Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là gì

Vừa qua, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc [UNDP] và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu RBP trong khuôn khổ Tuần lễ DN có trách nhiệm [19 - 24/4/2021]. Nghiên cứu được thực hiện cùng với Công ty tư vấn T&C, tập trung vào các vấn đề lao động, môi trường và quản trị, với dữ liệu được thu thập thông qua các cuộc thảo luận nhóm tập trung, phỏng vấn các doanh nghiệp đại diện, và khảo sát gần 300 doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mục đích của nghiên cứu là cung cấp thông tin thực chứng cho việc xây dựng các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời hướng dẫn chiến lược hướng tới một môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững hơn, tôn trọng con người, bảo vệ hành tinh và mang lại thịnh vượng cho Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chưa đến một nửa số doanh nghiệp nhỏ trong nước được hỏi có hiểu biết đầy đủ về RBP, trong khi 81% doanh nghiệp nhà nước hiểu đầy đủ về khái niệm và ý nghĩa của kinh doanh có trách nhiệm.

Cụ thể, 84-90% doanh nghiệp được hỏi tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về các vấn đề lao động [ví dụ như bảo hiểm; chế độ khen thưởng và phúc lợi; an toàn và vệ sinh]. Tỷ lệ tương ứng đối với vấn đề bảo vệ môi trường là 50-73%.

Các doanh nghiệp cho biết thực hành kinh doanh có trách nhiệm liên quan đến tiêu chuẩn lao động được ưu tiên vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Còn các vấn đề môi trường có những điểm chưa rõ ràng và chế tài tương đối yếu nên chưa được ưu tiên bằng vấn đề lao động.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó, Nghiên cứu chỉ ra, DN càng lớn và tham gia hội nhập toàn cầu càng nhiều thì mức độ thực hiện kinh doanh có trách nhiệm càng cao. Trong khi đó, DN vừa và nhỏ trong nước thường ít tiếp xúc với thị trường quốc tế và có nguồn lực, năng lực tài chính, kỹ thuật hạn chế. Họ đã phải rất nỗ lực trong việc tuân thủ ngay cả những quy định tối thiểu về môi trường do luật pháp quy định. 

Ngược lại, DN có vốn nhà nước và DN nước ngoài có nhiều cơ hội để tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, do đó, các DN này có áp lực phải thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm để đảm bảo danh tiếng, quản lý rủi ro cũng như duy trì mối quan hệ với khách hàng quốc tế.

Thực tế cũng cho thấy áp lực càng lớn thì mức độ thực hiện càng cao. Áp lực tác động đến thực hiện kinh doanh có trách nhiệm bao gồm cả áp lực bên ngoài [yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc gia, chế tài xử phạt nếu không thực hiện, yêu cầu của khách hàng và nhà cung cấp], áp lực bên trong [sức ép từ cổ đông, người lao động].

Theo Nghiên cứu, mặc dù mức độ thực hiện kinh doanh có trách nhiệm khác nhau, nhưng hầu hết các DN không thực hiện các thực hành nằm ngoài phạm vi tuân thủ các quy định pháp luật của Chính phủ. 84 - 90% DN được hỏi tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về các vấn đề lao động liên quan tới chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc [bảo hiểm; chế độ khen thưởng và phúc lợi; an toàn và vệ sinh…]. Đây là tỷ lệ tuân thủ cao nhất so với các vấn đề khác, quản trị và môi trường lần lượt là 71% và 66%.

Nhìn chung, tương lai việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp là tích cực, nhưng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể thúc đẩy hơn nữa.

Theo nghiên cứu, hơn 60% doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện kinh doanh có trách nhiệm và 2/3 doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ áp dụng kinh doanh có trách nhiệm trong tương lai.

Các doanh nghiệp được hỏi đều thống nhất rằng xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia sẽ là cách tốt nhất hỗ trợ và đảm bảo sự nhất quán cho việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm trong thời gian tới.

Điều này cũng sẽ cho phép các kế hoạch đầu tư dài hạn hơn ở Việt Nam, giúp cho cho cộng đồng và các bên liên quan tin tưởng rằng quyền của họ được bảo vệ.

Ảnh minh họa.

Đại sứ Thụy điển tại Việt Nam, bà Ann Mawe, chia sẻ tại buổi công bố: "Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phục hồi xanh. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải gây tổn hại đến phát triển xã hội hoặc môi trường; ngược lại, nó thúc đẩy lợi nhuận, lợi thế so sánh và các mô hình kinh doanh mới".

Còn Phó đại diện thường trú của UNDP bà Sitara Syed cho rằng, sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 là cơ hội để Việt Nam tiến lên tốt đẹp hơn, thông qua phát triển các doanh nghiệp có trách nhiệm với con người và môi trường, và doanh nghiệp có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Bà Sitara Syed đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia đầu tiên của Việt Nam về Thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào năm 2022.

