Thị trường phim hoạt hình Việt Nam

Cần nâng tầm phim hoạt hình Việt

[ĐCSVN] - Hoạt hình là thể loại phim đặc biệt, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của khán giả, nhất khán giả nhỏ tuổi. Tại nước ta, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và nhu cầu thưởng thức của khán giả, đã đặt ra những yêu cầu mới đối với việc nâng cao tính hấp dẫn của phim hoạt hình Việt Nam.

Chưa thực sự tương xứng với vị thế, tiềm năng

Tính từ bộ phim “Đáng đời thằng Cáo”, là bộ phim hoạt hình [hoạt họa] đầu tiên được sản xuất năm 1959, đến nay, phim hoạt hình Việt cũng đã có trên 60 năm lịch sử phát triển. Những năm gần đây, tuy đã có bước phát triển nhất định song theo nhiều chuyên gia, phim hoạt hình Việt Nam còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, mong mỏi của công chúng.

Là phụ huynh của hai con đang ở tuổi thiếu nhi, chị Nguyễn Thị Khánh Hà ở quận Hà Đông [Hà Nội] cho biết: “Phim hoạt hình Việt Nam có tính giáo dục, định hướng lối sống cao cho con trẻ; tôi khá yên tâm khi để các con xem phim hoạt hình Việt. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, số lượng phim hoạt hình Việt được chiếu ở rạp không nhiều; trên truyền hình cũng chưa có kênh riêng mà chỉ có một vài phim ngắn; việc đưa các hiệu ứng kỹ xảo vào trong phim cũng hạn chế nên phim thường thiếu tính hấp dẫn với khán giả nhỏ tuổi”. Cháu Lê Thu Hằng [9 tuổi], con gái chị Hà hồn nhiên chia sẻ: “Cháu và em trai thích xem phim hoạt hình nước ngoài hơn, vì hình ảnh các nhân vật trong phim rất sống động, âm nhạc hay; trong đó có nhiều phim hoạt hình 3D rất hấp dẫn”.

Hình ảnh trong phim "Con Rồng cháu Tiên” , một tác phẩm nổi bật của phim hoạt hình Việt Nam.
[Ảnh chụp màn hình].

Tìm hiểu được biết, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam là một đơn vị chủ công trong sản xuất phim hoạt hình Việt. Bình quân hằng năm, đơn vị này đều cho ra đời 15 - 20 tác phẩm mới. Năm 2020, số lượng phim hoạt hình được Hãng sản xuất là 19 phim với 3 thể loại chính là phim 2D, phim 3D và phim cắt giấy vi tính. Các bộ phim của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất chủ yếu theo “đơn đặt hàng” của Nhà nước nên đều là các bộ phim mang tính giáo dục và giải trí cao, phục vụ mục tiêu giáo dục phẩm chất đạo đức, định hướng lối sống, bồi dưỡng và hình thành nhân cách cho thiếu niên, nhi đồng. Vấn đề khai thác trong phim thường là các câu chuyện về đời sống, sinh hoạt, học tập, các câu chuyện ngụ ngôn, đồng thoại hoặc cổ tích, sự tích, chứa đựng những bài học nhỏ, truyền tải đến khán giả những thông điệp giàu ý nghĩa của cuộc sống.

Tuy nhiên, đặc điểm chung của phim hoạt hình Việt Nam hiện nay đó là thời lượng ngắn, phim thường xoay quanh các con vật khá đơn thuần và mô phạm; kỹ thuật, công nghệ chưa tiên tiến nên khó tạo được tính hấp dẫn đối với khán giả. Gần đây, sự xuất hiện của một số đơn vị sản xuất phim hoạt hình tư nhân ở trong nước đã cho ra đời những tác phẩm bước đầu có dấu ấn nhất định, như Hãng Phim hoạt hình Vintata với loạt phim 40 tập “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”; Colory Animation Studio với phim “Dưới bóng cây”; DeeDee Animation Studio với phim “Tàn thể: Tiền truyện”... Song, các đơn vị này cũng mới dừng lại ở việc sản xuất phim ngắn, chiếu miễn phí trên mạng, chưa đáp ứng được nhu cầu xem phim hằng ngày hoặc thưởng thức tại rạp của số đông khán giả.

