Quan trị cuộc sống với Nhân số học

Ngồi đối diện mình trong tập quay hình Góc nhìn cuộc sống qua Nhân số học hôm kia là một cô gái 35 tuổi. Cô ấy sinh ngày 24/6/1986. Phải, mình phải ghi rõ ngày sinh cô ấy ra ngay, bởi toàn bộ câu chuyện mình viết ra đây hôm nay để chia sẻ với mọi người, có lẽ nút thắt lớn nhất nằm ở những dòng số thoạt nhìn có vẻ đơn giản, ‘sao cũng được’ đó.

Cô ấy là một học viên lớp Quản trị cuộc sống với Nhân số học của tụi mình. Một học viên mà, ở trong lớp cơ bản tại du thuyền Hạ Long, cô ấy khá lặng lẽ, nên tụi mình cũng không có ấn tượng gì đặc biệt. Chỉ là, những lời cô chia sẻ mấy tuần sau khi học xong lớp căn bản này mới làm tụi mình kinh ngạc. Cô ấy nói, tính khí cô ấy… trước giờ đối với gia đình là “ít bình thường”. Và bao nhiêu năm nay, cô sống với sự ngột ngạt, “tuột tâm trạng liên tục và ngàn câu hỏi tại sao cuộc đời mình trồi lên sụt xuống”. Một mình nuôi con, cô ấy càng có quyết tâm mình phải thay đổi. Và vì thế, dẫu vấp phải sự ít đồng tình từ phía gia đình, cô vẫn âm thầm đi học. Học hết tất cả các lớp kỹ năng sống, đến tái lập trình ngôn ngữ tư duy, đến giải mã các giấc mơ… Cái lý thuyết nào để vực dậy một cuộc sống cho nó trở nên bình thường, khởi sắc, nở hoa, cô cũng đã nắm hết rồi. Tuy nhiên, vấn đề là, sau mỗi khóa học về, chỉ năm bảy ngày sau, những năng lượng được ‘sạc’ từ các lớp học ấy từ từ… tụt xuống, và cô lại… quay trở lại tình trạng u uất, ngột ngạt như cũ.

Vậy mà, với cô ấy, lớp Quản trị cuộc sống với Nhân số học đến với cô như một duyên lành, giữa lúc cô đang ở trung tâm điểm trũng nặng nề nhất: sức khỏe, tình cảm, tiền bạc… đều trục trặc. Và cô quyết tâm phải tham gia khóa học căn bản cho bằng được! Và ở đó, cô vỡ òa…

Ở buổi ghi hình ngày hôm qua, cô chia sẻ, cô sinh ra trong một gia đình có cha mẹ thương yêu đó, nhưng theo đúng kiểu của một tình yêu thương phổ biến ở một gia đình Việt Nam thời khốn khó: mọi người rất ít khi biểu đạt lời thương yêu cho nhau, càng không thể nào có được những sự kết nối yêu thương bằng những cái nắm tay hay ôm hôn lẫn nhau. Hơn nữa, là một gia đình thực tế, ba mẹ và các chị em trong gia đình không thích khi thấy đứa con gái, đứa em mình lúc nào cũng có vẻ… ‘lửng lơ trên trời’, lúc nào cũng giàu cảm xúc, thích giúp đỡ mọi người, thích viết lách, giãi bày trong những trang nhật ký. Từ năm cô lên bảy tám tuổi, chất chứa nhiều cảm xúc trong lòng, cô đã tự động viết nhật ký hàng ngày, thổ lộ hết những niềm vui nỗi buồn, những ước mơ hoài bão sâu kín của mình vào đó. Đến năm cô 12 tuổi thì chẳng may một ngày cuốn nhật ký của cô bị chị gái cô phát hiện. Cả nhà chọc quê, từ đó trở đi, cô lặng tăm, bỏ luôn thói quen viết nhật ký.

