Văn học so sánh nghiên cứu và dịch thuật

Trang chủ » Văn hóa

Dịch thuật văn học: Bao giờ thôi tranh luận?

Thi Thi
Đánh giá tác giả:
07:24 chủ nhật ngày 14/06/2015
Tăng kích thước font chữ Giảm kích thước font chữ In bài viết Gửi bài viết
[HNM] - Câu trả lời có lẽ là không bao giờ, nhất là khi bản thân những người dấn thân với dịch thuật cũng không ngừng băn khoăn về những vấn đề của lý luận lẫn thực tiễn của chuyển ngữ văn học.

Từ việc dịch hướng nguồn [sát văn bản gốc, giữ lạ tính, cấu trúc "tây hóa"...] đến việc dịch hướng đích [Việt hóa tối đa...]; rồi tiêu chí cho phê bình văn học dịch, các nghiên cứu, quan điểm sâu về lĩnh vực này... Một vài khía cạnh dịch thuật và văn học dịch được các nhà nghiên cứu, dịch giả đề cập tại tọa đàm "Dịch thuật có thể và có thể" do Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 10-6...

Dịch thuật có thể?


Hiện nay, chỉ cần nhìn vào giá sách của các nhà sách là đã thấy văn học dịch chiếm một tỷ lệ lớn, trở thành phần quan trọng của đời sống văn học đương đại... Vì thế, bàn về câu chuyện này cũng là tìm kiếm những phương thức để có những bản dịch chất lượng và hơn thế còn là cách để độc giả tiếp cận tác phẩm văn học dịch một cách hiệu quả nhất có thể.

Văn học dịch chiếm một tỷ lệ lớn trên giá sách của các nhà sách. Ảnh: Bảo Lâm


TS Trần Ngọc Hiếu [giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội] phân tích một nghiên cứu thú vị của tiểu thuyết gia Adam Thirlwell [một tác phẩm tiếng Anh đã được dịch nối liên tiếp từ các ngôn ngữ, bản dịch ngôn ngữ này được dịch tiếp ra ngôn ngữ khác, sau đó lại được dịch ngược về tiếng Anh để so sánh sự khác biệt], TS Trần Ngọc Hiếu chỉ ra thể nghiệm của Adam mang tham vọng giải phóng dịch thuật khỏi định kiến phục tùng bản gốc; tạo ra "một chuỗi các nguyên tác"; thách thức những khuôn mẫu chính thống về dịch thuật: "Bản dịch không phải là một sự thay thế mà là một sự tương ứng... Mỗi bản dịch vì thế là một cách đọc".

Tuy nhiên, từ nghiên cứu trên, TS Trần Ngọc Hiếu cũng cho rằng: Quan điểm về bản dịch tự do, mở rộng sự can thiệp của tác giả vào nguyên tác sẽ đồng thời dẫn đến nguy cơ đánh mất trữ lượng văn hóa tiềm tàng trong bản gốc... Anh cũng nêu lên một số suy ngẫm về việc nghiên cứu lịch sử dịch thuật Việt Nam như: Khả năng tương thích giữa phong cách của dịch giả với phong cách của nguyên tác; sự liên hệ bề sâu giữa các dịch giả vốn là nhà văn có nhiều đổi mới với hoạt động dịch thuật của họ...?

Còn dịch giả Nguyễn Duy Bình [Phó Giám đốc NXB Đại học Vinh, từng dịch các tác phẩm văn học Pháp đáng chú ý như "Lời hứa lúc bình minh", "La Mã sụp đổ"...] đã đưa ra một góc nhìn thú vị rằng, có những tác phẩm bất khả dịch, vậy phải làm thế nào? Đó là những tác phẩm với khái niệm lạ, chưa có trong văn hóa đích, hoặc chưa được dịch giả tiếp cận; những cách nói quá mơ hồ; các hình thức chơi chữ... Khó thế nhưng theo các dịch giả thì vẫn phải tìm cách chuyển tải, không vì thế mà bỏ tác phẩm...