Nâng tầm phim hoạt hình Việt

Thực tế cho thấy, thế giới đã có rất nhiều tác phẩm phim hoạt hình thành công với doanh thu cao. Đối với Việt Nam, những năm gần đây cũng đã có những bộ phim hoạt hình được đánh giá cao, có tần xuất chiếu lớn [bao gồm cả chiếu rạp, phát sóng trên truyền hình, mạng xã hội...] và được đề cử các giải thưởng điện ảnh quốc tế. Có thể kể đến bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” [sản xuất năm 2018, 21 triệu lượt xem], bộ phim “Dưới bóng cây” [sản xuất năm 2014, 3,9 triệu lượt xem]; bộ phim “Truyền thuyết gươm thần” [sản xuất năm 2020, 304.000 lượt xem]...

Mới đây nhất, "Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo" với 50 bộ phim hoạt hình tiêu biểu sẽ được chiếu miễn phí phục vụ khán giả trên ứng dụng xem truyền hình trực tuyến VTVGo nhân “Tháng hành động vì trẻ em năm 2021” đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo phụ huynh và các khán giả nhí. Sự kiện góp phần mang đến cho khán giả những bộ phim hấp dẫn, thú vị, khích lệ các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam tiếp tục sáng tác những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa hơn. Có thể kể đến một số bộ phim tiêu biểu như: "Tia chớp nông nổi", "Những người bạn mới", "Trên đôi cánh bạn bè", "Ngôi sao xanh kỳ lạ", "Hành tinh hoa quả", "Vương quốc bánh kẹo", “Sự tích hoa phượng", "Truyền thuyết chiếc khăn Piêu", "Huyền thoại mắt biển", "Người anh hùng áo vải", "Cậu bé cờ lau"... Điều này cho thấy, khá giả vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với phim hoạt hình Việt Nam. Để xứng đáng với tình cảm và sự mong mỏi của khán giả, đòi hỏi những người làm phim hoạt hình Việt Nam cần không ngừng đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. [Ảnh: VĐ].

Từ góc nhìn chuyên môn, Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chia sẻ, để sản xuất một bộ phim hoạt hình cần rất nhiều yếu tố. Phải có sự chuẩn bị về mặt chuyên môn là đội ngũ nhân lực bao gồm nhiều thành phần: biên kịch, đạo diễn, họa sĩ của nhiều khâu như tạo hình - diễn xuất - làm phông - tổng hợp hình ảnh, âm thanh, âm nhạc… Phải chuẩn bị máy móc chuyên dụng, trang thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất… Muốn nâng cao chất lượng phim, trước hết cần chú trọng chất lượng các khâu như biên kịch, đạo diễn, họa sĩ tạo hình, họa sĩ diễn xuất và nhạc sĩ. Trong đó đội ngũ biên kịch cần phải được quan tâm hàng đầu. Phim hoạt hình Việt cần có sự đổi mới toàn diện về kịch bản để có những kịch bản hay, nội dung sâu sắc, mang hơi thở thời đại. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cũng cần từng bước thay đổi tư duy sản xuất và thay đổi quan niệm về phim hoạt hình. Xu thế chung trên thế giới hiện nay đã không còn quan niệm phim hoạt hình là chỉ dành cho trẻ nhỏ. Phim hoạt hình cũng giống như mọi sản phẩm điện ảnh khác, nếu là tác phẩm hay thì có thể tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của mọi lứa tuổi. Việc nắm bắt được nhu cầu khán giả, dự đoán xu hướng… sẽ giúp các nhà quản lý, các nhà làm phim thay đổi tư duy sáng tạo, bắt kịp các xu thế mới về sản xuất phim hoạt hình của thế giới.

