Sự thay đổi khi lên đại học

1. Thầy,cô:

Thầy, cô ở trường đại học không giống như thầy, cô khi còn ở cấp 3. Thầy cô khi còn ở phổ thông mỗi ngày chúng ta đều gặp, nên thầy cô phần nào nắm rõ học lực của từng người để nhắc nhở, kèm cặp các bạn yếu. Thầy cô cấp 3 dành nhiều tình thương cho chúng ta nhiều hơn so với thầy cô ở giảng đường, và tình cảm của chúng ta với thầy cô cũng gắn bó hơn. Ngược lại, ở đại học, thầy cô chỉ gặp chúng ta một buổi trong một tuần, và không thể theo dõi sát sao quá trình học tập của chúng ta như ở phổ thông, nên có những bạn học đến năm hai vẫn không biết giáo viên chủ nhiệm của mình là ai.

2. Phương pháp học:

Nếu ở cấp ba, thầy cô hướng dẫn cho chúng ta từng li, từng tí, thì lên đại học lại hoàn toàn khác. Học đại học yêu cầu sinh viên phải có tinh thần tự học cao, phải soạn trước bài vở, đọc thêm tài liệu ngoài và trang bị sẵn kiến thức trước khi đến lớp. Nhiều bạn sinh viên năm nhất, không hiểu rõ cách học này nên điểm số thường thấp, gây ra chán nản. Ở giảng đường, thầy cô chủ yếu chỉ giảng ý chính, giới thiệu các tài liệu và phương thức kiểm tra, việc còn lại là của bản thân mỗi sinh viên, chúng ta làm việc nhóm nhiều hơn và làm chủ kiến thức của mình.

3. Bạn bè:

Rất nhiều sinh viên đại học than phiền rằng lên đại học rất khó để kiếm bạn, vì mỗi lớp số sinh viên đều rất đông lên đến 100 người vậy nên, việc nhớ tên và nhớ mặt hết các bạn lớp mình là điều rất khó. Có nhiều bạn đến năm hai, năm ba vẫn không tìm được một người bạn thân, hay một nhóm bạn chơi cùng. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì không giống như cấp ba, chúng ta học chung trong một lớp, sáng chiều gặp nhau, có khi học thêm cũng gặp nhau, nên tình bạn ở phổ thông thường gắn bó hơn so với ở đại học.

Và việc chia nhóm chơi riêng trong một lớp là điều không thể tránh khỏi. Vì sĩ số lớp quá đông, nên chúng ta thường lựa chọn những bạn có cùng sở thích, cùng quê, hay cùng học lực để kết thành một nhóm. Quan trong nhất là khi học đại học, chúng ta buộc phải hoạt động nhóm rất nhiều, nên nếu bạn quen với cách làm việc nhóm thời phổ thông, chỉ cần nhóm trưởng làm nhiều cả nhóm đều hưởng chung, thì khi lên đại học, bạn rất dễ rơi vào trường hợp không có nhóm học tập. Vì đơn giản không ai muốn làm việc chung với một người chỉ ngồi không hưởng thành quả của người khác.

4. Tác phong:

Khác với phổ thông, chúng ta phải mặc đồng phục, Giày dép theo quy định,...thì lên đại học lại có phần thoáng hơn. Chúng ta có thể mặc bất cứ thứ gì chúng ta muốn, theo phong cách mỗi người. Vì vậy, khi lên đại học, chúng ta sẽ gặp những trường hợp thời trang có phần hơi "quái dị" nên đừng quá ngạc nhiên.

Đây là những điều mình nhận thấy sau hai năm bước chân vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, các bạn vẫn còn học cấp 3 cũng đừng lo lắng, ở đại học còn rất nhiều điều thú vị chờ các bạn khám phá. Hãy lưu ý những điều trên để không phải vỡ ngỡ trong năm đầu tiếp xúc với vai trò sinh viên. Chúc các bạn học tốt.

Quỳnh Như|14:10 / 14.07.2021

Published Wed Jul 14 2021

Không lâu sau nữa thôi, các bạn 2k3 sẽ bắt đầu bước vào một hành trình mới ở một môi trường hoàn toàn mới, hãy hình dung cuộc sống đại học sẽ bắt đầu ra sao?

Đỗ đại học là điều mà ai cũng đáng tự hào, đó chính là thành quả của những đêm dài miệt mài chăm chỉ với sách vở và tài liệu. Tuy nhiên, đây chỉ mới là điểm bắt đầu cho một trận đường dài hơn, đòi hỏi sự phấn đấu rất nhiều từ chính bản thân mỗi người. Đừng nên xây dựng quá nhiều mộng tưởng từ câu nói vô căn cứ "học đại học sẽ nhàn".

Thay đổi môi trường sống

Chúng ta ai cũng sẽ hào hứng với những điều mới mẻ, đặc biệt là các bạn trẻ. Sau một thời gian dài sống trong sự quản lý từ bố mẹ, các bạn luôn nôn nao về một cuộc sống ở một nơi đô thị mới. Nhưng rồi bạn sẽ sớm nhận ra, bản thân chính thức sống xa nhà.

Ở thời gian đầu, điều này chẳng dễ chịu chút nào, bạn phải bắt đầu một cuộc sống tự lập về mọi thứ. Sẽ chẳng còn những mâm cơm có sẵn sau giờ học thay vào đó là vài món ăn ven đường hay căn tin những lúc học vội vã.