Như vậy, rõ ràng không chỉ ở Việt Nam mà hiện nay trên thế giới những tranh luận về quan niệm dịch thuật vẫn tiếp tục, thậm chí không ngừng đặt ra những vấn đề, xu hướng mới... Bản thân các dịch giả có quyền chọn lựa cho mình một phong cách, nhưng còn độc giả chúng ta, hiểu bếp núc dịch thuật có phải để đọc tác phẩm một cách tốt hơn?

Đọc bản dịch tác phẩm văn học

Đọc nói chung luôn cần phản biện, các nhà tâm lý, nghiên cứu khi viết sách bao giờ cũng nói đại ý "đừng tin hoàn toàn vào điều tôi nói, cũng như đọc sách không phải là tin hoàn toàn vào sách mà hãy suy ngẫm, tương tác...".

Bạn đọc nhiều thế hệ ở nước ta từng rất ấn tượng với nền văn học Nga - Xô viết, văn học lãng mạn Pháp, Anh... qua những bản dịch làm say mê lòng người. Thậm chí, đối với không ít người những đoạn văn đâu đó trong tác phẩm còn ngân vang trong họ suốt những năm tháng sau này. Dám chắc, đa phần các độc giả không đọc được bản gốc và người ta đã tin, yêu bản dịch ấy như một tác phẩm độc lập, chưa từng hoài nghi nó liệu có sát với bản gốc, có hay như hoặc hơn bản gốc không?

Tất nhiên, độc giả cũng có nhiều cách để cảm thụ văn bản, nhận ra được những bất cập trong dịch phẩm; ví như đọc lên thấy phi lôgic, hoặc nghe lủng củng, hoặc "nghe đúng là văn dịch"... Cũng cần phải nói, một tác phẩm văn học dịch được cộng hưởng tới đâu còn phụ thuộc vào "tầm đón đợi" của độc giả. Đã có nhà văn Việt Nam thừa nhận hâm mộ các dịch giả nổi tiếng của ta lắm, nhưng đọc dịch phẩm của họ thấy chưa thấm được, đơn giản vì bản gốc cũng đã khó đọc rồi...

Nhiều rào cản như vậy, nhưng đúng như dịch giả Nguyễn Duy Bình cho biết: "Cố gắng dịch vừa sát nghĩa vừa hay, không thất thoát nghĩa, tránh diễn đạt ngô nghê, khó hiểu... Dịch thuật, phản xạ ngôn ngữ [thể hiện trình độ ngôn ngữ và văn chương của người dịch] là rất quan trọng". Anh cũng phân tích độc giả Việt Nam thường quen với lối đọc tuyến tính, dễ hiểu... Thế nhưng tiểu thuyết phương Tây ngày càng cách tân về hình thức, cấu trúc, lối kể phi tuyến tính, phi thời gian, lồng ghép các cốt truyện... Xu thế dịch hướng nguồn cũng biểu hiện rõ hơn thể hiện ở các bản dịch của dịch giả hôm nay như Dương Tường, Lê Hồng Sâm, Cao Việt Dũng... so với cái thời dịch hướng đích, Việt hóa đậm nét như lớp dịch giả đầu thế kỷ XX như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, hay dịch giả trước năm 1975 như Bùi Giáng, Vũ Đình Lưu...

Như vậy, dịch thuật dù theo quan niệm "dịch là phản" hay cởi mở hơn "dịch là đồng sáng tạo" thì vẫn cứ là một công việc nhọc nhằn. Dịch văn học đối với một đất nước chưa bao giờ là việc không nên làm, thậm chí soi vào lịch sử nhiều quốc gia thì dịch thuật, trong đó có dịch văn học đã được xem là động thái canh tân đất nước.

Được biết, những trao đổi về dịch thuật như trên sẽ còn được Nhã Nam tiếp tục tổ chức, hướng đến một sinh hoạt định kỳ hai lần một năm, tạo sân chơi cho dịch giả, độc giả yêu văn học dịch.
Dịch thuật văn học: Bao giờ thôi tranh luận? Đóng Tự trình chiếu Dừng trình chiếu
Chia sẻ Facebook Chia sẻ Google Plus Chia sẻ Twitter Chia sẻ Zalo Tới khu vực bình luận In bài viết Gửi bài viết
Từ khóa: Dịch thuật văn học

Video liên quan

Chủ Đề