Nội dung nguyen văn quy định 76 ngày 15-6 2000

[TCTG] - Nhìn chung, việc thực hiện Quy định 76 ở Quảng Bình đã góp phần tích cực vào công tác quản lý đảng viên trong điều kiện mới; tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động và quan hệ xã hội của đảng viên, qua đó đóng góp ý kiến xây dựng cho đội ngũ đảng viên đang công tác nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung.

Non nước Quảng Bình. [Ảnh minh hoạ].

Ngày 15/6/2000, Bộ Chính trị ban hành Quy định 76/QĐ-TW “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên giữ mối quan hệ với chi uỷ, đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ nơi cư trú” [gọi tắt là Quy định 76]. Đây thực sự là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nên ngay sau khi ban hành đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng và các tầng lớp nhân dân. Thực tế cho thấy, Quy định 76 về cơ bản đã được thực hiện khá nghiêm túc, đa số đảng viên đương chức được giới thiệu về sinh hoạt ở các cấp ủy nơi cư trú đã tham gia sinh hoạt có nề nếp.

Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả Quy định 76 của Bộ Chính trị, ngày 21/3/2001, Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch 04/KH-TU hướng dẫn, quy định việc thực hiện Quy định 76 đến các cấp uỷ cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Ngày 14/10/2003, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 23/HD-TCTW hướng dẫn thực hiện Quy định 76/QĐ-TW.

Như vậy, cùng với Kế hoạch 04/KH-TU của Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình, Hướng dẫn 23/HD-TCTW của Ban Tổ chức Trung ương đã góp phần cụ thể hoá, tạo điều kiện cho các cấp uỷ trên địa bàn Quảng Bình thực hiện đúng, đảm bảo nội dung “đảng viên đang công tác tác ở các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên giữ mối quan hệ với chi uỷ, đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ nơi cư trú”.

Một trong những nội dung Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: “Chi uỷ, chi bộ nơi cư trú tổ chức cho đảng viên đang công tác về giữ mối liên hệ ở nơi cư trú sinh hoạt định kỳ một năm ít nhất 2 lần”. Thực hiện nội dung này, đa số các cấp uỷ nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã bố trí mỗi năm 2 kỳ sinh hoạt vào tháng 6 và cuối tháng 11 [thường tổ chức vào ngày thứ 7, chủ nhật - ngày nghỉ của đảng viên] dành cho đảng viên đương chức.

Nhìn chung, việc thực hiện Quy định 76 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã góp phần tích cực vào công tác quản lý đảng viên trong điều kiện mới; tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động và quan hệ xã hội của đảng viên, qua đó đóng góp ý kiến xây dựng cho đội ngũ đảng viên đang công tác nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung.

Qua quá trình thực hiện Quy định 76 cũng đã góp phần quan trọng giúp cán bộ đảng viên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Đồng thời là cơ sở thuận lợi để cấp uỷ nơi cư trú khai thác khả năng, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý của đảng viên đương chức, qua đó nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ ở cơ sở.

Tuy vậy, thực tế ở Quảng Bình cho thấy, những năm gần đây, việc chấp hành của không ít đảng viên đương chức đối với Quy định 76 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 23 của Ban Tổ chức TW và Kế hoạch 04 của Thường vụ Tỉnh uỷ đã có những bất cập. Điều này đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, giải quyết để chủ trương trên đi vào thực chất, có hiệu quả cả về chiều rộng và chiều sâu trong điều kiện mới.

Qua khảo sát từ một chi bộ có đông đảng viên đương chức hàng năm về tham gia sinh hoạt với cấp uỷ nơi cư trú, cho thấy:

TT

Năm

Tổng số đảng viên

Số đảng viên đương chức tham gia sinh hoạt

Tỷ lệ

Ghi chú

1

2002

72

62

86,1%

2

2006

74

56

75,6%

3

2008

82

40

48,7%

4

2010

84

34

40,5%

Tỷ lệ trên chỉ rõ, số đảng viên đương chức tham gia sinh hoạt với cấp uỷ cơ sở nơi cư trú ngày cảng giảm. Trong số vắng sinh hoạt, số có lý do đặc biệt, hoặc đi công tác xa chiếm tỉ lệ ít hơn số không có lý do.

Qua tìm hiểu, thấy rằng ý thức của một bộ phận không nhỏ đảng viên đương chức tỏ ra xem thường việc sinh hoạt với cấp uỷ nơi họ cư trú. Trong Hướng dẫn của Ban Tổ chức TW ngày 14/10/2003 về nhiệm vụ của đảng viên đương chức tại địa bàn cư trú, nêu rõ: “Tham gia đầy đủ các cuộc họp theo quy định hay đột xuất do đảng uỷ, chi uỷ nơi cư trú triệu tập, có trách nhiệm tham gia ý kiến với chi uỷ, đảng uỷ nơi cư trú về công tác xây dựng Đảng, xây dựng địa phương”. Như vậy, số đảng viên vắng trong các kỳ sinh hoạt, bản thân họ không những không hoàn thành trách nhiệm nơi cư trú mà còn thiếu tính tiên phong gương mẫu trong công tác vận động gia đình, bà con nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương đề ra. Thường thì số đảng viên đã tích cực tham gia các kỳ sinh hoạt với cấp uỷ nơi cư trú thì phong trào nào của địa phương cũng tích cực tham gia, kỳ họp nào chi uỷ triệu tập cũng chấp hành đầy đủ. Số không hoặc ít tham gia sinh hoạt như những người đứng ngoài cuộc, xem đó là công việc của người khác.