Cũng không còn hình ảnh thân quen của người thân, thay vào đó là những con người hoàn toàn xa lạ đến từ nhiều nơi khác nhau cùng chung sống trong ký túc xá hay phòng trọ. Mà đôi lúc xảy ra những bất đồng cũng chẳng ai có thể nhường nhịn như cách mà bố mẹ đã đối tốt chìu chuộng với chúng ta. Để rồi bạn phải học cách tự thích nghi để có thể dung hòa với mọi thứ.

Cuộc sống đại học buộc bạn phải tự chăm sóc lấy bản thân mình. Đi học rồi về chỗ ở, tự tay đi chợ hay lựa chọn món ăn, tự tay giặt quần áo, tự tay may vá… Và rồi đôi lúc sẽ có những khoảnh khắc mà bạn bật khóc trong đêm chỉ vì nhớ nhà hay những lúc ốm đau phải tự chăm sóc bản thân mình mà chẳng dám gọi điện kể cho bố mẹ nghe vì sợ ở quê lại lo.

Tự tay chi tiêu các khoản phí

Cuộc sống tự lập, bạn cần biết chi tiêu về mọi thứ, cân đối tiền học phí, các loại tiền trong sinh hoạt hằng ngày hay vui chơi giải trí. Rồi bạn cũng sẽ hiểu bố mẹ ở nhà đã phải đau đầu như thế nào để có thể chi tiêu hằng tháng. Có những lúc các khoản phí vượt quá dự tính ban đầu của bạn hay có chi phí phát sinh bất ngờ, bạn cũng phải học cách giải quyết lấy.

Nhiều người hay đùa với nhau "sinh viên ăn mì gói thay cơm". Điều này đôi lúc cũng rất đúng, vì có những tháng khi bố mẹ chưa kịp gửi tiền thì chiếc ví của ta đã cạn, do trong tháng đó ta đã phải chi tiêu cho quá nhiều vào sở thích hay các hoạt động học tập. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực thì việc bản thân tự chi tiêu hằng tháng sẽ giúp ta học được cách quản lý tài chính và đó là dấu hiệu của sự trưởng thành.

Những thay đổi về hình thức học tập

Nếu bạn không có sự chuẩn bị tốt thì việc này sẽ trở nên khó khăn rất nhiều. Vì đại học rất khác xa so với cấp 3. Mọi thứ tại đây đều cần phải có sự tự giác của bạn, chẳng ai sẽ nhắc nhở khi bạn quên làm bài tập, la mắng khi bạn đi chơi nhưng nếu bạn không biết cách quản lý thời gian thì việc học của bạn sẽ gặp "nguy hiểm".

Thời gian sẽ được thoải mái hơn rất nhiều, cũng như vô cùng linh động tùy vào việc đăng ký môn. Tuy nhiên, bạn phải tự học và sẽ chẳng có thầy cô nào cứ theo để đọc bài cho bạn chép hay có một bất kỳ một lớp học thêm nào. Tất cả phải do bạn chủ yếu tự tìm tòi và nghiên cứu, thậm chí là các kỹ năng mềm hay những kinh nghiệm.

Ở cấp 3, bạn phải thường xuyên bị gọi trả bài hay liên tục với các bài kiểm tra thì lên đại học các kỳ kiểm tra sẽ tùy thuộc vào các môn học. Có những môn học chỉ có bài kiểm tra giữa kỳ và thi cuối kỳ hoặc một bài tiểu luận, một bài báo cáo và thi cuối học kỳ.

Nhiều hoạt động xã hội và làm thêm

Tại môi trường này sẽ có rất nhiều hoạt động ngoại khóa, cũng như câu lạc bộ hay đội nhóm. Thông qua đó sẽ giúp bạn có thêm những kỹ năng mềm cần thiết. Đồng thời, cũng mở rộng thêm các mối quan hệ trong trường học, giúp bạn sẽ có những chuyến đi hay những trải nghiệm đáng nhớ của đời sinh viên.

Ngoài ra, việc làm thêm là hết sức cần thiết nhưng không phải điều bắt buộc. Việc làm thêm không chỉ giúp các bạn có thêm một khoản chi phí để đỡ đần bố mẹ, còn giúp các bạn phát triển bản thân trong tư duy cũng như có thêm các kỹ năng mềm cần thiết. Hơn hết, ta biết quý trọng giá trị sức lao động, quý trọng đồng tiền từ đó không tiêu hao phung phí, yêu thương và thấu hiểu gia đình hiều hơn.

Nhớ quê và gia đình

Sau khi có những trải nghiệm ban đầu với cuộc sống tự lập, bạn sẽ nhận ra trưởng thành chẳng có gì vui, lại còn rất mệt mỏi khi bản thân phải gánh trên vai hai từ "trách nhiệm". Bạn rồi sẽ có những ngày mệt mỏi đến bật khóc chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà với bố mẹ. Lên đại học rồi chúng ta cũng biết cách nói dối nhiều hơn, khi phải cố gắng nói bản thân đang rất ổn để bố mẹ an lòng.

Nhưng đó cũng chỉ là khoảng thời gian đầu, sau này khi thật sự hòa nhập với cuộc sống nhộn nhịp nơi đây. Bạn sẽ có những mối quan hệ mới, những công việc và học tập bận rộn, tìm ra những điều thú vị của đại học nên hãy cứ luôn nỗ lực cố gắng học tập và phát triển bản thân, nỗi nhớ ấy rồi cũng sẽ vơi dần. Đôi khi, chỉ là trong phút giây ta bồi hồi nhớ quê và gia đình.

Chủ Đề