Nguyên nhân dẫn đến trẻ rối loạn hành vi

Lứa tuổi trẻ có thể bị các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, cảm xúc và hành vi. Đây là vấn đề thực tế đang gặp phải và gây ra  khó khăn, lo lắng cho nhiều gia đình.

Những vấn đề này thường được gọi là các “ Rối loạn” và được xếp loại trong ICD-10 hoặc DSM- IV.
Ước chừng 1/5 [ khoảng 20%] thanh thiếu niên có các rối loạn về sức khoẻ tâm thần và cảm xúc cần được phát hiện và điều trị.

Các rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học, môi trường hoặc kết hợp cả hai. Ví dụ về các yếu tố sinh học như yếu tố di truyền, cân bằng sinh hoá trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh trung ương [ chấn thương sọ não]. Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần như bị bạo hành,  bị thảm hoạ, mất người thân…

Điều quan trọng là cộng đồng xã hội và gia đình cần kết hợp để tổ chức được các dịch vụ nhằm phát hiện, can thiệp và giải quyết sớm các rối loạn tâm thần trong thanh thiếu niên. Sau đây là các rối loạn tâm thần, cảm xúc hành vi thường gặp trong suốt quá trình phát triển từ trẻ nhỏ cho đến lứa tuổi thanh thiếu niên và có ảnh hưởng đến sức khoẻ chung cũng như học tập và sinh hoạt của các cháu.

1- Các rối loạn lo âu
Sợ hãi quá mức, buồn rầu hoặc trạng thái lo lắng, bực bội… đều có thể là rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu là biểu hiện phổ biến nhất ở lứa tuổi trẻ. Theo một nghiên cứu trẻ từ 9 đến 17 tuổi, ước chừng 13/100 trẻ bị các rối loạn lo âu.
Các rối loạn lo âu bao gồm:
-  Ám ảnh: sợ hãi không có căn cứ và không cưỡng lại được trước các vật, đồ vật hoặc các tình huống. Ví dụ sợ gián, sợ chuột, sợ vật sắc nhọn, sợ độ cao, sợ chỗ trống, sợ đông người…
-  Rối loạn lo âu lan toả: lo hãi triền miên về những tình huống không có thật.
-  Rối loạn hoảng sợ: là các cơn hoảng sợ kèm theo các triệu chứng cơ thể như mạch nhanh, choáng váng, vã mồ hôi, run tay chân, thậm chí ngất sửu…
-  Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: là các suy nghĩ, hành vi không phù hợp, không chống lại được dù biết là không đúng. Các ám ảnh cưỡng bức thường lặp đi lặp lại và gây đau khổ, lo lắng cho các cháu. Ví dụ như hành vi đếm ám ảnh hoặc rửa tay…
-   Rối loạn stress sau sang chấn: bao gồm tái hiện các hoàn cảnh sang chấn và các triệu chứng cơ thể, tâm thần xảy ra ở trẻ bị các sự kiện gây stress như bị lạm dụng tình dục, nạn nhân hoặc nhân chứng của bạo lực, trải qua các thảm hoạ thiên tai…

2- Trầm cảm nặng
Trước kia người ta cho rằng trầm cảm nặng không xảy ra ở trẻ em. Ngày nay các chuyên gia đều đồng ý rằng trầm cảm nặng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các nghiên cứu cho thấy 2/100 trẻ có thể bị trầm cảm chủ yếu. Khoảng 8/100 thanh thiếu niên có thể  bị trầm cảm nặng.
Trẻ bị rối loạn này nổi bật với các dấu hiệu thay đổi cảm xúc như buồn rầu, , khóc lóc, tự ti… thay đổi hành vi như mất quan tâm thích thú trong các hoạt động hoặc giảm sút trong học tập, thay đổi thể chất như ăn kém, sụt cân, mất ngủ, ngủ nhiều, hoặc các phàn về các chứng đau không rõ ràng…đặc biệt một số thay đổi trong suy nghĩ như chúng là người xấu xa, có tội, không xứng đáng, chẳng làm được gì đúng, cuộc sống vô giá trị…Cha mẹ và các thày cô giáo cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng này vì nếu không chữa trị chúng có thể là nguyên nhân thúc đẩy hành vi tự sát ở thanh thiếu niên.

3- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Trẻ có các trạng thái cảm xúc thay đổi theo các giai đoạn từ hưng phấn sang ức chế, ở giữa là giai đoạn bình thường.
Giai đoạn hưng phấn trẻ nói nhiều, đi lại nhiều, ngủ ít, cáu kỉnh, dễ bị kích thích và không làm được việc gì đến nơi đến chốn…
Giai đoạn ức chế thì ngược lại có biểu hiện trầm cảm, chán nản, mệt mỏi, tự ti…
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay tái phát và tái diễn trong cuộc đời trẻ. Khoảng 1/100 người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực có dấu hiệu bệnh lần đầu trong những năm tuổi thanh thiếu niên.

4- Rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý
Thường bắt đầu ở lứa tuổi mẫu giáo lớn và diễn biến kéo dài. Tỷ lệ mắc 5/100 cháu.
Các biểu hiện chủ yếu:
Pha tăng động với tăng hoạt động, hấp tấp bốc đồng, khó khăn khi phải ngồi yên một chỗ hoặc phải chờ đợi. Chúng luôn ngọ nguậy, không giữ được yên tĩnh, đi hết chỗ nọ sang chỗ kia…
Pha giảm tập trung chú ý thì ngược lại chúng luôn phân tán, không tập trung được để nghe giảng hoặc làm bài, hay quên đồ vật sách vở, luôn thất bại trong học tập.
Pha hỗn hợp vừa tăng động vừa giảm tập trung chú ý.

 5- Các rối loạn về học
Khó khăn trong việc tiếp thu và diễn đạt thông tin, có thể có khó khăn về nói và viết chính tả, khó khăn về tính toán hoặc khó khăn trong việc phối hợp, các vận động chủ ý và tự kiểm soát bản thân.

6- Các rối loạn về ứng xử
Ít quan tâm đến người khác, xâm phạm thô bạo với bạn bè người thân hoặc súc vật. Không tuân thủ các qui tắc xã hội, hay có các hành động quá đáng và quá mức, vi phạm trật tự. Sự chống đối có thể tăng đến độ nguy hiểm. Các biểu hiện vi phạm bao gồm nói dối, ăn cắp, gây hấn, trốn học hoặc dã man tàn bạo…
Tỉ lệ rối loạn ứng xử khoảng  3/100 trẻ tuổi từ 9 đến 17 tuổi.

7- Rối loạn ăn uống
Có hai loại: chán ăn và ăn vô độ
Khi trẻ em và vị thành niên có suy nghĩ sợ tăng cân trong khi cơ thể chúng đã ở dưới mức trung bình thì có thể có rối loạn ăn uống. Rối loạn ăn uống có thể đe doạ tới tính mạng trẻ vì 1 số cháu bị chứng chán ăn không duy trì được một cơ thể khoẻ mạnh. Trẻ chán ăn có tỷ lệ gặp 1/100 trẻ.
Trẻ có chứng ăn vô độ thì vô cùng thích thú với việc ăn uống và chúng ăn rất nhiều có thể dẫn tới béo phì. Sau khi ăn xong, để đề phòng tăng cân trẻ tìm cách tống thức ăn ra ngoài bằng móc họng gây nôn, uống thuốc sổ hoặc thụt tháo hoặc làm các động tác thể dục quá mức…Tỉ lệ chứng ăn vô độ khoảng 1-3/100 trẻ.

8- Tự kỷ
Trẻ được gọi là tự kỷ là những trẻ có vấn đề về giao tiếp, ứng xử với những người khác. Tự kỷ xuất hiện trước 3 tuổi, làm cho trẻ có những hành vi không thích hợp, thường tái diễn trong một giai đoạn dài. Ví dụ một số trẻ lấy đá hoặc đồ vật tự đập vào đầu chúng. Yếu kém các kỹ năng xã hội, sự lệch lạc về ngôn ngữ và giao tiếp cũng là các dấu hiệu của tự kỷ.
Các triệu chứng của tự kỷ có phạm vi từ nhẹ đến nặng. Khoảng 70% trẻ tự kỷ có chậm phát triển tâm thần và có nguy cơ cao bị các rối loạn tâm thần. Tỷ lệ trẻ tự kỷ từ 2 đến 8 phần vạn. Tỷ lệ bé trai/ bé gái là 3/1.

9- Tâm thần phân liệt
Tỷ lệ 5/1000 trẻ. Các triệu chứng bao gồm: giai đoạn loạn thần với ảo giác, thu mình, không tiếp xúc với thực tại. Các triệu chứng khác bao gồm hoang tưởng hoặc các rối loạn về tư duy ngôn ngữ…                                                                                                                                                 

Bs Nguyễn Mạnh Hoàn

Gọi ngay 043. 6275762 để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn!                 

Chủ Đề