Tạp khuẩn 3+ là gì

05-04-2021

Câu hỏi:

Chào các bác sĩ, em đi khám phụ khoa thì được chẩn đoán viêm âm đạo do tạp khuẩn. Bệnh này có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp!

Trả lời:

Chào bạn, viêm âm đạo do tạp khuẩn là bệnh lý phổ biến và có thể lây nhiễm qua đường tình dục. Khi bị viêm âm đạo do tạp khuẩn, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Dịch âm đạo tiết ra ít, đục, có mà trắng xám, có mủ hoặc lẫn ít máu.
  • Cảm thấy khó chịu, ngứa râm ran và rát ở âm đạo
  • Âm đạo có mùi hôi, đặc biệt rõ sau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi giao hợp
  • Tiểu buốt, tiểu dắt…

Viêm âm đạo tác động lớn đến khả năng mang thai và sinh nở của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản như: tình trạng vô sinh, sảy thai, sinh non hay thai ngoài tử cung,…

Viêm âm đạo do tạp khuẩn nếu không được điều trị sớm có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung sau sinh, sau cắt tử cung, nhiễm trùng vết cắt âm đạo, viêm màng ối,…do vi khuẩn lây lan, gây viêm nhiễm toàn bộ cơ quan sinh dục.

Viêm âm đạo do tạp khuẩn không phải là bệnh lý nguy hiểm và hoàn toàn có thế điều trị dứt điểm nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng ngừa viêm âm đạo do tạp khuẩn, người bệnh cần: Hạn chế tắm bồn tắm, bồn nước nóng; Không sử dụng các loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, khử mùi, có chất tạo mùi; Tránh các chất kích thích đường âm đạo; Vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục ngoài sau khi tắm; Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục;…

Tại khoa Sản – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, người bệnh mắc các bệnh lý về phụ khoa sẽ được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác bệnh lý mắc phải, từ đó có tư vấn và phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. 

BAN TƯ VẤN SỨC KHỎE

BỆNH VIỆN HOÀN MỸ ĐÀ NẴNG

Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa phổ biến, có tới 90% phụ nữ mắc phải. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm âm đạo, trong đó phổ biến có viêm âm đạo do tạp khuẩn. Có nhiều sai lầm trong cách điều trị và dự phòng tái phát dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Nội dung chính

  • 1. Viêm âm đạo do tạp khuẩn là gì?
  • 2. Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo do tạp khuẩn
  • 3. Biến chứng của viêm âm đạo do tạp khuẩn
  • 4. Yếu tố nguy cơ mắc viêm âm đạo do tạp khuẩn
  • 5. Chẩn đoán viêm âm đạo do tạp khuẩn
  • 6. Điều trị viêm âm đạo do tạp khuẩn
  • 7. Phòng bệnh

1. Viêm âm đạo do tạp khuẩn là gì?

Bình thường trong âm đạo người phụ nữ có 1 lượng vi khuẩn có lợi có tên khoa học là lactobacilli. Vi khuẩn này ưu thế hơn so với các loại vi khuẩn khác góp phần bảo vệ âm đạo tránh khỏi các tác nhân gây bệnh khác. Vì một lý do nào đó, vi khuẩn kỵ khí phát triển quá mức sẽ gây mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo. Khi đó lượng vi khuẩn có lợi giảm sút, tạo điều kiện thuận lợi cho số lượng vi khuẩn gây hại phát triển và tấn công dẫn đến nhiễm khuẩn âm đạo.

Viêm âm đạo do tạp khuẩn thường xảy ra ở người hoạt động tình dục, đặc biệt nếu phụ nữ có nhiều bạn tình. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể xảy ra ở phụ nữ không hoạt động tình dục.

Nguyên nhân gây viêm âm đạo do tạp khuẩn là do vi khuẩn kỵ khí, hay gặp nhất là Gardnerella vaginalis. Ngoài ra có thể kể đến Mycoplasma hominis, vi khuẩn kỵ khí khác,...

Nguyên nhân gây viêm âm đạo do tạp khuẩn là do vi khuẩn kỵ khí, hay gặp nhất là Gardnerella vaginalis

2. Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo do tạp khuẩn

  • Thay đổi màu sắc khí hư. Bình thường khí hư có 1 lượng nhỏ, màu trong suốt, không mùi. Khi thấy âm đạo có nhiều khí hư hơi bình thường, có màu đục, trắng xám, có mủ hoặc lẫn ít máu có thể đây là dấu hiệu của viêm âm đạo.
  • Âm đạo có mùi hôi, đặc biệt rõ sau khi quan hệ tình dục
  • Người bệnh cảm thấy khó chịu, ngứa râm ran, nóng rát ở âm đạo, đau rát sau giao hợp. Ngoài ra có thể có biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu như tiểu buốt, tiểu rắt,...

