Tại sao lại có tên gọi là ba vì

Sơn Tổ, nơi cư ngụ của Sơn Tinh

Dãy núi Ba Vì có diện tích không rộng nhưng khá cao và độ dốc lớn. Núi có 3 ngọn nằm trên một khối gồm: Đỉnh Vua cao 1.296m, Tản Viên cao 1.281m và Ngọc Hoa cao 1.120m, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh. Mặc dù tên núi là Ba Vì nhưng dân gian gọi là núi Tản Viên.

Tản Viên Sơn linh thiêng đất Việt. [Ảnh: Internet]

Trong Dư Địa Chí, cuốn sách được Nguyễn Trãi soạn trong 10 ngày làm “giáo trình” dạy vua Lê Thái Tông, viết rằng: “Núi Tản Viên ấy là núi Chủ [Tổ] của nước Nam ta đó”. 

Hình thế của Tản Viên vô cùng độc đáo, khác hẳn với các quả núi ở Đại Việt. Theo sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp [đời Trần] thì núi Tản Viên nằm ở phía tây kinh đô nước Nam Việt, lên cao núi thắt lại rồi xòe ra như cái ô nên có tên là Tản Viên.

Núi “sừng sững tráng lệ, ba đỉnh đứng dàn hàng, cao vút như trong bức họa”, và Sơn Tinh liền “lên tận đầu ngọn Vân Mộng [tên ban đầu của Tản Viên] mới lấy đó làm nơi cư ngụ”. 

Cao Biền cũng bó tay

Sách Lĩnh Nam chích quái kể rằng, thế kỷ thứ 9 thời Bắc thuộc, Cao Biền - một tướng tài của nhà Đường am hiểu và cực giỏi phong thủy - từng dùng thuật trấn yểm ở chân núi Tản Viên.

Ảnh minh họa Cao Biền bay trên diều giấy tìm nơi trấn yểm.

Để đạt được mục đích Cao Biền dùng “diệu kế” quen thuộc. Ông ta cho khiêng kiệu đến chân núi để dụ Sơn Tinh ra bằng chiêu thức vẫn sử dụng, tức là dùng cô gái đồng trinh chuẩn bị mâm cỗ để mời thần linh [ở đây là Sơn Tinh nhập xác ăn cỗ], sau đó sẽ chém đầu cô gái cũng là giết chết Sơn Tinh. 

Nhưng lần này, Sơn Tinh lợi hại ở chỗ đã hóa thân thành mây ngũ sắc chuẩn bị nhập vào cô gái lại bay lên. Nhìn lên trên cao, Cao Biền thấy rõ Sơn Tinh vén mây ra và nhổ một bãi nước bọt xuống mâm cỗ. 

Mưu kế bất thành Cao Biền chỉ còn biết than: “Chỗ này thần linh rất thiêng, ta không trừ được, tất có ngày ta phải cuốn gói về nước thôi”. Cao Biền không biết Tản Viên chính là điểm khởi phát của trục Long Mạch thần đạo.

Trong quan niệm tâm linh của phương Đông thì “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” [nghĩa là núi không phải chỉ do cao, cứ có thần [tiên] là núi thiêng]. Từ quan niệm đó có thể dễ dàng cắt nghĩa vì sao Tản Viên thấp hơn núi Tam Đảo nhưng dân gian lại nói “Nhất cao là núi Tản Viên/Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. 

Vì thiêng nên sức lan tỏa của Tản Viên Sơn Thánh rất rộng lớn. Bởi thế dân gian mới xếp Thánh Tản đứng đầu trong bốn vị thánh bất tử ở Việt Nam gồm: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Từ và Mẫu Liễu Hạnh.

Vua Minh cũng đem lễ sang tế thần

Không biết Tản Viên Sơn Thánh lưu truyền trong tâm thức dân Việt từ bao giờ nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư có thông tin về núi Tản: “Vào năm 1073 trời mưa lớn liên tục, vì vậy hoàng đế Lý Nhân Tông đã cho rước tượng Phật từ chùa Pháp Vân về kinh đô để cầu mưa tạnh. Hoàng đế cũng cho cúng thần núi Tản Viên”.

Núi thiêng Ba Vì nhìn từ xa. [Ảnh: Internet]

Năm 1449, hạn hán diễn ra nhiều nơi, mất mùa dân đói kém nên vua Lê Nhân Tông đã sai Tham tri Bùi Cầm Hổ, Lễ bộ lang trung Nguyễn Cảnh đi cầu dảo ở núi Tản Viên. 