UNDP sẵn sàng hỗ trợ quá trình xây dựng Kế hoạch và các cuộc tham vấn với các bên liên quan trong các lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch Hành động Quốc gia.

Hoài Thương [Tổng hợp]

Kính thưa bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam,

Kính thưa ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,

Kính thưa các ngài Đại sứ, Trưởng các phái đoàn, các Đối tác phát triển,

Kính thưa các vị lãnh đạo các bộ ngành và cơ quan của chính phủ, các hiệp hội,

Kính thưa các vị khách quý!

Xin chào!

Hôm nay tôi rất vui khi được có mặt cùng các quý vị tại diễn đàn quan trọng này, nơi quy tụ đại diện của khu vực tư nhân và đặc biệt là các doanh nhân và nhà lãnh đạo nữ từ khắp các lĩnh vực kinh doanh đang phát triển hưng thịnh của Việt Nam. Chủ đề của sự kiện này - Kinh doanh có trách nhiệm - vô cùng đúng lúc và phù hợp. Khi xem xét tương lai kinh tế của Việt Nam, chúng ta thường nói về vai trò quan trọng của khu vực tư nhân, của các doanh nghiệp và doanh nhân như là động lực chính của tăng trưởng, việc làm và thịnh vượng.

Nhưng chúng ta thường ít quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trên thực tế, tôi nhớ đến lời của nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman, người đã viết vào năm 1970 là “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tăng lợi nhuận”. Quan điểm này cho thấy các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào phục vụ chủ sở hữu hoặc cổ đông của mình. Tôi cho rằng quan điểm này không còn đúng nữa.

Ngày nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được mở rộng. Mặc dù tất nhiên điểm mấu chốt vẫn quan trọng, nhưng sự chú trọng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã ngày càng thay đổi để đáp ứng nhiều bên liên quan hơn - những người bị ảnh hưởng bởi hoạt động trong quá khứ, hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Nhiều công ty - hoặc chính xác hơn là các nhà lãnh đạo và cá nhân trong những công ty này, giống như nhiều quý vị đang đại diện ở đây hôm nay - đang làm nhiều hơn những yêu cầu và nghĩa vụ pháp lý tối thiểu. Ngày nay, hầu hết các công ty có tầm nhìn xa ngày càng tập trung vào 3 chữ P cơ bản, đó là Con người [People], Hành tinh [Planet], và Lợi nhuận [Profit].

Thật vậy, ngày càng có nhiều công ty trên toàn cầu và tại Việt Nam đang đưa những vấn đề xã hội, môi trường và đạo đức vào hoạt động và chiến lược kinh doanh của mình. Ngoài việc sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ, và tất nhiên là tạo lợi nhuận nữa, các doanh nghiệp này nhận ra rằng họ đang đóng những vai trò xã hội quan trọng.

Họ đã nhận thấy, về lâu dài, lợi nhuận và lợi tức đầu tư của công ty phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn, bao hàm những vấn đề về kinh tế, xã hội và trách nhiệm của công ty. Họ tự nguyện theo đuổi các mối quan tâm xã hội và môi trường, ngoài những yêu cầu theo quy định pháp luật, từ những thực hành về lao động và việc làm, các vấn đề môi trường như đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hiệu quả tài nguyên và phòng ngừa ô nhiễm, đấu tranh chống nạn hối lộ và tham nhũng, cho đến tham gia và phát triển cộng đồng. Như vậy, các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội không chỉ đóng góp vào kết quả kinh tế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa nhập xã hội, môi trường bền vững và quản trị tốt thông qua chuỗi cung ứng. Những nguyên tắc này cũng được phản ánh trong Hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp Quốc, theo đó các doanh nghiệp cam kết thực hiện 10 nguyên tắc trong các lĩnh vực nhân quyền, lao động, môi trường và chống tham nhũng.

Tất nhiên, tất cả những điều này là tin tốt cho xã hội. Nhưng nó cũng thường làm cho hoạt động kinh doanh có ý nghĩa tốt. Chúng ta sống trong một thế giới nơi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dấu ấn môi trường và xã hội của các sản phẩm và dịch vụ mà họ tiêu thụ. Nhiều nhà đầu tư cũng tìm kiếm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị khi đưa ra quyết định đầu tư. Ví dụ, hầu hết các ngân hàng quốc tế - không chỉ Ngân hàng Thế giới mà cả các ngân hàng thương mại hàng đầu, như Citi và HSBC - đã cam kết góp phần giảm thiểu tác động đến khí hậu và đưa ra các chính sách để giảm thiểu nguồn tín dụng tài trợ cho các nhà máy than. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm tìm kiếm các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, nhằm mục đích kết hợp lợi nhuận với những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Mục tiêu của họ rất rõ ràng: Những nhà đầu tư này muốn đóng góp cho xã hội, đồng thời tạo lợi nhuận. Vì vậy, chú ý đến những vấn đề này và đảm bảo doanh nghiệp phát triển mạnh, không chỉ về kinh tế mà cả về mặt xã hội và môi trường, có thể mang lại những lợi ích tích cực.

