Tâm lý của học sinh khi học trực tuyến

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hơn 70.000 cử nhân bị chậm tốt nghiệp, có nguy cơ công việc bị ảnh hưởng trong tương lai do dịch Covid-19.

Đó là con số "biết nói" về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với sinh viên. Hàng loạt câu hỏi mà người trẻ phải đối mặt như: Ra trường làm gì? Học ngành này có ổn? Công việc có bị ảnh hưởng bởi dịch?...

Một đối tượng phải chịu ít nhiều tác động của việc học online kéo dài. Để sinh viên phải học cách thích nghi, không phải là điều dễ dàng...

Tâm lý bất ổn: Không biết "mùi" đại học thế nào, học online stress và áp lực

Sinh viên là một trong những nhóm người cảm nhận rõ nhất những tác động của việc học online kéo dài. Không giống nhóm đối tượng học sinh, sinh viên có xu hướng dễ dàng học online hơn, nhưng sẽ bị tác động lâu dài do công việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Phạm Hoàng [18 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn] vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đầy khó khăn. Cậu bạn cũng đã có 2 năm thích nghi và sống chung với việc học online.

Nhận kết quả đậu đại học từ những ngày cuối tháng 9, đến nay đã sắp hoàn thành học kỳ 1 của năm nhất trên môi trường Đại học, mọi thứ diễn ra với Hoàng đều là online, khai giảng online, ngày hội chào đón tân sinh viên cũng online,...

Hoàng còn cho biết thêm: "Mình đã đi từ thất vọng này đến thất vọng khác, mệt mỏi với việc ngày ngày phải dán mắt vào màn hình laptop. Mọi việc đều là trải nghiệm online, trải qua một kỳ học nhưng mình chẳng cảm nhận được mình đã và đang học đại học.

Thật sự, qua một kỳ học thứ mình nhận là stress khá nhiều vì chưa thích nghi được với sự thay đổi môi trường và cách học. Cứ phải đứng trước sự ngờ vực của việc học đúng ngành chưa, mình có đang được là mình không. Nó ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe tinh thần, mệt mỏi và muốn thoát ly thật nhanh".

Cũng không khá hơn trong tâm trạng và cảm xúc, Hoàng Dương [sinh viên năm nhất Đại học Tôn Đức Thắng] tâm sự rằng:"Thật sự, 12 năm học phổ thông trôi qua mình chưa từng học online bao giờ, đây là lần đầu. Mình mất rất nhiều thời gian trong việc thích nghi hình thức học tập mới, chuyện gia đình, chuyện học và cả số ca bệnh tại quê nhà làm mình căng thẳng hơn trong cách hành xử và kiểm soát cảm xúc".

Sinh viên năm cuối: Không được đi thực tập, bị trì hoãn kế hoạch tương lai

Kỳ thực tập vào tháng 7 để đúng với lộ trình kết thúc 4 năm tại giảng đường đại học, giờ đây mọi thứ vẫn "đóng băng" chưa được quyết định ngày giờ. Thời điểm này đáng lẽ các sinh viên năm 4 đã được yên vị tại chỗ thực tập và chuẩn bị hoàn thành các môn học, đồ án, luận án để tốt nghiệp và xin việc làm.

Nhưng năm nay, mọi thứ đã bị trì hoãn vô thời hạn, nhiều sinh viên không biết thời gian tới mình sẽ đi đâu, về đâu do mọi thứ diễn ra online.

Điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của những bạn trẻ đang trên con đường khẳng định bản thân. Họ luôn trong trạng thái chông chênh, gồng mình vượt qua, nhưng không phải may mắn chia đều cho tất cả. Đứng trước con đường tương lai có phần mịt mù, họ phải lựa chọn và đối diện với những khó khăn thử thách.

"Mình thật sự không muốn nhớ và nhắc lại khoảng thời gian suốt 7 tháng vừa qua, những lần họp lớp online, những tin nhắn và thông báo trong group lớp làm mình cảm thấy bế tắc. Đến thời điểm hiện tại, mình đã nhận 7 lần thông báo về việc thay đổi kế hoạch thực tập. Mong chờ rất nhiều và sau đó mình nhận lại được là thất vọng"- Phương Anh [sinh viên năm cuối, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn] cho biết.

Nữ sinh Phương Anh

Việc học trực tuyến còn khiến cho nhiều bạn trẻ không có cơ hội đi thực tập trực tiếp. Cô bạn Hạnh Trang [sinh viên khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn] cho hay:

"Đặc thù chuyên ngành báo chí của mình thì học online thực sự rất khó khăn vì mình không thể đi thực tế để làm bài tập. Mình đã dự định sẽ đi đến một số địa phương để hiểu hơn về cuộc sống và con người nơi đây ở kỳ học này, nhưng đành chôn chân ở nhà. Việc không thực hiện đúng kế hoạch của bản thân do dịch bệnh đã làm mình mất đi nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế".

Sinh viên đau đầu không biết ra trường sẽ làm gì, lo lắng công việc mình chọn bỗng dưng... biến mất

Đại dịch đã buộc nhiều sinh viên đại học và sinh viên mới tốt nghiệp phải suy nghĩ lại về kế hoạch nghề nghiệp của chính mình. Ngành nào bị tác động? Ngành nào hụt nhân sự?... Đó là loạt câu hỏi khó trả lời trước khi bước ra trường.

