Tham luận nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến

Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT Hà Nội đang nỗ lực đổi mới phương pháp để tạo hứng thú và hiệu quả cho học sinh khi học tập trực tuyến.

Nâng cao hiệu quả tiết dạy

Tiết học Tiếng Anh của học sinh lớp 7A Trường THCS Nguyễn Trường Tộ [quận Đống Đa] luôn sôi động bởi những hoạt động nghe nói, đọc viết, thảo luận nhóm. Học sinh còn được tham gia vào các trò chơi, bày tỏ cảm xúc về bài học. Em Mai Gia Hân - học sinh lớp 7A cho biết: Tuy là giờ học trực tuyến nhưng em cảm giác như được học trực tiếp, tiếp thu đầy đủ kiến thức trong sách giáo khoa, giao lưu với bạn.

Đồng hành cùng con trong suốt quá trình học tập, chị Nguyễn Thị Bích Thủy - phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho rằng: “Học trực tuyến trong năm học này đã ổn định và hiệu quả hơn rất nhiều. Trong giờ học trực tuyến, học sinh được tương tác với thầy cô, bạn bè, tham gia vào các hoạt động học tập và tiếp thu kiến thức rất tốt”.

Theo cô Phạm Thanh Hằng - giáo viên Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, do việc dạy học trực tuyến còn khá mới mẻ nên các thầy cô luôn phải dựa vào tình hình thực tế để tự đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp, lựa chọn ứng dụng dạy học sao cho học sinh theo dõi, phát biểu, tương tác, làm bài, gửi bài thuận tiện nhất.

“Dù là nền tảng nào nếu thuận tiện với từng khối lớp hoặc bài tập cho từng đối tượng, giáo viên sẽ ưu tiên lựa chọn sử dụng. Học trực tiếp hay online việc tạo hứng khởi cho học sinh, tạo ra hoạt động tương tác lấy người học làm trung tâm luôn là nhiệm vụ số một của người thầy”, cô Hằng bày tỏ.

Ví dụ như phần kiểm tra bài cũ và hoạt động đầu giờ, cô sử dụng tính năng chat box của Teams hay Wordwall hoặc Quizizz. Về thảo luận tại lớp sử dụng Padlet.com - nền tảng trực tuyến cho phép lưu lại các bài viết của học sinh, giáo viên có thể cho điểm ngay trên nền tảng...

Cô Cao Thu Hương - giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương [quận Hoàn Kiếm] cho biết, đổi mới phương pháp dạy học khi dạy trực tuyến rất quan trọng bởi sự tương tác trong lớp học truyền thống hoàn toàn khác so với trong các lớp học trực tuyến. Giáo viên phải tạo không khí lớp học thông qua hoạt động thể chất, quan sát đánh giá học sinh từ biểu hiện bên ngoài, cũng như trao đổi và thường xuyên động viên, khích lệ học sinh.

Đặc biệt, trong tình huống đường truyền Internet hay thiết bị học tập không ổn định, học sinh khó theo dõi nội dung bài liền mạch. Giáo viên kịp thời chia sẻ để học sinh không lo lắng. Việc giảng dạy bằng bảng đen truyền thống được thay thế bằng các cách diễn đạt khác phù hợp, như hình ảnh, video clip đẹp và gần gũi khiến học sinh không chỉ xem mà còn lắng nghe để hiểu khi học online.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trường Tộ [quận Đống Đa] tích cực tham gia vào các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy trực tuyến.

Tạo hứng thú cho học sinh

Tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu [quận Ba Đình], các thầy cô có nhiều giải pháp để học sinh học trực tuyến tiếp thu đủ khối lượng kiến thức mà không gây quá tải. Cô Nguyễn Điệp Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết: Để dạy học trực tuyến hiệu quả, thầy cô đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học và chủ động hơn trong các tiết dạy của mình. Ngoài việc chuẩn bị giáo án các môn học chi tiết theo thời khóa biểu, giáo viên phải dành nhiều thời gian để học hỏi về công nghệ thông tin, xem những bài giảng tập huấn để tiếp thu phương pháp dạy học mới.