Vê lâu dài, rất cần đến vai trò "bà đỡ" của Nhà nước và các cơ quan liên quan, hỗ trợ từ chính sách, đến việc đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp về kỹ thuật, công nghệ, và quan trọng nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Có như vậy mới góp phần nâng tầm phim hoạt hình Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả./.

Phạm Như Quỳnh

Hoạt hình Việt đã không còn thô sơ và mờ nhạt với những hãng phim đủ trình độ tạo nên sản phẩm có đồ hoạ ấn tượng và ý tưởng cuốn hút, tạo đà cho bước tiến mới của nền điện ảnh hoạt hình nước nhà. 

Việc tên của những cá nhân và đội ngũ người Việt xuất hiện trong phần credit của các dự án hoạt hình tầm cỡ từ anime Nhật Bản đến Hollywood đã không còn là điều hiếm lạ trong những năm gần đây, hay phim ngắn 9 phút Giấc Mơ Gỏi Cuốn của Mai Vũ vừa được chọn tham gia tranh giải La Cinéf tại Cannes 2022 đều là minh chứng rằng hoạt hình Việt Nam không thiếu tay nghề kỹ thuật chuẩn quốc tế, lại càng không thiếu những bộ óc sáng tạo nhanh nhạy với xu thế toàn cầu. Đáng tiếc, sau hơn nửa thế kỷ kể từ bộ phim hoạt hình Việt đầu tiên ra mắt năm 1959, vẫn chưa có một phim hoạt hình dài “chuẩn Việt” có thể ra rạp như cách mà các phim nước ngoài từ Disney, Pixar,… đã và đang làm. 

Năm 2010, phim 3D Người Con Của Rồng dài 40 phút ra rạp nhân dịp mừng đại lễ Nghìn năm Thăng Long, là phim hoạt hình hiếm hoi của nước ta tiệm cận với một phim chiếu rạp đúng nghĩa. Phần lớn sản phẩm hoạt hình của các studio là phim quảng cáo, và trong những năm gần đây thì lượng phim ngắn, loạt phim nhiều tập thời lượng ngắn cũng tăng lên đáng kể. Thực trạng này xuất phát từ việc làm hoạt hình chỉn chu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, chưa kể còn đòi hỏi cốt truyện ý nghĩa, và thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa đủ thuận lợi cho một tác phẩm như vậy. 

Dẫu còn nhiều thách thức, hoạt hình Việt Nam vẫn đang tiến lên. Hãy cùng điểm qua 5 hãng phim nổi bật đã hoặc đang ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngành phim hoạt hình nước nhà, để thấy rằng hoạt hình Việt Nam tiềm năng đến thế nào, và còn đó biết bao tâm hồn sáng tạo vẫn miệt mài tiến từng bước cho đến ngày ta có được tác phẩm được đón nhận trên màn bạc. 

Hãng phim Hoạt hình Việt Nam – Nơi hoạt hình Việt bắt đầu

Kênh YouTube TẠI ĐÂY

Được nhà nước thành lập và cho ra mắt tựa phim đầu tiên Đáng Đời Thằng Cáo ở định dạng đen trắng vào năm 1959, hãng phim Hoạt hình Việt Nam là “anh cả” trong ngành hoạt hình Việt. Sau hơn 60 năm, hãng đã phát triển từ một cơ sở nhỏ thành một xưởng phim với đầy đủ trường quay, phòng chiếu phim, phòng thu thanh, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ đạo diễn, biên kịch, hoạ sĩ chuyên nghiệp. Khởi đầu từ những thước phim ảnh động đơn giản, các dự án của hãng hiện nay đã bao gồm cả cắt giấy vi tính, 2D và 3D. Tổng cộng các dự án lớn nhỏ, hãng đã thực hiện hơn 500 phim, đây là một con số đồ sộ.