Khi núi Tản Viên bị lở, vua Lê Kinh Tông cho chép vào Đại Việt sử ký toàn thư. Điều đó cho thấy Tản Viên vùng núi địa linh mang tầm quốc gia. 

Thậm chí khi con trai của Lê Quý Đôn là Quý Kiệt dự kỳ thi năm 1775, ngoài nhờ Đình Trung làm bài hộ, Lê Quý Đôn còn “táng trộm mả tổ ở cấm địa tại sơn phận Tản Viên”. 

Triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng sai đúc Cửu Đình làm biểu tượng cho uy thế và sự bền vững của vương triều đã cho khắc hình núi Tản Viên vào Thuần Đỉnh [cao 2,32m, nặng 1.950 kg] cùng với cửa Cần Giờ [nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh] và sông Thạch Hãn [nay thuộc tỉnh Quảng Trị]. Năm 1850 Tản Viên Sơn Thánh còn được vua Tự Đức lưu vào điển lễ tế tự của quốc gia.

Núi Tản Viên không chỉ thiêng ở nước Việt mà tiếng tăm còn bay sang cả phương Bắc, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Canh Tuất, Thiện Khánh năm thứ 1 [1370]… Mùa xuân, tháng Giêng vua Minh [Trung Quốc] tự làm bài chúc văn sai Diêm Nguyên Phục, đạo sĩ cung Triều Thiện đem lễ là trâu và lụa đến tế thần núi Tản Viên và thủy thần sông Lô”.

Công sứ Pháp xây lại đền

Về dựng đền thờ Sơn Tinh ở núi Tản Viên, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu, tháng 7 năm 1145 vua Lý Anh Tông sai dựng đền thờ thần núi Tản Viên”. Tuy nhiên không thấy sử chép việc trùng tu đền thế nào.

Cổng lên đền Thượng. [Ảnh: Internet]

Đầu năm 1902, khi mới nhận chức ở tỉnh Sơn Tây, công sứ Pháp là Theodore Muselier muốn khám phá núi Ba Vì nên ông đã tổ chức một đoàn leo núi thám hiểm. Từ chân núi lên độ cao 600m đoàn theo đường mòn mà người Dao cư ngụ ở lưng chừng núi vẫn đi, nhưng từ cao độ 600m trở lên thì cây cối và dây leo chằng chịt không có đường mòn. 

Muselier không nản, ông cho phát cây mở đường, băng qua thác và suối bất chấp bị côn trùng cắn và thú dữ gầm gừ. Sau mấy ngày vất vả, gian nan, nguy hiểm tính mạng đoàn thám hiểm được trả công. Họ đã lên được đỉnh Tản Viên và thấy Đền Thượng là đống nát. 

Sau này trong hồi ký, Muselier đã bộc bạch suy nghĩ của ông ta: “…Họ đã huy động bao nhiêu người để xây dựng ngôi đền? Đường đi vô cùng khó khăn, rất hiểm trở, nguy hiểm, họ mất bao nhiêu thời gian để vận chuyển vật liệu? Ngoài sức người và sức ngựa còn có phương tiện nào tham gia vào việc này? Rồi tôi miên man nghĩ về vị Thánh được thờ trong đền”. 

Sau chuyến thám hiểm Muselier cho xây lại đền. Việc đầu tiên, ông cho chặt cây, xếp đá làm đường. Và con đường này được ghi trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 bắt đầu từ trại lính ở chân núi men theo phía sông Đà qua eo núi giữa đỉnh bắc và đỉnh trung tiếp đó men theo sườn núi phía đông để lên đỉnh Tản Viên. 

Để vận chuyển vật liệu, Muselier đã sử dụng sức lực của tù nhân, bắt họ phải gùi từng tảng đá, túi cát bước trên con đường mới mở còn các gốc cây nhọn và đá mấp mô. Muslier đã trưng dụng một thợ cả chuyên xây dựng đình đền và nhà ở trong vùng chỉ đạo những người thợ để xây một ngôi đền nhỏ. Cuối năm 1902, ngôi đền hoàn thành. Việc này được ghi lại trong một tấm bia ở chùa Vị Thủy [thị xã Sơn Tây]. 