Khi ai đó nhắc đến chuyện tốt nghiệp, tìm việc làm - điều này đã dần trở thành một nỗi ám ảnh và áp lực đối với Thanh Mai. Cô bạn may mắn hoàn thành và xong chương trình cử nhân Sư phạm đúng hạn và tốt nghiệp vào tháng 10 vừa qua. Nhưng nỗi niềm trăn trở lúc này là xin việc làm. Theo như kế hoạch đã được định sẵn, Mai sẽ hoàn thành mọi thủ tục trước tháng 10 để kịp nộp hồ sơ thi viên chức trong năm nay. Nhưng dịch bệnh cùng khoảng thời gian giãn cách kéo dài đã khiến cô phải trì hoãn tất cả.

"Mình đã rất khó khăn để đủ điều kiện tốt nghiệp, kỳ thi Tiếng Anh lấy chứng chỉ đã dời hạn rất nhiều lần làm mình không biết phải xoay xở thế nào. Giờ đây, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay thì cũng đã quá hạn thi viên chức. Mình cố gắng nhưng thật sự bất lực vì không thể xoay chuyển tình hình được. Đành đợi chờ và mong năm sau mọi thứ sẽ ổn hơn với mình".

Tính đến tháng 4/2021, có hơn 22 triệu việc làm đã "biến mất" tại Mỹ, khiến sự ổn định về việc làm trở thành mối quan tâm hàng đầu trong tâm trí của nhiều sinh viên. Tại Việt Nam, hơn 70.000 cử nhân không kịp tốt nghiệp và bị gián đoạn về tương lai, cũng như những cơ hội trong cuộc sống.

Những con số "biết nói" này còn thể hiện được cả tâm trạng của sinh viên đại học và sinh viên mới tốt nghiệp. Đại dịch kéo đến làm những cô cậu sinh viên như đứng trước ngã ba đường, luôn phải chọn lựa và đáp án vẫn là một năm phí hoài và chưa có sự ổn định. Thanh Thanh [sinh viên vừa tốt nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân] cũng cùng nỗi niềm.

"Khi Hà Nội giãn cách, mình đã một mình 'mắc kẹt' ở giữa Hà Nội này chờ đợi cơ hội. Mình chờ mãi, chờ rất lâu... Mình đã từng muốn về quê, sống gần gia đình, mình cũng từng nghĩ rằng thứ mình mong muốn có lẽ không có duyên với mình. Nhưng mình vẫn miệt mài, kiên trì thật nhiều. Sau khi hết giãn cách, mình đã đi phỏng vấn ở nhiều nơi, nhưng cũng rất mệt mỏi, vì thất bại nối tiếp".

Sinh viên cần phải làm gì để ổn định tâm lý khi học online kéo dài?

Chia sẻ về cảm xúc sinh viên khi học online, Thạc sĩ Nguyễn Viết Chung, giảng viên bộ môn Tâm thần và Tâm lý học Lâm sàng tại ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ:

"Học online sẽ làm các bạn sinh viên mất phương hướng, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Sinh viên là người trẻ muốn thể hiện mình, cần trải nghiệm thực tế, cần cộng đồng nên khi mọi thứ online các bạn không được bộc bạch suy nghĩ, từ đó dẫn đến các bạn tự ti hơn và mơ hồ về mục đích của cuộc sống.

Việc học online kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập chung cũng như tương tác xã hội của học sinh. Bởi khi đi học trực tiếp, học trò được đi ra ngoài, đến trường, nói chuyện với bạn bè... cũng là cách để giải toả stress và tăng tính sáng tạo. Nếu học online kéo dài sẽ mất đi nguồn năng lượng ấy, khiến cho học sinh dần trở nên cô độc, chán nản, không được giải toả năng lượng trong mình.

Khi đó các bạn dễ mắc các căn bệnh tâm lý như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc... hoặc nhẹ nhất cũng là nhìn nhận mọi thứ xung quanh tiêu cực. Trẻ con lại là đối tượng dễ bị tác động hơn cả".

Anh Chung cho rằng nếu sinh viên không có gì làm thêm cũng sẽ quanh quẩn, mất động lực. Vị bác sĩ cũng gửi lời khuyên cho các bạn sinh viên nên học cách thích nghi vì đây là điều thực tế không thể thay đổi được để vượt qua giai đoạn này.

Dù khó khăn vẫn còn phía trước, dịch bệnh vẫn đang diễn ra nhưng hơn hết một tín hiệu tích cực đã trở lại với ngành giáo dục khi trường học đang dần được mở cửa và đón sinh viên trở lại trường. Trước những bỡ ngỡ và thách thức, một lần nữa chúng ta sẽ, đã và đang cùng nhau tiếp tục tìm hướng giải quyết các vấn đề xoay quanh, trong đó có những nỗ lực cải thiện tâm lý học đường cho học sinh, cố gắng chia sẻ và hiểu nhau hơn giữa thầy và trò, gắn kết giữa gia đình, nhà trường và học sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Chung, giảng viên bộ môn Tâm thần và Tâm lý học Lâm sàng tại ĐH Quốc gia Hà Nội

Đọc thêm phân tích tâm lý của học sinh khi phải học online kéo dài TẠI ĐÂY.

//kenh24.vn/phan-tich-tam-ly-sinh-vien-khi-hoc-online-suot-2-nam-khong-biet-mui-dai-hoc-the-nao-so-nganh-hoc-cua-minh-bong-dung-bien-mat-20211218180921951.chn

Video liên quan

Chủ Đề