Tình trạng trên không chỉ các cấp uỷ nơi cư trú mà ngay cả bộ phận đảng viên tích cực đã tỏ thái độ không hài lòng, nhiều lần có đề nghị lên cấp đảng bộ cấp trên.

Đi sâu vào tìm hiểu tại sao có tình trạng trên? Thực tế có nhiều lý do, nhưng theo chúng tôi thì có mấy nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, Hiện nay, nhiều tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên đang công tác, khi đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm không cần lấy giấy nhận xét sinh hoạt của cấp uỷ nơi đảng viên đương chức cư trú. Việc này chỉ được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trong những năm đầu Quyết định 76 của Bộ Chính trị mới ban hành.

Kế hoạch của Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình ngày 26/3/2001 quy định: “Căn cứ nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú để xem xét, đánh giá, phân loại đảng viên hàng năm”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thường thì chỉ có những đảng viên đang trong quy trình đề bạt, hoặc đề bạt lên cấp lãnh đạo cao hơn mới cần đến ý kiến của cấp uỷ nơi cư trú. Một bộ phận đảng viên còn lại, vì ít có liên quan đến quyền lợi kinh tế, chính trị ở địa phương, nên có tư tưởng: sinh hoạt cũng được, không sinh hoạt cũng không sao, chẳng ảnh hưởng gì đến bản thân! Bên cạnh đó, cấp uỷ nơi cư trú chỉ trên tinh thần tự giác của mỗi người để quản lý, chứ ít có điều kiện để sâu sát, theo dõi số anh em đảng viên này.

Thứ hai, Nhiều đảng bộ, chi bộ cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp thực hiện Quy định trên không đầy đủ. Công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên, coi nhẹ việc tổng kết, rút kinh nghiệm để qua đó tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, thực hiện có hiệu quả.

Điều 30 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt nam quy định “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của công tác kiểm tra, bởi vì nếu thiếu công tác này, thì chủ trương, nghị quyết, chính sách dù có đúng cũng khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Hồ Chí Minh chỉ rõ “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[2]. Vì cấp trên thiếu kiểm tra, yêu cầu đối với cấp dưới; lãnh đạo thiếu kiểm tra, yêu cầu đối với cán bộ chuyên trách, cho nên khi chuyển đảng viên đương chức về sinh hoạt với cấp uỷ nơi cư trú, thường làm qua loa, đại khái, mang tính hình thức, không được quán triệt một cách đầy đủ. Đảng viên về sinh hoạt với cấp uỷ cơ sở thế nào cũng được, không coi trọng và cũng không cần đến ý kiến đánh giá, nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú khi tổng kết, xếp loại đảng viên cuối năm.

Những nguyên nhân nêu trên là một thực tế đang diễn ra, nó là nguy cơ không nhỏ, góp phần làm cho số đảng viên đương chức sinh hoạt với cấp uỷ cơ sở-nơi cư trú ngày càng giảm.

Để góp phần thực hiện tốt phương hướng xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay: “Xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh” như trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu, có nhiều việc cần phải làm, trong đó có một nhiệm vụ quan trọng là mỗi đảng viên, tổ chức cơ sở đảng cần thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ Quy định 76 của Bộ Chính trị.

Để thực hiện đảm bảo thực chất, hiệu quả Quy định này, theo chúng tôi cần chú ý đến những nội dung:

Trước hết, từng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng cần học tập, quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu nhiệm vụ của Quy định 76 của Bộ Chính trị. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho từng đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng khi thực hiện Quy định này.

Hai là, Cấp uỷ đảng các cấp cần quán triệt nghiêm túc, chu đáo tinh thần thực hiện Quy định 76 của Bộ Chính trị trước khi giới thiệu đảng viên đương chức về sinh hoạt với cấp uỷ nơi cư trú.

Ba là, Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cấp uỷ nơi đảng viên đang công tác với cấp uỷ nơi đảng viên đang cư trú để đánh giá đảng viên hàng năm chính xác, đảm bảo đúng quy định của Đảng. Việc bình xét danh hiệu đảng viên cuối năm nhất thiết cần phải có bản nhận xét, đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú, coi đây là một yêu cầu bắt buộc.

Bốn là, Tăng cường công tác kiểm tra của cấp uỷ đảng cấp trên đối với cấp uỷ đảng cấp dưới; của lãnh đạo đối với cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này. Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, các cấp bộ đảng nên định kỳ [hoặc chuyên đề] có tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung để quá trình thực hiện Quy định 76 của Bộ Chính trị đạt kết quả tốt hơn./.

Chủ Đề