Và đó cũng là thời gian cô bắt đầu để ý, tính tình cô bắt đầu thay đổi. Cô buồn vui thất thường, những cảm xúc dạt dào không có chỗ trút ra, trở thành một khối u trong lòng, sinh ra những cảm xúc tiêu cực thường trực. Tính tình vui buồn bất chợt, dễ nổi nóng, dễ gây hoặc phản ứng tiêu cực với những vấn đề bất ý… khiến cô mất nhiều hơn được.

Thêm nữa là, cô thấy mình sao không muốn kinh doanh như gia đình mong muốn. Ngược lại, cô lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện giúp người, giúp đời, làm được những điều gì đó… to tát hơn, giúp cho cuộc sống này. Ý nghĩ này tiếp tục bị gia đình cô chế giễu. Chị gái cô bảo, “Lo kiếm cái ăn cái mặc trước mắt không lo, bày đặt lo chuyện bao đồng”. Gia đình cô cấm cản, không cho cô tiếp tục đi học sau tuổi trưởng thành, muốn cô phải mở nhà hàng kinh doanh, rồi bán buôn này nọ… Ở gia đình cô nói riêng và cái cộng đồng quanh khu cô sống, việc một con người “đã qua tuổi học” [nghĩa là đã qua lứa tuổi học phổ thông và đại học], đã hai mấy ba mươi tuổi mà cứ cắp tập đi học thêm lớp này khóa kia… là chuyện thật sự rất bất bình thường [!]

Bị cấm cản không được tiếp tục đi học, ước mơ cháy bỏng của cô gái ấy… xuyên vào các giấc mơ. Các giấc mơ của cô thường xuyên thể hiện cảnh cô ấy đi học, học gì không biết, chỉ thấy cô vô cùng háo hức, vui vẻ cùng thỏa mãn lòng ham học của mình. Rồi cô tìm cách sống riêng ở một tỉnh khác, tách xa bố mẹ và gia đình gốc, để thỏa chí đi học. Trong một khóa học về giải mã giấc mơ, cô kể lại những giấc mơ đi học của cô, các chuyên gia cũng không lý giải được điều này, đoán rằng cô mắc một loại rối loạn về tâm lý.

Bao nhiêu lớp học, cô cũng không giải quyết được những câu hỏi của mình. Ta là ai mà lại ‘khác người’ như vậy. Ta như thế nào mà mãi cứ thấy mình như con cá lội ngược dòng nước, ngột ngạt chán nản vô cùng. Rồi lại thêm những sự không thấu hiểu từ gia đình, sự kết luận từ các chuyên gia ở các khóa học trước đây, cô ngày càng thêm mất lòng tin vào chính bản thân mình. Thay vào đó, cô sống tự ti, càng ngày càng tin rằng… mình có bệnh thiệt! Để rồi cuộc hôn nhân gặp nhiều bất ý, cô cho nó tung hê luôn, âm thầm ly hôn, ba năm sau mới đủ sức quay về gặp cha mẹ thú nhận sự thật. Ba má cô vừa thương con gái vừa đau lòng, hận không thể ‘mổ bụng nhét nó vô trở lại’, chớ “con cái gì mà kỳ cục vậy!”

Ngồi nghe tới đây, mình mới thực sự hiểu, vì sao mãi đến lớp Quản trị cuộc sống với Nhân số học, cô mới như… từ từ sống lại. Bởi chỉ có phân tích cuộc đời cô dưới góc nhìn Nhân số học, cô mới nhìn ra bản thân mình, một con người mình… hóa ra cực kỳ bình thường!!!

Bạn thấy đó. Sinh ngày 24/6/1986, con số chủ đạo dẫn dắt cuộc đời cô là con số 9 – số của những người sống đầy trách nhiệm, đầy lý tưởng hoài bão, không thích – thậm chí thật dốt hay dị ứng với kinh doanh, nhưng lại cực kỳ hứng thú với việc phụng sự nhân sinh. Cô mới hiểu, vì sao cả đời cô, trong đầu chỉ muốn giúp người giúp đời, chỉ muốn “làm một cái gì đó to lớn hơn cho cuộc sống”. Cô mới hiểu, vì sao đã từng hai năm cô gan lì, mở được Quán cơm 2.000 đồng phục vụ người già yếu nghèo khổ, đối với cô chính là hai năm hạnh phúc nhất!