Rạp Thánh Gióng trực thuộc hãng khai trương tháng 1/2014, là rạp chiếu phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam với 2 phòng chiếu nhỏ. [Ảnh: Báo Pháp Luật]
Dịp hè 2021, hãng đã chọn lọc hơn 50 phim trong kho phim của mình để phát trên VTVGo, khiến không ít người ngạc nhiên vì độ đa dạng và triển vọng của hoạt hình Việt hiện tại. [Ảnh: VTVGo]

Hãng phim Hoạt hình Việt Nam nổi tiếng với những tựa phim chủ yếu hướng đến đối tượng thiếu nhi, thông điệp thường đơn giản, đậm tính ngụ ngôn, định hướng giáo dục. Quà Tặng Cuộc Sống, Khoảnh Khắc Kỳ Diệu là một số cái tên điển hình, với những tập phim ngắn kể câu chuyện nhỏ và rút ra bài học cuộc sống đã trở thành một phần quen thuộc trong thực đơn truyền hình của các em nhỏ. Truyện cổ tích, dân gian cũng là nguồn cảm hứng phổ biến để dựng thành loạt phim dài kỳ. Tuy nhiên, đa số những tác phẩm dạng này đều có hình ảnh đơn giản, chuyển động hạn chế và không áp dụng công nghệ hiện đại. 

Tập phim có lượt xem cao nhất trên kênh YouTube hơn 630 nghìn lượt đăng ký của hãng đã đạt 30 triệu lượt xem dù có đồ hoạ đơn giản. 

Nhận thức được sự cứng nhắc của các loạt phim truyền thống, các bộ phim của hãng trong vài năm trở lại đây đã đa dạng hoá về ý tưởng gốc, đồng thời áp dụng nhiều kỹ thuật làm phim 3D. Lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử, các tựa phim 3D nổi bật đã ra đời, tiêu biểu như Kim Đồng – Anh Hùng Nhỏ Tuổi hay Cậu Bé Cờ Lau được vinh danh ở Liên hoan phim cấp quốc gia. Phim đề tài đời thường, kì bí bắt đầu được khai thác nhiều hơn nhưng ý tưởng vẫn còn đơn giản. 

Một số phim hoạt hình đa thể loại được hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất trong năm 2021. [Ảnh: Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh]

Trong kho phim chủ yếu chỉ dành cho thiếu nhi của hãng, vẫn có những tựa phim có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả, đơn cử như loạt phim Lịch sử Việt Nam. Phim Con Chim Gỗ giành giải Bông Sen Vàng 2020 và Cánh Diều Vàng 2021 xoay quanh những nhận thức của một con chim gỗ sau khi được đặt làm mồi để bẫy đàn chim thật cũng là một tác phẩm có ý tưởng, màu phim lạ và “dị” hơn hoạt hình thiếu nhi thường thấy, dù đồ hoạ vẫn còn chưa thật mượt mà. Có thể nói, dù vẫn chưa thể làm nên đột phá, Hoạt hình Việt Nam vẫn khiến khán giả trông đợi những sản phẩm chất lượng hơn trong tương lai. 

Phim hoạt hình ngắn Con Chim Gỗ, giành giải Cánh Diều Vàng 2020.

VinTaTa – Ngôi sao sớm nở chóng tàn

Kênh YouTube TẠI ĐÂY

Cuối năm 2016, Vingroup tiến công mảng hoạt hình với VinTaTa, bày tỏ tham vọng “tạo ra những bộ phim hoạt hình “made in Việt Nam” có công nghệ tinh xảo và hiện đại ngang tầm thế giới”. Hãng thiết kế nhân vật biểu tượng là chú khỉ Monta dựa trên loài voọc quần đùi trắng, quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam, với ý định nâng tầm linh vật này trở thành “đại sứ thương hiệu” cho các lĩnh vực du lịch, giải trí, các dịch vụ sản phẩm dành cho trẻ em của cả tập đoàn Vingroup. Để tìm kiếm kịch bản chất lượng, VinTaTa tổ chức cuộc thi Tác giả lừng danh và cuối cùng thành công đưa Monta vào cuộc phiêu lưu kỳ thú trong series Monta Trong Dải Ngân Hà Kỳ Cục – ý tưởng kịch bản từ nhóm The Whale Hunters, giành quán quân sau khi vượt qua hơn 800 đối thủ. 