Năm 1942, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã cử một đội khảo sát, đo đạc vẽ thiết kế để xây dựng khu nghỉ dưỡng ở độ cao trên 1.000m. Nhóm này thấy ngôi đền do công sứ Muselier xây từ 40 năm trước giờ chỉ là đống vụn nát của gỗ và đá. Chính quyền tỉnh Sơn Tây không xây lại đền nhưng cho làm lại con đường mà Muslier đã mở. 

Đền Thượng ngày nay

Ban thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh trong đền Thượng. [Ảnh: Internet]

Năm 1993, Vườn Quốc gia Ba Vì đã xây một ngôi đền nhỏ trên tàn tích cũ. Lưng tựa vào vách núi, mặt quay về hướng nam. Chính điện có bức hoành phi với bốn đại tự Tản Lĩnh Linh Thần. Công trình do kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính thiết kế. 

Năm 2008, đền Thượng, Trung và Hạ được Nhà nước công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia. Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây đền mới với qui mô lớn hơn: có nhà thủ từ, nhà sắp lễ, nghi môn, am hóa vàng. Hai cột bên ngoài có đôi câu đối:

Núi Tản tựa trời cao, ba đỉnh lừng danh từ vạn cổ

Sông Đà trừ thác dữ, một dòng rực sáng đến mai sau

Ngày nay Đền Thượng không chỉ là địa chỉ tâm linh mà còn là điểm du lịch nổi tiếng của cả nước.

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng với xứ Đoài xưa, vùng chân núi cổ Ba Vì là cả một kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, giai thoại phong phú và đa dạng, Nơi đây, chốn địa linh đã sinh nhiều nhân kiệt...

Núi Ba Vì còn gọi núi Tản Viên [thuộc huyện Ba Vì xứ Đoài xưa, nay là ngoại thành Hà Nội] là một trong những ngọn núi tổ của nước ta và là ngọn núi của tâm linh, nơi ngự trị muôn đời của Đức Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Truyền thuyết kể rằng núi Ba Vì do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, ngăn nước lũ chiến thắng giặc Thủy Tinh.

Vùng núi Ba Vì với nhiều tên đất tên làng, tên vạt đồi, khe suối, đồng nội, đầm hồ, bờ bãi, đình đền, miếu mạo… còn in đậm trong sự tích và chuyện kể dân gian của xứ Đoài gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh.

Những giai thoại dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay.

Ca dao có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì / Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Thực tế, núi Ba Vì chỉ cao 1.296m còn núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng có lẽ Ba Vì là nơi ngự của Đức Thánh Tản Viên, nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất [?]. Núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam [dãy Trường Sơn].

Thời Bắc thuộc, để nước Nam không thể “phát vương”, vua đời Đường đã cử Cao Biền, vị tướng kiêm phù thủy dùng pháp thuật đào trăm giếng quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm, triệt long mạch nước ta. Nhưng giếng nào cũng vậy, cứ đào gần xong thì lại bị sập. Và cuối cùng Cao Biền đành phải bỏ cuộc ở đây.

Cùng với xứ Đoài xưa, vùng chân núi cổ Ba Vì là cả một kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, giai thoại phong phú và đa dạng, Nơi đây, chốn địa linh đã sinh nhiều nhân kiệt. Nơi có các danh tướng, danh nhân, quan chức nổi tiếng qua các thời.đại, nơi đất “hai vua” Ngô Quyền và Phùng Hưng, nơi của “núi Tản-sông Đà” sinh ra nhà thơ, nhà báo nổi tiếng Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu…

Tài nguyên thiên nhiên núi Ba Vì rất phong phú, đa dang. Khí hậu núi Ba Vì trong lành mát mẻ. Từ năm 1932, thực dân Pháp đã chọn núi Ba Vì là nơi nghỉ mát lý tưởng ở đồng bằng Bắc Bộ, giống như Sa Pa ở Tây Bắc, như Đà Lạt ở Tây Nguyên.

Vùng núi Ba Vì có rất nhiều danh lam thắng cảnh như Ao Vua, Khoang Xanh–Suối Tiên, Thác Mơ, Thác Đa, Thác Ngà, Thác Hương, núi Đá Chẹ, rừng thông Đá Chông, hồ Xuân Khanh, hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô–Ngải Sơn, hồ Tiên Sa, hồ Suối Cả, hồ Suối Bóp, hồ Suối Mít, đồi cò Ngọc Nhị, khu du lịch Đầm Long, vườn quốc gia Ba Vì…

Video ngắm Núi Ba Vì lúc hoàng hôn.


 

Video liên quan

Chủ Đề