Cô nhìn ra, con người cô… nhìn đâu cũng thấy số 6! Ngày sinh 24 cộng lại ra thành 6. Tháng sáu. Năm sinh 1986 cộng lại cũng thành 6. Tên cô tặng cô thêm một con 6 nữa, thành bốn con số 6 vừa ẩn vừa hiện. Bốn đỉnh cao, có đỉnh cao thứ ba cũng là số 6. Cô hiểu, con số 6 mang đậm tính sáng tạo và yêu thương, đi kèm con số chủ đạo 9, nên cô lúc nào cũng đau đáu tình thương cho mọi người, dạt dào cảm xúc, lúc nào cũng muốn nghĩ ra việc này việc kia để giúp đời giúp người. Chẳng may gia đình lại không hiểu được điều này, gặp sự chế giễu, thậm chí cản trở từ gia đình, cô rụt lại, con người nội tâm bên trong bị tổn thương dữ dội. Tính chất yêu thương sáng tạo đầy tích cực của con số 6 bị chận nguồn lan tỏa, bèn lội ngược thành hướng ngược lại: mang đậm tính hủy diệt! Cô hiểu, lý do cuộc sống cô mất nhiều hơn được, tan nát nhiều thứ, cũng ra từ tính hủy diệt của nhiều con số 6 này.

Nghe lời hướng dẫn từ tụi mình trong khóa học: người dư nhiều số 6 nên đi tìm những hình thức giải trí mang tính sáng tạo để ‘xả’ bớt năng lượng số 6 đi, cô đăng ký tham gia một khóa workshop Thiền thêu với nhà MayQ tụi mình. Và, trong sự ngạc nhiên tột độ của cô và gia đình, miệt mài thêu thùa mỗi ngày, dựa trên sự tự tin “mình hoàn toàn bình thường” mới tìm lại được, cô… quay trở lại cuộc sống, đầy yêu thương, đầy tự tin, và… đầy bình thường! Cô thực hành chuyên cần tất cả các phương pháp tích cóp năng lượng mỗi ngày để trị chứng ‘dễ tuột mood’ của người dư số 6. Cô hớn hở lan tỏa những giá trị mình học được cho các chị em tiểu thương khác trong khu chợ mà cô đang có gian hàng gạo tại đó… Để rồi ngày lại ngày, giờ đây, cô đã hoàn toàn như một con người khác! Nụ cười thường tủm tỉm trên môi, đôi mắt ửng niềm vui sống, cả niềm hạnh phúc của con người tìm lại được giá trị chân thật của bản thân sau nhiều năm trường lặn hụp trong tù túng đau buồn, thực sự, đó là một cảm giác vô giá!

Thú thật, thời gian đầu đọc những chia sẻ của cô sau lớp căn bản, mình cũng chưa hoàn toàn yên tâm. Sợ rằng những cảm giác phấn khởi này của cô cũng chỉ là một trong những vệt năng lượng kéo dài một vài tuần sau một lớp ‘sạc pin’ kiểu này, như cô đã từng. Tuy vậy, sau đó gặp lại cô ở lớp cấp độ 2, cô vẫn giữ được vẻ tươi tắn sống ấy, sau đó còn đủ vững vàng để nhận lãnh thêm trách nhiệm đỡ đần, kềm cặp cho một bạn học khác còn hơi yếu sức hơn một tí… Để rồi ngày hôm kia, cô đến gặp chúng mình tại buổi ghi hình. Nhìn năng lượng cô an yên, vững vàng, đặc biệt được nghe thêm những góc nhỏ đời cô còn nằm khuất sau những câu chuyện, mình bắt đầu hình thành một sự tin tưởng vững chắc. Chỉ sợ mình không hiểu thấu mình, không hiểu thấu những lắc léo nằm sâu thẳm trong tâm can mình, chứ còn một khi sự hiểu biết đã nằm trong tầm tay, con đường phía trước chỉ còn là nỗ lực, kiên trì, thực hành thực hành thực hành, vun đắp vun đắp vun đắp!

