Thai 18 tuần tuổi phát triển như thế nào

Khi mang thai tuần 18 sẽ có nhiều điều thú vị đang diễn ra. Đặc biệt nhất là bé đã có thể nghe được âm thanh xung quanh và giọng nói của mẹ! Ngoài ra, việc tử cung càng phát triển sẽ gây ra một vấn đề khiến mẹ thường xuyên than thở. Đó chính là chứng đau lưng. Trong bài viết này, YouMed sẽ chia sẻ với mẹ một số lời khuyên để cảm thấy dễ chịu hơn với chiếc lưng của mình. Mẹ hãy xem những lời khuyên ấy là gì nhé!

1. Cơ thể mẹ thay đổi gì khi mang thai tuần 18?

Ở thời điểm này, bụng của mẹ đã lớn lên trông thấy. Hầu hết mọi người có thể nhận ra rằng bạn đang mang thai. Đặc biệt nếu bạn đang mặc quần áo bà bầu.

Tuy nhiên, có nhiều thay đổi khác đang xảy ra mà chỉ có mẹ mới cảm nhận được. Một trong những đặc điểm đó là hệ thống tim mạch. Khi mang thai, lưu lượng máu sẽ tăng để đáp ứng với sự thay đổi của cơ thể. Đồng thời, mạch máu dãn ra sẽ làm cho huyết áp của mẹ thấp hơn bình thường. Tình trạng này sẽ khiến cho mẹ thường hay chóng mặt, đặc biệt khi đột ngột thay đổi tư thế. Vì thế, mẹ nên để ý không nên ngồi dậy hoặc đứng lên đột ngột từ tư thế thấp như nằm, ngồi. Di chuyển cơ thể từ từ sẽ giúp mẹ giảm chóng mặt hơn.

2. Em bé phát triển như thế nào khi mang thai tuần 18?

Em bé giờ đây dài khoảng 16 cm và nặng khoảng 160 gram.

Một lớp bảo vệ được gọi là myelin đang bắt đầu hình thành xung quanh dây thần kinh của bé. Lớp phủ này sẽ tiếp tục hình thành cho đến khi bé chào đời.

Các xương trong cơ thể bé đã bắt đầu cứng lại. Đây được gọi là quá trình hóa thạch

Khi mang thai tuần 18, các xương trong cơ thể bé đã bắt đầu cứng lại. Đây được gọi là quá trình hóa thạch. Xương chân, xương đòn và xương bên trong tai là một trong những xương xuất hiện đầu tiên.

Đặc biệt, xương ở tai trong bây giờ đã phát triển đủ để hoạt động cùng với sự liên kết của thần kinh, bé có thể nghe thấy âm thanh. Bé giờ đây đã có thể nghe được tiếng tim đập và tiếng nhu động ruột của mẹ. Bé thậm chí có thể trở nên giật mình bởi những tiếng động lớn!

3. Bạn nên có kế hoạch gì khi mang thai 18 tuần?

Nếu như theo kế hoạch thai nghén, bạn sẽ có buổi tái khám thứ 3 trong khoảng từ 18 đến 22 tuần.

3.1. Siêu âm hình thái thai nhi

Ở lần khám thai này, bác sĩ sẽ tập trung vào việc theo dõi sự tăng trưởng của bé và xem có vấn đề gì với sức khỏe của của mẹ hay không.

Một số thao tác kiểm tra sức khỏe thông thường như cân nặng, chiều cao, huyết áp. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi về sự cảm nhận của mẹ với thai nhi trong bụng.

Một đặc điểm quan trọng trong lần khám thai này đó chính là mẹ sẽ biết được giới tính của bé qua siêu âm.

Siêu âm hình thái thai nhi

Trong quá trình siêu âm, bác sĩ cũng sẽ đánh giá tổng thể hình thái, lượng nước ối và đo nhịp tim của bé.

3.2. Xét nghiệm Triple test

Mẹ sẽ cần làm xét nghiệm được gọi là triple test trong khoảng 18 – 22 tuần thai kỳ. Tuy nhiên, nếu mẹ khám thai đầy đủ, từng làm double test và đo độ mờ da gáy trong khoảng tuần 11 – 14 thai kỳ, việc làm xét nghiệm triple test là không cần thiết.