Ngày nay tại Việt Nam, chúng ta cũng bắt đầu thấy sự khởi đầu của một xu hướng hướng tới trách nhiệm lớn hơn của doanh nghiệp và ý thức đạo đức rộng hơn trong kinh doanh - và sự kiện ngày hôm nay thực sự là một minh chứng rõ ràng cho xu hướng đó. Đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn, bao gồm cả các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước, đã thấy rõ là để phát triển bền vững, họ cần tuân thủ những tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, quyền lao động, an toàn lao động, trả lương công bằng, quản lý người tài và phát triển cộng đồng.

Chẳng hạn, gần đây tôi có cơ hội đến thăm trường đại học FPT tại Hà Nội. Hiện có hơn 20.000 sinh viên đang theo học tại trường đại học tư thục được FPT, công ty CNTT lớn nhất Việt Nam, thành lập vào năm 2006 và vẫn đang tiếp tục hỗ trợ này. Trường đại học FPT đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng các tài năng CNTT, đào tạo những lập trình viên và kỹ sư phần mềm mà sau này sẽ đảm nhận các vị trí không chỉ tại FPT, mà còn các công ty CNTT khác. Tất nhiên điều này giúp cho FPT, nhưng đây cũng là một dịch vụ cho những tài năng trẻ đang tìm cách phát triển các kỹ năng liên quan.

Nhưng không cần phải là một doanh nghiệp lớn để thực hiện các chiến lược kinh doanh có trách nhiệm. Ví dụ, doanh nghiệp khởi nghiệp Fablab tại TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy đổi mới bằng cách trao quyền cho các nhà sáng chế - nhiều người trong số đó vẫn là sinh viên. Fablab đã tạo ra một không gian cho cộng đồng đông đảo các nhà sáng chế được thử nghiệm, chế tạo và đưa ra giải pháp cho các vấn đề xã hội. Gần đây nhất, FabLab Saigon, cùng các đối tác của mình, đã tổ chức một sự kiện kéo dài 72 giờ để thiết kế giải pháp công nghệ cho trẻ em khuyết tật.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều ví dụ. Trên thực tế, báo cáo “Đóng góp từ thiện của doanh nghiệp tại Việt Nam” được thực hiện vào năm 2016 cho thấy trong số hơn 500 công ty được nghiên cứu, khoảng ¾ đã tham gia vào một số hình thức từ thiện trong 12 tháng qua. Nghiên cứu cũng cho thấy quy mô kinh doanh là một yếu tố thúc đẩy chính cho hoạt động từ thiện. Các doanh nghiệp lớn nhất cũng là những đơn vị đóng góp nhiều nhất. Khoảng 96% công ty có trên 500 nhân viên đã tham gia vào hoạt động từ thiện. Ngược lại, chỉ có 46% doanh nghiệp có từ 10 nhân viên trở xuống - chiếm phần đông các doanh nghiệp đã đăng ký tại Việt Nam - tham gia vào các hoạt động xã hội.

Do đó, mặc dù có lý do chính đáng để lạc quan, chúng ta nên lưu ý rằng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa phải là một tiêu chuẩn được chấp nhận hoặc thực hành rộng rãi ở Việt Nam. Chúng ta thường thấy điều này được coi là hoạt động từ thiện của công ty, chứ không phải là một nhân tố thiết yếu trong một chiến lược kinh doanh bền vững.

Công chúng thường và có cơ sở chính đáng để kỳ vọng khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là đối tác của cả chính phủ và cộng đồng. Những hình thức hợp tác này có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho cộng đồng nơi các công ty hoạt động, tìm ra những phương pháp mới và hiệu quả hơn để cùng nhau xây dựng vốn xã hội nhằm giúp giải quyết một số vấn đề xã hội và môi trường cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta, trong đó có bất bình đẳng và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.

Chúng ta đã đi một chặng đường dài kể từ thời của Milton Friedman. Nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để lợi nhuận, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh này tiếp tục song hành. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là phải nắm bắt những cơ hội đó và tối đa hóa sự đóng góp của doanh nghiệp nhằm đạt được không chỉ lợi nhuận, mà cả lợi ích chung. Và nếu làm tốt, chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi sự khác biệt mà chúng ta có thể tạo ra - sự khác biệt chúng ta có thể tạo ra để hành tinh và con người phát triển tốt hơn, và - vâng - cũng là để tạo lợi nhuận nữa.

Xin cảm ơn!

Video liên quan

Chủ Đề