Và một chi tiết cuối cùng khiến mình muốn ‘nổi da gà’ khi nghe về nỗi khổ đau, ám ảnh thường trực nhiều tháng năm dài của cô gái về sự ham học. Đó là, ngồi cộng tính ra bốn đỉnh cao của cô gái này, ngoại trừ đỉnh cao thứ ba là số 6 mà ở trên mình đã nhắc, toàn bộ ba đỉnh cao còn lại, kể từ khi cô 27 tuổi kéo dài đến năm 54 tuổi, đều là con số 3 nha! Ba con số 3 trong bốn đỉnh cao chỉ sứ mệnh quan trọng của cuộc đời cô, chính là ĐI HỌC! Học trong mọi cái mình quan tâm, không nhất thiết phải là học một kiến thức mới, mà là học để hiểu thêm bản thân và mọi người xung quanh, học để tăng nội lực bản thân, tăng ‘tu vi’ để vững vàng bước tiếp không chỉ trong đời này, mà còn là một lộ trình chuẩn bị cho con đường tiến hóa dài trải nhiều đời kiếp sống tiếp theo đó! Điều này đã hoàn toàn ‘giải mã’ một cách hợp lý nhất, đẹp đẽ nhất cho rất nhiều giấc mơ ‘đi học’ của cô bao nhiêu năm bị cấm đoán, đồng thời cũng là động lực chắp cho cô thêm niềm vui được ‘đường đường chánh chánh’ tiếp tục cắp tập đi học những gì cô yêu thích, từ đây đến cuối đời

Với một người đặc thù như vậy, còn gì hạnh phúc hơn nữa…

Và, khi cô nhìn ra được mình, cô tươi nhuận, thì đẹp thay, mọi điều xung quanh cô cũng trở nên tươi hơn, tốt đẹp hơn. Gia đình không còn thấy cô… bất bình thường nữa, mọi người sống vui vẻ, hòa hợp với nhau. Tết rồi, lần đầu tiên cô ôm được người cha thân thương của mình. Mấy ngày Tết không đi đâu, cô ở nhà, tỉ mẩn thêu thùa, thêu những bông hoa xinh tươi cho cô và con trai, để cuộc đời mẹ con cô cũng nở hoa như vậy. Bên cạnh, cha cô đong đưa võng, kể cho cô nghe những điển tích Thiên Chúa giáo, vốn là đạo của gia đình… Cha cô nói, đây là cái Tết đầu tiên cha cô cảm thấy hạnh phúc nhất!

Tới đây, câu hỏi mình đặt ra ngay từ đầu bài viết này quay trở lại. Nếu không có Nhân số học, làm sao em ấy có thể giải thích cho tất cả những điều ‘kỳ cục’ xảy đến với em trong toàn bộ phần đời trước đó? Nếu không có Nhân số học, làm sao em ấy có thể tự tin mỉm cười, dồn toàn bộ năng lượng tốt đẹp của mình cho những gì được vạch ra, chỉ đường rất rõ ràng, vững vàng đi tiếp trên con đường phía trước? Nếu không có Nhân số học để giải quyết phần gốc rễ này, tất cả những khóa học kỹ năng sống, tăng năng lượng, xoay chuyển con người… kiểu gì cũng chỉ có thể giải quyết phần ngọn, vốn dĩ rất mong manh, như nó đã thể hiện rõ nét trên câu chuyện cuộc đời của cô gái này như vậy!