Mẹ cần làm xét nghiệm Triple test khi bỏ lỡ lần khám thai trong khoảng từ 11 đến 14 tuần

Ở xét nghiệm tripple test, bác sĩ sẽ lấy một ít máu từ vein tay của mẹ đã đo 3 thông số, bao gồm:

  1. Alpha-fetoprotein [AFP]: Một loại protein được tạo ra từ gan bé đi vào máu.
  2. Nội tiết tố hCG: Được tạo ra bởi nhau thai.
  3. Estriol: Được tạo ra bởi nhau thai và gan của bé.

Lưu ý, xét nghiệm Triple test không khẳng định mà chỉ cho biết thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể hay không. Nếu xét nghiệm có nguy cơ cao, không có nghĩa bé có rối loạn nhiễm sắc thể. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có cần phải làm thêm các xét nghiệm khác nữa không.

Ý nghĩa của 3 thông số:

Nếu như nồng độ AFP tăng sẽ gợi ý thai có nguy cơ cao bị dị tật ống thần kinh, gây ra các vấn đề như: cột sống chẻ đôi, vô sọ.

Trường hợp nồng độ AFP giảm nếu kết hợp với nồng độ hCG và estriol giảm thì thai nguy cơ cao mắc hội chứng Down, hội chứng Edwards hoặc bất thường nhiễm sắc thể khác.

Trên thực tế, để ước tính chính xác các nguy cơ rối loạn trên, bác sĩ sẽ kết hợp kết quả xét nghiệm ba chất trên với những yếu tố khác, bao gồm: tuổi của người mẹ, chủng tộc, cân nặng, chiều cao. Bên cạnh đó, cần khai thác thêm tiền sử bản thân người mẹ như tiểu đường, hút thuốc, tình trạng thai như đơn thai hay song thai, tuổi thai vào thời điểm xét nghiệm và tiền sử sản khoa.

Trong trường hợp kết quả cho thấy thai có nguy cơ cao bị một hoặc nhiều các rối loạn nhiễm sắc thể, bác sĩ có thể tư vấn mẹ làm thêm những thủ thuật xâm lấn khác như chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau để chẩn đoán xác định. Trước khi làm thủ thuật xâm lấn, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ về nguy cơ và lợi ích của thủ thuật. Mẹ có thể lựa chọn và quyết định cho phép làm hoặc không làm thủ thuật kiểm tra này.

4. Đối phó với chứng đau lưng khi mang thai tuần 18?

Người mẹ dễ bị đau lưng khi thai bắt đầu trở nên lớn dần theo từng tháng.

Khi mang thai, các khớp và dây chằng ở vùng xương chậu bắt đầu mềm hơn và nới lỏng ra để chuẩn bị cho sự phát triển, lớn lên của em bé. Tử cung càng to sẽ làm thay đổi trọng tâm đứng bình thường. Để đứng vững, mẹ thường cần phải điều chỉnh tư thế ưỡn ra sau hơn. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến mẹ hay đau mỏi ở lưng, thắt lưng.

Đau lưng là một trong những than thở phổ biến của mẹ khi mang thai tuần 18

Sau đây là một số biện pháp giúp mẹ giảm đau và mỏi lưng. Mẹ hãy áp dụng thử nhé!

4.1. Khiêng, vác vật nặng đúng cách

Nếu được, mẹ nên tránh khiêng vác vật nặng mà hãy nhờ người xung quanh hỗ trợ. Trong trường hợp mẹ cần khiêng vác, việc nâng đúng tư thế sẽ giúp mẹ tránh tạo sức nặng lên lưng của mình.

Khiêng vác vật nặng đúng cách sẽ giúp mẹ không bị đau lưng

Cách nâng vật nặng đúng cách:

  • Bước 1: Quỳ xuống cạnh đồ vật cần mang đi. Đặt một đầu gối xuống sàn.
  • Bước 2: Nâng đồ vật lên giữa hai chân và giữ lưng càng thẳng càng tốt.
  • Bước 3: Đặt đồ vật trên 1 đầu gối làm điểm tựa.
  • Bước 4: Sử dụng 2 chân để đứng thẳng lên, luôn luôn chú ý cần giữ lưng thẳng.

Chỉ những bước đơn giản như vậy, mẹ sẽ đỡ đau lưng hơn khi cần khiêng vác một đồ vật nào đó.

4.2. Bài tập thể dục giúp giảm đau lưng

Rèn luyện thể thao cũng có thể giúp xương cốt của mẹ dẻo dai và vững chắc hơn. Mẹ có thể lựa chọn bơi lội, đi bộ hoặc những bài tập căng dãn cơ khớp ít nhất 3 lần/tuần. Ngoài ra, những bài tập yoga trước sinh cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời cho sức khỏe của mẹ.

