó rất ý nghĩa bởi vì những phước hạnh thuộc thể sẽ chóng qua, còn phước hạnh thuộc linh sẽ còn lại đời đời.

6. Đi thăm và chúc Tết: Người Việt Nam thường dành những ngày đầu năm mới để đi thăm bà con, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng hãy trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm mới. Như lời sứ đồ Giăng viết cho Gai-út, chúng ta cũng hãy dành thời gian đi thăm viếng nhau để khích lệ nhau và cầu nguyện cho nhau “được thịnh vượng mọi mặt, được khỏe mạnh phần xác, cũng như được thịnh vượng về phần hồn” [III Giăng 2].

Tết Nguyên Đán là dịp lễ rất có ý nghĩa đối với người Việt Nam. Tuy vậy, đó cũng là dịp lễ gắn liền với nhiều điều mê tín. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để phân biệt được đâu là điều nên làm, đâu là điều cần tránh. Hãy nhắc nhau câu Kinh Thánh này để có những ngày Tết trọn vẹn và đẹp lòng Chúa: “Hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến” [Phi-líp 4:8].

Tác giả: Sarang Mai

Đọc các bài viết khác tại: //vietnamese-odb.org/tieu-diem/

Video liên quan

Chủ Đề