Tháng 8/2018, Monta Trong Dải Ngân Hà Kỳ Cục chính thức ra mắt. Chuyện phim xoay quanh hành trình Monta cùng hội bạn “kỳ cục” đến những nơi “kỳ cục” để giải quyết những vấn đề “kỳ cục”, mang đến cho khán giả những tiếng cười giòn tan. Là thành quả của ê kíp hơn trăm người và có sự giúp đỡ phát triển kịch bản từ biên kịch kỳ cựu Jeffrey Scott – người từng chiến thắng 3 giải Emmy, phim nhận phản hồi rất tích cực nhờ cốt truyện đậm chất viễn tưởng, màu sắc tươi sáng, dàn nhân vật “kỳ cục” nhưng hết sức đáng yêu, cùng đồ hoạ không hề thua kém hoạt hình quốc tế.  

Monta đã thành công chiếm được cảm tình của nhiều khán giả. [Ảnh: VietTimes]

Hẳn nhiên, Monta Trong Dải Ngân Hà Kỳ Cục chưa phải một dự án quá mức đột phá về nội dung và chưa thể làm hài lòng các khán giả muốn điều gì đó sâu sắc hơn, nhưng đồ hoạ chuẩn quốc tế, hiệu ứng mượt mà và một câu chuyện nhiều hứng khởi, có không gian để phát triển dài hạn giúp bộ phim xứng đáng được ghi danh là bước ngoặt của hoạt hình Việt. Đáng tiếc là dù khởi đầu với nhiều hoài bão và sớm đạt được thành công nhất định, hành trình của Monta và những người bạn đành kết thúc khi VinTaTa rời khỏi đường đua hoạt hình Việt vào cuối năm 2019. 

Dù sớm nở chóng tàn, VinTaTa và Monta đã để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử hoạt hình Việt. [Ảnh: VinTaTa]

DeeDee Animation Studio – Mang ước mơ đưa hoạt hình Việt ra thế giới

Kênh YouTube TẠI ĐÂY

Đóng góp nhiều bộ phim nâng tầm hoạt hình Việt Nam trong những năm gần đây không thể không kể đến DeeDee Animation. Thành lập từ 2016, DeeDee hiện theo hướng cân bằng các sản phẩm truyền thông với đam mê sáng tạo hoạt hình nguyên bản. Hãng đã phụ trách nhiều dự án phim, MV âm nhạc, tiếp thị, giáo dục và hợp tác với các thương hiệu lớn trong và ngoài nước như Vincom, Vinamilk, JICA,… Hầu hết các sản phẩm của studio được sản xuất theo định dạng 2D, sử dụng phần mềm ToonBoom Harmony làm công cụ sản xuất chính. Đặc biệt, sản phẩm của DeeDee hướng đến đa dạng đối tượng, theo xu thế “hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em” mà các hãng phim thế giới đã đang khai thác mạnh mẽ. 

DeeDee Animation nhuần nhuyễn nhiều thể loại từ phim ngắn đến series, trung thành với hoạt hình 2D. [Ảnh: DeeDee Animation Studio]

Năm 2019, Đại Vương, Xin Hãy Tiết Chế! ra mắt đã tạo nên một sự khuấy động đáng kể. Khai thác sự kiện cướp dâu của Hưng Đạo Vương, phim thành công khơi dậy hứng thú tìm hiểu lịch sử nhờ cách kể chuyện dí dỏm và tạo hình nhân vật vừa hài hước vừa duyên dáng bứt khỏi lối mòn. Cũng trong năm này, hãng ra mắt web series ngắn Dịch Vụ Quỷ Sứ – phim hoạt hình châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội. 

