Tại sao vua nhà Nguyễn không được đặt tên đường

Nhận phiếu lấy ý kiến của UBND phường về việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu thành đường Lê Văn Duyệt, ông Nguyễn Văn Thảo, 60 tuổi, ngụ phường 3 quận Bình Thạnh, tán đồng. Con đường hiện dài hơn 2 km, bắt đầu từ đoạn giao với đường Lê Duẩn, quận 1, chạy qua cầu Bông và điểm cuối là đoạn giao với đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.

Ông Thảo sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, từng gắn bó với tên đường Lê Văn Duyệt [tiền thân đường Đinh Tiên Hoàng] cùng ngôitrường nữ Trung học Lê Văn Duyệt [nay là THPT Võ Thị Sáu] trước năm 1975.

Theo ông, việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt là hợp lý bởi đây là nhân vật có nhiều công lao với vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Con đường này đi qua lăng mộ Lê Văn Duyệt cũng mang tính giáo dục lịch sử. "Bản thân tôi và nhiều người dân khu vực Bà Chiểu rất ngưỡng mộ ông. Ngày lễ, tết hay ngày giỗ ông, chúng tôi đều vào thắp nhang ở Lăng Ông", ông Thảo kể.

Tương tự, ông Mai Quốc Trinh, 75 tuổi, ngụ phường 1, cho rằng phương án này hợp tình, hợp lý. Là người thường làm công quả tại Lăng Ông, ông Trinh cho biết người dân ở Bình Thạnh nói riêng và nhiều tỉnh thành miền Nam dành tình cảm và ngưỡng vọng lớn với Tả quân Lê Văn Duyệt. Việc đặt tên đường giúp nhiều người hiểu hơn lịch sử, đồng thời ghi nhận công lao của ông.

Việc đặt tên cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng trên quận Bình Thạnh là Lê Văn Duyệt cũng giúp phân biệt vị trí của người dân tốt hơn.

Đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn giao với đường Phan Đăng Lưu, trước khu Di tích lịch sử văn hoá Lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh. Ảnh: Mạnh Tùng.

PGS Phan Xuân Biên [Ủy viên Thường trực Hội đồng đặt, đổi tên đường TP HCM] cho biết, việc đổi tên đường thường xuất phát từ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân hoặc đề xuất của quận huyện. Phương án đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt xuất phát từ đề xuất của ôngTrần Văn Sung, Phó Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt từ năm ngoái.

Quận Bình Thạnh đã lấy ý kiến các nhà khoa học, tổ chức đoàn thể, đa số đồng thuận. Nay chính quyền tổ chức lấy ý kiến cư dân nơi tuyến đường đi qua, lấy căn cứ đểSở Văn hoá và Thể thao tổng hợp, báo cáo Hội đồng đặt, đổi tên đường TP HCM. Hội đồng sẽ tham mưu cho UBND TP HCM, tiếp đó trình HĐND thành phố thông qua, bổ sung quỹ tên đường.

Theo ông Biên, Lê Văn Duyệt là người có vị trí quan trọng trong lịch sử, được nhân dân miền Nam Bộ kính trọng, xứng đáng được đặt tên đường. Nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nhân vật này bởi đánh giá Lê Văn Duyệt theo Gia Long chống nhà Tây Sơn.

"Lịch sử là khách quan, nhưng sử học có góc nhìn chủ quan của người nghiên cứu. Chúng ta phải đánh giá đúng bản chất lịch sử. Việc đặt, đổi tên đường ảnh hưởng đến người dân nên cần dựa trên cơ sở khoa học, có sự đồng thuận của xã hội", ông Biên nói.

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, PGS Lê Trung Hoa [nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM] ủng hộ TP HCM có tên đường Lê Văn Duyệt dù ông bị cho là có sai lầm khi phò tá Gia Long chống nhà Tây Sơn. "Cần nhìn nhận ônglà tài năng lớn về chính trị, quân sự, đóng góp lớn cho việc mở mang, gìn giữ phương Nam, chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế", ông Hoa nói.

Là chuyên gia địa danh học, PGS Hoa cho biết năm 1874, người Pháp đặt tên đườngĐinh Tiên Hoàng ngày nay là Avenue de IInspection, người dân quen gọi là đường Hàng Bàng vì hai bên có trồng bàng. Tháng 3/1955, đường này mang tên Lê Văn Duyệt, đến tháng 8/1975 đổi thành Đinh Tiên Hoàng. Trong khi đó, ở Sài Gòn trước năm 1975 cũng có đường mang tên Lê Văn Duyệt [nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần ngã tư Bảy Hiền].

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nhã, Nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá, cho rằng Lăng Ông là biểu hiện cho lòng kính trọng của nhân dân miền Nam với Tả quân Lê Văn Duyệt. Công lao lớn nhất của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn là mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước. Trong đó có đóng góp quan trọng của Tả quân Lê Văn Duyệt phục vụ dưới thời chúa Nguyễn Ánh và sau trở thành vua Gia Long. Với tài làm tướng, ông có nhiều trận thắng, dẹp loạn trong thời đất nước đã thống nhất, có tài cai trị khi làm Tổng trấn thành Gia Định.