3. Biến chứng của viêm âm đạo do tạp khuẩn

  • Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như: vô sinh, sảy thai, ối vỡ non, nhiễm trùng ối, sinh non, thai ngoài tử cung,..
  • Ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt vợ chồng
  • Các tạp khuẩn có hại sẽ gây lây lan viêm nhiễm ra toàn bộ cơ quan sinh dục gây viêm âm hộ, tấn công ngược dòng lên gây viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng, ống dẫn trứng, viêm nội mạc tử cung...
  • Tăng khả năng mắc HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Gây viêm đường tiết niệu do niệu đạo gần với âm đạo nên vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo và gây viêm đường tiết niệu.

4. Yếu tố nguy cơ mắc viêm âm đạo do tạp khuẩn

Cách vệ sinh vùng kín chưa đúng là yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến viêm âm đạo

  • Hoạt động tình dục; Phụ nữ hoạt động tình dục mất đi màng trinh là màng bảo vệ khỏi vi khuẩn xâm nhập ngược dòng. Ngoài ra cách vệ sinh chưa đúng là yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến viêm âm đạo
  • Suy giảm miễn dịch; Phụ nữ bị HIV, sử dụng corticoid lâu ngày, mắc các bệnh tự miễn, đái tháo đường không kiểm soát.
  • Thuốc; Sử dụng thuốc kháng sinh lâu dài, thuốc tránh thai,...
  • Thường xuyên thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng thuốc đặt âm đạo lâu dài
  • Trong thời kỳ mang thai
  • Dụng cụ tránh thai

5. Chẩn đoán viêm âm đạo do tạp khuẩn

  • Lâm sàng: huyết trắng nhiều, màu trắng xám, rất hôi, nhất là sau giao hợp kèm ngứa bộ phận sinh dục, âm đạo có những nốt đỏ
  • Cận lâm sàng

Lấy dịch âm đạo làm xét nghiệm soi tươi và nhuộm soi đánh giá. Viêm âm đạo do tạp khuẩn có các biểu hiện sau:

  • Nhuộm soi cho kết quả là trực khuẩn gram âm, cầu khuẩn gram âm, cầu khuẩn gram dương,...
  • Whiff test (+): Nhỏ KOH 10% sẽ có mùi hôi như cá ươn.
  • Phết âm đạo soi tươi thấy nhiều Clue cell, nhuộm gram có nhiều Cocobacille nhỏ (Clue cell có > 20% trong quang trường) đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm âm đạo do tạp khuẩn.

6. Điều trị viêm âm đạo do tạp khuẩn

Người bệnh sẽ được kê thuốc kháng sinh đường uống, đường đặt âm đạo hoặc thuốc dạng bôi để điều trị

Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị kháng sinh đường uống, đường đặt âm đạo hoặc dạng bôi. Nên sử dụng kháng sinh đường đặt âm đạo để đạt hiệu quả tối ưu. Sử dụng kháng sinh đủ liều theo đúng chỉ định của người thầy thuốc
  • Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị
  • Trong trường hợp có thai không sử dụng các loại kháng sinh ảnh hưởng đến bé
  • Vệ sinh đúng cách. Không thụt rửa âm đạo, không lau chùi từ sau ra trước, sử dụng các sản phẩm vệ sinh hỗ trợ, giữ vùng kín luôn khô thoáng, sử dụng quần lót chất liệu cotton, giặt ngay sau khi sử dụng, phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Điều trị cụ thể bằng thuốc uống metronidazole (Flagyl), gel hoặc kem metronidazole (MetroGel) hoặc kem clindamycin (Cleocin) bôi vào âm đạo.

Dùng đường uống hay đặt âm đạo

  • Metronidazole 500mg x 2 lần/ngày x 7 ngày (uống trong bữa ăn), hoặc
  • Metronidazole gel 0.75 (5g)/ngày trong 5 ngày bơm âm đạo, hoặc
  • Clindamycin 300mg x 2 lần/ngày x 7 ngày (uống), hoặc
  • Clindamycin 100mg x 1 lần/ngày x 3 ngày (đặt âm đạo).

Tái phát có thể dùng 2 đợt

7. Phòng bệnh

  • Hạn chế tắm bồn tắm, bồn nước nóng và bồn tạo sóng.
  • Không sử dụng các loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, khử mùi, có chất tạo mùi, nên sử dụng xà phòng vệ sinh dịu nhẹ và không mùi thơm.
  • Tránh các chất kích thích đường âm đạo như tampon vệ sinh, miếng đệm, vòi hoa sen, xà phông
  • Không thụt rửa âm đạo.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục ngoài sau khi tắm và làm khô vùng này để ngăn ngừa kích ứng. Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn đến âm đạo của bạn.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường khách hàng nên đến thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!