Rút kinh nghiệm từ hai tác phẩm trên, mini series Yêu Kiều – Truyện Kiều phiên bản hoạt hình – đã trở thành sản phẩm nổi bật của studio với phần hình ảnh vẫn theo phong cách hài hước nhưng gọn gàng, sắc nét hơn, đồng thời “chơi lớn” mời nghệ sĩ Quang Thắng làm người thuyết minh cho phim. Nội dung Yêu Kiều cũng nhận đánh giá tích cực, đan xen hài hoà giữa hài kịch và bi kịch để khán giả dễ tiếp nhận mà vẫn không làm mất đi tinh thần của nguyên tác.

Một số dự án nổi bật của DeeDee

Với tham vọng sáng tạo phim hoạt hình gốc, DeeDee trình làng ý tưởng về Tàn Thể, một thế giới truyện hậu tận thế, nơi con người, người nhân bản, và máy móc cùng chiến đấu cho sự sống còn của nòi giống mỗi loài, qua phim ngắn Tàn Thể: Tiền Truyện. Tác phẩm đánh dấu bước nhảy vọt về chiều sâu nội dung lẫn đồ hoạ của studio, góp mặt tại nhiều liên hoan phim lớn nhỏ khắp thế giới và giành được một số giải thưởng, bao gồm giải Phim 2D xuất sắc nhất tại Liên hoan phim hoạt hình KHEM, Hoa Kỳ. Có thể nói DeeDee, dù vẫn còn lững chững, đang không ngừng tiến bước trên hành trình hiện thực hoá ước vọng đưa hoạt hình Việt ra thế giới.

Ý tưởng về Tàn Thể chưa đủ mới mẻ so với thế giới, nhưng đã là bước tiến lớn giúp ta tiến gần hơn đến một sản phẩm có chiều sâu thực thụ. [Ảnh: DeeDee Animation Studio]

Tàn Thể: Tiền Truyện, hoạt hình dành cho người trưởng thành đến từ DeeDee.

Colory Animation – Hướng đến phim điện ảnh hoạt hình

Kênh YouTube TẠI ĐÂY

Thành lập từ năm 2009, Colory thuộc vào hàng ngũ những studio “có tuổi” của Việt Nam. Khác với 3 hãng phim đã kể, Colory tập trung làm phim thương mại cho bên thứ ba, đồng thời đầu tư giáo dục các thế hệ làm phim hoạt hình mới. Phim quảng cáo của Colory có chất lượng rất cao từ hình ảnh đến nội dung, hợp tác cùng nhiều cái tên lớn trong ngoài nước như Vinamilk, Diana, Fristi, chuỗi siêu thị Con Cưng… Dù là sản phẩm thương mại, nhiều dự án có câu chuyện rõ ràng, chất liệu đa dạng, đồng thời có tiềm năng phát triển thành series hoàn chỉnh trong tương lai. 

Colory vẫn có những tác phẩm “nhà làm cho nhà xem”, tiêu biểu là phim ngắn 3D Dưới Bóng Cây năm 2011 gây xôn xao trong cộng đồng khán giả quan tâm hoạt hình Việt. Câu chuyện đơn giản theo chân 4 người bạn động vật, xử lý mạch lạc, thắt mở nút rõ ràng, gây ấn tượng mạnh nhờ đồ hoạ lung linh mát rượi. Thời lượng 7 phút ngốn 5 tháng của nhóm làm phim, tại thời điểm đó chỉ gồm 7 bạn trẻ độ tuổi từ 18 đến 28. 

Dưới Bóng Cây – 7 phút hoạt hình 3D giúp cái tên Colory vụt sáng. 