Để bài học hấp dẫn, các thầy cô xây dựng giáo án online phù hợp, lồng ghép thêm các trò chơi, video bổ ích để minh họa cho bài giảng nhằm tạo sự sinh động và cuốn hút học sinh. Nhờ đó, giờ học trực tuyến trở nên sinh động, gần gũi, giúp học sinh tập trung hơn trong giờ học, các em ghi nhớ, hiểu và dễ dàng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Cùng với đó, giáo viên còn chia sẻ và hướng dẫn học sinh các phương pháp để học online hiệu quả nhất như nâng cao tinh thần tự giác học tập; xây dựng không gian học tập riêng tư; có kế hoạch học tập rõ ràng; tích cực tương tác bằng câu hỏi, trò chơi và tham gia thảo luận; ghi chép đầy đủ và đọc lại bài sau mỗi buổi học; thực hành bài học thường xuyên; luôn giữ sức khỏe tốt.

Cô Nguyễn Thị Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Mai Động [quận Hoàng Mai] cho biết: “Chuẩn bị cho dạy học trực tuyến, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể. Trước tiên, giáo viên các lớp họp trao đổi trực tuyến với phụ huynh, tư vấn, hướng dẫn công tác chuẩn bị. Qua đó, để phụ huynh đồng hành cùng con trong khi học trực tuyến một cách hiệu quả nhất. Thông qua video hướng dẫn, phụ huynh, học sinh truy cập các phần mềm, các bài giảng điện tử có trong kho học liệu của nhà trường.

Việc tạo hứng thú cho học sinh là điều quan trọng. Học trực tuyến có hạn chế là thầy trò không thể tương tác trực tiếp với nhau. Bởi vậy, thầy cô đã xây dựng chuỗi bài giảng với hình thức và nội dung phong phú để học sinh làm quen với môi trường học tập online.

“Các giờ dạy luôn bảo đảm đúng tiến độ, giáo viên đều chú ý đến việc tiếp thu kiến thức trên lớp của học sinh, đồng thời rèn nếp thực hiện nội quy lớp học trực tuyến, kiểm tra việc ghi bài và làm bài về nhà. Mặc dù đôi lúc đường mạng có chập chờn, video “load” chậm và thỉnh thoảng bị “out” khỏi phòng Zoom, song cả thầy và trò luôn cố gắng khắc phục khó khăn để mỗi tiết học là một trải nghiệm vui vẻ, bổ ích” - cô Hà Thanh chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Xác định dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể sớm quay lại trường, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã linh hoạt, chủ động trong việc chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, có nhiều giải pháp để học sinh tiếp thu đủ khối lượng kiến thức mà không gây quá tải. Nhiều quận, huyện, đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng quản lý, dạy - học trực tuyến để cán bộ, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy, học trực tuyến”.

Dạy học trực tuyến là lựa chọn tình huống khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù còn khó khăn và nhiều điều cần phải khắc phục nhưng tình huống ấy đã khiến mỗi thầy cô đều phải thay đổi để thích nghi.

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến năm học 2021-2022”, nhiều giáo viên đã đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy học online.

Hoạt động nhóm là "xương sống"

Theo cô Trần Thị Hải Quỳ, giáo viên môn Văn, trường THPT Lý Thường Kiệt [quận Long Biên]: "Trong bài giảng, với các hoạt động mở đầu, tôi sử dụng nhiều hình thức như trắc nghiệm, câu hỏi trải nghiệm hoặc thu nhận sản phẩm học tập tại nhà của học sinh; Trình chiếu một vài sản phẩm mẫu để cả lớp thảo luận, tạo tình huống học tập, dẫn dắt vào bài.

Hoạt động khám phá kiến thức mới: Tôi vẫn thường xuyên sử dụng chức năng chia phòng trong MS Teams để tổ chức thảo luận, làm việc nhóm. Tính năng tự động chia phòng để học sinh có cơ hội làm việc nhóm với nhiều bạn trong lớp, điều này rất có ý nghĩa với học sinh lớp 10 vì từ khi vào trường, các em chưa có dịp nào gặp nhau, chưa biết mặt, biết tên. Hoạt động nhóm chính là cơ hội để các em làm quen, hợp tác với nhau trong học tập”.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến trên nền tảng MS Teams

Cũng theo cô Hải Quỳ, về sản phẩm học tập, học sinh có thể làm sản phẩm trên Powerpoint hoặc Word. Học sinh trình bày, thảo luận, chữa bài xong, các em ghim sản phẩm học tập vào hộp thoại của lớp học, để làm sản phẩm học tập chung và khi cần có thể mở lại để làm tài liệu tham khảo. Đồng thời, cô giáo cũng dễ dàng theo dõi sự tiến bộ của học sinh trong từng sản phẩm học tập…

“Có một phương pháp dạy học mà theo tôi là khá hiệu quả với dạy học trực tuyến, đó là dạy học theo mô hình “Lớp học đảo ngược”. Với một số bài học, tôi lựa chọn và hướng dẫn học sinh tự học ở nhà bằng phần mềm OLM. Ở trên lớp học MS Teams, tôi sẽ tổ chức cho học sinh thảo luận, trình bày các nội dung đã đọc, đã xem, thảo luận và làm việc nhóm.