>> Mẹ bầu có thể tham khảo thêm: Bạn biết gì về các bài tập giảm đau lưng?

Sau đây, YouMed sẽ giới thiệu đến mẹ một bài tập giúp giảm đau lưng.

Bài tập mang tên “Giãn lưng dưới”

Khi bụng của mẹ lớn lên, sự kéo dãn phần thân trên trong bài tập này sẽ giúp giảm căng thẳng ở phần lưng, thắt lưng.

  • Bước 1: Khuỵu gối và chống hai tay xuống mặt thảm sao cho bắp đùi và cánh tay vuông góc với mặt đất. Cổ và lưng tạo thành đường thẳng.
  • Bước 2: Chống lưng cong lên, cúi đầu, hướng cằm về phía ngực.
  • Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong vài giây. Sau đó, thư giãn lưng về vị trí ban đầu, giữ cho lưng càng thẳng càng tốt.
  • Bước 4: Lặp lại động tác 5 đến 10 lần.
Bài tập “Giãn lưng dưới”

4.3. Một số điều cần chú ý

Mẹ nên thay đổi tư thế thường xuyên và tránh đứng lâu. Nên vận động, di chuyển mỗi 1 – 2 tiếng/ lần. Nếu cần đứng lâu để làm chuyện gì đó, mẹ có thể tìm một chiếc ghế đẩu thấp, sau đó đặt 1 chân lên ghé và thường xuyên đổi chân. Điều này vừa giúp mẹ đỡ mỏi chân, vừa giúp giảm bớt áp lực lên lưng.

Mẹ không nên mang những loại giày cao gót. Thay vào đó, những đôi giày, dép đế thấp hoặc tốt nhất là đế bằng sẽ tốt hơn cho thắt lưng của mẹ.

Cố gắng tránh các động tác đột ngột trên cơ thể hoặc vươn hai tay lên cao qua đầu.

Ngủ nghiêng về một phía với một đầu gối hoặc cả hai đầu gối cong. Đặt một cái gối giữa đầu gối và một cái khác dưới bụng. Mẹ có thể chọn mua gối cho bà bầu, cũng là một sự lựa chọn.

Để cảm thấy dễ chịu hơn, mẹ có thể làm ấm vùng lưng và thắt lưng của mình. Mẹ có thể sử dụng một chai, túi nước ấm áp vào lưng hoặc tắm nước ấm sẽ thấy thư giãn hơn.

Mát xa vùng lưng, thắt lưng cũng là một cách giúp giảm đau.

Mặc quần bà bầu có dây thắt lưng thấp. Ngoài ra, mẹ có thể cân nhắc hỏi ý kiến bác sĩ về đai hỗ trợ thai sản.

4.4. Khi nào mẹ cần đi khám bác sĩ về chứng đau lưng của mình?

Nếu sự đau lưng của mẹ đến mức không thể chịu được, hãy nói điều này với bác sĩ đang theo dõi thai nghén của mình. Ngoài ra, mẹ cần đi đến cơ sở sản phụ khoa càng sớm càng tốt nếu cơn đau lưng của mẹ kéo dài 4 – 6 giờ hoặc lâu hơn. Nếu có các dấu hiệu sau, mẹ cũng nên đi khám ngay:

  • Chảy máu âm đạo.
  • Có máu trong nước tiểu hoặc nóng rát khi đi tiểu.
  • Chuột rút hoặc đau bụng.
  • Có mẫu mô xuất ra từ âm đạo.
  • Sốt.
  • Có cơn gò tử cung xuất hiện thường xuyên [cứ sau 10 phút hoặc thời gian ngắn hơn]. Cảm giác cơn gò giống như ổ bụng đang thắt chặt lại, có thể kèm theo đau bụng.
  • Cảm giác nặng nề hoặc có áp lực lên xương chậu hoặc vùng bụng dưới.
  • Khí hư [huyết trắng] có màu sắc bất thường như vàng, xanh, hồng, nâu…
Mẹ cần khám thai khi có các dấu hiệu bất thường kèm theo

Ở tuần 19 mang thai, bộ não của bé sẽ dần phát triển hoàn thiện. Bé có thể thực hiện các chuyển động cơ bắp có ý thức, chẳng hạn như mút ngón tay cái hoặc di chuyển đầu của mình. Mẹ hãy đón đọc xem điều kỳ diệu gì trong sự phát triển của bé ở tuần sau nhé!

Video liên quan

Chủ Đề