Bù lại việc thiếu vắng tác phẩm gốc bấy lâu nay, sắp tới, Colory dự định phát triển phim điện ảnh Dưới Bóng Cây: Hành Trình Trở Về, dựa trên niềm tự hào hơn một thập kỷ trước của chính mình. Đây là dự án tham vọng nhất của hãng từ trước đến nay, hiện đã công bố teaser đầu tiên, thiết kế nhân vật và concept cho khán giả chiêm ngưỡng, tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ. Hãy cùng đón chờ xem liệu movie này có thể đánh thêm dấu son mới cho nền điện ảnh hoạt hình của Việt Nam. 

Teaser Movie: Dưới Bóng Cây: Hành Trình Trở Về

Red Cat Motion Studio – Không có biên giới cho sự sáng tạo

Kênh YouTube TẠI ĐÂY

Mặc dù hầu hết sản phẩm hoạt hình của Red Cat Motion đều chỉ phục vụ quảng cáo, studio này xứng đáng một suất lọt vào “mắt xanh” của khán giả quan tâm hoạt hình Việt bởi sự đa dạng trong ý tưởng, thể loại, cách truyền tải đều thật sự nổi bật. Được thành lập năm 2012, Red Cat có hướng phát triển tương tự Colory, tập trung vào truyền thông thị giác, thực hiện video cho công ty trong ngoài nước thay vì các sản phẩm cá nhân. Từ khi thành lập, hãng đã hoàn thành khối lượng dự án đồ sộ, đa thể loại, đa hình thức, có cả phim và series các hãng nước ngoài đặt hàng. Grab, Coca Cola, Heineken, Biti’s… là những cái tên tiêu biểu từng “chọn mặt gửi vàng” hãng phim này. 

Red Cat là một “đầu não” ý tưởng hết sức phong phú. [Ảnh: Red Cat Motion]

Phim hoạt hình Con Rồng Cháu Tiên dài 23 phút do Biti’s khởi xướng và Colory thực hiện là minh chứng rõ nhất cho triển vọng tuyệt vời của studio này. Tác phẩm khi ra mắt vào tháng 11/2017 đã thu về 3 triệu lượt xem chỉ sau 24 giờ, được đánh giá đã kể lại truyền thuyết quen thuộc một cách sinh động, góp phần mang những giá trị dân gian đến gần hơn với thế hệ trẻ. 

Con Rồng Cháu Tiên là sản phẩm khá chỉn chu, thu hút sự quan tâm lớn của khán giả. [Ảnh: Red Cat Motion]

Red Cat cũng không từ bỏ tham vọng có tác phẩm hoạt hình gốc của riêng mình. Video Chúng Ta Là Người Việt Nam được studio ra mắt trong năm 2017 là thành quả sau tận 2 năm tận dụng thời gian trống giữa các dự án thương mại dày đặc. Đoạn phim lấy cảm hứng từ lịch sử hào hùng của dân tộc và truyền đi thông điệp về lòng yêu nước, gói trọn nhiều dấu ấn quật cường chỉ trong thời lượng ngắn ngủi. 

Video ngắn Chúng Ta Là Người Việt Nam

Năm 2020, Red Cat Motion thông báo thực hiện phim ngắn 8 phút U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ như một phần của vũ trụ Hành Trình Nhân Quả do studio tạo ra. Sau một thời gian chậm tiến độ, phim đã chính thức công bố teaser hồi tháng 3/2022 và được chọn tham gia tranh giải tại Seattle International Film Festival [SIFF] và Stuttgart International Animated Festival [ITFS]. Với phần đồ hoạ tỉ mỉ không thua kém anime, không khí đậm màu huyền hoặc bổ trợ cho câu chuyện kì thú, tựa phim là sản phẩm đáng trông đợi với người thích hoạt hình Việt. 

U Linh Tích Ký dự kiến là một sản phẩm có đồ hoạ đẳng cấp của hoạt hình nước nhà. 

Video liên quan

Chủ Đề