Trên cơ sở đó, giáo viên đánh giá thái độ học tập của học sinh, có thêm câu hỏi hoặc hoạt động để khắc sâu, củng cố kiến thức, kết luận các vấn đề chính của bài dạy. Tôi cũng có thể yêu cầu học sinh chụp ảnh phần ghi chép tự học để kiểm tra tính tự giác học tập của các em khi áp dụng mô hình này”, cô giáo Hải Quỳ chia sẻ.

Giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều trình bày tham luận tại hội thảo

Cô Nguyễn Nguyệt Huệ, giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều [Long Biên] cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến, trường THPT Nguyễn Gia Thiều đưa ra một số giải pháp như: Công nghệ để dạy học; Chuẩn bị chu đáo trước khi dạy học; Đổi mới phương pháp dạy học, bám sát hướng dẫn giảm tải nội dung dạy học.

Khi soạn bài, giáo viên cần xoáy vào các vấn đề cần lưu tâm, trình bày từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, đưa vào ví dụ minh họa để người đọc dễ tiếp thu; Khi giảng bài buộc buộc học sinh phải tương tác trực tuyến, tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm.

Trong một Team có chức năng chia nhóm, học sinh có thể vào nhiều nhóm tìm hiểu kiến thức theo định hướng của giáo viên, sau đó vào kênh chung để thảo luận. Trên Team có nhóm giúp cho giáo viên có thể đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các kĩ thuật dạy học theo nhóm vào để giảng dạy…

Chú trọng chuẩn bị để "chắc thắng"

Để chuyển từ bài giảng trực tiếp sang trực tuyến, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho rằng, cần 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 [trước khi kết nối trực tiếp]: Giao nhiệm vụ trên các công cụ trực tuyến; Giai đoạn 2 [kết nối trực tiếp]: Báo cáo, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn 1 và hình thành kiến thức, kĩ năng; Giai đoạn 3 [sau khi kết nối trực tiếp] là vận dụng.

Một tham luận tại hội thảo

Với cách này, giáo viên có thể để học sinh tự thực hiện một số hoạt động tại nhà với thời gian linh hoạt, điều này sẽ giúp giảm tiếp xúc trực tuyến trực tiếp với giáo viên qua máy tính, điện thoại. Muốn vậy, giáo viên cần chọn lựa các nội dung kiến thức, năng lực nào của từng bài học để thiết kế: các nhiệm vụ học tập nào giao về nhà trước và sau giờ học; Nhiệm vụ nào để báo cáo, thảo luận trên lớp.

Cũng theo cô Hương, trong quá trình dạy, với nhóm bài học hình thành kiến thức mới có 2 thể loại: Bài có nội dung đơn giản được giảm tải nhiều; Bài có nội dung quan trọng, không bỏ nội dung nào, nhiều kiến thức cốt lỗi liên quan đến những bài học khác của chương trình. Trong từng bài học cụ thể, giáo viên cần có các cách chuyển đổi linh hoạt.

Với bài đơn giản thì sẽ cho học sinh lĩnh hội từ sách giáo khoa và các tư liệu khi giáo viên dạy trên lớp; Với bài nội dung quan trọng thì giáo viên cần thiết kế nhiệm vụ học tập ở nhà và nội dung dạy kiến thức khó hơn ở trên lớp. Bên cạnh đó, thầy cô cũng cho học sinh làm việc nhóm, thảo luận, báo cáo, hoạt động và luyện tập, vận dụng giao bài về nhà...

“Khi thiết kế các nhiệm vụ học tập ở nhà cho học sinh, ngoài nguồn tư liệu SGK, tôi sử dụng các tranh, hình, video clip trên internet hoặc video do chính mình quay bằng công cụ dạy học trực tuyến…”, cô Hương cho biết.

Cô Hương cũng bật mí, với các hoạt động trên lớp, có những hoạt động không thể thực hiện được trong môi trường trực tuyến như thực hành, thí nghiệm. Vì thế, cô Hương thường thay thế bằng hình thức khác như thí nghiệm ảo, tuỳ đối tượng, có thể chọn lọc các hình thức thảo luận nhóm, báo cáo phù hợp…

Video liên quan

Chủ Đề