Phê bình văn học Ai đã đặt tên cho dòng sông

X

Bảo mật & Cookie

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Đã hiểu!
Quảng cáo

I. Chuẩn bị tri thức
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế, quê ở Quảng Trị, là nhà thơ có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể loại bút kí, tùy bút. Ông là một trong những cây bút viết nhiều về Huế, cả thơ và bút kí. Tô Hoài đã nhận xét: Hoàng Phủ Ngọc Tường trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế.
Kia rồi Hoàng Phủ Ngọc Tường trên đại lộ, lúc ấy anh đã có thêm Ai đã đặt tên cho dòng sông?, tập bút kí thứ 3 khiến dư luận đồng thanh trầm trồ, anh đúng là một ông hoàng của thể kí, sân chơi ai cũng có thể dạo qua nhưng được độc gải tôn vinh thì không dễ.
[Theo Dạ Ngân]
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số rất ít nhà văn viết bút kí nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ mông, huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình.
Thực ra, bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc. Có độc giả ở Hà Nội đã công phu cắt từng câu trong bút kí nổi tiếng Ai đã đặt tên cho dòng sông? của anh xếp lại thành một bài thơ.
[Theo Tô Hoài]

Lai lịch dòng sông thơm
Tên sông Hương có tự bao giờ ? Nước sông Hương có thơm thật không ?
Theo các sách cổ, trước khi mang tên sông Hương, con sông này tùy theo thời gian có những tên khác nhau.
Sách Dư dịa chí của Nguyễn Trãi [1435] viết là sông Linh.
Sách Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555, viết là sông cái Kim Trà [Kim Trà đại giang].
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết lại gọi là sông Hương Trà [Hương Trà nguyên].
Nhiều tài liệu khác cho biết sông Hương đã từng mang tên sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục.
Từ năm 1469, dưới thời Lê Thánh Tông, Kim Trà là tên của một huyện ở phủ Triệu Phong thuộc thừa tuyên Thuận Hóa. Đến khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hóa [1558], huyện Kim Trà được đổi tên là Hương Trà.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Xưa nay, người ta thường gọi tên một con sông bằng tên của vùng đất mà nó chảy qua. Vào các thời kì lịch sử nói trên, khi vùng đất ấy còn mang tên là huyện Kim Trà thì con sông chúng ta đang nói đến là huyện Kim Trà. Sau đó, khi tên huyện đổi thành Hương Trà thì tên sông cũng đổi theo: sông Hương Trà. Từ sông Hương Trà đến sông Hương chỉ còn một bước, vì trong, bất cứ ngôn ngữ nước nào, dân gian thường hay rút gọn. Vả chăng, hai chữ sông Hương đẹp quá, giới văn chương trí thức cũng không muốn gì hơn.
Ngoài các bộ địa chí và sử sách vừa nêu, còn có một tư liệu lịch sử bổ sung, củng cố thêm cho lập luận địa danh sông Hương chính là do địa danh huyện Hương Trà và sông Hương Trà mà ra. Tư liệu ấy là sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn. Ở phần đệ nhất kỉ nói về thời Gia Long được biên soạn từ năm 1821 và khắc in vào năm 1848, Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết rằng: Vào ngày Bính Thân tháng 7 năm Tân Dậu, [8-1801], vua đi Quảng Bình Thuyền ngự khởi hành từ sông Hương tức là sông Hương Trà.
Như vậy, căn cứ vào các tư liệu thành văn dẫn trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, cái tên sông Hương là do địa danh Hương Trà được rút gọn lại từ khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX.
Có lẽ vì thế mà theo nhiều tài liệu của người Pháp đến Huế hồi nửa sau thế kỉ XIX, họ gọi sông Hương là sông Huế.
Khi đúc bộ Cửu Đỉnh bằng đồng vào năm 1836, vua Minh Mạng cho khắc nổi hình ảnh sông Hương lên Nhân Đỉnh và ngay tại đó khắc liền hai chữ Hán Hương giang như ta còn thấy trước sân Thế Miếu trong Hoàng thành ngày nay.
[Theo Nguyễn Đắc Xuân]

Bút kí: Thể loại thuộc hình kí, thường có quy mô tương ứng với truyện ngắn, nhưng khác với truyện ngắn ở chỗ tác giả không sử dụng hư cấu vào phản ánh hiện thực.
Bút kí ghi lại những con người và sự việc mà nhà văn tìm hiểu và nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó. Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút kí tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu khám phá, diễn đạt của tác giả đối với hiện tượng, sự việc được đề cập đến nhằm khám phá những khía cạnh có vấn đề, những ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc.
Bút kí có thể thuộc về văn học, có thể thuộc về báo chí tùy theo mức độ biểu hiện cái riêng của tác giả và mức độ sử dụng các biện pháp nghệ thuật cùng với tính chất tác động của nó đối với công chúng.
[Từ điển thuật ngữ văn học]