Về nhiều ý kiến trái chiều, TS Nhã nhìn nhận cần đánh giá đúng nhân vật lịch sử. "Chính trị là nhất thời nhưng lịch sử là trường tồn. Nhân vô thập toàn, Tổng trấn Lê Văn Duyệt cũng vậy", TS Nhã nói.Sau Lê Văn Duyệt, ông Nhã cho rằng Võ Tánh, Võ Duy Nguy - những nhân vật quan trọng trong triều Nguyễn, có thể xem xét lại việc đặt tên đường.

Bàn thờ Tả quân Lê Văn Duyệt trong khu Lăng Ông [quận Bình Thạnh]. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong khi đó, dù ủng hộ tái lập đường Lê Văn Duyệt ở TP HCM, nhưng nhiều chuyên gia và người dân cho rằng nên chọn một con đường mới để đặt tên, thay vì đổi tên đoạn đường cũ.

PGS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, cho rằng hai bên đường Đinh Tiên Hoàng đông dân, việc đổi tên kéo theo hệ luỵ về thủ tục hành chính, hộ khẩu, giấy tờ của người dân. Việc ghi nhận công lao của Lê Văn Duyệt không nhất thiết phải đặt con đường đi qua khu di tích Lăng Ông.

Là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Công tác đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP HCM - khảo sát thực trạng và giải pháp, bà Trân cho biết thành phố hiện có hơn 1.700 đường đủ chuẩn được đặt tên nhưng chưa có tên. TP HCM nên lựa chọn một con đường trong số này để đặt tên, nếu thông qua phương án bổ sung quỹ tên đường.

Lê Văn Duyệt [1764-1832] sinh ra trong gia đình nông dân tại Cù Lao Hổ, nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Tổ tiên ông có gốc tích ở Quảng Ngãi, sau vào Nam sinh sống. Năm 17 tuổi, Lê Văn Duyệt gặp chúa Nguyễn Phúc Ánh, sau đó được tuyển làm Thái giám Nội đình. Nhờ hiểu biết việc binh, ông được chúa Nguyễn tin dùng và được đứng vào hàng tướng lĩnh từ năm 1789.

Khi Gia Long lên ngôi, ông xem Lê Văn Duyệt là Đệ nhất khai quốc công thần và phong chức Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân. Ông làm Tổng trấn thành Gia Định hai lần, lần đầu 1813-1816, lần thứ hai 1820-1832.

Khi còn sống, Lê Văn Duyệt nắm giữ binh quyền rất lớn nên vua Minh Mạng vốn thù ghét nhưng không làm gì được. Nguyên nhân là trước đây ông không ủng hộ lập Minh Mạng làm vua. Lại thêm Tả tướng quân từng được vua Gia Long cho quyền "Nhập triều bất bái" [vào triều không cần phải lạy] nên sau này ông không chịu quỳ lạy khiến vua Minh Mạng không vừa ý.

Sau khi ông mất, để tập trung quyền lực, Minh Mạng bãi bỏ hai chức vụ Tổng trấn Bắc Thành và Tổng trấn Gia Định Thành. Tất cả trở thành tỉnh trực thuộc triều đình Huế. Tại mỗi tỉnh có chức Tổng đốc, Tuần vũ, Bố chánh, Án sát sứ và Lãnh binh cai quản.

Khi đến nhậm chức Bố chánh tỉnh Gia Định, Bạch Xuân Nguyên tuyên bố thừa hành mật chỉ của triều đình truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt. Ông bị cho can tội tham nhũng, lạm quyền, có mưu đồ tạo phản [việc tu sửa thành Bát Quái và đóng tàu]. Nhiều thuộc hạ của Lê Văn Duyệt bị bắt giam, trong đó có con nuôi là Lê Văn Khôi, 16 người nhà của Lê Văn Duyệt bị giết.

Lê Văn Khôi dấy binh nổi loạn, chiếm thành Gia Định trong suốt 3 năm [1833-1835]. Sau sự biến, lấy cớ Lê Văn Duyệt đã dung dưỡng Khôi, vua Minh Mạng cho san bằng mồ mả ông, xiềng xích lại, dựng bia đá sỉ nhục với tám chữ "Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử" [nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội].

Năm 1841, vua Thiệu Trị ban lệnh tha tội cho người thân của Lê Văn Duyệt. 8 năm sau, vua Tự Đức cho nhổ cây bia có khắc 8 chữ, cho thân nhân sửa sang, xây đắp mộ phần Lê Văn Duyệt.

Đến năm 1868, vua mới phục nguyên hàm cho ông là Tả quân. Sau này, khi phu nhân của ông là bà Đỗ Thị Phẫn [vua Gia Long ban cho để hầu hạ ông] qua đời cũng được chôn cất bên cạnh phần mộ Lê Văn Duyệt.

    Đang tải...
  • {{title}}

Mạnh Tùng

Video liên quan

Chủ Đề