Bạn biết không, điều làm trái tim mình nở hoa ấm áp hơn cả, không phải cuộc nói chuyện với cô nhân vật này, mà là vài phút cuối cùng của chương trình, được trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện với bé trai tám tuổi, con trai cô ấy. Thằng bé mắt sáng rỡ, nhìn mình với một niềm thương đặc biệt. Cháu bé cứ thấy mình là ôm chầm lấy không ngừng, lại không ngừng kể mình nghe con đã cùng mẹ chuyên cần thực hiện mỗi ngày những thời Ho’ Oponopono miên mật thế nào, rồi con đã không ngừng thiền biết ơn, xin lỗi với từng cái tai, con mắt, cái mũi…, từng bộ phận trên cơ thể mỗi ngày thế nào. Nó kéo ống quần lên, khoe với mình nhờ đọc Ho’Oponopono liên tục ba bốn ngày với cái bướu máu trên mé đầu gối mà cục bướu máu khó thương, bị bác sĩ chẩn đoán phải phẫu thuật đã xẹp đi gần trở lại bình thường; và đôi mắt đau đỏ của con nhờ được xoa tay ấm nóng áp vào với lời thương và xin lỗi, sau ba tiếng đồng hồ nằm võng đã… hết đỏ. Mình hỏi, con thấy cuộc sống con hiện tại thế nào, nó bảo, “Tốt hơn hồi trước nhiều lắm rồi cô ơi…!” Và, chỉ trong cụm từ ngắn ngủn “hồi trước”, mình hiểu, tám năm trước đó, hẳn thằng bé đã cùng mẹ nó đi qua những ngày mẹ nó buồn khổ, ngột ngạt, u uất thế nào…

Không quá khó hiểu khi hiểu ra, ánh mắt của cậu bé nhìn mình với sự thương yêu đặc biệt như thế, chắc tại vì nó nghĩ, mẹ nó nhờ sau khi “đi học với cô Quỳnh Hương về” mà tự nhiên… đổi khác. Và mặc dù mới tám tuổi, nó đã hiểu biết khá nhiều chi tiết về Nhân số học áp vào ngày sinh của chính nó, để biết một số thế mạnh và một số điều cần điều chỉnh sớm để thay đổi. Mạnh mẽ hơn, cậu ấy… ngỏ lời muốn tham gia một lớp học Quản trị cuộc sống với Nhân số học như một học viên chính thức của lớp, chứ không phải với thân phận ‘học ké’ mẹ như trước giờ. Thương quá đi…

Nhưng thực sự, từ những gì đã và đang thực sự diễn ra trên mẹ con cô gái này, tụi mình nuôi quyết tâm có thêm nhiều những bài viết hơn nữa, truyền thông cho hiệu quả hơn nữa về hiệu quả thực tế, chân thực của Nhân số học lên cuộc sống mỗi người, chứ hoàn toàn không phải cái gì quá huyễn hoặc, mơ hồ, không cần thiết. Và bên cạnh đó, ngày thứ hai đầu tuần này, đã ‘chốt gọn’ kế hoạch mà tụi mình đã ấp ủ cả năm nay, nay mới quyết tâm làm cho bằng được: mở một lớp Nhân số học đặc biệt: lớp MẦM NHÂN SỐ HỌC, dành cho các bạn nhỏ tuổi từ 8 đến 12, để các con sớm nhận diện được những đặc điểm cơ bản và cần thiết nhất cho tính tình mình, những ưu điểm và khả năng là nhược điểm của mình, những cách mình sẽ tự chủ động điều chỉnh được từ khi còn bé… Lớp học này có liên quan đến cả các bố mẹ các con nữa, cùng ngồi học cùng các con, nắm và hiểu hơn về những đặc thù của con, được hướng dẫn nên làm gì để con phát triển được ‘nở hoa rực rỡ’ nhất theo đặc thù nhân số học của mỗi bạn nhỏ… Điều này, tính ra đã là sự cần thiết vô cùng.

Bởi vì, nếu như không có Nhân số học, làm sao em biết…

[17.5.2021 – QH & MayQ Team]

Lớp học đầu tiên dành cho trẻ em từ 8 đến 12 tuổi: MẦM NHÂN SỐ HỌC sẽ được hướng dẫn theo những cách thức dễ hiểu, dễ thương và sinh động nhất, có kèm bài tập vui và và sổ thực hành để ba mẹ cùng khuyến khích các con thực hiện mỗi ngày nha! Chi tiết lớp này, sáng thứ Tư tụi mình sẽ công bố chính thức. Và, trong tình hình này, tốt nhất chúng mình sẽ cùng nhau Học Online, vừa vui vừa hiệu quả vừa an toàn, ha

Video liên quan

Chủ Đề