II. Hướng dẫn đọc
Có nhiều người viết về sông Hương, núi ngự của xứ Huế. Bài bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường là bài kí ca ngợi vẻ đẹp dòng sông Hương, khảo cứu dòng sông Hương từ thượng nguồn cho đến hạ lưu. Xuôi dòng sông Hương, ngang qua cố đô Huế, tác giả ca ngợi lịch sử vẻ vang của Huế, ca ngợi nền văn hóa và tâm hồn người Huế. Sinh ra ở Huế, gắn bó với Huế bằng một tình cảm thiết tha chân thành, tác giả đã huy động những hiểu biết của mình về văn hóa xứ Huế, cùng với vốn ngôn ngữ phong phú để phát hiện và diễn tả vẻ đẹp và chất thơ của Huế thể hiện tập trung ở dòng sông Hương như một biểu tượng của Huế. Vẻ đẹp của Hương giang được Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện qua cảm nhận của nhân vật tôi, hình tượng của chính tác giả, và miêu tả dòng sông Hương từ nhiều góc độ: cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa và lịch sử, cùng với những liên tưởng bất ngờ. Đọc bài bút kí [đoạn trích trong SGK], chú ý đến cách miêu tả vẻ đẹp đó của dòng sông Hương, đồng thời phát hiện những cảm xúc, trí tưởng tượng qua các hình ảnh trong bài bút kí, từ đó có thể khái quát được một số đặc điểm về văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua bài kí này.
Sông Hương giữa đại ngàn Trường Sơn mang vẻ đẹp của cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Dòng sông chảy giữa núi rừng rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và được rừng già hun đúc một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Có lúc sông Hương cũng dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi của hoa đỗ quyên rừng. Sông Hương, cô gái Di-gan, dịu dàng và trí tuệ khi ra khỏi rừng già thì trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Dòng sông Hương phía thượng nguồn, dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, mang một vẻ đẹp hết sức hấp dẫn và kì thú, giống như cô gái Di-gan ẩn chứa bao nhiêu điều mới lạ đối với người đọc, ngay cả người đọc là con người xứ Huế.
Qua khỏi rừng già, dòng sông uốn khúc qua bao nhiêu địa danh văn hóa: ngã ba Tuần, điện Hòn Chén, Nguyệt Biều, Lương Quán, Thiên Mụ rồi mới xuôi dần về Huế. Dòng sông Hương mang nhiều vẻ đẹp khác nhau: trở nên xanh thẳm, mềm như tấm lụa, mơ màng trong sương khói, vẻ đẹp trầm mặc, như triết lí, như cổ thi, lại mang âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chàu Thiên Mụ. Với vốn ngôn từ phong phú, với sức tưởng tượng dồi dào, qua đôi mắt tinh tường và tâm hồn khoáng đãng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng sông Hương trở nên đẹp hơn, đáng yêu hơn. Sông Hương trong bài kí không còn là dòng sông bình thường mà đó là con người, cũng mang những tính cách, khi thì dữ dội, mãnh liệt, khi thì dịu dàng, êm ái, như một cô gái giàu cảm xúc. Những kiến thức về địa lí, văn hóa, lịch sử đã giúp tác giả miêu tả khá tỉ mỉ sông Hương, nhất là về lưu vực hướng chảy của nó.
Khi đi ngang qua Huế, sông Hương trở nên vui tươi hẳn lên. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh tác động vào giác quan người đọc. Hình ảnh chiếc cầu [cầu Tràng Tiền] được miêu tả rất ấn tượng: nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non, hình dáng thì uốn cong như một cánh cung rất nhẹ.
Được nhìn từ góc độ văn hóa, lịch sử, sông Hương là nơi sinh ra nền âm nhạc cổ điển Huế, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Sông Hương gợi nhớ về Nguyễn Du bao năm lênh đênh trên quãng sông này liên tưởng đến Truyện Kiều và tiếng đàn của Kiều, gợi đến những câu thơ của Tản Đà và Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu, Sông Hương còn mang vẻ đẹp lịch sử, từng là dòng sông bảo vệ biên thùy thời Đại Việt, từng là bóng kinh thành Phú Xuân thời Nguyễn Huệ, từng chứng kiến bao cuộc khởi nghĩa, rồi đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến dịch Mậu Thân 1968,
Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí tiêu biểu cho phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường ở thể kí. Dòng sông Hương được tác giả miêu tả từ nhiều góc độ, với nhiều phương pháp để vừa khảo sát, vừa trữ tình. Hoàng Phủ Ngọc Tường có cách sáng tạo hình ảnh riêng: vừa tả thực, vừa so sánh, ẩn dụ vừa tạo ra những liên tưởng bất ngờ, cùng với hình ảnh giàu đường nét, màu sắc và có cả âm thanh. Sông Hương còn được nhìn từ nhiều phía: nhìn từ đôi mắt của người nghệ sĩ lãng du về cảnh sắc thiên nhiên, nhìn từ văn hóa lịch sử để khám phá chiều sâu ý nghĩa toát lên từ dòng sông, Văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường giàu chất thơ, có khi cao hứng cũng bay bổng, cũng không kém phần lãng mạn.

Hướng dẫn Đọc văn Làm văn lớp 12 [Nguyễn Hữu Lễ NXBGD]

Quảng cáo

Có liên quan

  • Phân tích : Đoàn thuyền đánh cá Huy Cận
  • 16.06.2013
  • Trong "Ngữ Văn 9"
  • Bình giảng Người lái đò sông Đà Nguyễn Tuân
  • 23.08.2014
  • Trong "Lớp 12"
  • Phân tích thơ: Sang thu [Hữu Thỉnh]
  • 23.05.2013
  • Trong "Ngữ Văn 9"

Video liên quan

Chủ Đề